Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Cùng mẹ làm sữa chua

Thời điểm và lượng sữa chua phù hợp với lứa tuổi
Phần lớn các bác sỹ nhi khoa đều khuyên các bà mẹ cho bé ăn vào thời điểm bé được 7 - 8 tháng tuổi. Một số bác sỹ khác khuyên cho bé ăn sữa chua như một trong những món ăn dặm đầu tiên (vào thời điểm 6 tháng trở lên). Chọn loại sữa chua nguyên kem cho bé là tốt nhất, vì bé cần chất béo để phát triển đầy đủ.
Bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn đuợc sữa chua mỗi ngày với "tiêu chuẩn" như sau:
- 6 - 10 tháng: 50g / ngày.
- 1 - 2 tuổi: 80g / ngày.
- Trên 2 tuổi: 100g / ngày.
Mua sẵn hay tự làm sữa chua cho con
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có đủ các loại sữa chua dành cho bé, từ sữa chua nội đến sữa chua ngoại. Sữa chua nội có Vinamilk, Kinh Đô. Sữa chua ngoại thì có Cô gái Hà Lan, Nestlé, Campina (loại YoGood), Heinz, Hipp...
Vinamilk: giá từ 2.600đ/hộp trở lên với 5 sự lựa chọn khác nhau, trong đó có sữa chua nấm Kefir v.v...
Nestlé: hộp 80g Với các vị Chuối; Dâu; Cam đặc chế cho các bé giá từ 3.200đ/hộp.
Campina: 21.000đ/1vỉ - 4 hộp.
Sữa chua nhập từ Pháp: 9.000 - 11.000đ/hộp.
Các bà mẹ cũng có thể mua loại sữa chua không đường cho bé để tiện sử dụng trong các bữa ăn chính hoặc phụ. Khi bé đã ăn được các loại rau và quả, những món ăn có trộn thêm sữa chua sẽ tạo nên một sự hấp dẫn thú vị với bé mỗi ngày. Các món ăn trộn sữa chua:
Cùng mẹ làm sữa chua - 1
Sữa chua kết hợp với các loại hoa quả sẽ thật ngon và bổ dưỡng.
- Sữa chua và táo xay nhuyễn.
- Sữa chua và chuối xay nhuyễn.
- Sữa chua và quả bơ xay nhuyễn.
- Sữa chua và đào xay nhuyễn.
- Sữa chua xay với bất kỳ loại quả nào để tạo thành món sinh tố cho bé ăn hàng ngày (bạn có thể thêm nước để cho sinh tố loãng ra, bé sẽ dễ ăn hơn).
Công dụng của sữa chua
Sữa chua là thực phẩm hỗ trợ vì nó có nhiều chất bổ dưỡng và dễ hấp thụ vào máu. Nó lại dễ tiêu và kích thích tiêu hoá. Cơ thể hấp thụ sữa chua nhiều hơn gấp 3 lần sữa tươi, nên dùng cho người bệnh vừa mới khỏi, suy nhược, biếng ăn. Tốt nhất với trẻ suy dinh dưỡng và người lớn tuổi.
Một số trường hợp tiêu chảy của trẻ em có thể trị bệnh bằng sữa chua. Cơ thể bị bệnh có thể do tính acid của sữa chua hoặc men lactic tái tạo quân bình tạp khuẩn ruột, làm giảm viêm ruột. Dùng sữa chua hàng ngày giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hấp thu các chất dinh dưỡng tối đa và giúp xương chắc khỏe.
Lưu ý: Sữa chua tốt trị tiêu chảy, nhưng sữa chua quá hạn hoặc chua quá lại gây tiêu chảy và có thể bị nhiễm khuẩn lại. Việc sử dụng sữa chua là rất tốt nhưng phải làm sạch sẽ và tránh nhiễm khuẩn ngoại lai.
Cách làm sữa chua
Bạn có thể dùng 3 thìa sữa chua không đường để làm men và dùng sữa công thức của bé để làm sữa chua.
- Làm nóng 300ml sữa công thức của bé lên 40 - 46 độ C (pha lượng sữa bột với nước theo tỷ lệ hướng dẫn của từng loại sữa).
- Đánh tan 3 thìa sữa chua làm men rồi cho vào sữa công thức ngoáy đều.
- Chia hỗn hợp trên vào các hũ và đậy nắp lại.
Nếu bạn không có máy làm sữa chua, bạn có thể dùng những cách sau để ủ sữa:
- Đặt những hũ sữa chua vào hộp xốp giữ nhiệt. Cho thêm vào hộp xốp mấy hũ đựng nước nóng. Đậy chặt hộp xốp.
- Đặt sữa chua vào lò vi sóng, đậy kín để giữ nhiệt. Lưu ý: Để tăng nhiệt độ của lò vi sóng trước khi cho sữa chua vào ủ, bạn có thể cho một cốc nước lọc vào và làm nóng. Sau đó cho sữa chua vào ủ.
- Ủ sữa chua bằng chăn.
Thời gian ủ từ 4 - 8 tiếng, tuỳ theo mức độ chua mà bạn muốn. Trong quá trình ủ sữa, tránh rung lắc gây hỏng sữa. Sản phẩm đạt yêu cầu khi sữa đông đặc, không bị tách nước ở đáy hũ, thơm ngậy. Sau khi kết thúc quá trình ủ, cho sữa chua vào tủ lạnh. Bạn có thể giữ sữa chua trong vòng 4 - 7 ngày.
Lưu ý: Sữa chua làm từ sữa công thức có thể khó làm men cho lần làm sữa chua kế tiếp, do khó lên men hơn sữa chua mua sẵn. Vì vậy, mỗi mẻ sữa chua mới, bạn nên mua men mới để làm.
Bạn có biết
Bạn chỉ nên cho thêm mùi vị, trộn thêm hoa quả sau khi sữa chua đã hoàn thiện và đã được giữ lạnh.
Sữa chua làm bằng sữa tươi nguyên kem sẽ đặc và ngậy nhất.
Sữa tươi cần được đun sôi để làm sữa chua (và để nguội còn 40 - 45 độ C). Nhưng sữa công thức thì không cần đun sôi, chỉ cần làm ấm lên tới nhiệt độ từ 40 - 45 độ C.
Kinh nghiệm hay
Để bé ăn sữa chua không bị viêm họng, bạn có thể để sữa chua ở nhiệt độ phòng trong vòng 15 phút trước khi ăn, hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt sữa chua vào bát nước nóng. Không bao giờ đun sôi sữa chua, vì các vi khuẩn có lợi sẽ bị chết.
Cùng mẹ làm sữa chua - 2
Bé có thể ăn sữa chua đã hâm nóng để tránh đau họng.
Không để sữa chua ở nhiệt độ phòng quá 1 tiếng đồng hồ. Vi khuẩn có hại sẽ phát triển và làm bé bị tiêu chảy nếu ăn phải sữa chua này.
Trước khi trộn các loại quả xay với sữa chua, bạn có thể làm nóng bằng lò vi sóng rồi trộn sữa chua vào. Điều này sẽ làm cho sữa chua không quá lạnh với bé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét