Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Người giàu nhất Malaysia chia sẻ kinh nghiệm làm giàu

Vua đường, đồng thời người sở hữu chuỗi khách sạn Shangri-La, người đàn ông giàu nhất Malaysia, ông Tan Sri Robert Kuok, 87 tuổi, gần đây chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.
Vua đường, đồng thời người sở hữu chuỗi khách sạn Shangri-La, người đàn ông giàu nhất Malaysia, ông Tan Sri Robert Kuok, 87 tuổi, gần đây chia sẻ kinh nghiệm làm giàu trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Hầu hết các tờ báo của Trung Quốc cho biết ông Kuok ngại phương tiện truyền thông và hiếm khi đồng ý để được phỏng vấn. Trong số các chủ đề nêu ra, ông nói về bước đột phá của ông vào ngành công nghiệp du lịch ở Trung Quốc, liên doanh với các doanh nghiệp đường và mẹ ông.
Kinh doanh khách sạn
Ông Kuok nói khi lần đầu tiên ông tham gia vào ngành công nghiệp du lịch của Trung Quốc, cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà vệ sinh tại Trung Quốc, tồi tệ khiến ông không tin nước này có thể thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, ông cảm giác rằng Trung Quốc sẽ có ngành công nghiệp du lịch thịnh vượng nhất vì họ có di tích lịch sử và các địa điểm tham quan.
Ông Kuok là người xây dựng khách sạn Shangri-La đầu tiên tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) vào những năm 1980. Ngày nay, toàn thế giới có 72 khách sạn Shangri-La, trong số đó có 34 khách sạn ở Trung Quốc. Hiện tại, 45 khách sạn đang được xây dựng thêm, trong đó 28 khách sạn ở Trung Quốc.
Ông Kuok cho biết khách sạn là ngành công nghiệp dịch vụ phụ thuộc vào nhân viên phục vụ khách hàng, từ người quản lý đầu tàu đến người lao động bình thường. Vì vậy, quan tâm chăm sóc nhân viên trở thành nguyên tắc của ông ngay từ lần đầu tiên bước chân vào ngành công nghiệp này. “Trách nhiệm lớn nhất của ban giám đốc là chăm sóc nhân viên” - ông tâm sự.
Khởi nghiệp từ đường
Nhắc lại những năm đầu lập nghiệp, ông Kuok cho biết mẹ ông, bà Tang Kak Ji, và các anh em của ông quyết định thành lập công ty Kuok Brothers Ltd sau khi cha ông qua đời vào năm 1948. Trong các cuộc họp hội đồng quản trị, ông Kuok đề nghị đầu tư hết vào việc kinh doanh nhà máy đường tinh luyện. Bên cạnh gạo và lúa mì, đường cát cũng rất quan trọng trong ngành thực phẩm, ông lý luận.
Đường cát rẻ tiền nên là thứ có thể kiếm lợi nhuận, ông nói thêm. “Đường không giống như hóa dầu, đôi khi có nhu cầu, đôi lúc không. Vì vậy, cách đơn giản và khôn ngoan nhất để làm giàu là đầu tư vào các nhà máy đường tinh luyện” - ông nói.
Thành công nhờ nỗ lực
Ông Kuok cho biết để có được thành công như hôm nay, 90% phụ thuộc vào nỗ lực trong công việc, còn lại là trí tuệ. Thành công của ông trong kinh doanh nhà máy đường nhờ lúc đó ông trẻ tuổi và có thể nói tiếng Anh.
Ông cho biết các doanh nhân mà ông đã gặp tại London và New York đã tò mò khi ông - một người Trung Quốc, có thể nói tốt tiếng Anh. Ông phải quản lý năm đến sáu văn phòng trong ngày và ăn tối cùng các quản lý công ty để tìm hiểu ý kiến của họ. Lúc ông đi ngủ cũng đã gần một giờ sáng.
“Tôi nghĩ nhiều người thông minh hơn tôi. Tuy nhiên, cuộc sống về đêm của họ lại lộn xộn hơn. Hôm sau, họ sẽ ngủ gục tại bàn làm việc. Tôi không ngủ, vì vậy, tôi làm việc tốt hơn” - ông nói.
Ông cho biết những người muốn dấn thân vào kinh doanh phải có lòng can đảm. “Mỗi doanh nghiệp có rủi ro riêng. Nếu bạn không đủ can đảm, bạn sẽ luôn luôn nghèo” - ông nói.
Ông Kuok, người giữ vị trí giàu nhất Malaysia từ năm 2006 khi tạp chí Forbes châu Á bắt đầu xếp hạng 40 người giàu nhất Malaysia, cho biết ông không thích tiền. Tuy nhiên, ông hy vọng các công ty của ông sẽ tiếp tục tạo ra nhiều lợi nhuận để tất cả nhân viên có tiền thưởng.
Ông Kuok nói thông thạo tiếng Hoa, thừa hưởng từ mẹ, người luôn dạy ông phải ghi nhớ nguồn gốc. Ông cho biết mẹ ông là người có ảnh hưởng nhất đối với ông. Bà luôn khuyên ông phải khiêm nhường, giúp đỡ người nghèo và hy vọng ông sẽ là doanh nhân có đạo đức tốt.

Bí quyết tăng 600% doanh số bán hàng trực tuyến

Sau mỗi chuyến đi, cha của Shauna Mei mua về cho cô một món quà kèm câu chuyện thú vị đằng sau món quà đó. Cô bé Mei trở thành người sáng lập trang web AHAlife – chuyên “săn” đồ độc trên thế giới.

Shauna Mei-người sáng lập nên AHAlife.com
Các nhà tài trợ “vàng” thường dễ xiêu lòng trước một câu chuyện hay nên những sản phẩm có cốt truyện hay nhất là những sản phẩm bán chạy nhất.

Shauna Mei là một cô gái người Trung Hoa, con của một cán bộ nhà nước rất hay phải đi công tác nước ngoài. Sau mỗi chuyến đi, cha cô thường mua về cho cô một món quà và kèm theo những câu chuyện thú vị đằng sau món quà đó.

“Với tôi, mua sắm luôn mang lại niềm vui, cảm giác hồi hộp và háo hức như được khám phá gì đó. Một chiếc túi bằng da đẹp đẽ do một gia đình có truyền thống lâu đời ở một thị trấn nhỏ ở Italy làm ra thường làm tôi mê mẩn, trái ngược hoàn toàn với một chiếc túi nhái hàng hiệu sản xuất tại Trung Quốc. Tôi thích được tìm hiểu những thứ mình mua và trân trọng câu chuyện ẩn chứa trong đó” – Mei tâm sự.

Và cô bé Mei ngày đó giờ trở thành người sáng lập của trang web AHAlife – một trang web chuyên “săn” đồ độc từ khắp nơi trên thế giới để bán.

Phóng viên trang web Businessinsider đã có cuộc trao đổi với Mei về cách thức để bán không chỉ một dịch vụ hay sản phẩm mà cả những câu chuyện đằng sau dịch vụ, sản phẩm đó. Và dưới đây là bí quyết của cô.

Tiết lộ nguồn cảm hứng

Tại sao bạn quyết định làm sản phẩm đó? Sản phẩm đó có lấp đầy chỗ trống trên thị trường? Giây phút xuất thần là gì? Hãy kể cho khách hàng nghe điều gì đã làm cháy lên ngọn lửa đam mê trong bạn đối với dịch vụ hay sản phẩm đó.

Theo Mei, được nghe ai đó nói về buổi ban đầu của họ và nguồn cảm hứng cho buổi ban đầu ấy là điều cực kỳ quan trọng. “Mỗi lần có một nhà thiết kế “đầu quân” tôi đều hỏi về quê quán của họ và nơi họ đã học. Sản phẩm thì được đấy nhưng quan trọng hơn nữa là cơ duyên nào đã đưa bạn đến với sản phẩm đó”.


Một số sản phẩm của AHAlife

Công khai quy trình

Nếu đó là sản phẩm bắt nguồn từ niềm đam mê và bạn cũng muốn người tiêu dùng yêu thích sản phẩm đó như bạn thì hãy chia sẻ với họ quy trình làm ra sản phẩm. Hãy chụp ảnh và chú thích mọi công đoạn từ ý tưởng cho đến hình thành sản phẩm, sản xuất, đóng gói và xuất bán. Đưa những hình ảnh và thông tin đó lên blog là một cách rất tốt để “trưng” ra quy trình làm sản phẩm.

“Có thể bạn không thấy điều này có ý nghĩa gì nhưng với những con người của “chất lượng” thì nó lại rất quan trọng” – Mei nói. Cô cho biết khách hàng của công ty mình thường quan tâm đến chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm.

Vì các nhà tài trợ “vàng” thường dễ xiêu lòng trước một câu chuyện hay nên Mei nhanh chóng nhận ra rằng những sản phẩm có cốt truyện hay nhất là những sản phẩm bán chạy nhất. Những chiếc khăn làm từ lông bò tơ Tây Tạng trên trang web AHAlife có giá tới 1.100 USD mà vẫn bán chạy là bằng chứng rõ nhất. Người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận giá cao khi biết phải tốn bao thời gian, công sức và cả sự khéo léo để làm ra sản phẩm hay dịch vụ đó.

“Nếu chỉ xem ảnh thì có thể bạn thấy sản phẩm đó chẳng đáng giá gì. Nhưng nếu bạn được nghe giới thiệu về nó và thấy tận mắt quy trình để làm ra nó trên slideshow của chúng tôi, bạn sẽ nhìn nó bằng một con mắt khác”.



Giới thiệu những điểm khác biệt

Đây là cơ hội để bạn nói lên mối quan hệ có thể có giữa người tiêu dùng và sản phẩm. Sản phẩm làm cuộc sống người tiêu dùng tốt hơn ra sao, tại sao lại thế? Hãy học và hiểu câu chuyện một cách thông suốt để lúc nào cũng có thể kể nó ra khi có ai đó muốn nghe.

“Có nhiều câu hỏi lúc nào cũng nằm sẵn trên “chót lưỡi, đầu môi” của những người tiêu dùng hiểu biết. Chính vì thế mà nhiều thế kỷ trước khi có kiểu “tiêu dùng vị tiêu dùng” như hiện nay, chúng ta đã mua hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới. Trên cả nhận thức về môi trường và xã hội, giờ tất cả là nằm ở ý thức” – Mei nói.

Bao bì cũng quan trọng

Mei cho rằng bao bì cũng quan trọng ngang với sản phẩm hay dịch vụ. Chính cái vỏ đựng món quà mà cha cô mang về sau mỗi chuyến công tác làm cô thêm hồi hộp, sung sướng. Vì thế, bạn hãy lưu ý đến bao bì của sản phẩm – từ hộp đựng cho đến giấy gói, từ cỡ chữ, kiểu chữ cho đến màu sắc…- tất cả đều góp phần tôn lên hình ảnh sản phẩm.

“Bạn sẽ muốn người tiêu dùng cảm thấy họ như đang nhận một món quà khi mua sản phẩm của bạn. Bạn sẽ muốn tạo sự hấp dẫn bên ngoài sản phẩm" – Mei nhấn mạnh.

Sử dụng truyền thông xã hội để phát tán câu chuyện

Trong thế giới khách hàng là thượng đế, cạnh tranh bán hàng là vô cùng khốc liệt. Thế nên AHAlife tiếp tục khai thác sở trường “kể chuyện” của mình thay vì trở thành Fab.com, RueLaLa.com hay Gilt.com thứ hai.

“Nhờ giữ vững giá trị của mình, chúng tôi đã đạt được tốc độ tăng trưởng vũ bão 600% trong năm nay” – Mei nói. Cô cho biết AHAlife nhận được nhiều email và tweet của khách hàng nói họ thích những câu chuyện đằng sau sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm “hướng thiện” – sản phẩm do người nghèo sản xuất, sản phẩm không làm từ lông động vật….Chính những khách hàng đó lại chia sẻ các câu chuyện đó cho bạn bè người thân của mình qua các mạng truyền thông xã hội.

Theo Mei, văn hóa tiêu dùng giờ đã thay đổi và các nhà bán lẻ cũng cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế thời đại.

“Trong mắt tôi, AHALife là một công ty truyền thông kiểu mới có thêm nút “Mua hàng” – Mei nói. “Chỗ chúng tôi không có đối thoại một chiều mà luôn có sự phản hồi từ khách hàng và độc giả”.

Theo Học làm giàu / Businessinsider

05/10/2011: Ấn Độ xuất xưởng máy tính bảng giá chỉ 35 USD

Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Kapil Sibal của Ấn Độ tuyên bố máy tính bảng 35 USD (hơn 700.000 VND) chuẩn bị xuất xưởng vào ngày 05/10/2011.
Bộ trưởng Kapil Sibal giới thiệu nguyên mẫu máy tính bảng 35 USD

Giữa năm 2010, chính phủ Ấn Độ giới thiệu nguyên mẫu máy tính bảng có màn hình cảm ứng, được quảng cáo chỉ có giá 35 USD. Đây là sản phẩm được thiết kế dành cho sinh viên với các tính năng chính như lướt web, xử lý văn bản và hội nghị truyền hình.

Sản phẩm này đã bị trì hoãn quá nhiều lần, gây ra mối nghi ngờ liệu mẫu máy tính bảng này chỉ là “giấc mơ” không bao giờ thực hiện được, vì lúc bấy giờ giới công nghệ cho rằng không nước nào có thể sản xuất máy tính rẻ hơn Trung Quốc.

Mới đây, Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực của Ấn Độ, ông Kapil Sibal đảm bảo mẫu máy tính bảng này sẽ được phát hành vào ngày 05/10. Vậy là từ đầu tháng 10, những sinh viên may mắn sẽ có cơ hội sở hữu chiếc “máy tính bảng trong mơ” này.

Một số tính năng và thông số kỹ thuật của sản phẩm:

- Màn hình cảm ứng 7 inch

- 2 cổng USB

- Ổ cứng 32 GB

- RAM 2 GB

- Hỗ trợ hội nghị truyền hình

- Nội dung đa phương tiện

Kiếm tiền thời Facebook và iPhone

Hàng trăm ứng dụng trên điện thoại đang được “ra lò” mỗi ngày để phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng. Nhưng chắc ít người biết rằng, bên cạnh chức năng giải trí, còn có một chức năng tuyệt vời khác: kiếm tiền.

Một thế giới của các ứng dụng


Dù là dùng một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) hay một dòng điện thoại rẻ tiền, người sử dụng đang được tận hưởng sự bùng nổ của các tính năng và ứng dụng di động kỳ diệu. Hay là với chiếc iPad, bạn có thể sử dụng nó cho gần như bất cứ mong muốn gì của bạn, từ ngồi câu cá giải trí, đánh một bản nhạc cổ điển để giảm stress sau một buổi họp căng thẳng, cho đến quản lý các công việc hàng ngày. Số người sử dụng các sản phẩm di động và mạng xã hội đang tăng đột biến, và cùng với nó, ngành công nghệ lập trình ứng dụng cho điện thoại và mạng xã hội cũng bùng nổ, trở thành một bộ phận có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp lập trình nói chung.

Để đáp ứng mong đợi của người sử dụng, các công ty hay cá nhân chuyên lập trình các ứng dụng đang cố hết sức để hiểu nhu cầu cũng như giá trị các lựa chọn của người sử dụng để có thể trình làng những ứng dụng được yêu thích nhất. Không còn giới hạn ở các trò chơi và giải trí, những ứng dụng dành cho các mục đích kinh doanh đang ngày càng lên ngôi, khi các ông chủ doanh nghiệp đang dần nhận ra tiềm năng to lớn của việc dùng các ứng dụng trong việc lôi kéo khách hàng và tiếp thị các sản phẩm trong tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Các ứng dụng cho mục đích kinh doanh

Đã có hàng nghìn ứng dụng đủ loại, từ những ứng dụng đơn giản để chia sẻ tài liệu, ví dụ như SlideShare trên Facebook, đến những ứng dụng quản lý tài chính như MyMoney trên Facebook, hay những ứng dụng bán hàng và tiếp thị sản phẩm như Marketplace trên Facebook. Nhưng còn hơn thế nữa, bạn còn có thể đặt làm ra những ứng dụng cho riêng doanh nghiệp của mình, phù hợp với nhu cầu và tình hình cụ thể của riêng mình. Với các ứng dụng này, bạn có thể liên kết toàn bộ công việc kinh doanh vào chiếc smart phone, hoặc chỉ cần vào Facebook, bạn có thể thông tin liên lạc với các đối tác hay khách hàng từ bất cứ nơi nào, có thể cho thử nghiệm sản phẩm mới, khảo sát thị trường hay lấy ý kiến khách hàng.

Hiện nay, hai nền tảng (platform) phổ biến nhất với số người sử dụng các ứng dụng kinh doanh nhiều nhất chính là mạng xã hội Facebook, và các thiết bị iOS (là viết tắt của các thiết bị di động: iPhone, iPod, iPad) danh tiếng của hãng Apple.

Phát triển kinh doanh trên Facebook

Hiện nay, theo các con số thống kê, Facebook có khoảng 350.000 ứng dụng, đã được tải về hàng tỷ lượt. Các ứng dụng của Facebook rất hiệu quả trong việc giúp tiếp cận hàng triệu khách hàng và tạo ra một “platform” để các khách hàng tương tác với các sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp, gửi phản hồi cho bạn hoặc xem các phản hồi của khách hàng khác để dễ đưa ra quyết định.

Marketing theo kiểu truyền miệng vốn rất hiệu quả, và với một cộng đồng khổng lồ trên FB thì doanh thu bán hàng của bạn sẽ rất khả quan. Một cách hiệu quả nữa là xây dựng một ứng dụng FB của riêng doanh nghiệp mình, có đủ các tính năng để giao lưu với khách hàng, tổ chức họp, gửi thông báo cho khách hàng, nhận phản hồi, làm bản tin, và liên kết với fan page của bạn. Tất cả những việc này sẽ làm cho khách hàng hay đối tác của bạn thấy tin tưởng và ít ra họ cũng không thể quên bạn.

Tất nhiên, để viết ra những ứng dụng kỳ diệu đó đòi hỏi người lập trình không chỉ có công nghệ cao mà còn phải có đôi chút kiến thức về kinh doanh và chiến lược marketing. Để chắc ăn, bạn hãy lựa chọn những công ty sản xuất phần mềm chuyên sản xuất ứng dụng cho Facebook và điện thoại di động đã có đôi chút tên tuổi như: Facebook Guru (www.facebookguru.co.uk) là một trong số những tên tuổi lớn nhất.

Ngoài ra có thể kể đến www.inkatechnology.co.uk, www.socialfactory.net,hay www.mobiledevelopmentexperts.com.

“Mở tiệm” trên Facebook


Hiện nay Facebook đã lập ra một quỹ gọi là fbFund, có mục tiêu khuyến khích việc xây dựng những ứng dụng dùng trên Facebook. Bất cứ ai quan tâm đến việc mở một công việc kinh doanh trên Facebook có thể đăng ký để có cơ hội giành được số tiền tài trợ từ 25.000 – 250.000 đô la Mỹ. Facebook đầu tư 10 triệu đô la cho quỹ này, và con số này có thể tăng dần theo thời gian.

Bằng việc thành lập quỹ này, FB mong muốn làm cho môi trường các ứng dụng của mình ngày càng “đơm hoa kết trái”. Thông qua việc cắt giảm những trở ngại trong việc thành lập một công ty, các ông chủ của FB muốn tạo điều kiện để phát triển cộng đồng những nhà kinh doanh và đầu tư, khuyến khích họ mở một công việc kinh doanh mới mẻ và hấp dẫn trên FB. Theo các ông chủ của quỹ này, đây là một mô hình tài trợ mà các quỹ đầu tư khác nên học tập. Vậy thì, nếu như bạn đang ước mơ trở thành một ông chủ kinh doanh trên mạng xã hội có cộng đồng lớn nhất thế giới thì hãy nhanh nhanh vào Facebook và gõ chữ fbFund vào ô “Tìm kiếm”. 250.000 đô la Mỹ có thể là một khoản tiền đầu tư kha khá cho bạn khởi nghiệp?

Trở thành triệu phú từ việc sản xuất ứng dụng cho iPhone

Từ trước khi ra mắt các sản phẩm iPhone 3G đang được yêu thích trên toàn cầu, Apple đã công bố là hãng cho phép sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba. Tuy nhiên, để cho những ứng dụng này được bày bán trong Apple App Store (là cửa hàng trực tuyến bán các ứng dụng chính thức của hãng), để hàng triệu người sử dụng iPhone có thể tải về một cách hợp pháp, thì các công ty hay cá nhân viết ứng dụng phải trả một khoản phí để làm thành viên. Người viết ứng dụng có thể toàn quyền quyết định giá mà người sử dụng phải trả khi tải ứng dụng về máy của mình, và sẽ được hưởng 70% số tiền, còn 30% thì Apple sẽ thu lại. Với những ứng dụng có hàng trăm ngàn lượt người tải về, thu nhập của các công ty viết phần mềm ứng dụng chắc chắn không phải là nhỏ.

Nhận thấy tiềm năng kiếm tiền từ việc viết ứng dụng cho iPhone, rất nhiều công ty và cá nhân lập trình đã cho ra đời rất nhiều các ứng dụng thú vị và hữu ích để cung cấp cho Apple Store. Và tiềm năng đó đã trở thành hiện thực khi hãng Apple đã công khai doanh thu bán các ứng dụng iPhone là khoảng 2 triệu đô la Mỹ mỗi ngày ngay trong tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt iPhone 3G và App Store vào tháng 7 năm 2008. Đến tháng 4 năm 2009, doanh số bán đã ghi nhận lượt tải ứng dụng thứ 1 tỷ.

Ngày nay App Store vẫn cực kỳ phổ biến và các ứng dụng mới vẫn có hàng triệu lượt người mua mỗi tháng. Từ 500 ứng dụng khi ra mắt iPhone 3G vào tháng Bảy năm 2008, đến cuối tháng Giêng năm nay, App Store có hơn 400.000 ứng dụng, và đã ghi nhận hơn 10 tỷ lượt tải. Các công ty sản xuất ứng dụng cho Apple cũng đang kỳ vọng doanh số bán hàng còn lớn hơn nữa khi hãng này tiếp tục đưa ra các hỗ trợ về công nghệ để các ứng dụng ngày càng có những chức năng “khủng”.

Các ứng dụng của iPhone đang thực sự là xu hướng lớn nhất trong lĩnh vực lập trình, khi rất nhiều nhà lập trình đơn lẻ lẫn công ty đã trở nên giàu có chỉ từ việc viết những chương trình thú vị, sành điệu và hữu ích cho App Store của Apple. Kiếm tiền từ thị trường công nghệ vẫn là một cánh cửa rộng mở cho những ai ưa thích khám phá.

Mấu chốt để doanh nhân thành công trên thương trường

Khi nghĩ đến khởi nghiệp kinh doanh, các yếu tố mọi người thường sẽ nghĩ đến là tài chính, cơ hội, thị trường, nhân lực...Thực tế, đây chỉ là những yếu tố bên ngoài bởi quan trọng hơn cả là những đòi hỏi bên trong.



Nền tảng bên trong
Khi nghĩ đến khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh, các yếu tố thông thường mọi người sẽ nghĩ đến là tài chính, cơ hội, thị trường, nhân lực...
Thực tế, đây chỉ là những yếu tố bên ngoài. Quan trọng hơn cả của một doanh nghiệp là doanh nhân, người đứng đầu và người đứng đầu ấy, cần phải giải quyết được những đòi hỏi bên trong.
Nếu như marketing đòi hỏi phải có 7P, bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá), Promotion (Khuyến mãi), Place (Phân phối), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị) và People (Con người), thì việc trở thành doanh nhân, theo tôi cần chỉ có 3 chữ P quan trọng để làm nên thành công.
Đầu tiên là Passion - đam mê. Đam mê ở đây không gói gọn nghĩa trong việc yêu thích công việc kinh doanh của mình mà rộng hơn, nghĩa là hiểu được nhu cầu của chính mình. Khi đã hiểu được nhu cầu bản thân, việc sẵn sàng đương đầu với khó khăn cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Yếu tố cần thiết không kém là Potential - tiềm năng. Người làm doanh nhân cần phải biết điểm mạnh, yếu của bản thân để biết mình cần gì trong cuộc sống. Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, tự đứng một mình trên thương trường, tôi cho rằng, doanh nhân trẻ nên xem lại bản thân để tìm ra thế mạnh cũng như yếu điểm của bản thân mình.
Tất nhiên, mỗi người đều có nhiều điểm mạnh, yếu, điều quan trọng là phải biết nhìn thấy điểm mạnh cốt lõi thay vì liệt kê hàng loạt. Khi biết tiềm năng của bản thân sẽ xác định được đâu là cơ hội cho mình và cách để nắm bắt được cơ hội, phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Quan trọng hơn cả và cũng là yếu tố có thể kiểm soát được là Personality - tính cách. Sinh ra, mỗi con người là một tờ giấy trắng, nhưng quá trình lớn lên, môi trường sống sẽ là những mảng màu phết lên tờ giấy trắng ấy, ảnh hưởng và hình thành tính cách.
Đến khi trưởng thành, mỗi người sẽ thuộc một nhóm người. Người có lý tưởng, người thích giúp đỡ, người năng động, người của nghệ thuật, người có lý tưởng hòa bình, người suy tư... Mỗi tính cách sẽ có con đường đi riêng của mình.
Thành công là có được sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc viếng thăm của cơ hội. Biết mình thuộc dạng người nào sẽ giúp ích cho doanh nhân trong việc hoạch định tương lai.
Thành công phải có sự khác biệt
Có thể lấy ví dụ về điển hình khởi nghiệp của triệu phú Andy Ong, chủ nhân Học viện ERC. Xuất thân từ gia đình rất nghèo, đông con, 14 tuổi ông đã đi làm phụ bếp trong nhà hàng để có thể tiếp tục việc học tại Đại học Quốc gia Singapore.
Điều đặc biệt là trong mọi hoàn cảnh, Andy Ong không bao giờ nói từ bỏ. Ông cũng luôn dạy nhân viên của mình không bao giờ thôi hy vọng.
Tốt nghiệp đại học, ông trở thành quản lý biên tập của tạp chí Kế hoạch tài chính châu Á. Khi khủng hoảng kinh tế năm 1997 xảy ra, ông bị mất việc.
Năm 2002, ông được chính phủ được gợi ý việc làm trường học, giúp cho việc phát triển giáo dục. Xu hướng mở trường để thu hút nhân tài của Singapore thời điểm đó cũng là một yếu tố quan trọng.
Ông nhận thấy rằng, khi kinh tế khủng hoảng, không có nhiều việc làm sẽ phát sinh nhu cầu học nhiều hơn. Bên cạnh đó, những đối tượng có việc làm, cũng muốn tri thức cao hơn để giữ vị trí của mình. Từ nhu cầu củ thị trường, Andy Ong kiên trì khởi nghiệp và được thị trường đón nhận.
Điều đặc biệt ở Andy Ong là không bao giờ kinh doanh để kiếm tiền cho mình mà kiếm tiền cho nhà đầu tư trước, sau đó mới cho mình. Thành lập ERC vào năm 2005, Andy Org đặt ra mục tiêu là đào tạo doanh nhân nên những hoạt động kinh doanh của sinh viên được khuyến khích rất nhiều.
Đến nay ERC vẫn dành một nguồn quỹ lên đến 100.000 USD Singapore để giúp sinh viên khởi nghiệp kinh doanh. Trường không chỉ tập trung vào giáo dục mà còn phát triển đầu tư để sinh viên có thể nhìn thấy cụ thể kinh doanh là như thế nào. “Thành công sinh ra thành công” - cố gắng để thành công, nghĩa là chúng ta đang tiến đến sự hoàn hảo.
Câu chuyện khởi nghiệp của Andy Ong chỉ là một trong những ví dụ về khởi nghiệp trên thương trường. Thế nhưng, chung quy lại, phần lớn doanh nhân thành đạt đều hiểu khả năng của bản thân, đều mang trong lòng một đam mê.
Bởi đam mê là nền tảng để phát triển thế mạnh. Khác biệt trên thương trường có thể không lớn lao, cao siêu... nhưng khi sự khác biệt ấy là cái mà thị trường đang cần, sẽ chẳng ai có thể từ chối nó.
Theo CASEY TAY - Giám đốc Khu vực Học viện ERC
Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Phục nghiệp dù chỉ còn...40.000 đồng


(Dân trí) - Câu chuyện đường đến thành công đầy gian truân của GS.Hà Tôn Vinh, những phát biểu của Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, và nhiều chuyên gia đã khơi gợi khát khao lập nghiệp đối với các bạn trẻ.
Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức chương trình Giao lưu chuyên gia, doanh nhân và thanh niên khởi nghiệp với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp trong thời kỳ suy giảm kinh tế: Cơ hội và Thách thức”.
Phát biểu chia sẻ tại buổi giao lưu, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - cho biết: “Đối với thanh niên khát vọng lập nghiệp là khát vọng cháy bỏng nhất. Hãy chọn việc, hãy chọn nghiệp dựa trên hai tiêu chí. Một là tiêu chí xã hội cần và tiêu chí thứ hai là năng lực của bản thân mình”.
 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhắn nhủ tới các bạn thanh niên
Và Nguyên Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ tới các bạn thanh niên: “Bên cạnh những hoài bão lớn lao, bên cạnh lập nghiệp thì chúng ta hãy sống tử tế với bản thân mình,  gia đình, bạn bè, những người xung quanh, luôn luôn phải nghĩ đến những người khác chứ không chỉ nghĩ đến mình. Hãy nói chứ đừng chửi thề, hãy nhặt rác chứ đừng xả rác, hãy trồng cây chứ đừng chặt cành, hãy đi chứ đừng chen”.
Câu chuyện thực tế về con đường lập nghiệp của các chuyên gia cũng là đề tài thu hút các bạn trẻ tham dự. GS.Hà Tôn Vinh hồi tưởng lại những gian truân trong con đường đi tới thành công của mình ngày hôm nay:
“Năm 1982 tôi nghĩ mình phải bắt đầu kinh doanh máy tính. Trước đó tôi chưa bao giờ nhìn thấy bàn phím, màn hình máy tính. Tôi đi ra ngoài tiệm, bắt đầu học, tìm tòi xem thử. Tôi quyết định mở một tiệm rất nhỏ để bán máy tính. Chưa có máy tính, tôi tìm cách mượn và học. Tôi in tờ rơi ra bến tàu điện ngầm tôi phát, chỉ có thể thôi, từ từ người ta đến, từ từ người ta hỏi rồi mình học dần dần.
 

GS Hà Tôn Vinh chia sẻ những kỷ niệm gian truân trong con đường khởi nghiệp của mình.
Sau này tôi trở thành một trong những người cung cấp máy tính lớn nhất cho Bộ Quốc phòng của Hoa Kỳ. Có thể là tôi may mắn, và một lý do khác nữa là tôi dám làm, điều tôi muốn nói với các bạn là phải có ý tưởng mình sẽ làm gì. Sau này tôi có tiền rồi tôi mới bung ra làm nhiều thứ, lúc đó tôi thất bại. Tôi gần như phá sản đến cái độ mất hết tất cả mọi thứ chỉ còn có 2 USD trong túi. Lúc đó mình làm gì, một là mình buồn khổ hay là mình bắt đầu lại?
Thế là tôi bắt đầu lại, tôi mất 6 năm rơi xuống hố mới quay trở lại. Điều tôi muốn nói ở đây là các em phải đi tìm, tìm thật nhiều thông tin. Nhất là trong thời đại thông tin nở rộ như hiện nay. Không được ngại hỏi, ngại khó.
Các anh ở đây có chia sẻ là đã từng có nhiều người phản đối ý tưởng kinh doanh của các anh. Thậm chí anh chị, bố mẹ cũng không tán thành. Nhưng mình đã có ý tưởng là mình phải làm đến cùng. Còn trẻ thất bại không sao cả. Tôi 60 tuổi, tôi kinh doanh mà thất bại thì cũng hơi buồn nhưng vẫn phải chấp nhận, kinh doanh là có cả cơ hội lẫn thách thức”.
 
Nguyễn Văn Dương - Sinh viên ĐH Thương Mại đặt câu hỏi tới các chuyên gia
 
Rất nhiều những thắc mắc đã được các bạn sinh viên đã được gửi tới các chuyên gia như: Sinh viên năm nhất có nên kinh doanh không, nữ giới kinh doanh sẽ phải đối diện với những rủi ro như thế nào, kinh nghiệm quản lý thời gian…

Qua đó các bạn thanh niên, sinh viên đã được cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê kinh doanh, ước mơ lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng.
 
 
Phương Nhung

Thú vị lớp học tiếng Anh tại… quán café


Không gian ấm cúng, khách có mặt ở quán vừa nhâm nhi thức uống, vừa thoải mái trò chuyện bằng tiếng Anh với người phục vụ - các tình nguyện viên người Mỹ.
Những điểm thú vị này đã giúp Master’s Cup Coffee House (B-08 Nam Đô, Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phú, Q.7, TPHCM) trở thành điểm hẹn của những bạn trẻ thích luyện tiếng Anh.
Điều đặc biệt ở Master’s Cup Coffee House là mọi hoạt động của quán đều được vận hành bởi các nhân viên người Việt (từ người giữ xe, phục vụ đến bảo vệ) đã được đào tạo bài bản về tiếng Anh. Chủ quán là vợ chồng ông Jerry - bà Barbara. Vợ chồng chủ quán đã cùng 10 người Mỹ khác giúp “lớp học” đặc biệt này trau dồi tiếng Anh và giải đáp những thắc mắc về văn hóa Mỹ bằng lối nói chuyện dí dỏm, hài hước.
Gọi đây là lớp học đặc biệt bởi quá trình dạy và học là những cuộc nói chuyện thân mật ngay tại quán. “Học viên” chính là khách hàng, chủ yếu là giới trẻ. Mỗi người đến đây đều có thể trở thành người dẫn dắt buổi nói chuyện. Nếu “bí”, các thành viên có thể tra từ điển hoặc dùng cử chỉ để diễn đạt chứ không được nói tiếng Việt. “Học phí” là một món thức uống có giá dao động từ 25.000đ - 60.000đ.
Molly (trái), con gái chủ quán "phụ đạo" tiếng Anh cho một bạn trẻ tại quán.
Nguyễn Đặng Ngọc Vy (Đại học RMIT) là “fan ruột” của quán. Ngọc Vy phấn khởi nói về cách học ngoại ngữ này: “Từ khi đến quán, khả năng nghe nói tiếng Anh của mình được nâng lên rõ rệt. Mỗi khi dùng từ sai hoặc thiếu từ để diễn đạt, các tình nguyện viên sẽ viết từ đó lên chiếc bảng nhỏ và đọc to. Đến đây, mình tha hồ nói chuyện bằng tiếng Anh mà không sợ ai trêu chọc".
Nhằm trau dồi kỹ năng nói chuyện bằng tiếng Anh, kỹ sư trẻ Trần Thanh Hải lên mạng tìm “bí kíp” và vô tình biết đến quán. Những ngày đầu đến đây, Hải luôn ở trạng thái hồi hộp, không chỉ vì phải căng tai căng mắt để nghe người đối diện nói chuyện mà mỗi khi bị hỏi lại, anh vò đầu bứt tai, tay múa lung tung vì không đủ từ ngữ để diễn đạt. Phải đến ba tuần sau, Hải mới hết rụt rè, tích cực góp chuyện. Sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành một trong những người “nhiều chuyện” ở quán. Bạn gái của anh cũng đã gia nhập “lớp học” đặc biệt này.
Bạn Lê Quốc Việt (học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) dí dỏm: “Nói tiếng Anh ở đây rất thoải mái vì em không sợ giáo viên cho điểm kém hoặc bạn bè chê cười”.
Là cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, ông Jerry muốn quay lại đất nước này để giúp đỡ theo cách của mình. Năm 2000, vợ chồng ông đến Việt Nam làm giảng viên tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM. Thời gian này, Jerry nhận ra sinh viên Việt Nam nắm bắt tốt ngữ pháp tiếng Anh nhưng lại lúng túng kỹ năng nghe nói. Ít lâu sau, ông đã tạo ra một không gian gần gũi, thân thiện để các bạn trẻ luyện nghe, nói tiếng Anh. Từng có kinh nghiệm làm việc tại hãng cà phê danh tiếng Starbucks, ông quyết định lập ra Master’s Cup Coffee House tại Q.10. Nhận thấy mô hình này không chỉ thu hút các bạn trẻ người Việt mà còn có sinh viên Nhật Bản, Mỹ… nên từ năm 2010, ông dời quán về Q.7 để có không gian rộng rãi hơn.
“Gãi đúng chỗ ngứa” của người trẻ nên Master’s Cup Coffee House đang trở thành ngôi nhà chung cho những người muốn học tiếng Anh. Hiện các tình nguyện viên của quán đang tất bật chuẩn bị cho ngày Thanksgiving (lễ Tạ ơn) vào tháng 11. Đồng thời, quán sẽ nâng cấp thư viện thành một câu lạc bộ sách tiếng Anh, thu thập thêm các đầu sách hay để phục vụ khách. Ngày thứ ba và thứ tư hàng tuần, các tình nguyện viên sẽ tổ chức cho khách tranh luận về một chủ đề mới.
Theo Võ Lệ
Phụ nữ TPHCM

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Lập kế hoạch sự nghiệp thời khủng hoảng

Nền kinh tế khó khăn khiến những người có việc cảm thấy vui mừng ngay cả khi họ không yêu thích công việc đó. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải chờ đến khi nền kinh tế hồi phục mới bắt đầu kế hoạch tìm kiếm công việc trong mơ của mình.
4 điều dưới đây sẽ giúp bạn lên kế hoạch sự nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng và tìm thấy công việc mình đam mê:
Mở rộng mạng lưới quan hệ
khởi nghiệp
Không nhất thiết phải chờ đến khi nền kinh tế hồi phục mới bắt đầu kế hoạch tìm kiếm công việc trong mơ của mình
Ngày nay, những mạng lưới xã hội như Facebook,Twitter, Myspace, Linkedin... giúp bạn dễ dàng xây dựng và mở rộng mạng lưới quan hệ hơn bao giờ hết. Đừng chỉ kết bạn với người làm cùng công ty hay đối tác chuyên nghiệp, hãy mở rộng cả các mối quan hệ xã hội. Bạn không thể biết được người bạn cũ từ thời đại học hay người hàng xóm có thể mang đến cho bạn những cơ hội tuyệt vời ra sao. Hãy nhớ không phải vị trí tuyển dụng nào cũng được quảng cáo rầm rộ, rất nhiều công việc được giới thiệu theo kiểu " truyền miệng" cho nhau.
Tình nguyện cho tổ chức/công ty mình quan tâm
Dù bạn đang có việc làm hay không, tình nguyện cho tổ chức/công ty mình quan tâm sẽ giúp bạn mở rộng mối quan hệ, tận dụng các kỹ năng cũng như tích lũy những cái mới, theo đuổi cảm xúc và tìm kiếm công việc " trong mơ" của mình.
Bạn có thể làm việc tình nguyện không lương cho một công ty, cho cộng đồng hoặc tổ chức phi chính phủ. Có thể sau đó bạn sẽ được tuyển dụng bởi chính những tổ chức này. Và ngay cả khi điều đó không xảy ra, bạn cũng sẽ cảm thấy thoả mãn và hài lòng vì được làm những gì mình thích cũng như " làm mới" bản thân.
Đánh giá bản thân
Giờ là thời điểm thích hợp để đánh giá lại bản thân: tính cách, kỹ năng và năng lực nổi bật, quan điểm, ước mơ, và đam mê của bạn là gì? Hãy dành thời gian để nhìn nhận lại con người mình và những điều bạn muốn trong cuộc đời. Việc này sẽ hữu ích cho mọi khía cạnh cuộc sống, chứ không chỉ trong quá trình tìm việc.
Bắt đầu công việc kinh doanh riêng
Nếu bạn từng ước mơ một ngày nào đó sẽ có một công ty hay sự nghiệp kinh doanh riêng của mình, hãy cố gắng bắt đầu từ bây giờ, làm việc bán hay toàn thời gian. Chắn chắn sự khởi đầu sẽ không dễ dàng gì dù là nhỏ như cửa hàng bán lẻ, tư vấn, dịch vụ Internet, nấu ăn... nhưng bạn sẽ có nhiều sự trợ giúp, từ chính phủ đến bạn bè, người thân. Do đó, đừng trì hoãn thực hiện ước mơ của mình.

Phát tài nhờ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt

Zhan Weijian đã làm được điều dường như không tưởng đó là nuôi cấy ngọc trai với chất lượng gần như hoàn hảo mà giá cả lại phù hợp với tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Phát tài nhờ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt
Phát tài nhờ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt
Zhan có một công ty lớn tại trung tâm nuôi trồng ngọc trai nước ngọt mới nổi của thế giới, vùng trung đông Trung Quốc. Nơi này cách rất xa Tahiti và các trung tâm nuôi ngọc trai nước mặn truyền thống khác ở Thái Bình Dương. Giá bán buôn cho mỗi viên ngọc trai trắng đường kính nửa inch đã giảm khoảng 30% trong vài năm qua chỉ vì sự xuất hiện ồ ạt của ngọc trai nuôi cấy chất lượng cao ngay trên các cánh đồng tại Trung Quốc.
 
Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất ngọc trai lớn nhất thế giới và làm thị trường tràn ngập bằng những loại ngọc trai nhỏ, rẻ với chất lượng tốt. Các công ty như của anh Zhan đang áp dụng nhiều kĩ thuật mới để thâm nhập thị trường dành cho các loại ngọc trai kích cỡ 0,5 đến 1 inch.
 
Anh Robert Wan – giám đốc công ty Robert Wan Tahiti, công ty thống trị thị trường ngọc trai Tahiti, nổi tiếng với việc cấy ngọc trai trong động vật nhuyễn thể và thiết lập tiêu chuẩn cho ngọc trai thế giới – nhận xét: “Sự cạnh tranh từ Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn tới chúng tôi. Giá cả đang ở mức rất mềm rồi, và nếu trong một hay hai năm tới mà họ tăng sản lượng thì bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy”.
 
Ngành công nghiệp ngọc trai ở Trung Quốc là một mô hình thu nhỏ cho việc nước này đã dần thoát ra khỏi hình ảnh của một thị trường lao động giá rẻ và nhái sản phẩm của nước ngoài. Các trang trại ngọc trai, cũng như các ngành khác tại Trung Quốc, đang có sự đột phá khi mức lương cho nhân viên tăng lên, đặc biệt là cho các công nhân lao động.
 
Bruce Rockowitz – CEO của Li & Fung, công ty cung cấp hàng tiêu dùng Trung Quốc lớn nhất cho các chuỗi cửa hàng Mỹ nói: “Người Mỹ lúc nào cũng lo lắng về hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ thì họ nên lo thêm về việc Trung Quốc sản xuất đồ chất lượng cao hơn đi là vừa”.
 
Một viên ngọc trai đường kính 0,5 inch do Trung Quốc sản xuất hiện có giá bán buôn 4 – 8 USD, chỉ bằng một nửa giá bán lẻ. Trong khi đó, một viên ngọc trai Tahiti có kích cỡ tương tự được bán với giá 25 – 35 USD.
 
Chênh lệch giá này khá lớn trong khi sự khác nhau về màu sắc và độ sáng lại không đáng kể và do vậy, nó chẳng hề làm các hãng trang sức bận tâm khi đặt ngọc trai Trung Quốc bên cạnh ngọc trai nước mặn thông thường.
 
Joel Schechter – CEO của Honora – một trong số các nhà nhập khẩu ngọc trai Trung Quốc lớn nhất có trụ sở ở Manhattan chọn ra hai chuỗi ngọc trai đắt tiền và đẹp nhất trong hầm của mình: một chuỗi từ Tahiti có giá 14.000 USD ánh bạc và một chuỗi từ Trung Quốc lấp lánh không kém với độ cong hoàn hảo, không tì vết và còn hơi màu phấn nữa.
 
Với mức giá 1.800 USD, chuỗi ngọc của Trung Quốc rõ ràng là hấp dẫn hơn hẳn. Việc Trung Quốc gia nhập phân khúc này, theo ông Schechter, đã làm cho ngọc trai trở nên “vừa tầm hơn đối với phụ nữ thuộc tầng lớp lao động”.
 
Anh Zhan – người phất lên nhờ ngọc trai giá rẻ - đang là CEO của Grace Pearl, một trong số các công ty lớn nhất ở Zhuji, Triết Giang. Không chỉ có vậy, Grace còn mở rộng hoạt động của mình đến các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy và Hồ Nam.
 
Anh Zhan rất tự hào về một loại ngọc trai của mình và gọi nó là “ngọc trai Edison” – nó có màu tím, hồng và cả màu đồng nữa, đây là những màu sắc tươi sáng hiếm thấy nếu không được nhuộm, và có kích cỡ lên tới ¾ inch.
 
Grace đã làm việc tỉ mỉ với trường Đại học Triết Giang để nghiên cứu về trật tự gen của các loài trai sản sinh ra ngọc trai nước ngọt để có thể tạo ra những loại ngọc tốt hơn trong tương lai. Anh từ chối tiết lộ trang trại nào của mình đang nuôi cấy ngọc Edison và chỉ nói là nó không ở gần Zhuji mà thôi.
 
Tại một ao nuôi trai ở gần Zhuji, các công nhân của Grace dùng nhíp để đưa các mô rất nhỏ vào trong thân trai. Ngọc trai sẽ phát triển bao quanh mô đó và mất khoảng 4 năm để đạt đến kích cỡ chuẩn. Còn với ngọc Edison, đầu tiên, các con trai được lựa chọn thông qua một cuộc kiểm tra về gen, sau đó chúng sẽ được cấy hạt thay vì mô trai. Các hạt này được đưa vào nhờ phương pháp đặc biệt mà công ty không muốn tiết lộ.
 
Các công ty như Grace đang tiến dần đến tự động hóa vì chi phí lao động có thể tốn đến 1/3 tổng chi phí tạo ngọc. Lương của các công nhân ở Zhuji và một vài thành phố ven biển khác đã gần như gấp đôi trong vòng 3 năm trở lại đây, khi càng ngày càng có ít người trẻ tuổi Trung Quốc sẵn sàng làm việc trong nhà máy thay vì đi học đại học. Hơn nữa, các công nhân lớn tuổi thường để mất nhiều kĩ năng cần thiết và do vậy họ phải nhanh chóng nghỉ việc. Anh Qin Xian – giám đốc nghiên cứu tại Grace cho biết: “Họ làm việc cho đến tận năm 37 tuổi và mắt trở nên kém dần sau hàng năm trời nhìn ngọc trai dưới ánh đèn huỳnh quang“.
 
Vì vậy, anh đã thiết kế ra một chiếc máy phân loại ngọc trai. Mỗi máy sẽ thả rơi một viên ngọc sau mỗi vài giây và chụp ảnh nó từ nhiều góc độ khác nhau. Chiếc máy này sẽ ngay lập tức đánh giá các bức ảnh, sau đó nhặt các viên ngọc trai và đặt vào máng để nó lăn vào thùng ngọc trai thích hợp. Anh Qiu nói mỗi máy này có thể chạy 24 giờ một ngày và do vậy sẽ thay thế được 15 công nhân.

21 nguyên tắc của các triệu phú “tay trắng làm nên”

Bằng cách nghiên cứu các hành vi ứng xử của hàng ngàn triệu phú giàu lên nhờ vào chính bản thân mình, Brian Tracy - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Brian Tracy International, một công ty chuyên về đào tạo và phát triển cá nhân và các tổ chức, đã đúc rút được 21 phẩm chất làm nên thành công của họ.
21 nguyên tắc của các triệu phú “tay trắng làm nên”
21 nguyên tắc của các triệu phú “tay trắng làm nên”
Bản thân Brian Tracy đã từng tư vấn cho hơn 1.000 công ty và hơn bốn triệu người ở Mỹ, Canada và 40 nước khác trên thế giới. Những nguyên tắc mà Tracy đưa ra có thể đã trở nên quá hiển nhiên đối với nhiều người, nhưng đó là những nguyên tắc bất hủ và phải luôn được đề cao. Khi áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nhân có thể tạo ra những thay đổi lớn trong suy nghĩ, hành động, thói quen, thu nhập và lối sống của mình…
1. Nuôi dưỡng những ước mơ lớn. Hãy hình dung, tưởng tượng và tạo ra một bức tranh, một viễn cảnh đầy niềm vui, bình yên và giàu có.

2. Vạch ra một hướng đi rõ ràng. Hãy tìm hiểu, khám phá xem mình muốn đi về đâu, khi nào đường đi sẽ gặp gập ghềnh, trở ngại. Đây chính là cơ sở của việc xây dựng các mục tiêu.

3. Xem bản thân như một người tuyển dụng chính mình. Càng làm chủ tương lai của mình, người ta càng có khả năng tạo ra các ảnh hưởng cho nghề nghiệp và cuộc sống. Không nên trông chờ vào những ý tưởng hay những đề xuất từ sếp hay tổ chức tuyển dụng mình. Khi suy nghĩ độc lập, chúng ta sẽ thấy mình đang bước đi trên một con đường rất thú vị.

4. Làm những điều mà mình yêu thích. Hãy khám phá niềm đam mê, sở thích của mình, suy nghĩ theo những cách sáng tạo để biến niềm đam mê đó thành một phương cách kiếm tiền và theo đuổi nó.

5. Hướng đến sự hoàn hảo. Hãy nghĩ rằng chúng ta sinh ra là để làm những điều xuất sắc nhất và lấy việc hướng đến sự hoàn hảo làm niềm vui.

6. Không cần làm việc nhiều thời gian hơn và cật lực hơn, mà làm việc thông minh hơn. Hãy tổ chức công việc một cách khoa học sao cho có thể làm được nhiều việc hơn trong một thời gian ngắn và tạo ra nhiều giá trị hơn trong công việc.

7. Không ngừng học hỏi. Đây là điều rất cần thiết đảm bảo cho sự thành công và khả năng làm giàu. Tất cả những người thành công đều có chung đặc điểm này.

8. Tự thưởng cho mình trước. Đây là nguyên tắc tích lũy sự giàu có mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng và nên áp dụng.

9. Tìm hiểu tất cả các khía cạnh của công việc kinh doanh. Hãy phấn đấu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đã chọn.

10. Tận tâm với việc phục vụ người khác. Đây chính là bí quyết được giữ kín nhất và là khởi đầu cho sự giàu có của những triệu phú “tay trắng làm nên”. Nguyên tắc này đã được chứng minh qua thời gian.

11. Tuyệt đối thành thật với bản thân và những người khác. Tính trung thực, liêm chính là một phẩm chất quan trọng hàng đầu.

12. Đặt ra các thứ tự ưu tiên trong công việc và chỉ nên tập trung từng việc một. Sự tập trung là chìa khóa để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.

13. Xây dựng uy tín về tốc độ và sự tin cậy. Hãy tạo ra cho mình một ưu thế so với các đối thủ khác trên mọi phương diện.

14. Sẵn sàng đi từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Hãy tìm hiểu các chu kỳ, các xu hướng và điều chỉnh hành động của mình cho phù hợp.

15. Có ý thức kỷ luật cao với bản thân trong mọi vấn đề. Hãy phát huy phẩm chất quan trọng nhất này để đạt được sự thành công về mặt tài chính và trong cuộc sống cá nhân.

16. Đánh thức khả năng sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo sẽ giúp chúng ta tăng khả năng giải quyết vấn đề, vượt qua các khó khăn, trở ngại.

17. Làm bạn với những người tốt, người giỏi. Nên giao lưu với những người chiến thắng để học hỏi họ.

18. Quan tâm đặc biệt đến sức khỏe bản thân. Phải có ý thức cao trong việc tạo cho mình một thể trạng sung mãn và có sức khỏe tốt để đón nhận cuộc sống đầy cơ hội và thách thức.

19. Kiên định và chú trọng đến hành động. Trong mỗi giai đoạn phát triển, mỗi công việc, hãy xác định những bước hành động quan trọng nhất mà mình có thể thực hiện tức thời rồi kiên định, quyết tâm với việc làm đó.

20. Không bao giờ xem thất bại là một sự lựa chọn. Hãy vượt qua nỗi sợ thất bại. Hầu hết các nỗi sợ hãi đều hình thành từ sự tưởng tượng và từ những kinh nghiệm trong quá khứ.

21. Thử tính kiên trì. Hãy học cách nhẫn nại vượt qua khó khăn, đứng lên từ thất bại và không bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc

Tư vấn giúp bạn mở quán cafe

Bạn muốn tự mình mở một quán cà phê? Cần chuẩn bị những gì khi bạn kinh doanh quán cà phê? Nhiều quan điểm cho rằng bạn phải tìm được một địa điểm tốt mới giúp việc kinh doanh thành công. Địa điểm tốt chiếm 40% thành công của một quán cà phê.
Tư vấn giúp bạn mở quán cafe
Tư vấn giúp bạn mở quán cafe
1. Khâu chuẩn bị đầu tư:
- Nghiên cứu thị hiếu của các tầng lớp khách hàng (Học sinh, giới thanh niên trẻ, giới văn phòng - giới kinh doanh...)
- Trên cớ sở thị hiếu đó lựa chọn một đối tượng khách hàng chủ chốt để lên kế hoạch kinh doanhcụ thể.
- Lựa chọn địa điểm kinh doanh. Điều này rất quan trọng và ảnh hưởng lớn tới việc thành công của phương án kinh doanh. Có một địa điểm kinh doanh tốt là anh đã có được 40% thành công.
- Trên cơ sở địa điểm kinh doanh lựa chọn được, lập phương án tài chính cụ thể. Chi phí đầu tư cố định, vốn lưu động, phương án triển khai thi công, thời gian thi công dự kiến.
- Tham khảo trên mạng về các kiểu quán cà phê để lựa chọn cho mình một ý tưởng (gu) quán cà phê mà anh cho là hợp lý nhất (Tạo cái nhìn mới, năng động, sinh thái...) để nhắm tới tối đa hóa nhu cầu của khách hàng chủ chốt nhưng không bỏ qua nhu cầu chung của đại đa số khách hàng.
- Tìm kiếm một đơn vị thiết kế chuyên nghiệp để được tư vấn về thiết kế, thi công. Phối hợp với đơn vị thiết kế để có được một bản vẽ thiết kế cụ thể (Bản vẽ thiết kế, bản vẽ kiến trúc, bản vẽ landscape).
- Tìm kiếm đơn vị thi công xây dựng, landscape...
2. Đầu tư và triển khai kinh doanh:
- Tiến hành ký hợp đồng thuê mặt bằng (bước này có thể thực hiện trước).
- Triển khai thi công công trình.
- Trên cơ sở kiểu kiến trúc của quán lựa chọn các thiết bị trang trí và các trang thiết bị kinh doanh (bàn ghế, quầy bar, ly, tách....).
- Lên kế hoạch tuyển dụng nhân viên và phương án quản lý kinh doanh chi tiết (quản lý nguyên vật liệu đầu vào, quản lý thu ngân, điều hành nhân viên) phương án vận hành bộ máy kinh doanh cụ thể từ giữ xe, lễ tân, phục vụ viên, phương thức thu ngân...
- Trước khi cơ sở kinh doanh hoàn thành khoảng 1 tháng hoặc 2 tháng, tùy vào điều kiện thực tế tiến hành mua sắm các trang thiết bị cho cơ sở kinh doanh và tiến hành tuyển dụng nhân viên.
- Lên phương án tiếp thị (băng rôn, tờ rơi, quảng cáo...).
- Triển khai kinh doanh và điều chỉnh phương thức kinh doanh nếu cần sao cho tối đa hóa lợi nhuận.
Nếu bạn muốn mở ở trong Sài Gòn thì có khá nhiều người mách nước.
Trang thiết bị - dụng cụ có thể ra Chợ Bình Tây tìm mua. Muốn pha ngon thì mua cafe loại trung bình khá để bán có lãi, 1kg pha được 30 ly. Nếu quán sân vườn thì cần dù che, bàn ghế thì ra Ngô Gia Tự chọn mua.
Về nhân sự, quán nhỏ nên giai đoạn đầu nên nhờ người nhà hoặc đích thân bạn ra trông coi trước! Mướn người trừ khi quán đã ổn định (tầm 1 tháng đầu) lúc đó bạn đã biết được tần suất lời lỗ rồi .
Nếu thuê nhân viên thì quán nhỏ trả khoảng 700.000 + cơm nước ( làm từ sáng tới chiều ) tối có thể không cần.
Cafe nên kèm theo 1 số món ăn sáng gọn nhẹ để kéo khách thêm doanh thu: ốpla, mì gói....Nếu bạn có khiếu nấu ăn thì nên nghĩ nhiều món để bán kèm như canh bún, bún riêu, phở.
Sổ sách ban đầu rất quan trọng (xuất - nhập - tồn), chủ lực là cafe - đường - sữa và nước đá (gọi ký hợp đồng với các đề bô đá giao hàng ngày / 1 tuần thanh toán 1 lần...)
Nói chung, không cần quá cầu kỳ và mua đồ mắc chủ yếu là ngon - bổ rẻ .
Đợi ổn định rồi hãy nghĩ tính tiếp (thường 3 tháng). Nếu có nhạc nữa thì càng tốt (nhưng bạn phải xác định đối tượng khách xung quanh khu vực mình trước) không nên mở lung tung như các quán bên cạnh.
Về chính quyền địa phương: bạn cũng nên tham khảo trước coi có cần nhìn phép không? Nếu quán có tên là phải đóng thuế kinh doanh đó.
Chúc bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi!

Ông Nguyễn Thành Nam: "Cứ làm bừa đi !"


Theo ông Nam: "Các bạn chỉ có thể thuyết phục được NĐT, khi thực sự có đam mê. Khi có một ý tưởng, bạn nên chia sẻ nó cho nhiều người, đến khi thuyết phục được ai đó móc hầu bao đầu tư cho bạn".
Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Quỹ FPT Capital
Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Quỹ FPT Capital
"Cứ làm bừa đi" - Đó là lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang hoặc chuẩn bị khởi nghiệp của ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch HĐQT Quỹ FPT Capital tại buổi công bố Khóa huấn luyện "Khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon" và buổi Luyện thuyết phục nhà đầu tư do TOPICA Founder Institute tổ chức.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Nam, một ý tưởng kinh doanh tốt là ý tưởng không dành được sự ủng hộ của nhiều người, và "Các bạn chỉ có thể thuyết phục được nhà đầu tư, khi các bạn thực sự có đam mê. Khi có một ý tưởng, bạn nên chia sẻ nó cho nhiều người, gặp ai cũng nói, cho đến khi thuyết phục được ai đó móc hầu bao đầu tư cho bạn".

Cũng là một diễn giả tại buổi nói chuyện, ông Trần Thanh Sơn, TGĐ Tamtay.vn lại chia sẻ những kinh nghiệm rất thú vị trong thời kỳ huy động vốn thành lập doanh nghiệp. Theo ông Sơn, nguồn đóng góp từ người thân là nguồn vốn không thể bỏ qua.

Tại buổi tập luyện, 3 doanh nghiệp do ban tổ chức đề cử, và 3 doanh nghiệp thắng cuộc trong cuộc thi thuyết trình theo nhóm sẽ trình bày chớp nhoánh trong 3 phút trước Ban giám khảo là đại diện các quỹ đầu tư, các doanh nghiêp đã gọi vốn thành công như FPT Capital, IDGVV, Techcombank Capital, Tamtay.vn, Vatgia.com để được chấm điểm và nhận xét góp ý.

bạn trẻ khởi nghiệp

Khóa huấn luyện "Khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon" bắt đầu từ 30/10/2011, kéo dài 15 tuần tại Hà Nội, với 8 "Huấn luyện viên" là các Tổng giám đốc Sáng lập thành đạt từ Thung lũng Silicon Mỹ, và 16 Tổng giám đốc Sáng lập thành đạt ở Việt Nam. Học viên là những người có kỹ năng xuất sắc về công nghệ, kinh doanh, tài chính v.v. , hoặc những người mới khởi tạo doanh nghiệp, mong muốn xây dựng các doanh nghiệp Internet và Mobile có tiềm năng phát triển mạnh và thu hút được vốn đầu tư.

24 "triệu phú" thành đạt không chỉ huấn luyện, mà còn trở thành cổ đông trong các doanh nghiệpdo 50 học viên sáng lập, tạo nên một liên minh các công ty đón đầu làn sóng Internet và Mobile thứ 2 ở Việt Nam.

Tại chương trình luyện tập này, TOPICA Founder Institute công bố danh sách các Huấn luyện viên thành đạt đã đăng ký tham gia, và danh sách 10 doanh nhân đầu tiên trúng tuyển. Các học viên này là những doanh nhân trẻ dày dặn kinh nghiệm thương trường, am hiểu công nghệ và đầy nhiệt huyết. Hầu hết trong số họ đang điều hành các doanh nghiệp với quy mô 30-70 nhân viên, và doanh thu hàng năm từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Họ mong muốn học hỏi được những tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm quý báu, và những bài học xương máu của các Huấn luyện viên thành đạt đi trước, và hy vọng sẽ góp phần đáng kể vào "Làn sóng thứ 2" của Internet và Mobile Việt Nam.

Đối tượng của TOPICA Founder Institute là các doanh nhân mới khởi nghiệp, các quản lý, nhân viên có kinh nghiệm hoặc những người đã từng khởi nghiệp thất bại vài lần.

Hãy cứ theo đuổi giấc mơ

(Dân trí) - Khi Debbie Macomber quyết định theo đuổi giấc mơ trở thành nhà văn, cô đã thuê một cái máy chữ để trên bàn ăn, và bắt đầu đánh máy mỗi sáng trước khi bọn trẻ đến trường. Khi các con về, cô lại cất máy chữ đi và chuẩn bị bữa tối.
Khi các con ngủ, cô lại đem ra và tiếp tục công việc. Cứ như vậy suốt hai năm, bà mẹ siêu nhân này đấu tranh để trở thành nhà văn và cô yêu từng khoảnh khắc đó.
 

Tuy nhiên, một hôm, chồng cô, Wayne, nói: “Em à, anh rất tiếc, nhưng anh nghĩ đã đến lúc em cũng phải đi làm. Gia đình ta không thể sống thế này mãi được, không thể chỉ trông cậy vào đồng lượng của một mình anh”.

Đêm đó, trái tim Debbie như tan vỡ, nằm trên giường cô không thể ngủ được, cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà. Debbie hiểu rằng với trách nhiệm chăm sóc gia đình, cho lũ trẻ chơi thể thao, đưa chúng đến nhà thờ và tham gia hướng đạo sinh, cộng với 40 giờ làm việc một tuần, cô sẽ không còn thời gian để viết.

Thấy được nỗi buồn của vợ, Wayne thức dậy và hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

“Em cứ nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn, em đã thực sự nghĩ vậy.”

Wayne im lặng một hồi lâu, rồi anh thức dậy, bật đèn sáng và bảo: “Thôi được, em yêu, hãy thực hiện ước mơ của mình.”

Vậy là lại thêm hai năm nữa, Debbie trở lại với giấc mơ và chiếc máy chữ trên bàn ăn, miệt mài cho ra từng trang sách. Gia đình cô sống tằn tiện, mọi người phải mặc quần áo cũ mèm và không được đi nghỉ.

Nhưng sự hy sinh và lòng quyết tâm đó cuối cùng cũng nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau năm năm đấu tranh, Debbie đã bán được cuốn sách đầu tiên. Rồi lại một cuốn khác. Cứ thế cho đến bây giờ, Debbie đã xuất bản hơn 100 cuốn, rất nhiều trong số đó được New York Times bầu chọn là cuốn sách bán chạy nhất, trong đó có ba cuốn đã được dựng thành phim. Bà đã có trên 60 triệu bản in và hàng triệu người hâm mộ.

Còn Wayne thì sao? Sự hy sinh của ông để ủng hộ người vợ của mình đã được trả công hậu hĩnh. Về hưu ở tuổi 50, hiện giờ ông đang dành thời gian chế tạo một chiếc máy bay trong dinh thự rộng 650 m2 của gia đình.

Các con của Debbie đã nhận được một món quà giá trị hơn nhiều vài dịp cắm trại. Khi đã lớn, họ hiểu rằng Debbie đã cho họ một món quà vô giá - sự ủng hộ và khuyến khích con cái theo đuổi giấc mơ của mình.

Đặng Thực
Theo beliefnet

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

"Bí kíp" quảng cáo phim trên Youtube của Hollywood



Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng đang từng bước học hỏi kinh nghiệm từ các đạo diễn Hollywood, để cho ra lò những chiến dịch quảng cáo đột phá. Và sau đây xin điểm qua 4 khía cạnh chính mà bất kỳ công ty nào cũng nên học tập Hollywood để có được một chiến dịch quảng cáo qua video trực tuyến hiệu quả:
 
1. Hãy chú ý đến nội dung, đừng để bị ám ảnh bởi cụm từ “Quảng cáo”
 
 
Những chuyên gia marketing đang vắt óc suy nghĩ xem làm cách nào để người ta xem và chia sẻ những đoạn video quảng cáo của họ nhiều hơn. Hollywood đã đúc kết được một kinh nghiệm xương máu: nội dung tốt đem lại lợi nhuận cao. Đó là một trong những lý do vì sao trailer giới thiệu phim được cư dân mạng xem và chia sẻ nhiều hơn 184% so với những đoạn quảng cáo của bất kỳ ngành công nghiệp nào trong quý 1 năm nay.
 
Lấy một ví dụ, để quảng cáo cho tựa phim mới mang tên Muppets, Disney đã phát hành trailer của bộ phim “Green With Envy”. Tuy nhiên đây chỉ là một bộ phim giả với mục đích đánh bóng tên tuổi cho bộ phim “thật” sắp được công chiếu trong dịp Lễ Phục Sinh sắp tới. Đoạn clip này đã sở hữu hơn 1,4 triệu lượt view trên YouTube.
 
2. Hãy biết cách kết hợp những gì mình có
 
Nếu như những đoạn video quảng cáo trên TV thường giới hạn trong khoảng 15 đến 30 giây ngắn ngủi, thì việc quảng cáo trên các công cụ xã hội (Facebook hay YouTube) lại vô cùng thoái mái. Những nhà làm phim tại Hollywood đã tận dụng điều này để tạo ra những đoạn giới thiệu hấp dẫn.
 
 
Vừa qua, cư dân mạng đã có dịp “phát sốt” với đoan trailer của bộ phim “The Girl With the Dragon Tattoo”. Những người sau khi xem đoạn trailer này đều rất thích phong cách truyền tải của Sony, hay nói đúng hơn là Columbia Pictures. Đoạn clip có vẻ như được một anh chàng nào đó quay trộm bằng máy quay trong rạp chiếu phim, khi góc máy và hình ảnh đều bị lệch và khá rung.
 
Tuy nhiên âm thanh của đoạn quảng cáo này thì lại quá tuyệt vời so với một clip quay từ máy quay cá nhân, chưa kể những hình ảnh đều có tỉ lệ và bố cục hoàn hảo. Chiến dịch marketing tiếp sau Sony càng làm cho người hâm mộ điện ảnh thêm “phát điên”. Bởi mới đây, họ đã lấy lý do tác quyền để xóa đoạn clip đó trên YouTube. Quả thực những nhà làm phim rất biết cách khơi dậy sự tò mò từ phía khán giả!
 
3. Hãy quan tâm tới những nguồn phát hành
 
Trong thời kỳ quảng cáo qua hệ thống truyền hình chiếm ngôi vị độc tôn, những nhà marketing luôn điên đầu tìm cách đưa quảng cáo của họ đến nhiều bộ phận khán giả hơn. Còn bây giờ, Hollywood đang tìm cách thâm nhập vào những kênh phát hành vô cùng hiệu quả với những nguồn khách hàng tiềm năng. Những nhà làm phim hiện đã bắt đầu công cuộc xâm nhập vào cộng đồng sử dụng Facebook, nơi có đến 700 triệu người đang giao tiếp với nhau hàng ngày.
 
Một chương trình trên Facebook có têể giúp những công ty đưa video của mình vào hơn 300 tựa game trên mạng xã hội này (và những người xem sẽ được cấp một khoản Facebook Credits phục vụ cho việc chơi game của họ). Bất kỳ nhãn hiệu nào cũng có thể đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến thị trường đầy tiềm năng này.
 
 
Một ví dụ nổi bật khác là chiến dịch quảng cáo cho bộ phim Super 8. Những nhà quảng cáo đã đưa hẳnmột đoạn quảng cáo dưới dạng một màn chơi vào tựa game bom tấn mới ra mắt Portal 2. Một cách vô cùng khôn ngoan để đưa một bộ phim tới cộng đồng game thủ đông đảo. Bài học rút ra là: Bất kỳ môi trường mạng xã hội nào cũng có thể là một thị trường tiềm năng.
 
4. Hãy lấy chính khán giả làm thước đo nội dung quảng cáo
 
Có lẽ trước những nhà quảng cáo phim, chưa có ai sử dụng những số liệu như “sharethrough rate” (tỉ lệ chia sẻ) để đánh giá thành công của một chiến dịch marketing. Dữ liệu thu thập được từ khách hàng được đem ra “mổ xẻ” và quyết định xem đoan phim quảng cáo nào nên được dùng chính thức trong chiến dịch marketing.
 
 
Nhiều nhãn hiệu lẫn công ty đều đã bắt đầu học tập Hollywood trong việc chia sẻ những đoạn quảng cáo trên các mạng xã hội. Một lời khuyên của các chuyên gia là: hãy chú ý thông tin khách hàng để tạo ra chiến lược tiếp thị hoàn hảo, cũng như hướng sản phẩm tới những thị trường tiềm năng thực sự.
 
Tham khảo Mashable