Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Ấn Độ mở đường cao tốc xuyên Đông Nam Á

Tuyến cao tốc mới này nhằm mục đích tạo một khu vực kinh tế mới kéo dài từ Calcutta ở vịnh Bengal tới Thành phố Hồ Chí Minh.
Ấn Độ sẽ xây dựng một tuyến đường cao tốc mới 4 làn xe nhằm cho phép các thương nhân và khách du lịch nước này có thể dễ dàng đi từ bang Assam sang Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Giai đoạn 1 của dự án đã được thông qua trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Myanmar hồi tuần này. Ông Singh và Tổng thống Myanmar Thein Sein đã thống nhất về thời hạn chót 2016 nhằm hoàn toàn một tuyến đường cao tốc nối thành phố Guwahati tại bang Assam (Ấn Độ) tới biên giới Myanmar với Thái Lan qua Mandalay và cố đô Rangoon.

Theo các nhà phân tích, tuyến đường là một phần quan trọng của kế hoạch nhằm mở “Hanh lang Ấn Độ-Mekong” để liên kế thị trường phát triển nhanh thứ 2 thế giới - Ấn Độ - với các “con hổ” mới về kinh tế của Đông Dương.

Cho tới nay, các kế hoạch nhằm mở vùng kinh tế mới này, cũng đi qua Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chính quyền quân sự cũ tại Myanmar.

Nhưng với việc các biện pháp cấm vận đang dần dần được nới lỏng sau khi Tổng thống Myanmar Thein Sein tiến hành hàng loạt cải cách dân chủ kể từ tháng 8 năm ngoái, các rào cản giờ đây đã được xoá bỏ.

Với Ấn Độ, tuyến đường cao tốc mới sẽ mở ra các cơ hội mới về dầu mỏ và khí đối ngoài khơi Myanmar và Việt Nam, cũng như việc tiếp cận dễ dàng hơn các sản phẩm của Nhật Bản chế tạo tại Thái Lan.
 
Dự án cũng mang tới sự thịnh vượng mới các bang nghèo ở đông bắc Ấn Độ như Manipur và Nagaland.
Tuyến đường cao tốc còn khơi lại mối quan hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Myanmar, vốn không bình lặng kể từ khi 2 quốc gia láng giềng giành độc lập từ Anh sau Thế chiến II.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tới Myanmar hôm 27/5 trong khuôn khổ chuyến công du 3 ngày nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác ngoại giao với Myanmar. Ông Singh là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Myanmar kể từ năm 1987.

Bài thuốc cho sản phụ

Sản phụ bị rong huyết, phụ nữ sau khi sinh bị sót nhau là những triệu chứng hết sức nguy hiểm. Người Quảng Nam có nhiều bài thuốc đơn giản mà hiệu quả để chữa trị những chứng bệnh này.  

Lá ngót chống sót nhau thai
Cây lá ngót (cây bồ ngọt) được nhiều người biết đến như một thứ rau bình thường dùng để nấu canh, thanh nhiệt. Ngoài tác dụng đó, theo kinh nghiệm dân gian, nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam vẫn thường dùng lá ngót để trị chứng sót nhau thai cho sản phụ sau khi sinh.
Công tác tại trạm y tế xã Tam Quang, H.Núi Thành từ nhiều năm qua, y sĩ Nguyễn Thị Liên đã nhiều lần chứng kiến cảnh phụ nữ sót nhau thai. “Chỉ cần sót một tí nhau bằng móng tay cũng đủ gây nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Nên sau khi sinh, có hiện tượng chảy máu tử cung cần lập tức cho sản phụ uống nước lá ngót”, y sĩ Liên nói.
 Những bài thuốc và cách chữa bệnh trong dân gian
Cây huyết dụ đặc trị bệnh rong huyết ở phụ nữ sau sinh đẻ - Ảnh: Hoàng Sơn
Theo bà Liên, sau khi sinh, sản phụ nên uống nước lá ngót càng sớm càng tốt. Đặc biệt, uống nước lá ngót trong khoảng 6 giờ đồng hồ sau sinh, việc chống sót nhau thai càng hữu hiệu. Để chống sót nhau một cách bài bản theo phương pháp y học cổ truyền, lá ngót tươi sau khi giã nhuyễn được chia làm 2 phần để uống hai lần, mỗi lần cách nhau 10 phút, sau chừng 15-30 phút, sản phụ sẽ hết đau bụng, nhau thai sẽ ra hết. Ngoài cách này, có người còn dùng rau ngót giã nhuyễn rồi đắp vào gan bàn chân sản phụ.
“Trong điều kiện y học ngày xưa, người dân thường dùng lá bồ ngọt để trị chứng này. Ngày nay nhiều người nhà sản phụ vẫn thường mang theo ít lá ngót tươi đến bệnh viện và cho uống ngay sau khi sản phụ sinh xong”, bà Liên cho biết.
Không chỉ có tác động đến cơ chế kích thích tử cung co bóp để đẩy hết nhau thai ra ngoài, cây lá ngót còn được nhiều người sử dụng như một vị thuốc bổ cho phụ nữ sinh con. Với đặc tính bùi ngọt, mát, lá ngót có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Phụ nữ sau sinh có thể dùng rau này nấu canh với thịt băm nhuyễn giúp bồi bổ cơ thể.
Tuy nhiên, theo y sĩ Nguyễn Thị Liên, vì lá ngót có tác dụng đẩy nhau thai ra ngoài, nên thứ lá này lại nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai (chưa đến ngày sinh hạ). “Phụ nữ mới mang thai không nên ăn lá ngót vì rất dễ dẫn đến sẩy thai”, bà Liên khuyến cáo. 
Thuốc dấu cây huyết dụ
Cây huyết dụ rất dễ mọc. Không riêng gì tại tỉnh Quảng Nam mà tại nhiều tỉnh khác, cây huyết dụ thường được trồng để làm cảnh bởi lá cây có màu đỏ trông khá bắt mắt. Cây huyết dụ mọc khá cao, lá dài khoảng 20-30 cm, bẹ lá mọc sát thân cây. Phụ nữ sau sinh đẻ bị rong huyết kéo dài do nguyên nhân cơ năng (không phải do sót nhau) thường dùng lá huyết dụ để trị chữa trị. Gọi là thuốc dấu bởi theo quan niệm của người xưa, khi phụ nữ bị chứng rong kinh, nếu trong vườn nhà không có sẵn thứ lá này, người ta thường hái đi hái ở vườn nhà người khác, sao cho không để người khác biết được. Thế mới có câu chuyện, có người khi hái lá này bị chủ nhà phát hiện rồi rầy la nhưng người hái trộm nhất quyết không nói lời nào. Vì nếu thanh minh là hái lá để trị bệnh,  thì nắm lá huyết dụ đó sẽ không còn tác dụng trị bệnh nữa.
Tại vườn thuốc nam của trạm y tế xã Tam Quang (H.Núi Thành), cây huyết dụ được trồng khá nhiều. Chị em bị bệnh rong huyết đến khám tại trạm thường được các y sĩ hướng dẫn cách sử dụng để tự điều trị tại nhà. Y sĩ Trần Thị Dung, trạm y tế P.Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), cho biết: “Lá huyết dụ có tác dụng cầm máu rất tốt. Theo đông y, huyết dụ có tính mát, vị nhạt, có tác dụng bổ huyết, cầm máu dùng chữa rong kinh, băng huyết rất hiệu nghiệm”.
Lá huyết dụ có thể dùng điều trị xuất huyết tử cung theo liều dùng: lá tươi huyết dụ 40-50 gram, sắc uống hằng ngày. Hoặc có thể kết hợp với các thứ thuốc dân gian khác như: rễ cỏ tranh, rễ gừng để có hiệu quả hơn. Ngoài ra, hoa, lá huyết dụ còn được phơi khô để sẵn trong nhà, khi có bệnh có thể mang ra dùng ngay.
Dược sĩ Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam, cho biết: “Rau ngót dùng tươi là vị thuốc dân gian chữa sót nhau hậu sản rất tốt, ngoài ra nhiều người dân còn dùng phương thuốc này để chống tưa lưỡi cho trẻ em. Còn cây huyết dụ, đặc tính mạnh nhất của nó là cầm máu nên dùng để đặc trị băng huyết sau sinh ”.

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Về Dưới Mái Nhà

Người ơi, mau về đây,
về bên bếp hồng tay cầm tay
Cười lên chan chứa tươi làn môi,
nhớ phút vui đêm nay
Về đây cho lòng say,
tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi,
Tìm khi nắng lên hay chiều rơi,
ta nhắn nhau về đây.

Nhà ai trong chiều nay,
nửa đêm đốt hồng vai kề vai
Và nghe câu hát yêu đời ai,
hát mãi sao không nguôi
Vì thương yêu đời nhau,
Vì thương những chiều mưa về đâu,
Vì thương những người không tình yêu,
Nên nhớ đi tìm nhau.


ĐK:
Ơi, bếp hồng sưởi ấm bếp hồng tươi,
tiếng ca xa vời,
hát mừng mừng lửa hồng tươi
Ơi, nỗi lòng chan chứa,
Hỡi người ơi biết sao cho vừa
tình thương của bếp hồng soi.

Chiều nay mưa còn rơi,
chiều nay bếp hồng đang còn say
Chiều nay vui sống trong tình yêu,
nhớ phút vui không nguôi

Nào ai xa ngàn nơi,
kìa bao mái nhà đang chờ ai
Kìa bao bếp hồng đang còn tươi,
thương nhớ lên đầy vơi ./.


Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Khó khăn, doanh nghiệp nhỏ chuyển công ty về nhà

Kinh tế khó khăn, để tiết kiệm chi phí, nhất là tiền thuê văn phòng, nhiều công ty nhỏ đang có xu hướng chuyển văn phòng về nhà. Nhà của sếp hay các thành viên chủ chốt DN luôn là lựa chọn đầu tiên.
Có không ít công ty chọn giải pháp chuyển về nhà của giám đốc để gánh bớt chi phí.
 
Xu hướng thu hẹp diện tích, chuyển văn phòng sang khu vực chi phí thấp đang được các DN triệt để thực hiện. Và điều này đã khiến mặt bằng văn phòng trống tăng lên khi các tòa nhà mới đi vào hoạt động, cạnh tranh với các tòa nhà đơn lẻ. Trên đoạn phố Nguyễn Thị Định có hơn chục văn phòng công ty đóng cửa chuyển địa điểm, biển báo mời cho thuê dán hàng loạt mà vẫn chưa có khách thuê mới. Trong số đó, có không ít công ty chọn giải pháp chuyển về nhà của giám đốc để gánh bớt chi phí.

Đang thuê trụ sở văn phòng công ty tại một biệt thự ở đường Nguyễn Thị Định, Công ty Bất động sản B.T đang chuẩn bị chuyển về nhà của giám đốc tại Mỹ Đình. Theo đó, mỗi tháng công ty này sẽ giảm được gần 50 triệu đồng tiền thuê địa điểm cũng như các loại chi phí khác như điện nước, bảo vệ...

Thời kỳ đang "phất", ông chủ công ty này đã mạnh dạn thuê biệt thự tại khu vực trung tâm của bất động sản là Trung Hòa Nhân Chính để làm địa điểm làm ăn cũng như tăng phần uy tín cho doanh nghiệp. Cảnh hàng chục chiếc xe ô tô đỗ cửa, khách vào nườm nượp đã trở thành dĩ vãng, sàn B.T cả năm nay vắng vẻ. Sau khi cắt giảm nhân sự đến thời điểm này cắt giảm chi phí thuê mặt bằng là giải pháp buộc phải làm.

Theo chia sẻ của vị giám đốc, mặc dù về khu vực Mỹ Đình không thuận tiện cho khách hàng nhưng sẽ giảm gánh nặng tài chính mỗi tháng. Nhà ông ở đó cũng rộng hơn 100m2, đủ để cho khoảng 10 nhân viên làm việc, đồng thời cắt giảm cả bảo vệ cũng như ông không phải tốn tiền xăng xe đi lại.

Tốn kém nhất là một công ty ở Yên Hòa, sử dụng văn phòng chưa đầy một năm đã phải chuyển văn phòng. Năm ngoái, công ty bất động sản này đã phải đầu tư gần 1 tỷ đồng để thiết kế lại ngôi biệt thự, mua sắm trang thiết bị nội thất, điện nước cho 3 tầng. Nhưng gần đây, doanh thu mỗi tháng thấp hơn chi, ông chủ méo mặt, lượng khách đến sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi tháng. Cầm chừng được một thời gian, ông đã buộc phải thắt lưng buộc bụng, chuyển văn phòng về nhà mình tại khu đô thị mới Đại Kim.

Theo kế hoạch, cuối tháng này, công ty ông sẽ dọn toàn bộ về đại bản doanh nhà sếp, như vậy nhiều trang thiết bị cũng như đồ nội ngoại thất không sử dụng được có thể bán thanh lý cho nhân viên, hoặc bỏ lại. Hợp đồng thuê nhà 5 năm, việc ngừng hợp đồng sớm, công ty này cũng phải mất một khoản không nhỏ vì phạt hợp đồng.

Không chỉ chuyển nhà vì khó khăn, mới đây, một công ty ở Ba Đình cũng chuyển về nhà sếp chỉ vì hợp phong thủy. Chị Hiền, nhân viên hành chính cho hay, sếp chị là một người khá chặt chẽ trong việc phong thủy. Ngay từ ngày thành lập, sếp đã xem xét kỹ lưỡng vị trí địa thế để thuê văn phòng. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, sếp lo lắng đi xem khắp nơi. Không hiểu thầy phán kiểu gì, ông liên tục thay đổi phòng làm việc. Một thầy cao tay vừa phán, phải chuyển về nhà mới làm ăn được, ông đã vội vàng lên bắt công ty chuyển văn phòng.

Chị Thu Hương, nhân viên kinh doanh, một công ty truyền thông ở Đống Đa buồn rầu, văn phòng chuyển về nhà sếp tận khu Mỹ Đình II, đồng nghĩa mỗi ngày chị phải đi thêm hơn 5km nữa, chưa kể dưới đó hàng ăn thưa vắng và đắt đỏ. Bất tiện hơn, mỗi lần đi gặp khách hàng chị phải mất nhiều thời gian. Việc đưa đón con đi học hàng ngày chị cũng sẽ không thể đảm nhiệm.

Theo chị Hương, làm việc ở nhà sếp cũng không thuận lợi bởi thiết kế là căn hộ để ở. Gần 20 nhân viên làm việc trong căn hộ chung cư diện tích không phù hợp, ảnh hưởng nhiều tới công việc. Mặc dù vậy, chị Hương cũng chỉ biết ngậm ngùi: "Trong lúc khó khăn này thì vẫn phải làm, vừa làm vừa tìm cơ hội chỗ nào mới gần nhà hơn."

Ông Trần Đức Minh, giám đốc công ty một công ty đầu tư chia sẻ, việc chuyển văn phòng về nhà mình là việc bất đắc dĩ bởi việc đang thuê ở một vị trí trung tâm, vị thế của công ty được tăng lên. Chuyển văn phòng dẫn tới nhiều phát sinh mới như mất khách hàng, phải thêm tiền chi phí để in ấn card, tài liệu và thư thông báo cho khách. Công ty của ông Minh cũng đang rục rịch chuyển từ tòa nhà Hà Thành Plaza về Long Biên trong thời gian tới.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, tổng nguồn cung toàn thị trường đạt xấp xỉ 1 triệu m2, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tới năm 2014, xấp xỉ 1,1 triệu m2 diện tích văn phòng mới từ 80 dự án sẽ gia nhập thị trường Hà Nội. Số doanh nghiệp giải thể tăng, doanh nghiệp thành lập mới giảm về số lượng, điều này sẽ tạo một áp lực lớn cho văn phòng cho thuê trong thời kỳ hiện nay.

CBRE nhận định năm 2012 sẽ là năm có diện tích thực thuê mới cao kỷ  lục mặc dù tỷ  lệ trống và nguồn cung vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2012, câu chuyện của hai khu vực lớn của thành phố - khu vực trung tâm và khu vực phía Tây- sẽ tiếp diễn. Ở khu vực phía Tây, dự đoán giá thuê sẽ tiếp tục giảm nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy, trong khi chủ đầu tư của các dự án có vị trí đẹp trong trung tâm sẽ không cạnh tranh bằng giá thuê.

Tuy nhiên, dù thế nào thì lĩnh vực văn phòng cho thuê sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn kéo dài khi các DN triệt để cắt giảm chi phí. Trong đó, tiền thuê văn phòng luôn là một chi phí lớn được ưu tiên giảm càng nhiều càng tốt. Hơn thế, kinh doanh co hẹp, nhân lực sa thải thì thu hẹp văn phòng cũng là bước tất yếu tiếp theo.

Các thời điểm tầm soát dị tật thai nhi

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
(giảng viên ĐH Y dược TP.HCM)
Tôi năm nay 29 tuổi đang mang thai bé thứ hai đã được 7-8 tuần tuổi (theo siêu âm lần đầu vào ngày 29-7-2010).
Do trong quá trình mang thai tôi không biết mình đã có thai nên có uống thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên tác dụng 120g, và có bị cảm cúm nên có uống thuốc Decolgen để chữa cảm cúm.


Hiện nay tôi đang rất lo lắng về thai nhi không biết các loại thuốc mà tôi uống có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? 
Tôi rất mong muốn được đi kiểm tra tầm soát thai nhi xem thai của tôi có vấn đề gì không? Xin hỏi bác sĩ để chẩn đoán được hết các bệnh và dị tật như vậy tôi cần phải đi khám thai những lúc nào?
Hà Linh
- Trả lời của phòng mạch online:
Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, khi thai vào cuối 3 tháng đầu (khoảng  từ 11 tới 13 tuần)  cho tới khi thai 22 tuần, chúng ta đang có nhiều biện pháp giúp xác định một số dị tật lớn về di truyền (như bất thường số lượng nhiễm sắc thể 21,13, 18, X và Y) và các dị tật về cấu trúc thai (như bất thường hệ thống thần kinh: thai vô sọ, tật cột sống chẻ đôi..) nhưng không phải là tất cả. 
Có một số dị tật có thể chỉ có thể phát hiện vào tam cá nguyệt cuối của thai kỳ như tắc ruột…
Trong trường hợp của chị đã có sử dụng một số thuốc và bị “cúm “đầu thai kỳ, chị muốn kiểm tra các vấn đề liên quan tới tình trạng dị tật thai, chị nên tới bệnh viện để được tư vấn kỹ các thời điểm xét nghiệm cho chính xác. Chương trình kiểm tra bao gồm:
- Các xét nghiệm tổng quát về phía chị, đặc biệt nên xét nghiệm thêm Rubella, CMV vì khi nhiễm 2 tác nhân này cũng có biểu hiện giống “cúm” nhưng có thể gây bất thường nhiều cho thai nhi vào 3 tháng đầu.
- Khi thai được 11-13 tuần, chị sẽ được siêu âm khảo sát hình thái thai (có thể phát hiện các dị tật nặng như thai vô sọ) đồng thời đo độ mờ da gáy (thấu quang gáy) kết hợp xét nghiệm sinh hóa để ước tính nguy cơ thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể hay không? Nếu nguy cơ cao, chị sẽ được khuyến cáo sinh thiết gai nhau để xác định chẩn đoán.
- Nếu trong trường hợp, chị tới trễ, vào tuần lễ 14-22. sẽ thực hiện xét nghiệm sinh hóa (Triple test) đánh giá nguy cơ bất thường thai. Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, chị sẽ được tư vấn chọc ối để xác định chẩn đoán.
- Khi thai 22 tuần, một siêu âm kỹ lưỡng do các bác sĩ có kỹ năng cao sẽ khảo soát toàn bộ cấu trúc thai
Với chương trình đánh giá dị tật thai nhi như trên, chúng ta hy vọng sẽ chẩn đoán được phần lớn các dị tật lớn có khả năng ảnh hưởng tới sự sống của thai nhi. Khi phát hiện một bất thường thai nhi sẽ có sự hội chẩn của các bác sĩ chuyên về di truyền, nhi khoa, tim mạch… và bác sĩ sản khoa để tư vấn cha mẹ và từ đó có hướng xử trí.
Chị ở xa, không có điều kiện đi lại nhưng để theo chương trình đánh giá dị tật thai nhi chị cần phải lên bệnh viện Từ Dũ ít nhất là 2 lần (cách nhau khoảng 2 tuần) , một lần thực hiện xét nghiệm, lần sau trả kết quả và nghe tư vấn. 
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
(giảng viên ĐH Y dược TP.HCM)

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Ở nhà chồng nuôi - sướng hay khổ?

(TNO) "Sướng thế" là lời bình phẩm mà các bà vợ ở nhà chồng nuôi thường hay nhận được. Nhưng thực tế, ít nhất là về mặt sức khỏe tâm thần, họ không những không "sướng" mà còn đối mặt với nguy cơ lo lắng, bồn chồn, stress, thậm chí trầm cảm cao hơn gấp bội so với những bà vợ đi làm.

Nấu ăn, chăm sóc con cái, giặt giũ, dọn dẹp… là vô vàn công việc liên tu bất tận mà những bà vợ “rảnh rang” ngồi nhà phải đối diện mỗi ngày, dường như không bao giờ có điểm dừng.
Nhiều người sẽ bảo rằng họ vẫn còn sướng chán, vì hầu hết các bà vợ, bà mẹ đi làm cũng phải làm việc nhà, còn phải đối diện thêm áp lực nơi công sở, vội vội vàng vàng trang điểm, ăn mặc chỉnh tề vào mỗi sáng và phải xử sự cho phải phép với nhiều người xung quanh.
Ở nhà chồng nuôi - sướng hay khổ? - 1Phụ nữ không đi làm thật ra phải làm rất nhiều nhưng đôi khi ngay cả chính bản thân họ cũng không công nhận điều đó - Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, Robi Ludwig - một chuyên gia về tâm lý trị liệu cộng tác với trang Today.com cho biết, sự cô lập mới là áp lực khủng khiếp nhất dễ dẫn tới những cảm xúc tiêu cực. Đó cũng là áp lực mà các bà vợ ở nhà phải đối diện.
Ludwig cho biết: “Sự cô lập chính là kẻ giết người không dao. Mọi người được sinh ra đều được “lập trình” không phải để ở có một mình. Càng ở một mình nhiều, chúng ta càng dễ có khuynh hướng nhìn xung quanh và thấy mọi chuyện đều không ổn, từ đó khiến cho mọi người có các cảm xúc tiêu cực và tự tấn công tinh thần của mình”.
Thật vậy, một cuộc điều tra qua điện thoại trên 60.000 phụ nữ do viện Gallup tiến hành cho thấy, những phụ nữ không đi làm thường bị trầm cảm, buồn phiền, lo lắng và dễ nổi giận hơn những người đi làm. Cụ thể, trong số những bà mẹ nuôi con dưới 18 tuổi mà không đi làm, 41% luôn thường trực cảm giác lo lắng, 26% buồn phiền, 50% stress, 19% luôn nổi giận và 28% bị chẩn đoán . Tỷ lệ này ở những bà mẹ đi làm ở mức thấp hơn nhiều, chẳng hạn chỉ có 14% buồn phiền hay 17% trầm cảm.
Trang Today Mum cũng dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ chọn cách đến công sở có nhiều cơ hội để có cảm giác sảng khoái, vui vẻ, , thấy mình học được những điều mới mẻ và kết cục là họ mỉm cười nhiều hơn.
Ngay cả ở những phụ nữ không yêu thích công việc của mình, chỉ riêng việc đi làm và kiếm được tiền cũng đã cho họ cảm giác bản thân mình có giá trị rồi. Trong khi đó, ngày nào cũng hết đối diện với đống chén bát cáu bẩn, những cái tã dơ đến đống quần áo nhàu nhĩ… hết việc này đến việc kia, dường như không bao giờ kết thúc mà không thực sự được gọi là “đi làm” khiến cho những phụ nữ ở nhà khó lòng đạt được cảm giác hài lòng là mình đã hoàn thành công việc. “Với nhiều người, họ còn có cảm giác như ở trong vùng đất không có người”, Ludwig nói.
Ở nhà chồng nuôi - sướng hay khổ? - 1Vừa nuôi con vừa đi làm có thể khiến phụ nữ bận rộn nhưng làm cho họ vui vẻ hơn - Ảnh: Shutterstock
Vậy đâu là giải pháp? Theo chuyên gia Ludwig thì dù đi làm hay ở nhà, các bà mẹ cũng cầm phải lưu tâm tới việc giao tiếp, kết nối với cộng đồng và hướng tới mục tiêu sống của mình.
“Ngay cả với các bà mẹ giàu có thì chỉ mua sắm, ăn ngoài và tập thể dục vẫn chưa đủ. Hãy tham gia một câu lạc bộ, một tổ chức của các bà mẹ hay làm tình nguyện viên ở trường học - nói tóm lại là một hoạt động gì đó khiến cho bạn có cảm giác là mình vẫn đang phát triển đi lên”, Ludwig.
Cuối cùng, đã có một số cuộc nghiên cứu chứng minh rằng những phụ nữ hạnh phúc nhất là những người đang  nhỏ, đi làm bán thời gian và có một thời khóa biểu linh hoạt.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Đo lường sự tập trung của mắt - "Vũ khí lợi hại" mới của quảng cáo và Marketing

Một cá nhân sẽ chú ý tới những gì khi đọc báo hay xem hình ảnh online ? Có sự khác nhau giữa cách nhìn của đàn ông và phụ nữ không ? Giờ đây, mọi thứ đã được làm sáng tỏ !
Chúng ta thường quan niệm "Đôi mắt nói lên tất cả". Dựa trên công nghệ mới nhất trong việc xác định sự tập trung của đôi mắt, quan điểm trên đã trở nên vô cùng hiện hữu. Nhờ công nghệ này, con người có thể khám phá được những sự khác nhau thú vị giữa tư duy của nam giới và nữ giới, cũng như ứng dụng để có những hoạt động quảng cáo và marketing thật hiệu quả. Hãy cùng điểm qua một vài trường hợp thú vị dưới đây:


Với hình ảnh quảng cáo là cô gái hấp dẫn đứng trước biển, đàn ông có xu hướng nhìn tập trung vào cô gái trong khi phụ nữ lại chú ý nhiều đến những phần còn lại trong hình quảng cáo.

Trong bức ảnh này, có thể thấy đàn ông thường không hề chú ý tới đôi giày của người mẫu !

Hình ảnh quảng cáo của Sunsilk trên cho thấy: một khuôn mặt xinh đẹp là chưa đủ. quan trọng còn là đôi mắt người mẫu nhìn vào đâu ?

Đây được gọi là hiện tượng "Banner Blindness", giải thích tại sao các nhà quảng cáo không ưa thích sử dụng các banner quảng cáo trên web. Đơn giản vì người truy cập chẳng hề chú ý đến chúng !

Hình ảnh trên cho thấy một thực tế nhiều người đã biết: Người truy cập thường có xu hướng nhìn thẳng vào 5 kết quả đầu trong danh sách tìm kiếm của Google.

Chúng ta cũng thường có xu hướng nhìn vào tiêu đề và hình ảnh đại diện của các tin khi đọc báo điện tử, nhiều hơn bất kỳ thứ nào khác.

Mọi người thường có xu hướng nhìn vào những khu vực trung tâm của 1 website

Trên Facebook, nhờ công nghệ theo dõi sự tập trung của mắt, chúng ta thấy người dùng thường chú ý vào các tấm ảnh nhiều hơn tất cả.

Với 1 cầu thủ bóng chày, đàn ông thường chú ý nhiều về gương mặt và phần thân, trong khi phụ nữ thường chỉ chú ý duy nhất phần mặt.

Trong một trận đấu bóng đá, với tình huống ném phạt, người xem chú ý vào cầu thủ ném bóng và khoảng trống anh đang đối mặt.

Dù trong bức ảnh này, người mẫu có khuôn mặt chiếm vị trí khá lớn, nhưng độc giả vẫn chú ý nhiều hơn tới các dòng chữ bên trái.

Phụ nữ thường chú ý tới khuôn mặt và hình thể

Trong khi đàn ông thường chú ý nhiều vào các "điểm nóng"

Trong chuyến tham quan Las Vegas, mọi ánh nhìn thường bị hút về phía trung tâm và hơi hướng 1 chút sang bên phía trái.

Khi chú ý vào 1 bản sơ yếu lý lịch, nhà tuyển dụng thường chú ý nhiều đến: Tên, chức vụ và công ty hiện tại, kinh nghiệm tại những công ty trước đây, những chức danh từng đạt được, quá trình đào tạo.

Bài học của Gary

"Bài học của Gary" có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này.

Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Tôi quen Gary Woodworth khi ông bước vào cửa hàng bán vật dụng thể thao của người em họ, Tuấn, ở Van Nuys, California. Qua Mỹ năm 1975, Tuấn đi làm bảo vệ được 4 năm, bị đuổi vì ngủ với cô quét dọn văn phòng. Anh chạy ngược xuôi, vay mượn bạn bè bà con, cùng với tiền tiết kiệm cá nhân, hơn 250 ngàn đô la để mở tiệm bán lẻ. Tôi cũng là một nạn nhân bất đắc dĩ.

Hai năm đầu, cửa hàng sống chật vật nhưng cũng có khách và theo ngạn ngữ của Mỹ, Tuấn "giữ được đầu mình khỏi mặt nước" (keep his head above water). Anh còn quay về sở cũ, tán một cô lao công Mỹ khác, và cưới cô này đem về phụ trông coi tiệm. Nhưng ảnh hưởng của trận suy thoái 1981- 1983 bắt đầu lan rộng, và tiệm vật dụng thể thao của Tuấn suy sụp. Chi phí và tiêu xài cho gia đình ăn vào vốn và Tuấn mời tôi lên tiệm tư vấn cho anh về thủ tục phá sản. Tôi có thừa kỹ năng vì đang chuẩn bị "đắp chiếu" cho dự án bất động sản của mình bên Arizona.

Gary và giải pháp miễn phí

Gary tươi cười khi bước vào chào hỏi chúng tôi, đang ủ rũ như hai con mèo chết. Khoảng hơn 50 tuổi, áo quần bảnh bao, Gary giống như một thương nghị sĩ với mái tóc trắng và phong cách lịch lãm. Nghĩ Gary là một nhân viên bán hàng từ Nike hay Reebok gì đó, Tuấn bỏ đi uống cà phê, nhờ tôi tiếp giùm.

Gary nói hôm nay là ngày may mắn của ông. Tôi có giải pháp cho vấn đề của ông và ông không phải tốn một đồng xu nào. Tôi điện thoại cho Tuấn về ngay vì không một ông chủ doanh nghiệp nào lại có thể bỏ qua một đề nghị hào hứng đến vậy. Đề nghị của Gary rất đơn giản, "Bổ nhiệm tôi làm quản lý cửa hàng này. Tôi không lĩnh lương và cứ mỗi tháng, tính sổ và chia cho tôi 25% số tiền lời của cửa hàng. Tôi cũng được quyền mua lại 30% tổng số cổ phiếu của công ty với giá vốn (book value) trong 2 năm tới. Các ông đang lỗ, chắc chắn không mất gì trong phi vụ này".

Tuấn đồng ý và Gary bắt đầu ứng dụng nghệ thuật sáng tạo về tiếp thị với các hoạt động hàng ngày. Gary đi tiếp xúc các câu lạc bộ thể thao trong vùng, từ các đội bóng chày nhỏ của trẻ em đến các sân golf, tennis, polo...của các người giàu. Ông còn lập ra chương trình trả hoa hồng cho các người "giới thiệu" và các khách hàng lớn. Ông cũng cất công đi liên tục tìm các nhà tài trợ cho các chương trình thể thao ông sáng lập. Sau 2 tháng, cửa hàng có lời và thu nhập của Gary tăng đều đặn. Một năm sau, ông mua lại 30% công ty và 3 năm sau, ông làm chủ 100%. Tuấn ôm được mớ tiền, đi xuống Mexico mở quán bar, tìm thêm vài cô vợ Mỹ. Mọi người vui vẻ.

Sáng tạo vì hoàn cảnh

Sau này, những khi ngồi tâm sự riêng với nhau, Gary mới kể cho tôi thêm về nhiều mẩu chuyện khác của đời ông. Sinh ra trong một gia đình thật nghèo ở Arkansas vào thời sau Đại Suy Thoái của Mỹ, ông phải bỏ học từ lớp 7 để giúp cha mẹ nuôi 8 đứa em. Ông làm đủ mọi nghề và chưa bao giờ thất nghiệp một ngày nào, dù không có một học thức hay bằng cấp chính thống nào. Bí quyết của ông là tìm hiểu thật rõ về vấn đề người chủ doanh nghiệp đang đối diện và tìm một giải pháp thỏa đáng trước khi tiếp cận.

Gary nói, "Tôi thấy các bạn trẻ cũng như già đi tìm việc thật buồn cười. Doanh nghiệp đang thua lỗ, trên đường phá sản, muốn đuổi hết nhân viên chưa xong, mà họ lại mở miệng hãy cho tôi một việc làm, trả lương tôi hàng tuần và may ra, tôi có thể giúp. Thay vì giải pháp, họ đề nghị thêm một vần đề mới cho doanh nghiệp? Nhân viên cũ cũng không khá gì hơn. Họ áp lực mọi cách để hưởng thêm quyền lợi bất chấp sự suy sụp của công ty."

Dĩ nhiên không phải lúc nào Gary cũng thành công với giải pháp đề nghị. Nhiều lần ông cũng mất trắng nhiều thì giờ không lương bổng, hay phạm những sai lầm gây khó thêm cho doanh nghiệp. Nhưng ông ta hãnh diện nói với tôi rằng trong suốt 40 năm bôn ba trong thương trường, ông đã tạo nên vài sự nghiệp đáng kể lên đến cả chục triệu đô la.

Bí quyết của ông là tìm hiểu thật rõ về vấn đề người chủ doanh nghiệp đang đối diện 
và tìm một giải pháp thỏa đáng trước khi tiếp cận.

Khi cha mẹ mất trong một tai nạn xe cộ, ông mới 19 tuổi. Không muốn sở An sinh Xã hội bắt các em đi giao cho các gia đình giàu có, ông làm giả hồ sơ thu nhập và giấy khai sinh của mình để anh em vẫn được đoàn tụ bên nhau (Bên Mỹ, các trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ và thu nhập thường được Sở An sinh đem về chăm sóc để sau đó tìm một gia đình giàu có, ổn định nhận nuôi lại các em).

Ông kiêu hãnh vì đã dùng sức mình nuôi 8 đứa em đi học thành tài, cũng như 3 đứa con sau này. Khi ông qua California gặp chúng tôi, ông vừa mất vợ vì bệnh ung thư và gần 1 triệu đô khi tiền bệnh viện vượt quá số tiền bảo hiểm chi trả. Ông đã bỏ ra hai tuần để điều tra, nghiên cứu cửa hàng của chúng tôi và tìm giải pháp qua các chi tiết số liệu ông thu thập từ khách hàng và thư viện.

Cơ hội khắp nơi cho con người sáng tạo

Lần chót tôi gặp Gary cách đây 8 năm. Dùng phương pháp sáng tạo như đã đề nghị với chúng tôi, ông mua lại một công ty công cộng đang thua lỗ; cũng trong ngành phân phối dụng cụ và đồ thể thao. Ông gia tăng giá trị với những chiêu tiếp thị độc đáo và làm giàu cho mọi cổ đông, nhất là cá nhân ông. Ông nằng nặc mời tôi xuống chiếc du thuyền nhỏ của ông, chạy một vòng vịnh Los Angeles, và xin lỗi về sự khoe khoang này. Ông giải thích "tôi bận quá, mua xong thuyền, không có thì giờ khoe, lấy gì hưởng thụ?"

Sau đó vài năm, ông gởi tôi một Email, nói vừa mua lại một khu nghỉ dưỡng ở Belize cũng bằng phương pháp sáng tạo, không tiền mặt...và sống đời thoải mái trong hưu trí.

Nhu cầu của doanh nghiệp Việt

"Bài học của Gary" có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Tôi tin rằng bất cứ doanh nhân nào có ít nhiều thông minh và khôn khéo kiểu Gary có thể mua lại và sở hữu bất cứ một công ty nào đang gặp khó khăn trầm trọng nếu chúng ta biết thiết kế một giải pháp khả thi không tốn kém gì cho doanh nghiệp. Đó là tư duy và hành xử hợp thời nhất vào giai đoạn này cho các nhà quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp. Với những đầu óc thâm sâu, đây là những cơ hội M&A thật tuyệt vời. Đừng mong chờ hay tin vào một gói kích cầu của chính phủ hay các giải pháp từ quan chức hay chuyên gia trong tháp ngà.

Milan Kundera, văn hào của Czech, có thể hơi phấn khích khi ông tuyên bố là ..."doanh nghiệp chỉ có 2 nhiệm vụ: tiếp thị và sáng tạo" (Business has only two functions - marketing and innovation); nhưng chắc Gary sẽ hoàn toàn đồng ý.

Công cụ auto follow trên pinterest

Vẫn là chiêu quen thuộc hay sử dụng với cácmạng xã hội khác lúc mới ra mắt đó là đua follow, add friend. Tỷ lệ follow ngược trở lại sẽ nằm trong khoảng 0,5 -1,5% tùy thuộc vào nội dung bài viết, hình ảnh của bạn.
Thủ thuật mà OnlineSeeding muốn giới thiệu với các bạn đó là dùng Script.
Công việc rất đơn giản:
Bước 1: Cài iMacros cho Firefox  hoặc  iMacros cho Google Chrome tùy bạn sử dụng trình duyệt nào. Tuy nhiên theo mình các bạn nên sử dụng Chrome để chạy, ít bị lỗi hơn trên firefox
Bước 2: Sau khi cài đặt tiện ích cho trình duyệt, các bạn download cái này về.

Script Auto Follow Pinterest

Chép file PinterestFollower.js vào My Documents\iMacros\Macros
Trên trình duyệt có một biểu tượng của iMacros như thế này: 
Bây giờ các bạn vào Pinterest, chọn một tài khoản nào đó có nhiều follower, click vào tab follower của họ để tất cả follower của họ hiện lên. Click vào biểu tượng iMacros trên trình duyệt:
Tool auto follow on pinterest
Các bạn điền số người mình muốn follow vào ô max và nhấn nút play. Theo kinh nghiệm của mình thì cứ khoảng 200 người các bạn ngưng 15-20 phút. Sau đó tiếp tục. Một ngày khoảng 700-900 là được. Nếu nhanh quá các bạn có thể bị ban vài ngày, không thể follow ai được.
Lưu ý: Trong khi sử dụng tool bạn nên dùng trình duyệt khác để lướt web, tránh bị lỗi.
Đây là video demo, mình sẽ làm bản tiếng Việt và update sau:




Chúc các bạn thành công !

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cách thêm chủ sở hữu trang cho fanpage - Facebook

Cách thêm chủ sở hữu trang cho fanpage - Facebook


Hiện nay, facebook đã quá thân thuộc với các bạn trẻ. Mặc dù nhà mạng ra sức ngăn chặn nhưng mọi người vẫn tìm đủ mọi cách để vượt rào vào facebook ngó nghênh bạn bè một chút.
Fanpage - các trang hội, nhóm bạn hay thương hiệu của công ty cũng từ đó mọc ra như nấm, từ hồi Facebook tràn vào Việt Nam, mình chưa thấy bao giờ nhiều hội, nhóm như bây giờ, rất hài hước, dí dỏm và sức lan truyền thì quả thực kinh khủng.

Giới thiệu qua như vậy thôi, bài viết này chủ yếu để chỉ cho bạn cách thêm phần Founder - chủ sở hữu trang trên fanpage - facebook. Đơn giản lắm nhé! Bạn chỉ cần làm theo các bước sau.

- Vào trang fanpage - Chỉnh sửa trang (bên trên góc tay phải, chỉ hiện thị với admin)
- Chọn TAB "Nổi bật"
- Lựa chọn nút "Chỉnh sửa các chủ sở hữu trang nổi bật" - như trong hình
- Tích thêm, bớt các admin vào phần chủ sở hữu trang nổi bật - lưu , như vậy là đã ok rồi nhé, quay lại để xem trang chính nào!

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Mạng cộng đồng: Hút doanh nhân, cơ hội kiếm tiền cho chính... doanh nhân

Ngoài bộ vest lịch lãm, tablet sành điệu, xe hơi sang trọng..., qua các dòng “Sent from my Ipad” , “Sent from my Iphone”... ở cuối một email, doanh nhân Việt còn hiện diện ở Mạng cộng đồng doanh nhân.


Nhìn chung, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến dự đoán mạng xã hội nói chung sẽ còn phát triển mạnh ở VN với rất nhiều tiềm năng. Trong đó, mạng cộng đồng dành cho doanh nhân tuy là thị trường ngách nhưng sẽ là một mảnh đất màu mỡ.

Tại VN, một số mạng cộng đồng định vị riêng cho giới đi làm và doanh nhân bao gồm: Anphabe.com, Motibee, Nes.vn... Chưa kể một số cộng đồng nhỏ hoạt động trên nền LinkedIn như VinaHR (trên 7.700 thành viên), Linkin Vietnam (trên 5.500 thành viên), Vietnam Jobs (trên 4700 thành viên)...

Trên Facebook hiện cũng đang tồn tại một số nhóm nghề nghiệp đáng chú ý như Launch (trên 1.700 thành viên) – một sân chơi dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại VN hay Open Consultant (hơn 1.600 thành viên) – cộng đồng Công nghệ thông tin.


Mức ảnh hưởng của quảng cáo trực tuyến lên người tiêu dùng ở Đông Nam Á

Theo bà Thanh Nguyễn – CEO Anphabe.com, thành viên của Anphabe.com đã xấp xỉ con số 20.000, bao gồm các đối tượng có từ 2 - 3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên cho đến các cấp quản lý và lãnh đạo DN. Hiện trang này đang tổ chức một số cuộc thi với mục tiêu khuyến khích thành viên mở rộng mạng lưới và xây dựng nội dung, giải thưởng là vé tham dự hội thảo do diễn giả hàng đầu thế giới Brian Tracy trực tiếp huấn luyện vào tháng 12/2011, tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng.

Ở góc độ DN, mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng trí thức và doanh nhân nói riêng là một kênh quảng bá thương hiệu, phát triển và chăm sóc mạng lưới khách hàng khá hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều DN VN thực sự hiểu và sử dụng các kênh này hiệu quả. Theo kết quả khảo sát mới đây của Vinalink, hiện nay mới “chỉ có 1% DN VN quan tâm đến mạng xã hội”.

Trong khi đó, kết quả khảo sát hồi tháng 8/2011 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, so với mặt bằng chung của thế giới, người tiêu dùng ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các mẩu quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là các nội dung quảng cáo có định hướng tới người dùng, thông qua các mạng xã hội.

Rõ ràng, truyền thông tiếp thị thông qua mạng xã hội và các mạng cộng đồng nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu của DN là một tiềm năng rất lớn, dự kiến trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ. Tổng giám đốc bộ phận tiếp thị khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi của Nielsen, ông David Webb nhận định: “Khi mạng xã hội đang nhanh chóng trở thành các hoạt động chủ đạo trong khu vực, DN cần phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng am hiểu và kết nối tới khách hàng của mình khi thực hiện chiến lược quảng cáo, tiếp cận và đối thoại”. Hay nói cách khác, biết khách hàng của anh đang ở điểm A mà không tìm cách đối thoại với họ ở đúng chỗ thì chẳng khác nào DN tự ném tiền qua cửa sổ.

Doanh nhân vốn bận rộn, đồng thời họ cũng là những người có nhu cầu hiện thực hóa bản thân và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến người khác. Chính vì vậy, trong dòng chảy của mạng xã hội nói chung và mạng cộng đồng doanh nhân nói riêng, họ dường như khó có thể đứng ngoài cuộc.

Khởi đầu nan, đừng vội nản!

Nếu có một khởi đầu khá vất vả và đớn đau, hãy xem đó là hành trang không thể thiếu trên con đường sự nghiệp

“Em vừa mới nghỉ việc ở công ty sau bốn tháng làm việc, bởi vì ở đây công việc và môi trường không được tốt đẹp cho lắm. Mọi người phải đi làm mỗi sáng thứ Bảy, công việc không phải giao dịch trực tiếp với khách hàng như bưu điện, ngân hàng mà là tiếp thị và hành chính; nên thông thường thứ Bảy mọi người đều miễn cưỡng đến và chờ đến 12 giờ 30 trưa để được đi về, không có việc gì làm cả. Tỷ lệ nghỉ việc ở công ty này rất cao, nên nhân lực thường hay thiếu hụt, có những lúc em phải ra siêu thị và chợ ướt đứng làm nhân viên tiếp thị (promoter), có lúc phải đi theo xe tải, đẩy trolley đi giao hàng...

Theo quy định trong hợp đồng lao động, bốn tuần trước Tết Âm lịch công ty bắt buộc phải đi làm cả ngày Chủ nhật, nếu không đi sẽ không được tiền thưởng. Phép năm chỉ có bảy ngày, nên khó lên kế hoạch đi nghỉ phép. Ông chủ năm nay 67 tuổi, rất khó chịu và bảo thủ, mọi công sức nhân viên bỏ ra đều không được trân trọng. Ông luôn luôn tìm để bắt lỗi, sau đó phê bình trước mặt tất cả mọi người trong công ty, làm cho nhiều người cảm thấy rất mất mặt. Hơn nữa, ông ấy thường hay gài người này theo dõi người kia, sau đó báo cáo lại, tạo nên không khí nghi hoặc và thù địch trong công ty.

Em cảm thấy công sức và tiền bạc bốn năm bỏ ra để học đại học, sau đó lại được công việc như thế này thì thật sự không thỏa đáng, và em cũng sẽ không học hỏi được gì nhiều từ công việc này, nên em quyết định đi tìm việc khác...”.

Đó là chia sẻ của T., một nam sinh viên Việt Nam với người viết về kinh nghiệm mà em cho là “khủng khiếp” sau khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập có uy tín của Singapore. Tôi không biết em đã tìm hiểu kỹ nhà tuyển dụng trước khi xin việc và đọc kỹ hợp đồng lao động trước khi ký không. Nhưng với riêng bản thân tôi, những điều em chia sẻ cũng không khác những kinh nghiệm đau thương mà tôi đã từng trải qua sau khi lấy bằng thạc sĩ cách đây chín năm. Khi đó, mang tiếng là “Giám đốc bán hàng” của một tập đoàn lớn nhưng tôi được “giao phó” đủ thứ công việc không nằm trong hợp đồng lao động. Thời gian làm việc là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng không có hôm nào tôi có thể về trước 6 giờ. Còn chuyện ông chủ lớn tiếng, bươi móc nhân viên rồi họp hành đến tận khuya cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có ít nhiều tự ái dân tộc, tôi đã nghỉ việc sau hơn một năm. Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy hơi tiếc vì lẽ ra tôi nên chịu khổ nhục thêm một vài năm nữa để có thể học hỏi những điều mà trong trường lớp chẳng ai dạy.

Có lẽ tuổi thơ vất vả và nhận thức về giá trị giúp tôi xem bản thân mình, một tân thạc sĩ NUS và cũng từng làm trưởng đại diện của một ngân hàng lớn, coi việc đứng bán hàng trong siêu thị là một kinh nghiệm quý báu vì đó là cơ hội tiếp cận khách hàng một cách sinh động và cụ thể nhất.

Bạn có thể cười và bảo: vậy anh học cử nhân hay thạc sĩ, thông thạo nhiều ngoại ngữ để làm gì, không lẽ để ra bán hàng ngoài siêu thị và làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo? Tôi không rõ thái độ của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở trong và ngoài nước hiện nay như thế nào, nhưng với riêng tôi, vào thời điểm đó, có việc làm, lương đủ nuôi sống bản thân và gia đình và tích lũy được đôi chút đã là một diễm phúc. Tôi tâm đắc với câu châm ngôn của đại văn hào Victor Hugo: “Quand on n’a pas ce qu’on aime, on aime ce qu’on a” (Khi không có cái mà ta thích, hãy thích cái mà ta có).

T. cho tôi biết, sau khi nghỉ việc, em đã nộp đơn cho khá nhiều vị trí ở các công ty khác trong đó có một vị trí mà em thích nhất vì nó hợp với sở thích và kinh nghiệm của bản thân em. Nhưng thời gian không phải là người bạn tốt của em vào lúc này vì tình trạng cư trú của em ở Singapore sau khi tốt nghiệp chỉ là Giấy phép làm việc (EP-Employment Pass) gắn với doanh nghiệp tuyển dụng. Khi em nghỉ việc, EP cũ của T. đương nhiên mất hiệu lực và quy định về di trú chỉ cho phép T. được ở lại Singapore thêm một tháng. Nói cách khác, nếu không tìm được việc làm mới trong vòng một tháng sau “kinh nghiệm khủng khiếp” nói trên thì T. phải khăn gói về nước...

Trong lúc ngồi viết bài này gửi cho độc giả ở nhà thì tôi cũng vừa nhận được e-mail của T. cho biết em đã đi phỏng vấn một nơi và đang chờ kết quả. Theo cách nói của người Việt Nam, nếu có duyên thì T. sẽ tiếp tục có mặt ở Singapore để làm việc. Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy không công bằng vì với mảnh bằng đại học uy tín trong tay sau bao nhiêu năm đèn sách mà giờ đây T. vất vả xin việc để có thể khẳng định mình nơi đất khách quê người.

Thật tình mà nói, đối với tôi, chuyện T. có kiếm được việc làm ở Singapore hay không không phải là điều quan trọng lắm. Bởi lẽ, nếu T. phải về nước thì âu đó cũng là một điều hay vì ở trong nước cơ hội dành cho một cử nhân tốt nghiệp đại học nước ngoài biết tiếng Anh và tiếng Hoa sẽ nhiều hơn. Có thể mức lương khởi điểm của em sẽ thấp hơn so với các nhà tuyển dụng tại Singapore nhưng chắc chắn về lâu về dài thu nhập và triển vọng thăng tiến nghề nghiệp của em tươi sáng hơn nhiều. Tôi chỉ hơi tiếc là em bỏ việc sớm quá vì kinh nghiệm bốn tháng không cho phép em có một cái nhìn bao quát và khách quan về công việc đã làm. Với góc độ của nhà tư vấn, đối với tôi, kinh nghiệm làm việc “khủng khiếp” là “hàng hiệu” cho một bản lý lịch đầy ấn tượng mà ứng viên xin việc làm nên có.

Người Anh Mỹ gọi lễ tốt nghiệp đại học là Commencement, tức là một khởi đầu mới. Anh bạn trẻ T. của tôi đã có một khởi đầu khá vất vả và đớn đau nhưng em hãy xem đó là hành trang không thể thiếu trên con đường sự nghiệp cho dù phải về Việt Nam hay tiếp tục “chiến đấu” nơi đất khách quê người.
_____

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Bí quyết làm giàu của "ông trùm" hộp giấy carton - Richard Pratt


Bí quyết làm giàu của "ông trùm" hộp giấy carton - Richard PrattNhắc đến cái tên Richard Pratt, ngay lập tức người ta nghĩ ngay đến một doanh nhân nổi tiếng, thành đạt vào hàng top ở Australia và khu vực châu Đại Dương. Số tài sản lên đến hàng tỷ USD của Richard Pratt được nhân lên nhờ những hộp giấy carton có vẻ không có mấy giá trị

 



Vậy đâu là bí quyết để Richard Pratt biến đống giấy lộn thành "mỏ vàng" của chính mình?

Ngay từ đầu có thể khẳng định, chính cuộc đời nhiều thăng trầm từ rất nhỏ đã tôi luyện bản lĩnh và ý chí làm giàu của Richard Pratt. Là một doanh nhân thành đạt của Australia nhưng ít người biết được rằng Richard Pratt là người gốc Do Thái. Ông sinh ngày 12/3/1934 tại thành phố Gdansk của Ba Lan. Năm Richard Pratt tròn 4 tuổi để đưa gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thời điểm đó, bố của Richard Pratt - ông Leon đã đưa gia đình sang thành phố Shepparton, Australia định cư và đây cũng là thời điểm cậu bé Przecicki được đổi tên thành Pratt.

Lập nghiệp trên đất nước hoàn toàn xa lạ, bố của Richard Pratt đã từng làm rất nhiều nghề để có được những đồng tiền cho gia đình và bản thân Richard Pratt ăn học.

Sinh trưởng trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ, Richard Pratt đã sớm phải cùng cha gánh vác các công việc của gia đình. Do đó, ý thức quyết tâm vươn lên trong cuộc sống luôn thúc giục Richard Pratt phấn đấu học tập từ khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bỏ lại sau lưng những khó khăn của cuộc sống, Richard Pratt dành hầu hết tâm trí cho công việc học tập của mình và luôn đạt kết quả tốt. Ngoài thời gian học tập, để có thể phần nào giúp đỡ gia đình, Richard Pratt còn cùng gia đình thu mua giấy vụn, chế biến và làm thành những thùng giấy cứng cung cấp cho những hộ gia đình trồng hoa quả và rau trong vùng.

Sau khi học xong chương trình tiểu học tại trường Grahamvale Primary School, Richard Pratt đã thi vào học tại trường Shepparton High School tại thành phố Shepparton và tiếp theo khoa Thương mại của trường University of Melbourne và tốt nghiệp năm 1953. Khi còn là sinh viên, Richard đã bộc lộ rõ tố chất thông minh trong học tập, chịu khó trong công việc.

Là người có cá tính mạnh mẽ không ngại khó khăn, sau khi tốt nghiệp đại học, Richard Pratt đã quyết định xin vào làm nhân viên tại Công ty Ray Lawler’s Summer of the Seventeenth Doll. Trong thời gian làm việc tại đây, Richard Pratt đã có cơ hội làm việc tại các trung tâm công nghiệp lớn như London của Anh, New York của Mỹ. Công việc rất vất vả tại Ray Lawler’s Summer of the Seventeenth Doll đã giúp Richard Pratt học hỏi rất nhiều kinh nghiệm sống cũng như kiến thức thực tế về lĩnh vực kinh doanh.

 


Sau này, chính Richard đã cho rằng những năm tháng miệt mài học hành này đã đem lại thành công của ông hôm nay. Theo Richard, ý tưởng sáng tạo, môi trường kinh doanh luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ông quan niệm rằng một nền tảng học vấn tốt về kinh doanh, cộng với những kinh nghiệm cuộc sống có được từ thực tế hoặc đi tình nguyện là một sự khởi đầu tuyệt hảo cho những thành công nối tiếp.

Sự thành đạt và giàu có của Richard Pratt có thể được xem là điển hình của việc "cha truyền con nối". Thừa hưởng tư duy tài chính sắc sảo của mẹ và kỹ năng kinh doanh chiến lược của cha, Richard Pratt trở thành đại gia ngành giấy và là một trong 3 người giàu nhất Australia một cách "ngoạn mục".

Bố của Richard, ông Leon vốn là một người có đầu óc kinh doanh, được sự hỗ trợ của vợ đã từ hoạt động buôn bán nhỏ lẻ đơn thuần đã thành lập hãng Visy Board chuyên cung cấp cho thị trường các loại đồ hộp làm từ giấy do nhận thấy thị trường ngày càng cần mặt hàng này. Năm 1969, ông Leon qua đời và cậu con trai Richard Partt đương nhiên trở thành người kế nghiệp.

Và quả thực, Richard đã khẳng định mình là người thừa kế xuất sắc và hoàn toàn xứng đáng. Từ một công ty Visy Board nhỏ bé chuyên tái chế và cung cấp hộp giấy carton, sau hơn 30 năm điều hành, bằng những sản phẩm giấy hộp carton cải tiến dành cho các sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao, Richard Pratt đã xây dựng thành công Tập đoàn công nghiệp giấy Visy Industries vươn tầm ra khu vực và thế giới với tổng thu nhập hàng năm lên tới 2,5 tỷ USD, hơn 8.000 nhân viên và hàng trăm chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Cùng với đó, Richard Pratt cũng đã tạo dựng được cho riêng mình khối tài sản cá nhân lên tới 2,3 tỷ USD, đứng trong Top 3 người có số tài sản lớn nhất Australia.

Tuy nhiên, thành quả này không phải dễ dàng mà Richard có được. Đã từng có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh thực tế tại Ray Lawler’s Summer of the Seventeenth Doll, sau khi tiếp quản Visy Board, Richard Pratt đã nhanh chóng nắm bắt được các hoạt động của công ty. Ngoài nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mẫu mã và hình dáng các sản phẩm hộp giấy carton ngày càng đòi hỏi phải có hình thức và mẫu mã đẹp. Riachard tự nhận mình là nhà sáng tạo đầy tài năng, ông say mê các ý tưởng, dám đương đầu với thách thức. Và đó là bí quyết để Richard có được những bước đi táo bạo khi mở rộng và phát triển công việc kinh doanh của mình.

Do đó, bước đầu tiên Richard Pratt tiến hành chính là nghiên cứu cải tiến dây chuyền sản xuất hộp giấy của công ty. Ông đã huy động vốn của Visy và các khoản đóng góp của các đối tác khác để thực hiện dự định này. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, cuối cùng, Visy Board cũng có được một dây chuyền sản xuất giấy đóng hộp tiên tiến và vươn lên vị trí một trong những nhà sản xuất và cung cấp hộp giấy carton hàng đầu Australia.

Trong những năm 70, bình quân mỗi năm Visy Board sản xuất được 100.000 tấn hộp giấy. Tới năm 1979, công ty đã xây dựng được nhà máy tái chế giấy quy mô lớn tại Warwick Farm, chính nhà máy này đã trở thành bàn đạp trọng yếu của Richard Pratt trong chiến lược tiến ra chiếm lĩnh các thị trường quốc tế.

Có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, Richard Pratt ngay lập tức đưa ra chương trình hướng tới thị trường trong và ngoài khu vực. Trong giai đoạn thập niên 80 và 90, tại hầu hết các quốc gia phát triển, các ngành công nghiệp phát triển rất mạnh, đặc biệt là Anh, Mỹ... Do đó, đích mà Richard Pratt hướng tới không đâu khác chính là những thị trường đầy tiềm năng này. Richard Pratt đã hầu như dồn hết nguồn tài chính có được tại thị trường nội địa vào thiết lập ngay những chi nhánh tại Mỹ để tận dụng được nguồn nhân công dồi dào và lượng giấy phế thải tại chỗ. Tại các chi nhánh, Richard Pratt đã đưa vào áp dụng quy trình đa dạng các loại sản phẩm giấy carton loại dày có tính năng ưu việt vừa bền vừa có mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, Visy Board không chỉ thiết lập được một mạng lưới các nhà máy tại Staten Island, New York, Coolaroo, Victoria, New South Wales Mỹ mà còn mở rộng được các chi nhánh sang cả thị trường New Zealand và Papua New Guinea.

Ngoài các sản phẩm hộp giấy carton công nghiệp truyền thống, Richard Pratt còn tiến hành hàng loạt các chương trình đầu tư vào các ngành công nghiệp xử lý và cung cấp nước sinh hoạt. Dựa trên nguồn vốn hùng mạnh của Visy Industries, Richard Pratt đã thiết lập một hệ thống các nhà máy sơ chế các loại nước thải của các thành phố sau đó phân loại xử lý thành nước sạch dành cho sinh hoạt và cung cấp cho người sử dụng.

Bằng các khoản đầu tư lớn này, Visy Industries cũng nhanh chóng vươn lên vị trí một trong những nhà cung cấp nước sạch hàng đầu ở Australia. Richard Pratt cũng đã trở thành một trong những nhà cải cách về tiêu chuẩn nước sinh hoạt, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào chính sách phát triển nguồn nước sạch tại Australia.

Rất đam mê kinh doanh nhưng dường như được thừa hưởng lòng nhân ái của người mẹ, ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội của mình.

Trong nhiều năm hoạt động trên thương trường, ngoài những chương trình kinh doanh của cá nhân mình, Richard Pratt còn được mọi người biết tới với nhiều hoạt động vì cộng đồng và đóng góp cho xã hội. Richard Pratt đã từng được giao nhiều trọng trách quan trọng như Hiệu trưởng danh dự của trường Swinburne University of Technology; Chủ tịch của Trung tâm khoa học Victorian Arts Centre Trust; Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Mental Health Research Institute of Victoria…Tháng 7/2007, Richard Pratt đã được bầu làm Chủ tịch CLB bóng đá giàu truyền thống của Australia, Carlton Football Club.

Đặc biệt, Richard Pratt và gia đình cũng đã tự thành lập quỹ từ thiện Pratt Foundation nhằm đẩy mạnh các hoạt dộng giúp đỡ người nghèo và các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.

Với tài năng, uy tín và những đóng góp cho xã hội, Richard Pratt đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng Environmental Visionary năm 1998 sau chiến dịch Keep Australia Beautiful Campaign; huân chương danh dự Order of Australia – huân chương danh giá nhất của Australia - năm 1985 và 1998.