Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Đi ăn đặc sản… bún nóng

Không ai còn nhớ bún nóng có từ khi nào, nhưng trên các ngả đường qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ hay xã Hòa Long (TP. Bà Rịa), du khách dễ dàng tìm được một quán bún nóng cho bữa điểm tâm. Những quán bún nóng ấy giờ đây không chỉ thân thuộc với người dân địa phương mà khách thập phương cũng tìm về ngày một nhiều hơn để thưởng thức món ăn dân dã, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn này.

Anh Nguyễn Khắc Lộc đang ép bún.

MÓN ĂN DÂN DÃ

Sáng chủ nhật, quán bún nóng của chị Gái (số 182 tổ 3, ấp An Trung, xã An Nhứt, huyện Long Điền) khá đông khách. Nhóm ngồi ăn tại chỗ, nhóm đứng đợi mua về. 5 người gồm vợ chồng chị Gái, cô con gái và hai người cháu phụ việc không lúc nào ngơi tay. Chị Gái và cô con gái đứng bán, anh Tèo - chồng chị Gái ép bún. Hai đứa cháu phụ bưng bê, rửa tô chén. Có những lúc không kịp bán, sợ khách phải chờ đợi, chị gái sốt ruột quay về phía anh Tèo giục: "Anh Tèo ơi, nhanh tay lên! Hết bún rồi". Ngớt khách, chị Gái rót vội cốc nước lạnh rửa mặt và quay sang chúng tôi: "Đông khách quá, có gì chưa chu đáo, cô thông cảm!".
Chị Gái tên thật là Huỳnh Thị Lộc (41 tuổi), còn anh Tèo - chồng chị tên là Nguyễn Khắc Lộc (44 tuổi). Trước đây vợ chồng chị làm nghề thu mua lúa, từ năm 2002, sau tai nạn xe sức khỏe giảm sút, chị chuyển nghề sang bán bún nóng. "Ở vùng này có nhiều lò sản xuất bún công nghiệp, cần thì gọi người ta giao hàng tận nhà, nhưng bà con lại thích ăn bún nóng làm theo lối thủ công. Bún nóng cọng mềm, màu trắng ngà, nóng hổi chan với nước mắm ăn kèm chả giò, thịt nướng. Làm bún nóng công sức bỏ ra nhiều, lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng tôi vẫn làm nghề nhằm đem tới bữa sáng nóng cho bà con", chị Gái nói.
Theo anh Tèo, trước đây quy trình làm bún nóng hoàn toàn thủ công, từ xay bột, đến lọc sạch sạn, vắt ra cọng bún đều thực hiện bằng tay, mất rất nhiều công sức, năng suất sản lượng lại thấp. Tuy nhiên, hiện nay một số công đoạn làm bún đã được thay thế bằng dụng cụ tự chế nên giảm được sức người, sản lượng làm ra cũng nhiều hơn. Anh Tèo cho biết, khuôn đúc bún được làm bằng kim loại dạng ống dài khoảng 30cm, dưới đáy có đục các lỗ tròn nhỏ. Sau khi bỏ bột vào ống, công đoạn vắt bún được thực hiện bằng cách dùng lực kéo cánh tay đòn để nén bột trong khuôn qua các lỗ thành sợi bún, rơi xuống nồi nước sôi đặt sẵn bên dưới. Khoảng ba phút bún sẽ chín và nổi lên, sau đó vớt ra "rửa nhựa" bằng cách tráng nhanh trong nước sạch, lạnh để sợi bún không bị bết dính vào nhau. "Nồi nước luộc bún thường khoảng từ 40-50 lít để có không gian cho bún nổi lên. Trước khi ép cần đánh cho nước xoáy vòng tròn để khi rơi xuống cọng bún cuốn theo vòng xoáy tạo độ dài và mềm. Nước luộc bún phải sôi nhưng không được sôi ùng ục, vì như thế sẽ làm nát bún", anh Tèo bật mí.
THẮM ĐƯỢM TÌNH QUÊ
Hầu hết các quán bún nóng nằm rải rác ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ và xã Hòa Long (TP.Bà Rịa). Đa phần bún nóng được bán ăn kèm bì, thịt nướng, chả giò, nước mắm chua ngọt. Có nơi làm thêm bún nước lèo, bún mọc, bún măng. Bún nhà làm ra, khách tiêu thụ chủ yếu lại là người thân quen, bà con chòm xóm nên ai mua bao nhiêu các quán bún nóng cũng bán. Chị Lê Thị Nga, chủ quán bún nóng Ô4, ấp Bắc 2, xã Hòa Long cho biết, giá một tô bún nóng gồm thịt nướng và chả giò là 20.000 đồng, nhưng nếu thực khách là học sinh mua 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng, chị Nga cũng ưu tiên bán đầy đủ thịt nướng và chả giò. "Ai làm nghề buôn bán chẳng quan trọng lợi nhuận, nhưng hàng xóm láng giềng hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, nên nhiều khi chỉ hòa vốn hoặc có khi lỗ một chút, tôi vẫn bán", chị Nga chia sẻ.
Mấy năm gần đây, đường sá đi lại dễ dàng hơn, nhịp sống ở các vùng quê bắt đầu sôi động, các quán bún nóng nằm trên những trục đường lớn nhiều xe cộ qua lại cũng thu hút một lượng lớn khách vãng lai. Chị Tâm, chủ quán bún nóng trên Quốc lộ 55 (đoạn khu phố Thanh Tân, thị trấn Đất Đỏ) cho biết, ban đầu nghe chữ "bún nóng", khách tò mò tạt vào ăn thử. "Thấy mình làm bún tại chỗ, khách hỏi han đủ điều, nhiều người còn quay phim, chụp ảnh lại và đưa lên mạng internet. Trong số họ có rất nhiều khách đi du lịch. Mỗi lần có dịp du lịch về Đất Đỏ, Xuyên Mộc họ đều dừng chân ở quán tôi dùng điểm tâm sáng", chị Tâm kể.
Dù thời gian khách dùng điểm tâm chỉ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ (từ 5 đến 9 giờ sáng) nhưng người bán gần như luôn tay cả ngày để chuẩn bị kịp nguyên vật liệu. Từ chiều hôm trước các chị đã phải đi chợ mua thịt, rau sống, củ sắn, bánh tráng, tôm… về sơ chế, tẩm ướp để sẵn. 3 giờ sáng hôm sau, cả nhà lại bắt tay vào cuốn - chiên chả giò, lặt - rửa rau sống, nướng thịt, dọn hàng… Thức khuya dậy sớm thu nhập không đáng kể, chủ yếu đủ chi tiêu, trang trải cuộc sống nhưng hầu hết người theo nghề đều khẳng định họ sẽ gắn bó với nghề, vì thương hiệu "bún nóng" đã trở thành đặc sản riêng ở vùng đất này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét