Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ý TƯỞNG LỚP KĨ NĂNG CHO BÉ


http://chatmasterweb.wordpress.com/2013/01/25/y-tuong-lop-ki-nang-cho-be/

1. Ý TƯỞNG:

Các em nhỏ từ 2 – 12 tuổi thiếu trầm trọng kĩ năng hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy mong muốn của tôi là sẽ có ai đó đi thực hiện ý tưởng này.
Thông qua “lớp kĩ năng cho bé” bạn sẽ hướng dẫn bé rất nhiều kĩ năng hòa nhập cộng đồng như: Chào hỏi, ăn uống, đi đứng, mặc quần áo, gọi điện thoại, vẽ tranh, bơi lội … thậm chí rửa tay. Nói chung khi gia nhập lớp các bé sẽ được tham gia các chương trình huấn luyện nhỏ theo giáo trình soạn trước nhằm đạt được một hoặc một số kĩ năng nào đó mà cha mẹ đặt hàng. Không có học phí cho cả khóa mà chỉ có học phí cho từng chương trình huấn luyện, nghĩa là phụ huynh chỉ trả tiền những kĩ năng mà con họ được dạy (do họ yêu cầu). Uy tín của dịch vụ chính là sự trưởng thành của học viên.
Tại sao đối tượng khách hàng là các em nhỏ? Ai cũng thiếu kĩ năng sống nhưng các em nhỏ thường được cha mẹ ưu ái đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, đôi khi họ nghĩ người lớn có thể tự học được chứ các em nhỏ thì phải có người dạy. Chính vì các lí do này nên ý tưởng “lớp kĩ năng cho bé” dễ thành công hơn.
Thay vì đi mở một trung tâm dạy tiếng Anh cho thiếu nhi, bạn sẽ đi mở một trung tâm huấn luyện kĩ năng hòa nhập cộng đồng cho các em nhỏ. Khó khăn lớn nhất khi đi thực hiện ý tưởng này chính là việc thiết kế ra các chương trình huấn luyện và đưa ra phương pháp huấn luyện đạt hiệu quả cao nhất ở lứa tuổi các bé. Khó khăn tiếp theo chính là tìm kiếm nguồn nhân lực, tạo dựng cơ sở vật chất …
Tôi có quen một chị bạn có hai cô con gái nhỏ. Đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Mặc dù cố gắng dạy con rất nhiều nhưng hai con rất hay nói không dạ thưa. Thiết nghĩ giáo dục con người cần kiên trì, nghiêm khắc, bài bản … Phải kì công lắm mới tạo dựng được trong họ những thói quen tốt. Chẳng ai tự dưng có ý thức cả. Nếu như Việt Nam chúng ta có một trung tâm huấn luyện kĩ năng hòa nhập cộng đồng cho các em nhỏ tốt như trên thì các gia đình như vậy sẽ tìm đến. Khi đó không những cá nhân người giáo được giáo dục được thụ hưởng mà gia đình, xã hội cũng theo đó mà tốt đẹp hơn. Chúng ta cứ than phiền rằng giới trẻ ngày càng cư xử thô bạo, thiếu văn hóa …; chúng ta cứ ra sức phòng chống trộm cướp, giết người, hiếp dâm … mà chúng ta không hiểu được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Khi một người thiếu giáo dục, sống buông thả … sẽ sinh ra nhu nhược, lười biếng, ngu dốt … đến khi gặp điều kiện “thuận lợi” bản tính con trong họ sẽ “trỗi dậy”. Người được giáo dục tốt, rèn luyện quen với khổ cực sẽ trở nên yêu lao động, coi sự phấn đấu là điều tất yếu nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó kẻ thiếu giáo dục, rèn luyện lại sinh ra biếng nhác, nghĩ rằng muốn giàu có phải “cướp” của người khác. Bạo lực, tội ác … ở những loại người này luôn đáng sợ.
Cuộc đời như một cõi tạm, những gì chúng ta tranh đấu, giành giật … cuối cùng cũng phải để lại cho người khác khi chúng ta lìa đời. Chính vì vậy, vươn đến những điều tốt đẹp để có cuộc sống thanh thản về tâm hồn là triết lí khôn ngoan. Chỉ khi nào bạn coi giàu có là cách sống thì khi đó bạn mới có những điều chỉnh tốt nhất đối với bản thân mình, từ đó mới cảm nhận được những hạnh phúc mà mình đang có mà thôi!

2. HOÀN CẢNH KHÁCH QUAN:

“Chương trình đào tạo “Kĩ năng sống cho trẻ mầm non ” là một chương trình đào tạo rất đặc biệt, nội dung chương trình bám vào hai vấn đề hết sức cần thiết cho trẻ đó là “giá trị sống”/“Living Values” và “kĩ năng sống”/“Life Skills” nhằm xây dựng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách con người, tăng sức đề kháng, năng lực hội nhập cho con trẻ ngay hôm nay và tự tin vững bước trong tương lai. Các chương trình phát triển kĩ năng sống và giá trị sống của sẽ giúp trẻ khám phá thế giới tâm hồn mình một cách có định hướng, khiến trẻ qúi trọng bản thân, từ đó xây dựng cho trẻ những kĩ năng sống hòa nhập với môi trường xung quanh. Ngoài ra, mục tiêu của chương trình đào tạo cũng nhằm phát triển, nuôi dưỡng những giá trị sống nền tảng và hình thành những kĩ năng sống tích cực trong trẻ, giúp trẻ cân bằng cuộc sống trên bốn lĩnh vực nền tảng: Thể trạng, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần. 8 kĩ năng sống cơ bản và quan trọng nhất mà bé nên được rèn luyện trong giai đoạn 1 – 6 tuổi:
+ Phương pháp phát triển kỹ năng giao tiếp: Kĩ năng giao tiếp với bạn bè; kĩ năng giao tiếp với bố mẹ, ông bà; kĩ năng giao tiếp với người lạ.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng thích nghi: Kĩ năng thích nghi các loại thức ăn; kĩ năng thích nghi với môi trường; kĩ năng thích nghi với đám đông.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng khám phá thế giới xung quanh: Kĩ năng khám phá không gian; kĩ năng khám phá sự vật; kĩ năng khám phá chất liệu; kĩ năng khám phá thiên nhiên.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng tự chăm sóc bản thân: Kĩ năng tự xúc ăn; kĩ năng tự mặc quần áo; kĩ năng tự chăm lo vệ sinh cá nhân.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng tạo niềm vui: Kĩ năng cho trẻ tự chơi; kĩ năng chơi cùng bố mẹ; kĩ năng chơi với người khác (bạn bè, người thân …); kĩ năng cùng bố mẹ làm đồ chơi.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng tự bảo vệ: Kĩ năng phân biệt nguy hiểm; kĩ năng tự xoay sở.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng làm việc đội nhóm: Kĩ năng làm việc cùng bạn trong nhóm lớp và tập thể; kĩ năng tạo niềm vui thông qua kết quả tập thể đạt được; kĩ năng tạo ra tinh thần đồng đội.
+ Phương pháp phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề: Kĩ năng kiểm soát hành vi; kĩ năng ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra; kĩ năng tư duy tích cực, giải quyết nhanh vấn đề.
“Trong mỗi đứa trẻ đều có những tài năng tiềm ẩn. Sự chuẩn bị kĩ càng từ lúc đầu đời chính là chìa khóa thành công cho tương lai mỗi cháu” (Maria Montessori). Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ từ lứa tuổi mầm non chính là cơ sở giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, là nền tảng cho quá trình học tập suốt đời của trẻ”.
………….
“Khi trẻ lớn dần, nhu cầu hòa nhập xã hội, tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng cao. Thông tin ngoại cảnh không chỉ có những cái tốt đẹp mà còn bao gồm cả những cái xấu, cái không tốt. Vì vậy, việc học kĨ năng sống cho bé là vô cùng cần thiết.  
Mỗi người khi sinh ra đều không thể có khả năng làm được mọi thứ một cách ngẫu nhiên. Đó là kết quả của quá trình tiếp thu, thích nghi với các tri thức, kinh nghiệm xã hội lâu dài. Và lẽ dĩ nhiên, trẻ em khi sinh ra không thể tự nhiên có được kĩ năng sống như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng trình bày ý kiến, kĩ năng tự chăm sóc bản thân … Càng có những kĩ năng này sớm bao nhiêu thì trẻ càng có nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tri thức ngày một phong phú … Việc dạy kĩ năng sống cho bé sẽ giúp bé sớm bắt kịp với cuộc sống và phát triển khả năng của bản thân. Có được các kĩ năng sống tốt đẹp, trẻ sẽ hình thành được nhân sinh quan, thái độ sống tích cực và hành vi đúng đắn. Ngoài ra sự tác động về tâm sinh lí của trẻ cũng tác động làm trẻ phải đối mặt với những sự thay đổi trong cuộc sống. Ở mỗi gia đoạn phát triển, trẻ sẽ có những biến đổi về trạng thái, cách nhìn nhận sự vật xung quanh cũng như cách ứng xử với vấn đề đó. Bởi vậy, trang bị cho trẻ những kĩ năng sống cơ bản sẽ giúp bé có khả năng thích nghi tốt, đáp ứng tốt cho nhu cầu thay đổi đó. Những áp lực về học tập từ gia đình và xã hội ngày càng lớn đối với trẻ. Những kì vọng của cha mẹ vào con cái luôn khiến trẻ thấy trách nhiệm của mình cần phải đáp ứng. Việc rèn luyện cho trẻ những kĩ năng tích cực sẽ giúp trẻ nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, tự tin và đối mặt với vấn đề tốt hơn, tránh sự sợ hãi và lảng tránh không đáng có. Các kĩ năng sống cơ bản trẻ cần học: Kĩ năng giao tiếp; kĩ năng vui chơi lành mạnh; kĩ năng cảm nhận, chia sẻ; kĩ năng quản lí tiền bạc; kĩ năng tự chăm sóc bản thân; kĩ năng lắng nghe …”.
……………..
“Hiện nay, cha mẹ rất quan tâm tới việc rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ. Vì vậy các khóa học kĩ năng sống cho trẻ được mở ra rất nhiều với sự đa dạng và phong phú về phương pháp dạy, giáo trình dạy … Nhiều khi sự ồ ạt như vậy khiến cha mẹ khó có thể nắm bắt và chọn cho con mình một khóa học phù hợp. Vậy đâu là các yếu tố cơ bản của một khóa học kĩ năng sống cho trẻ có hiệu quả mà cha mẹ nên chú ý?
+ Cơ sở vật chất như phòng học (bàn ghế, ánh sáng, đồ vật trang trí trong phòng …), dụng cụ học tập (máy chiếu, âm thanh, hình ảnh, đồ chơi …): Một không gian thích hợp với môn học, lứa tuổi học sẽ giúp các bé tiếp thu tốt hơn, việc học có hiệu quả hơn. Việc trang bị tốt hứa hẹn một kết quả cao trong đào tạo. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào nội dung chương trình huấn luyện, phương pháp huấn luyện như thế nào.
+Giáo trình giảng dạy: Căn cứ vào nội dung giáo trình để biết được chương trình giảng dạy mà con bạn được học. Một khóa học tốt phải có giáo trình tốt; một giáo trình tốt phải dựa trên những nền tảng kiến thức đúng đắn, các phương pháp tư duy hiện đại, có thể linh hoạt theo từng môi trường, khả năng và nhu cầu học tập của trẻ … 
+ Phương pháp giáo dục: Có thể nói phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định tới chất lượng của một khóa học kĩ năng sống cho trẻ. Việc đào tạo kĩ năng sống cho trẻ rất quan trọng vì lĩnh vực giáo dục mang tính đặc thù là khơi dậy những tiềm ẩn của trẻ nên phương pháp dạy không thể tiến hành như phương pháp đào tạo thông thường.  Giáo dục kĩ năng sống cho trẻ là nâng cao năng lực để trẻ tự biết cách chọn lựa, quyết định. Vì thế phương pháp giảng dạy phải gần gũi, xuất phát từ chính nhu cầu và cuộc sống thực tế hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt, vui chơi … Trẻ cần có điều kiện để cọ xát các ý kiến khác nhau, trao đổi kinh nghiệm, tập tành, thực hành, áp dụng và tham gia trực tiếp vào các hoạt động để tự hình thành ý thức cho các hành vi của mình. Do đó phương pháp được áp dụng để đem lại những điều kiện trên là tổ chức các sinh hoạt hay thảo luận theo nhóm, theo cặp, động não, sắm vai, phân tích tình huống, tranh luận, trò chơi, huy động tối đa nghe, nhìn, vận động ….
+ Giáo viên giảng dạy: Trình độ, khả năng, tính cách, phong cách sống … sẽ phần lớn tạo nên phong cách giảng dạy cho giáo viên. Vì vậy cha mẹ nên quan tâm đến việc người hướng dẫn con mình học là ai sẽ có thêm một cơ sở để chọn khóa học cho con mình. Trước khi quyết định gửi con vào một trung tâm kĩ năng sống nào đó, cha mẹ hãy gặp gỡ, trò chuyện và tìm hiểu với các giáo viên của trung tâm đó để phần nào biết được con mình có phù hợp với môi trường giảng dạy ở đó hay không”.
……………….
“Từ xa xưa, cổ nhân đã nói: “Nhân tri sơ, tính bổn thiện”, con người khi sinh ra đều có bản chất lương thiện. Dưới tác động của ngoại cảnh, và quá trình hòa nhập đã giúp con người hình thành nhân sinh quan cho bản thân. Mỗi người một quan điểm, một tính cách, thói quen sẽ tự xây dựng cho mình một thế giới quan riêng.
Ki nang
Chính vì vậy mới có cái xấu – cái tốt, cái thiện – cái ác … Điều cần thiết và quan trọng là giúp mỗi người định hình cho mình những giá trị sống tốt đẹp cũng với những kĩ năng sống để phát triển toàn diện.
+ Giá trị sống: Giá trị tạo ra địa vị, địa vị tạo ra tiền bạc – Đó có thể coi là bản chất của cuộc sống. Giá trị là sự cộng hưởng của cái bạn làm được và được mọi người ghi nhận. Để nhận thức được về giá trị sống, người trẻ cần biết cách: Đào sâu những suy nghĩ, hiểu biết của mình về các giá trị cuộc sống, từ đó biết được phương pháp thực tế để phát triển những phẩm chất, đức tính tốt của bản thân; lựa chọn và xây dựng cho mình kĩ năng sống tích cực để hòa nhập cộng đồng với sự tôn trọng, tự tin và mục đích rõ ràng; thể hiện mình trong các mối quan hệ tích cực với bản thân, với người khác, với cộng đồng và rộng hơn nữa là cả thế giới. Có 12 giá trị sống mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ và làm mục tiêu hướng đến cho bản thân:
- Hòa bình: Hãy hiểu hòa bình đơn giản rằng mỗi người đều cảm thấy bình yên trong tâm hồn, trong cuộc sống của bản thân thì ắt sự hòa bình sẽ tồn tại trên toàn thế giới.
- Tôn trọng: Mỗi một con người là một cá thể riêng biệt, là duy nhất. Vì vậy hãy tự trọng với phẩm chất cá nhân và tôn trọng cá tính của người khác.
- Yêu thương: Không một ai là không yêu thương một người nào đó và được ai đó yêu thương lại. Bản chất của con người là luôn cần sự yêu thương.
- Hạnh phúc: Sống có mục đích, có lí tưởng và lạc quan giúp con người yêu đời và hạnh phúc hơn.
- Trung thực: Hãy sống đúng với bản thân và chân thành với người khác. Điều đó sẽ giúp ta có cuộc sống thanh thản và yên bình.
- Khiêm tốn: Nếu không có sự khiêm tốn, biết lắng nghe và chấp nhận quan điểm của người khác, cuộc sống sẽ không thể bình yên.
- Trách nhiệm: Trách nhiệm mang đến niềm tin và sự tín nhiệm. Người có trách nhiệm là người trưởng thành và đúng đắn.
- Giản dị: Đó là vẻ đẹp tự nhiên, sự bác ái, lòng trắc ẩn để nhận ra cái tốt đẹp ở mọi sự vật, mọi con người.
- Khoan dung: Đây chính là phương pháp để đạt tới giá trị hòa bình. Là khả năng vượt qua khó khăn, cởi mở với mọi người, nhận ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
- Hợp tác: Không ai có thể tồn tại một mình. Bởi vậy sự hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh thành công. Sự hợp tác cần có lòng can đảm, sự quan tâm và chia sẻ.
- Tự do: Hãy suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề. Khi đó, tự do sẽ hiện diện trong tâm hồn và trái tim mỗi người.
- Đoàn kết: Ai cũng biết rằng đoàn kết là sức mạnh lớn lao tạo ra nhiều giá trị khác. Tình đoàn kết được xây dựng từ thái độ không vị kỉ, sự chia sẻ và cùng chung một lí tưởng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Kĩ năng sống: Kĩ năng sống bao gồm các kĩ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn cao nhưng có tác dụng lớn trong việc hình thành tư duy, nhân cách của mỗi người. Đó là thái độ sống, giá trị sống cơ bản … Các quan niệm khác nhau về kĩ năng sống:
- Kĩ năng sống đôi khi còn được coi là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày.
- Kĩ năng sống là kĩ năng thiết thực mà con  người cần có để cuộc sống an toàn và khỏe mạnh. Tổ chức Y tế thế giới coi kĩ năng sống là kĩ năng mang tính tâm linh xã hội và kĩ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để được tương tác một cách hiệu quả với người khác, giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày.
Các kĩ năng sống cơ bản:
- Nhóm kĩ năng nhận thức: Nhận thức bản thân; xây dựng kế hoạch; xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu; tư duy tích cực và tư duy sáng tạo.
- Nhóm kĩ năng xã hội: Kĩ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ; kĩ năng gia tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể; kĩ năng thuyết trình và nói trước đám đông; kĩ năng diễn đạt cảm xúc và phản hồi; kĩ năng làm việc theo nhóm; kĩ năng ra quyết định …
- Nhóm kĩ năng quản lí bản thân: Kĩ năng làm chủ cảm xúc; phòng chống stress; kiềm chế sự tức giận …
- Nhóm kĩ năng xã hội: Kĩ năng giao tiếp hiệu quả; kĩ năng đồng cảm; kĩ năng quan sát; kĩ năng kiên định; kĩ năng thuyết phục và gây ảnh hưởng …
- Nhóm kĩ năng nghề nghiệp: Khám phá bản thân; khám phá sở thích và hứng thú; định hướng nghề nghiệp…
……………….
“Sự phát triển có tính đột phá và vượt bậc của kĩ thuật khoa học, công nghệ và cả kinh tế – xã hội đã đưa con người lên một vị trí văn minh cao nhất trong lịch sử hình thành và tồn tại của nhân loại. Song sự phát triển của nguồn lực con người mới là yếu tố cốt lõi không thể thiếu trong quá trình bắt kịp với nhịp sống, thời đại. Do đó, để phát triển con người toàn diện, sự phát triển đó phải được bắt đầu đặt nền móng từ sớm, từ khi còn nhỏ. Có rất nhiều mô hình đào tạo và phát triển con người theo cách toàn diện cả tâm và tài, đặc biêt như Wedo – Wegood với phương pháp nuôi dưỡng, phát triển trẻ hội tụ đủ Tâm – Tài – Đức – Hiếu – Nhẫn – Nhân theo triết lí của người phương Đông.
Mô hình phát triển toàn diện 6G trên hướng đến một con người toàn diện với đầy đủ khí chất (sự tham muốn, lòng nhân, cảm xúc tính); trí tuệ (trí nhớ, trí tưởng tượng, óc phán đoán); tâm tính (thị hiếu, khuynh hướng, thói quen, đam mê); tâm trí (kí ức, ý kiến, tín ngưỡng, giáo dục).
- Tâm: Hãy hiểu chữ tâm đơn giản thể hiện ở tấm lòng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, cách xử sự giàu lòng nhân ái, thái độ bất bình trước những thói hư tật xấu và luôn đứng về phía chân lí.
- Tài: Khả năng tỏa sáng, khả năng phát triển sở trường …
- Đức: Hiểu về chính mình, sống đúng với bản thân, hành động đúng với lương tâm mình.
- Hiếu: Lòng hiếu thảo được coi là nền tảng của đạo đức con người. Đó là sự yêu thương, trân trọng, biết ơn ông bà cha mẹ, sự thân ái với những  người xung quanh.
- Nhẫn: Sự kiên tâm nhẫn nại, khả năng làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc trước những xung đột, mâu thuẫn.
- Nhân: Lòng trắc ẩn đối với mọi người, tinh thần tương thân tương ái, thái độ bao dung, độ lượng và thương người.
…………….
Kĩ năng sống: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện nay, lối sống của giới trẻ đang là vấn đề được nhắc tới rất nhiều. Giới trẻ bị phê phán vì lối sống thờ ơ, sự ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ và đang dần mất đi những giá trị đạo đức cốt lõi trong chính bản thân …
Giáo dục tuổi trẻ
Đôi khi sự sai lầm trong lối sống và hành vi của giới trẻ hiện nay xuất phát từ chính sự không đầy đủ trong mục tiêu phát triển con người toàn diện của gia đình và xã hội. Chúng ta cảm thấy chênh vênh bởi những chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống. Chúng ta nói nhiều tới giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, các khóa học kĩ năng mềm. Nhưng phải chăng, những nội dung và cách thức giáo dục đang chưa thực sự chuẩn chỉnh và phù hợp với giới trẻ. Vậy thì, cần trang bị những kĩ năng sống cơ bản nào để người trẻ vững vàng, hoàn thiện bản thân? Phải chăng, trong vô vàn kĩ năng sống mà người trẻ ngày nay cần được bổ sung, chân thật là thứ quan trong nhất?
Trung thực không chỉ đơn giản là không nói dối, không ăn cắp, không lừa đảo … Sống trung thực còn mang rất nhiều ý nghĩa, là sống thật với bản thân, với những người xung quanh. Trong cuộc sống bộn bề giữa những ranh giới xấu – tốt, thiện – ác … thì sống thật có lẽ là bài học kĩ năng sống lớn nhất mà người trẻ phải học.
Thành thật với chính mình
Càng ngày càng có nhiều người trẻ ngộ nhận về giá trị thật sự của bản thân. Họ quá sa đà vào một cuộc sống ảo tưởng, không nhận biết được mình là ai, cần gì và phải làm gì. Họ thần tượng một ngôi sao trong làng giải trí đến mức mù quáng, họ quên học hành, họ chỉ sống với những hình tượng long lanh trên sân khấu đầy hào quang … Đó không chỉ là rào cản cho sự tiến bộ của bản thân mà còn làm ảnh hưởng tới những người khác, với những người trẻ hơn …
Khi có chuyện buồn, nhiều người trẻ không tìm cách đối diện với thực tế mà lại lảng tránh, cố tỏ ra mình là người mạnh mẽ … Những cảm xúc không thật như vậy khiến người trẻ dễ rơi vào stress, trầm cảm … Điều này càng nới rộng khoảng cách giữa họ với thế giới. Thật đáng buồn là tình trạng trên có dấu hiệu trở thành xu hướng của giới trẻ hiện nay khi coi đó là cách để bảo vệ bản thân trong vỏ ốc … Chúng ta cảm thấy đau lòng bởi các em thiếu niên ngày càng ẩn mình trong thế giới ảo. Đôi khi những vấp ngã mà các em gặp phải trong cuộc sống khiến các em cảm thấy bế tắc, nhưng thay vì đối diện với khó khăn, tìm hướng giải quyết thì các em lại lẩn trốn, và không dám thành thật với chính mình. Không thành thật, các em không dám đối diện với những nhược điểm của bản thân. Không thành thật, các em không hiểu đâu mới là con người thật của mình, và đâu là tương lai mình cần theo đuổi.
Sống thật với những người xung quanh
Từ nhỏ chúng ta đã được học bài học về lòng tin, sự nhân ái. Nhưng đôi khi niềm tin đang dần bị mất đi bởi một nguyên nhân rất nhỏ đó là chúng ta không dám tin tưởng ai trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cảm thấy nghi ngờ trước một cảnh đời, một tình huống, một con người … Vì nghi ngờ nên chúng ta không thành thật. Cử xử không thành thật, thái độ không thành thật dần dần sẽ dẫn tới hành vi không thành thật.
Sự không thành thật với những người xung quanh từ những chuyện nhỏ nhặt ắt sẽ dẫn đến xu hướng lừa dối ở các cấp độ cao và trầm trọng hơn. Không có ai thích và cần sự lừa dối, nhưng sự thực là ai cũng từng ít nhất một lần nói dối trong đời, thậm chí là lừa dối người khác để bản thân đạt đến một vị trí nào đó.
Trong giao tiếp, sự thiếu thành thật cũng khiến con người ta trở nên dè chừng nhau hơn và khiến cho các mối quan hệ trở nên kém thân mật. Nếu chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau, giãi bày với nhau thì đã không có những hiềm khích, hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Nhiều người đã mất đi tình yêu của mình chỉ vì cái “tôi” cá nhân quá cao, cái sĩ diện quá lớn … Như vậy thật là quá đáng tiếc”.
Kết luận: Mỗi ý tưởng mà tôi đưa ra đều đầu tư rất nhiều chất xám, công sức và thời gian, chỉ những ai đủ đam mê mới có thể xem nó là mục tiêu của đời mình. Khi bạn đủ đam mê bạn sẽ không ngừng tìm tòi để làm cho con đường mình đang đi ngày càng phát triển. Làm giàu mà làm với thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm thì làm sao thành công nổi!?

3. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ:

Sau đây là những điều kiện tối thiểu cần và đủ để bạn có thể thực hiện thành công ý tưởng này:
+ Bạn phải có một số vốn đủ để mở “lớp kĩ năng cho bé”. Số vốn này bạn sẽ dùng để mướn một mặt bằng nhỏ, sửa chữa, thiết kế, trang trí, mua đồ dùng dạy học, lập trang web, quảng cáo, giao dịch …
+ Bạn phải nắm được kĩ thuật kinh doanh mô hình này.
+ Bạn phải là người yêu trẻ, có kinh nghiệm nuôi dạy, nắm bắt tâm lí, hướng dẫn trẻ … Sẽ là lợi thế nếu bạn là nữ tốt nghiệp trường sư phạm, có quan hệ rộng với các bậc phụ huynh có con nhỏ … Khi đó bạn sẽ có cơ hội lôi kéo nhiều khách hàng đến với lớp kĩ năng của mình hơn.
+ Bạn phải kiên nhẫn đủ để theo đuổi ý tưởng, và chịu đựng sự phàn nàn của các bậc phụ huynh, sự phá phách của các em (nếu có).
+ Bạn phải am hiểu về internet, thiết kế web, logo, slogan, banner và có khiếu chọn hình ảnh, viết bài đăng trên web.
+ Bạn phải tinh tế, sáng tạo đủ để tự mình thiết kế ra nhiều chương trình huấn luyện bổ ích, an toàn … mà chi phí thấp.
+ Bạn phải có sự ủng hộ của gia đình (có thêm bạn bè thì càng tốt). Ít nhất bạn cần sự trợ giúp của một vài người thì công việc mới suông sẻ.
+ Bạn phải là người có khuôn mặt hay cười, vui tính, ăn nói nhẹ nhàng, có duyên với trẻ, có khiếu giao tiếp …
+ Bạn phải am hiểu cơ bản về các thủ tục pháp lí trong lĩnh vực kinh doanh.
+ Bạn phải là người cầu tiến, chu toàn, quản lí chặt chẽ tiền bạc …

4. KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI:

Kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng có khó khăn và thuận lợi, nếu như bạn cảm thấy mình không thể vượt qua những khó khăn liệt kê dưới đây thì tốt nhất không nên chọn thực hiện ý tưởng này. Sau đây là một số khó khăn và thuận lợi điển hình khi bạn quyết định theo đuổi ý tưởng này:
Khó khăn:
+ Về việc chọn mặt bằng kinh doanh: Mặt bằng kinh doanh lí tưởng thường được đặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị … (nơi có khách hàng nhí đông và chỗ để xe cho phụ huynh đi cùng con). Cố gắng thuê những mặt bằng có vị trí thuận lợi, giá thuê rẻ, có nhiều điều kiện thuận lợi khác hỗ trợ như: Đông người lui tới, có chỗ để xe, khung cảnh thoáng mát, đẹp đẽ … Việc không lựa chọn được mặt bằng sẽ khiến cho công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
+ Về kĩ thuật kinh doanh: Khi nghĩ ra ý tưởng tác giả đã nghĩ ra kĩ thuật kinh doanh để thành công với mô hình này, do đó bạn nên liên hệ với tác giả để biết cách thực hiện.
+ Về việc lập web: Nhiều người cứ cho rằng lập web không có gì khó, thật ra để có một trang web thú vị lôi cuốn khách hàng là điều không hề dễ dàng. Ngoài cách trình bày, chọn lọc hình ảnh, nội dung … thì khó khăn nhất chính là viết bài. Người quản lí web phải viết bài sao cho thật hay, ý nghĩa, phù hợp tâm lí người đọc, đúng đắn, thiết thực … Bạn phải biết rằng đối tượng khách hàng của bạn là ai để khi viết bài bạn phải nêu bật lí do tại sao họ nên chọn dịch vụ của bạn. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó đối với những ai không có khiếu văn chương.
+ Về việc thu lợi nhuận: Dù có làm tốt các công việc khác nhanh nhất đến tháng thứ hai thì lượng khách mới đông. Người điều hành kinh doanh phải cực kì nhạy bén, khôn ngoan … để ra những quyết định chính xác, kịp thời nếu không mô hình kinh doanh sẽ không phát triển.
+ Về việc nhập hàng: Mua hàng nào, ra sao là những câu hỏi vô cùng khó. Nếu quản lí đầu vào không tốt thì lợi nhuận thu được sẽ giảm đáng kể.
+ Về việc thiết kế cơ sở hạ tầng, chương trình huấn luyện, đưa phương pháp huấn luyện tốt nhất: Bạn nên tham khảo ý kiến của tác giả ý tưởng.
+ Về việc quản lí tiền bạc: Tiền bạc phải quản lí chặt, một đồng cũng không được thất thoát. Đặc thù của ngành kinh doanh này là thu tiền lẻ, do đó nếu không có đức tính tỉ mỉ thì sẽ thất thoát rất nhiều.
+ Về việc tuyển dụng, quản lí nhân sự: Đừng coi thường tính chuyên nghiệp ngay từ đầu. Nhân viên phải có những đức tính giống người chủ, phải mặc đồng phục và không được la mắng, đánh trẻ, ăn cắp … Đối với những bạn đã từng đứng ở cương vị quản lí có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ nhân sự thì không nói làm gì, nhưng đối với những bạn mới ra đời sẽ rất lúng túng. Cái gì cũng phải học, rèn luyện từ từ, nếu có quyết tâm thì bạn sẽ làm tốt thôi.
Thuận lợi:
+ Đây là một ý tưởng kinh doanh mới, khả thi, thiết thực, quay vòng vốn nhanh.
+ Nhu cầu nhiều.
+ Lợi nhuận cao.
+ Ý tưởng này phù hợp xu thế xã hội (ngày càng quan tâm đến trẻ em) nên được xã hội ủng hộ, từ đó công cuộc kinh doanh của bạn gặp nhiều thuận lợi hơn.
+ Trẻ em sẽ đem lại cho bạn tiền bạc, sự nhàn hạ, niềm vui … Cuộc sống của bạn sẽ càng ý nghĩa hơn khi thấy các em cười. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến điều đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét