Từ các sản phẩm làm trắng như kem lột, tắm trắng, kem collagen bôi mặt…, cho đến đồ ăn như Nama chocolate, bánh Tiramisu đều tạo thành những cơn sốt trên mạng xã hội Facebook.
Buôn bán sản phẩm làm trắng online
2012 là năm của “công nghệ” làm đẹp bằng cách lột da, tắm trắng, được lăng xê bởi các trang web cá nhân và cộng đồng mạng. Nếu như mở spa ở ngoài quá tốn kém với tiền mặt bằng, tiền đầu tư trang thiết bị và xin giấy phép, thuê bác sĩ thẩm mỹ, thì mở một spa làm đẹp trên Facebook lại đơn giản hơn nhiều.
Kem lột da được quảng cáo trên mạng
Những thứ người chủ cần, chỉ đơn giản là một tài khoản mạng xã hội với chiếc avatar thật nổi bật là các cô gái xinh đẹp với làn da trắng bóc. Trong page riêng của mình, họ bán các loại kem tắm trắng, lột da được quảng cáo nhập từ Hàn, Nhật, Thái… - nhưng thực chất là kem cốt rồi trộn với vài loại kem nữa để cho ra “thành phẩm” đựng trong hộp nhựa có hoặc không nhãn mác. Trên trang cá nhân, chủ spa thi nhau đăng feedback của khách hàng qua tin nhắn điện thoại. Việc các spa làm đẹp này có sử dụng kem nhập từ nước ngoài về hay không thì quả thực, chỉ có chủ mới biết.
Ngoài ra, các spa kiểu này còn bán huyết thanh trắng da, muối tắm trắng, mặt nạ cám gạo…, cũng đều được quảng cáo nhập từ nước ngoài với giá từ 500k tới vài triệu.
Quảng cáo sản phẩm nhờ feedback qua tin nhắn với khách hàng và các bức ảnh dạng "before-after"
Khách hàng dễ dàng hoa mắt với những lời quảng cáo kiểu “Đã về kem cốt độc quyền, không pha trộn, dùng 1 hũ trắng gấp 4-5 lần bình thường. Bao trắng toàn thân, không trắng trả lại tiền”. Giá cho một lần làm đẹp ở các spa online với lộ trình lột da – tắm trắng – bôi kem dao động từ 2-5 triệu, tùy spa và tùy loại kem mà họ “hét giá”.
Một hình ảnh được cho là lột da thành công
Mới đây, trên mạng ồn ào vụ scandal kem lột của một hot girl “trong ngành” tên T.K. Cô gái này bị cho rằng đã bán kem chất lượng kém với giá ngất ngưởng: 1 lọ chỉ vài chục nghìn nhưng đổ buôn toàn 750k, bán lẻ thì 3-4 triệu. Vụ việc ầm ỹ khi các spa làm đẹp thi nhau lên mạng “lật mặt” T.K, cho rằng nhờ buôn bán kem siêu lợi nhuận như thế nên sau 8 tháng, T.K đã kiếm được khoảng 600 triệu, một số tiền khổng lồ. T.K sau đó cũng lên trang xã hội của mình thanh minh. Vụ ồn ào phải mất gần 1 tháng mới tạm qua đi, nhưng cũng đủ khiến chị em làm đẹp phải hoang mang vì hiểu ra phần nào lợi nhuận khổng lồ mà “nghề” bán sản phẩm làm trắng online đem lại.
H.P, một chủ spa online bán hàng qua Facebook cho biết, chính xác T.K có lãi tới 600 triệu chỉ qua vài tháng buôn bán hay không thì chưa khẳng định chắc chắn được. Nhưng lợi nhuận từ việc bán sản phẩm làm trắng qua mạng thì đúng là có thật. “Lãi ít hay nhiều tùy thuộc vào người bán, còn đã là kem trộn thì ở đâu cũng công thức như nhau. Một hộp kem body được bán online với giá 1 triệu 5 – 2 triệu, nhưng khi nhập vào chỉ từ 5-700 ngàn”, P cho biết.
Bán kem collagen bôi mặt và các loại kem trị mụn
Ngoài sản phẩm trắng da cơ thể thì buôn bán kem bôi mặt cũng cực kỳ sôi động trên các trang mạng xã hội. Được ưa chuộng nhất phải kể đến kem làm trắng và mịn chứa collagen, xóa tàn nhang, kem trị mụn…
Nắm bắt xu hướng thích làm đẹp nhưng lười đến thẩm mỹ viện uy tín, các shop online ra sức quảng cáo cho sản phẩm của mình bằng các hình ảnh “không thể nõn nà” hơn: chủ shop đích thân “chuột bạch” kem bôi mặt để khách thêm tin tưởng.
Kem collagen bôi mặt kiểu như thế này được bán với giá từ 600k trở lên (Ảnh minh họa)
Kem chữa mụn không nhãn mác, được người bán quảng cáo "trị mụn cực tốt"
Cũng giống như bán kem lột, tắm trắng da, việc bán kem bôi mặt cũng đem lại khoản lợi nhuận đáng kể cho các bà chủ shop online. Không tốn tiền thuê cửa hàng, không phải “chạy” giấy phép của cơ quan quản lý, có bán được hay không đều phụ thuộc uy tín và độ hot của người bán, qua những feedback họ up lên Facebook.
Theo tiết lộ của B.N, một chủ shop online khá nổi trên mạng, loại kem D bôi mặt đang được chị em ưa chuộng được bán ra với giá 600k, nhưng nhập vào chỉ giá 320k. Thế là chỉ với hộp kem nhỏ xíu, chủ shop đã ăn lãi gần như gấp đôi. Chưa kể một bộ kem ngày, đêm làm trắng da – trị tàn nhang có collagen tươi giá 1 triệu 2, nhưng nhập vào chỉ 700k. 1 tháng, thu nhập trung bình từ việc bán kem bôi mặt, kem trị mụn của B.N khoảng 30-40 triệu.
Nama chocolate và bánh ngọt Tiramisu
Năm 2011-2012 là năm bùng nổ của Nama chocolate, loại sô cô la tươi xuất xứ từ Nhật Bản rất được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Bất cứ ai tham gia cộng đồng mạng đều nhìn thấy “cơn bão” Nama đổ bộ thế nào, có cầu ắt có cung - càng nhiều người thích ăn, các tài khoản Facebook bán Nama chocolate càng mọc lên như nấm. Giá trung bình một hộp Nama ở thời điểm đó nhập vào khoảng 100-150k, bán ra khoảng 200-250k, thậm chí 350k. Không tốn tiền thuê cửa hàng, chỉ cần có nguồn hàng ổn định từ Nhật, mỗi người bán trên mạng xã hội đút túi khoảng 100k/hộp chocolate tươi.
Vào thời đỉnh cao, bán Nama đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các chủ shop online. T.H, một shop online phân phối Nama chia sẻ, có ngày cô bán được 40-100 hộp Nama chocolate, đút túi số tiền khoảng 4-10 triệu/ngày. Khi Nama "bớt sốt", 1 ngày H cũng phân phối được 10-30 hộp, tương đương 3 triệu/ngày. Tất cả đều qua "cửa" Facebook, khách hàng của H được share những đường link giới thiệu sản phẩm của H, sau đó add Facebook và đặt mua hàng. T.H cho biết"Thu nhập đó chưa là gì với những người nhập buôn, mỗi đợt lấy hàng đều nhập 400-500 hộp và được đẩy đi chỉ sau 3-4 ngày. Khách hàng của họ là các chủ shop online như H".
Nama nhập từ Nhật bản
Và Nama tươi được sản xuất và bán qua Facebook
Sang năm nay, cơn sốt Nama chocolate từng gây điên đảo "giới ăn vặt" online đã nhường chân cho bánh ngọt Tiramisu, hiện đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, rất được khách hàng tuổi teen ưa chuộng. Loại bánh này đựng trong hộp nhựa, có giá dao động từ 70-100k. Các shop bán bánh online rất chăm chỉ quảng bá sản phẩm bằng hình ảnh các mẻ bánh đủ màu sắc, mùi vị với kiểu dáng dễ thương.
Một hàng bánh bán online khá đắt khách trên mạng
Thùy Dương, một khách hàng hay mua Tiramisu online cho biết, thay vì ra cửa hàng bánh mỗi ngày thì cô chỉ việc ngồi nhà, xem Facebook và gọi người mang bánh tới tận nơi. Theo Dương, bánh mua trên các shop bán Tiramisu online thường không ngon bằng cửa hàng bánh lớn, nhưng lại “câu khách” hơn nhờ giá cả phải chăng. Nếu như ở ngoài, một chiếc bánh Tiramisu thông thường, cỡ bé có giá 40k, thì bánh Tiramisu đựng hộp nhựa to gấp 4 lần chỉ có giá 70k.
Không có lợi nhuận "khổng lồ" như bán sản phẩm làm trắng, nhưng cũng nhờ Facebook mà các chủ shop bánh online buôn bán dễ dàng hơn rất nhiều. Không tốn tiền mở cửa hàng bánh, chỉ cần tích cực tìm tòi các mẫu bánh mới lạ và có được đội ngũ ship hàng nhanh chóng, họ đã yên tâm tạo dựng thương hiệu bánh riêng cho mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét