Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ý TƯỞNG SÂN CHƠI HỌC TOÁN

www.chatmasterweb.wordpress.com

1. Ý TƯỞNG:

Một trong ba môn học quan trọng mà các bậc phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con em mình chính là toán. Toán không chỉ là môn học cốt lõi mà nó còn là hành trang vào đời. Chính vì vậy nếu có một sân chơi giúp trẻ em phát triển kĩ năng toán học nói riêng và trí tuệ nói chung ta sẽ thu được rất nhiều tiền.
Giống như “sân chơi học tiếng Anh”, “sân chơi học toán” là một nơi các em đến chơi, làm quen, tìm hiểu … những con số. Sân chơi này sẽ có giáo viên hướng dẫn các em những phương pháp tốt nhất để tính toán nhanh lẹ, chính xác.
Bạn chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng mua vé để cho con mình gia nhập một sân chơi vô cùng bổ ích. Không khí vừa học vừa chơi với nhiều bạn bè cùng trang lứa khiến cho các bé sẽ nhớ bài lâu hơn, ganh đua nhau cùng tiến bộ.
Để tăng thêm doanh thu chúng ta sẽ nhận cung cấp các đồ chơi, sách, băng đĩa rèn luyện kĩ năng toán học … dành cho thiếu nhi.
Khi mọi người, mọi nhà đang ganh đua nhau cho con em mình phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ ngay từ khi còn rất nhỏ thì mô hình này ra đời sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các ông bố bà mẹ. Học toán giỏi con họ sẽ có cơ hội thi đậu đại học với điểm số cao, trở thành người thành đạt.
Bằng số vốn ít ỏi bạn có thể kinh doanh mô hình này đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình, góp phần làm cho xã hội văn minh hơn. Và còn gì vui khi suốt ngày bạn được tiếp xúc với những em bé rất là dễ thương.
Mô hình này đặc biệt thích hợp với những người tốt nghiệp ngành sư phạm khoa toán. Nếu đang bức xúc vì làm giáo viên không đủ sống với đồng lương ba cọc ba đồng và muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội thì bạn còn chần chừ gì nữa khi xét thấy mình có đủ điều kiện, năng lực để thử thách với mô hình kinh doanh mới mẻ này?

2. HOÀN CẢNH KHÁCH QUAN:

“Kiếm tiền tỉ nhờ toán học
Vedic – một phương pháp toán học cổ của Ấn Độ giúp cho các nhà thiên văn và toán học tính toán nhanh chóng mà không cần bàn tính – là một trong những phát minh thú vị của nền văn minh Ấn Độ. Bharati Krsna (1880 – 1964) một nhà toán học và cũng là triết gia nổi tiếng Ấn Độ đã tổng hợp cách tính toán này thành một hệ thống thống 16 phương pháp được giới toán học gọi là “16 bài kinh” vui nhộn.
Cuốn sách toán Vedic được phát hành đầu tiên vào năm 1965. Keneth William – một giáo sư trẻ sống tại London đã bị chinh phục và cuốn hút vào thế giới toán học bí ẩn này. Từ năm 1971, Keneth đã dành hết thời gian của mình để nghiên cứu và phổ biết phương pháp toán học thông minh này. 5 năm sau, ông chuyển sang Florida (Hoa Kì) và thành lập tổ chức nghiên cứu và ứng dụng toán Vedic, nhằm giúp phát triển trí thông minh và kĩ năng toán học cho trẻ em, mang tên Học viện Toán học Vedic Math Monkey (Math Monkey Academy).
37 năm nghiên cứu và dạy toán Vedic, Keneth đã xây dụng được một cộng đồng những người yêu thích toán học lên đến hàng triệu thành viên. Kirsten Fisch, một thành viên của học viện, là người có sự nhạy cảm kinh doanh đáng khâm phục. Trên cơ sở nhận định mọi phụ huynh đều muốn con mình giỏi toán, Kristen đã giúp Keneth chuyển kiến thức toán học to lớn thành một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời trong lĩnh vực kinh doanh giáo dục đáng giá hàng tỉ USD. Học viện Toán học Vedic dành cho trẻ em từ 8 đến 15 tuổi ra đời tại Florida vào năm 2006. Kirsten nói: “Người Ấn Độ đã cho chúng ta một kho kiến thức khổng lồ về toán học, và chúng tôi biến những kiến thức này thành cơ hội kinh doanh khổng lồ cho các đối tác năng động của mình”. Math Monkey phát triển nhanh chóng với chiến lược nhượng quyền thương mại, hàng loạt trung tâm giáo dục toán Vedic ra đời tại Mĩ, và Keneth William – vị giáo sư toán ngày nào nhanh chóng trở thành tỉ phú với kho kiến thức số học của mình.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình Fox News của Hoa Kì, giáo sư Keneth William cho biết: “Tôi có một đam mê toán học, và khi gặp Kirsten – người có niềm đam mê kinh doanh thì hệ thống kiến thức toán học của tôi trở thành một khối tài sản vật chất khổng lồ. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng mạnh tại thị trường châu Á, nơi mà mọi phụ huynh đều mong muốn con mình giỏi toán”.
Math Monkey xuất hiện tại châu Á vào năm 2008 và nhanh chóng được đón nhận tại nhiều quốc gia và tạo thành cơn sốt nhượng quyền thương mại tại chính quốc gia phát minh ra phương pháp toán học này – Ấn Độ. Ông TK Lee, đại diện phát triển kinh doanh của Math Monkey tại châu Á cho biết: “Với lợi ích giúp trẻ thông minh, và dạy cho chúng cách thức xử lí vấn đề về con số, biến toán học thành một trò chơi vui nhộn, Math Monkey được rất nhiều phụ huynh tín nhiệm và trở thành một cơ hội kinh doanh thú vị đầy tiềm năng của những doanh nhân yêu trẻ em. Math Monkey là một ví dụ điển hình cho thấy, tất cả mọi điều đều có thể kinh doanh bằng phương pháp nhượng quyền thương mại”.
Toán học và sự vui vẻ là hai điểm chính giúp các lớp học Math Monkey lúc nào cũng sinh động. Math Monkey là một ví dụ hay cho tất cả các nhà khoa học muốn kinh doanh với vốn kiến thức của mình”.
…………….
“Học toán tư duy đang là mốt của phụ huynh
Qua một thời gian cho con đi học, chị Thanh Lê, phụ huynh ở Q.1, phấn khởi khoe: “Con mình mới lớp 2 nhưng đã làm được toán lớp 4. So với một bạn hàng xóm không đi học toán thì con mình làm nhanh hơn hẳn”.
Đổ xô cho con đi học toán tư duy
Những lời mời chào hấp dẫn từ các trung tâm cùng những kì vọng biến con mình trở thành những người giỏi toán, thậm chí từ giỏi thông thường đến thần đồng, đã thôi thúc nhiều phụ huynh. Họ “rồng rắn” xếp hàng đăng kí cho con theo học các chương trình toán tư duy, toán trí tuệ …
Đã học chính khóa cả ngày trong trường nhưng cứ sau buổi học, bé Nam – học sinh lớp 2 một trường tiểu học quốc tế ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM – lại được mẹ đưa đi học ở Trung tâm Kumon. Hỏi mẹ bé Nam: “Bé là học sinh giỏi rồi, sao lại phải học thêm toán?”, chị thật thà: “Trong công ty tôi, hầu hết phụ huynh đều cho con đi học thêm toán. Bây giờ muốn con giỏi thì phải đầu tư”. Tương tự, chị Nguyên – phụ huynh ở Q.1, TP.HCM – cho biết: “Thấy mọi người xung quanh ùn ùn cho con đi học, mình để bé ở nhà đâu có yên tâm. Ghi danh rồi đóng học phí xong mà phải chờ hơn một tháng mới được đi học. Như vậy thôi đã đủ biết chương trình của họ đang “hot” cỡ nào!”.
Nhà nhà cho con đi học
Làn sóng cho con học thêm toán không chỉ lan rộng đối với phụ huynh có con học tiểu học, trung học mà cả mầm non. Ngay cả gia đình người viết bài này cũng không tránh khỏi “làn sóng” trên. Với sự hối thúc của gia đình, chúng tôi đã đăng kí cho cậu con trai 4 tuổi đi học “toán trí tuệ” tại một trung tâm trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Chương trình học khá đơn giản: Cho bé làm quen với các mặt số, đếm số, đồ số từ 1 – 10, rồi từ 10 – 20.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đang có khá nhiều “thương hiệu” dạy toán cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông như: Kumon, Mathnasium, Mainspring … Theo lời quảng cáo, các “thương hiệu” trên là phương pháp dạy toán hiện đại, tích cực đến từ các nước tiên tiến như: Mĩ, Nhật, Singapore … làm cho học sinh yêu thích học toán, phát triển tư duy, trí tuệ … Ông Nguyễn Quách Nhi, chuyên viên đào tạo của Mathnasium VN, khẳng định mục tiêu của chương trình là trong thời gian ngắn giải quyết được thái độ của học sinh với môn toán, nhất là những học sinh học yếu môn toán, ghét toán. Tiếp theo là hiểu và làm được toán, đặc biệt ở khả năng diễn đạt ngôn từ và lí giải.
Tại Hà Nội, UcMac bắt đầu xuất hiện gần chục năm nay. Ngoài các lớp học được tổ chức tại các trung tâm, chương trình này chủ động liên kết với nhiều trường mầm non, tiểu học để đưa chương trình vào trong các nhà trường theo hình thức “học tự nguyện”. Học phí dao động từ 1,3 – 1,6 triệu đồng/khóa/học sinh. Chậm hơn UcMac nhưng Soroban cũng kịp thâm nhập vào nhiều trường học, thông qua trường học để “giới thiệu” và thuê địa điểm của các trường để dạy ngoài giờ và ngày nghỉ. Đặc biệt ở nhiều trường mầm non, do các chương trình toán học kể trên được bố trí dạy trong giờ chính khóa (một tuần ba buổi), tới 70 – 80% phụ huynh phải đăng kí cho con học để “không lạc lõng với bạn bè”.
Làm toán nhanh hơn?
Chị Hằng, một phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Nam Thành Công – Hà Nội và đang học ở một trung tâm mới ra đời tại Hà Nội, đánh giá: “Con tôi được làm quen với những dạng toán để rèn tư duy. Các dạng toán được sắp xếp theo nhiều cấp độ nhưng cũng rất thích hợp”. Nhiều phụ huynh khác tại TP.HCM tỏ ra rất hào hứng với sự tiến bộ khá rõ của con sau thời gian học tại các trung tâm. Đặc biệt, một số phụ huynh khá bất ngờ khi thấy con có những phương pháp tính toán cho kết quả khá chính xác. Qua một thời gian cho con đi học, chị Thanh Lê, phụ huynh ở Q.1, phấn khởi khoe: “Con mình mới lớp 2 nhưng đã làm được toán lớp 4. So với một bạn hàng xóm không đi học toán thì con mình làm nhanh hơn hẳn”. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là: “Biết sớm như thế để làm gì trong khi đến lớp 4 bé vẫn học lại chương trình đó?”. Câu hỏi này chúng tôi đã mang đi hỏi nhiều phụ huynh nhưng chưa nhận được câu trả lời … Trong khi đó, anh Nguyễn Chương, nhà ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, phản ảnh: “Xem bài học của bé tại trung tâm thì thấy những kiến thức bé đã học nhưng các bài tập được thay đổi, đảo lộn, được “làm mới” cho phong phú, đa dạng hơn. Thảo nào con mình bảo học nhẹ nhàng, không có gì khó”. Chị Nga, một phụ huynh đã cho con học UcMac tới cấp độ 3 tại một trường mầm non ở Hà Nội, ta thán: “Chưa kể đến hiệu quả đối với con trẻ mà chỉ nhìn vào sự xuống cấp trong cách tổ chức lớp học đã thấy thất vọng”. Trước phản ảnh của nhiều phụ huynh về những bất ổn trong cách tổ chức của UcMac, bà Thanh Minh Hiền, giám đốc chương trình UcMac tại VN, cho biết tại Hà Nội, ngoài mười trung tâm của UcMac và khoảng 30 trung tâm nhượng quyền, có đến gần 20 chương trình “nhái” UcMac. Thật giả lẫn lộn, có tới cả trăm trung tâm khác nhau. Chương trình UcMac biết chuyện này nhưng không thể kiểm soát được. Nhiều phụ huynh từng cho con học UcMac, Soroban … một thời gian ngộ ra việc “các con chỉ học tính nhẩm nhanh theo cách của chương trình nhưng không vì thế mà học giỏi toán”. “Cái được UcMac nói rất nhiều là kích thích bán cầu não trái để phát triển thông minh có vẻ quá mơ hồ trong khi tiền phụ huynh rót vào để mua hi vọng lại là thật” – chị Hoàng Thị Ngần, một phụ huynh tại Hà Nội từng cho con chạy từ lớp UcMac sang Soroban, thừa nhận.
Học phí không rẻ
Học phí các chương trình không rẻ khi giá mỗi khóa dao động từ 800.000 – 850.000 đồng/tháng (tùy “thương hiệu”) cho tám buổi học, mỗi buổi 40 – 60 phút. Mặc dù chỉ ra đời cách đây vài năm nhưng đến nay một số “thương hiệu” đã có mạng lưới các trung tâm phủ kín khắp địa bàn thành phố với số lượng học sinh tăng lên theo từng tháng. Điển hình như Mathnasium VN bắt đầu hoạt động ở TP.HCM từ tháng 3 – 2011 với gần 400 học sinh ở hai trung tâm. Chỉ hơn một năm sau, hiện số lượng học sinh đang theo học tại 23 trung tâm của Mathnasium VN đã lên đến 8.000 học sinh. Tương tự, mạng lưới các trung tâm của Kumon cũng phủ khắp các khu vực tại TP.HCM.
Đừng để phụ huynh mơ hồ
Các trung tâm dạy toán liên tục ra đời với sự phát triển một cách nhanh chóng, phụ huynh thì cứ ùn ùn cho con đi học mà không biết hiệu quả thực chất của nó ra sao. Trong bối cảnh nhộn nhạo như hiện nay, sẽ có trung tâm giảng dạy đàng hoàng và ngược lại. Điều quan trọng là cơ quan quản lí nhà nước phải định hướng được xã hội chứ không thể để phụ huynh mơ hồ như hiện nay. Bộ GD-ĐT nên có đánh giá chính thức về những chương trình này. Nếu thật sự họ hay và tốt thì các trường học ở VN nên học tập họ. Theo tôi, sự xuất hiện của hàng loạt trung tâm toán có thể xem là “lối thoát” cho các phụ huynh vì ở trường chính khóa dạy nhồi nhét, học sinh quá tải, mệt mỏi. Nói chung kiến thức về toán thì chắc chắn không thể thay đổi, nếu có khác là phương tiện và phương pháp giảng dạy mà thôi”.
Kết luận: Mở trung tâm dạy toán tư duy là một hình thức kinh doanh moi tiền trắng trợn. Nó thật sự không cần thiết khi các em đã được học toán ở trường. Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ, hỗ trợ các em trong việc làm quen nhiều dạng toán, các phương pháp tính toán hiệu quả thông qua việc vừa học vừa chơi để các em thấy không nhàm chán chứ không phải kiểu học nhồi nhét, lấy học phí cắt cổ. Điều đáng buồn hơn những trung tâm ấy đều do người nước ngoài điều hành. Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động để thay đổi.

3. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ:

Sau đây là những điều kiện tối thiểu cần và đủ để bạn có thể thực hiện thành công ý tưởng này:
+ Bạn phải có một số vốn tối thiểu khoảng 150 triệu VND. Số vốn này bạn sẽ dùng để mướn một mặt bằng nhỏ, sửa chữa, thiết kế, trang trí, mua đồ chơi, lập trang web, quảng cáo, giao dịch …
+ Bạn phải nắm được kĩ thuật kinh doanh mô hình này.
+ Bạn phải là người yêu trẻ, có kinh nghiệm nuôi dạy, nắm bắt tâm lí, hướng dẫn trẻ chơi … Sẽ là lợi thế nếu bạn là nữ, giáo viên sư phạm khoa toán hay giáo viên mầm non đang dạy tại các trường mầm non biết toán, có quan hệ rộng với các bậc phụ huynh có con nhỏ … Khi đó bạn sẽ có cơ hội lôi kéo nhiều khách hàng đến với sân chơi của mình hơn.
+ Bạn phải kiên nhẫn đủ để theo đuổi ý tưởng, và chịu đựng sự phàn nàn của các bậc phụ huynh, sự phá phách của các em (nếu có).
+ Bạn phải am hiểu về internet, thiết kế web, logo, slogan, banner và có khiếu chọn hình ảnh, viết bài đăng trên web.
+ Bạn phải có khiếu thẩm mĩ, đầu óc sáng tạo đủ để tự mình thiết kế ra nhiều mẫu trò chơi bổ ích, an toàn … mà chi phí thấp.
+ Bạn phải có sự ủng hộ của gia đình (có thêm bạn bè thì càng tốt). Ít nhất bạn cần sự trợ giúp của một người thì công việc mới suông sẻ.
+ Bạn phải là người có khuôn mặt hay cười, vui tính, ăn nói nhẹ nhàng, có duyên với trẻ, có khiếu giao tiếp …
+ Bạn phải am hiểu cơ bản về các thủ tục pháp lí trong lĩnh vực kinh doanh.
+ Bạn phải là người cầu tiến, chu toàn, quản lí chặt chẽ tiền bạc …

4. KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI:

Kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng có khó khăn và thuận lợi, nếu như bạn cảm thấy mình không thể vượt qua những khó khăn liệt kê dưới đây thì tốt nhất không nên chọn thực hiện ý tưởng này. Sau đây là một số khó khăn và thuận lợi điển hình khi bạn quyết định theo đuổi ý tưởng này:
Khó khăn:
+ Về việc chọn mặt bằng kinh doanh: Mặt bằng kinh doanh lí tưởng thường được đặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị … (nơi có khách hàng nhí đông và chỗ để xe cho phụ huynh đi cùng con). Cố gắng thuê những mặt bằng có vị trí thuận lợi, giá thuê rẻ, có nhiều điều kiện thuận lợi khác hỗ trợ như: Đông người lui tới, có chỗ để xe, khung cảnh thoáng mát, đẹp đẽ … Việc không lựa chọn được mặt bằng sẽ khiến cho công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
+ Về kĩ thuật kinh doanh: Khi nghĩ ra ý tưởng tác giả đã nghĩ ra kĩ thuật kinh doanh để thành công với mô hình này, do đó bạn nên liên hệ với tác giả để biết cách thực hiện.
+ Về việc lập web: Nhiều người cứ cho rằng lập web không có gì khó, thật ra để có một trang web thú vị lôi cuốn khách hàng là điều không hề dễ dàng. Ngoài cách trình bày, chọn lọc hình ảnh, nội dung … thì khó khăn nhất chính là viết bài. Người quản lí web phải viết bài sao cho thật hay, ý nghĩa, phù hợp tâm lí người đọc, đúng đắn, thiết thực … Bạn phải biết rằng đối tượng khách hàng của bạn là ai để khi viết bài bạn phải nêu bật lí do tại sao họ nên chọn dịch vụ của bạn. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó đối với những ai không có khiếu văn chương.
+ Về việc thu lợi nhuận: Dù có làm tốt các công việc khác nhanh nhất đến tháng thứ hai thì lượng khách mới đông. Người điều hành kinh doanh phải cực kì nhạy bén, khôn ngoan … để ra những quyết định chính xác, kịp thời nếu không mô hình kinh doanh sẽ không phát triển.
+ Về việc nhập hàng: Mua hàng nào, ra sao là những câu hỏi vô cùng khó. Nếu quản lí đầu vào không tốt thì lợi nhuận thu được sẽ giảm đáng kể.
+ Về việc thiết kế trò chơi: Có bạn không có khả năng sáng tạo chỉ ăn cắp ý tưởng của người khác. Nghèo nàn ý tưởng chính là nguyên nhân khiến cho bạn thất bại.
+ Về việc thiết kế sân chơi: Sân chơi là nơi cho trẻ đến chơi ở đó, nếu sân chơi mà không được thiết kế hấp dẫn thì làm sao có thể lôi cuốn, giữ chân các em?
+ Về việc quản lí tiền bạc: Tiền bạc phải quản lí chặt, một đồng cũng không được thất thoát. Đặc thù của ngành kinh doanh này là thu tiền lẻ, do đó nếu không có đức tính tỉ mỉ thì sẽ thất thoát rất nhiều.
+ Về việc tuyển dụng, quản lí nhân sự: Đừng coi thường tính chuyên nghiệp ngay từ đầu. Nhân viên phải có những đức tính giống người chủ, phải mặc đồng phục và không được la mắng, đánh trẻ, ăn cắp … Đối với những bạn đã từng đứng ở cương vị quản lí có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ nhân sự thì không nói làm gì, nhưng đối với những bạn mới ra đời sẽ rất lúng túng. Cái gì cũng phải học, rèn luyện từ từ, nếu có quyết tâm thì bạn sẽ làm tốt thôi.
Thuận lợi:
+ Đây là một ý tưởng kinh doanh mới, khả thi, thiết thực, quay vòng vốn nhanh.
+ Nhu cầu nhiều.
+ Lợi nhuận cao.
+ Có thể tăng doanh thu bằng cách bán/cho thuê đồ chơi, băng đĩa, sách … học toán.
+ Ý tưởng này phù hợp xu thế xã hội (ngày càng quan tâm đến trẻ em) nên được xã hội ủng hộ, từ đó công cuộc kinh doanh của bạn gặp nhiều thuận lợi hơn.
+ Trẻ em sẽ đem lại cho bạn tiền bạc, sự nhàn hạ, niềm vui … Cuộc sống của bạn sẽ càng ý nghĩa hơn khi thấy các em cười. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến điều đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét