Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Phục nghiệp dù chỉ còn...40.000 đồng


(Dân trí) - Câu chuyện đường đến thành công đầy gian truân của GS.Hà Tôn Vinh, những phát biểu của Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, và nhiều chuyên gia đã khơi gợi khát khao lập nghiệp đối với các bạn trẻ.
Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức chương trình Giao lưu chuyên gia, doanh nhân và thanh niên khởi nghiệp với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp trong thời kỳ suy giảm kinh tế: Cơ hội và Thách thức”.
Phát biểu chia sẻ tại buổi giao lưu, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - cho biết: “Đối với thanh niên khát vọng lập nghiệp là khát vọng cháy bỏng nhất. Hãy chọn việc, hãy chọn nghiệp dựa trên hai tiêu chí. Một là tiêu chí xã hội cần và tiêu chí thứ hai là năng lực của bản thân mình”.
 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhắn nhủ tới các bạn thanh niên
Và Nguyên Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ tới các bạn thanh niên: “Bên cạnh những hoài bão lớn lao, bên cạnh lập nghiệp thì chúng ta hãy sống tử tế với bản thân mình,  gia đình, bạn bè, những người xung quanh, luôn luôn phải nghĩ đến những người khác chứ không chỉ nghĩ đến mình. Hãy nói chứ đừng chửi thề, hãy nhặt rác chứ đừng xả rác, hãy trồng cây chứ đừng chặt cành, hãy đi chứ đừng chen”.
Câu chuyện thực tế về con đường lập nghiệp của các chuyên gia cũng là đề tài thu hút các bạn trẻ tham dự. GS.Hà Tôn Vinh hồi tưởng lại những gian truân trong con đường đi tới thành công của mình ngày hôm nay:
“Năm 1982 tôi nghĩ mình phải bắt đầu kinh doanh máy tính. Trước đó tôi chưa bao giờ nhìn thấy bàn phím, màn hình máy tính. Tôi đi ra ngoài tiệm, bắt đầu học, tìm tòi xem thử. Tôi quyết định mở một tiệm rất nhỏ để bán máy tính. Chưa có máy tính, tôi tìm cách mượn và học. Tôi in tờ rơi ra bến tàu điện ngầm tôi phát, chỉ có thể thôi, từ từ người ta đến, từ từ người ta hỏi rồi mình học dần dần.
 

GS Hà Tôn Vinh chia sẻ những kỷ niệm gian truân trong con đường khởi nghiệp của mình.
Sau này tôi trở thành một trong những người cung cấp máy tính lớn nhất cho Bộ Quốc phòng của Hoa Kỳ. Có thể là tôi may mắn, và một lý do khác nữa là tôi dám làm, điều tôi muốn nói với các bạn là phải có ý tưởng mình sẽ làm gì. Sau này tôi có tiền rồi tôi mới bung ra làm nhiều thứ, lúc đó tôi thất bại. Tôi gần như phá sản đến cái độ mất hết tất cả mọi thứ chỉ còn có 2 USD trong túi. Lúc đó mình làm gì, một là mình buồn khổ hay là mình bắt đầu lại?
Thế là tôi bắt đầu lại, tôi mất 6 năm rơi xuống hố mới quay trở lại. Điều tôi muốn nói ở đây là các em phải đi tìm, tìm thật nhiều thông tin. Nhất là trong thời đại thông tin nở rộ như hiện nay. Không được ngại hỏi, ngại khó.
Các anh ở đây có chia sẻ là đã từng có nhiều người phản đối ý tưởng kinh doanh của các anh. Thậm chí anh chị, bố mẹ cũng không tán thành. Nhưng mình đã có ý tưởng là mình phải làm đến cùng. Còn trẻ thất bại không sao cả. Tôi 60 tuổi, tôi kinh doanh mà thất bại thì cũng hơi buồn nhưng vẫn phải chấp nhận, kinh doanh là có cả cơ hội lẫn thách thức”.
 
Nguyễn Văn Dương - Sinh viên ĐH Thương Mại đặt câu hỏi tới các chuyên gia
 
Rất nhiều những thắc mắc đã được các bạn sinh viên đã được gửi tới các chuyên gia như: Sinh viên năm nhất có nên kinh doanh không, nữ giới kinh doanh sẽ phải đối diện với những rủi ro như thế nào, kinh nghiệm quản lý thời gian…

Qua đó các bạn thanh niên, sinh viên đã được cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê kinh doanh, ước mơ lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng.
 
 
Phương Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét