Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Bạn chỉ có thể kiểm soát bản thân mình - sachvang.vn

Thất vọng, bực mình, giận dữ, không hài lòng, khó chịu… đều là những cảm xúc tiêu cực gây tác hại đến sức khỏe, tước mất niềm vui sống và tích tụ tạo stress. Rất nhiều người biết như thế, nhưng khá nhiều doanh nhân trong thời đại ngày nay lại khó lòng làm chủ được các cảm xúc của mình, dẫn đến việc mất bình tĩnh, quạu quọ, cau có, nổi đóa, thậm chí mắc những chứng bệnh ngày càng phổ biến như cao huyết áp, mất ngủ, suy kiệt... Vậy tại sao chúng ta biết những nguy hại của cảm xúc tiêu cực, nhưng vẫn không hạn chế hoặc thoát khỏi nó?

Thật ra, cảm xúc và thái độ chỉ là kết quả của suy nghĩ và nhận thức mà thôi. Nếu chúng ta không thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ về cuộc sống, chúng ta sẽ cứ mãi chạy theo cảm xúc của mình để cố “kiềm giữ” nhưng “bó tay” vì nguồn gốc của cảm xúc lại ở… bên trong mình.

Biết đủ là đủ

Nếu được hỏi “Chúng ta làm việc để sống hay sống để làm việc?”, bạn sẽ trả lời như thế nào?

Khi bạn xem công việc chỉ là một phần của cuộc sống, thì bạn hiểu rằng cuộc đời này còn nhiều thứ khác đáng để bạn dành thời gian, đặt mục tiêu và nỗ lực theo đuổi như hạnh phúc gia đình, sức khỏe bản thân, các thú vui cá nhân, đời sống tinh thần, quan hệ bạn bè… Đó chính là một câu trả lời khôn ngoan, vì có người dành trọn vẹn đời mình cho công việc, cho việc theo đuổi công danh và tiền bạc, để rồi đến cuối đời mới phát hiện ra rằng: không bao giờ mình có thể đạt hết những gì mình muốn.

Khi bạn mơ ước có một ngôi nhà, có lúc bạn sẽ đạt được nó và lập tức bạn lại mong có thêm căn nhà khác, hoặc nhà to đẹp hơn. Tiền bạc cũng vậy, khi bạn có trong tay một số tiền rất lớn, bạn lại vạch ra một đích đến khác xa hơn. Vì vậy, trong phim Cuộc đời của David Gale (Life of David Gale), nhân vật chính là một giáo sư triết đã đưa một lời khuyên: “Khi đặt mục đích cuộc đời, đừng bao giờ dùng một yếu tố có thể định lượng được vì sẽ có lúc bạn đạt được, lúc đó bạn sẽ không còn mục đích gì để sống nữa. Hãy chọn một lý tưởng, một triêt lý sống làm mục đích cuộc đời!”

Thành công là đạt được những gì mình muốn, và Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được. Khi đó, bạn sẽ không thất vọng khi thất bại đôi lần, không chán nản khi chỉ gặt hái kết quả lợi nhuận bằng 70% mong đợi, không càm ràm khi nhân viên kinh doanh chỉ đạt 80% mục tiêu doanh số. Quyền được hạnh phúc, được vui là của bạn, dựa trên cách suy nghĩ và nhận thức những kết quả đến với bạn trong đời.

Bạn chỉ kiểm soát trọn vẹn được bản thân mà thôi

Theo sơ đồ Các mức độ tác động, ta chỉ thật sự kiểm soát được 100% bản thân mình mà thôi. Nhưng lạ lùng thay, ta lại không làm điều đó (vì thay đổi bản thân luôn là một thách thức lớn đối với nhiều người) mà lại xoay sang muốn mọi người và mọi sự việc quanh mình thay đổi theo ý mình muốn! Khi mọi điều không như ý muốn chủ quan của ta, ta đau khổ, bực dọc. Cần ý thức rằng con ta, vợ ta, nhân viên của ta… (thuộc vòng tròn ảnh hưởng) đều có một cuộc đời riêng với những suy nghĩ và mong muốn khác ta. Ta chỉ ảnh hưởng lên họ phần nào mà thôi, chứ không thể biến họ trở thành người mà ta muốn được.

Đối với vòng tròn quan tâm (thời tiết, chính trị thế giới, luật pháp…) hầu như ta không tác động để thay đổi gì được cả, trừ khi ta mở rộng vòng tròn ảnh hưởng (các mối quan hệ, việc kinh doanh…) của mình. Vậy thái độ tích cực nhất của ta dành cho những sự việc, vấn đề ta không ảnh hưởng lên ngay được, hoặc không cách nào thay đổi được là gì? Hãy chấp nhận nó, “sống chung với lũ”, để tránh cho ta những muộn phiền vô lý.

Trong một thống kê về những vấn đề làm con người lo lắng, tác giả Earl Nightingale cho biết thời gian phân bổ như sau:

-         Lo lắng về những việc không bao giờ xảy ra: 40%

-         Lo về quá khứ (không thay đổi được): 30%

-         Lo sức khỏe (chỉ lo lắng thì không cải thiện sức khỏe được): 12%

-         Lo những việc vặt vãnh: 10%

-         Những việc thật sự đáng bận tâm: 8%

Vậy 92% thời gian lo âu của chúng ta rơi vào những việc không đáng, lại là nguyên nhân của mệt mỏi, stress, cảm giác thất vọng vì bất lực. Chỉ cần ta kiểm soát được suy nghĩ của mình tốt hơn, không cho nó “đi rong” với những lo nghĩ vu vơ, bạn đã cải thiện đáng kể tâm trí của mình và mang lại một đời sống tinh thần khỏe mạnh.

Sơ đồ Các mức độ tác động



(theo Stephen R. Covey, 7 thói quen của người thành đạt)
Quách Tuấn Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét