Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Máy sản xuất bánh phở mini

Những ngày này, PGS-TS Trần Doãn Sơn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang lên lịch, sắp xếp thời gian chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của các chuyên gia cơ khí, thực phẩm bang California của Mỹ dự kiến vào ngày 4-6.
Chuyến viếng thăm này là dịp để các chuyên gia hiểu sâu hơn về công nghệ làm bánh phở tươi và máy sản xuất bánh phở mini lần đầu tiên có tại Việt Nam, đã được sử dụng thực nghiệm ở Mỹ trong mấy tháng qua.
Chỉ 1 phút là có phở tươi
Sau thành công về tự động hóa công việc làm bánh tráng, bánh tráng rế, cuối năm 2005, PGS-TS Trần Doãn Sơn được giao giải quyết một vấn đề khác: Đơn giản hóa công nghệ làm bánh phở tươi truyền thống nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng và phải thực hiện hoàn toàn tự động hóa. Trách nhiệm đặt ra là phải chế tạo được chiếc máy có khả năng đột phá trong lĩnh vực chế biến công nghệ làm phở tươi.
Việc sản xuất bánh phở theo kiểu truyền thống của chúng ta quả thật quá rắc rối, nhất là đối với người nước ngoài. Biết vậy, nhưng hàng chục năm nay vốn quen với các công đoạn khắt khe trong sản xuất bánh phở tươi như: ngâm gạo, vo gạo, xay, lọc, tráng, hấp, cắt, lại không phải “dân chuyên”, ông Sơn cũng không biết nên cắt bỏ công đoạn nào cho hợp lý. Sau 6 tháng ròng rã thử nghiệm cắt các công đoạn, TS Sơn nghiệm ra rằng “quy trình truyền thống” rất khó xâm nhập nếu “vật liệu” không thay đổi thì... khó cải tiến.
Mục đích của công nghệ này là... đưa phở Việt đến với thế giới, và thị trường nhắm đến trước nhất là Mỹ. Vì thế ông Sơn đã thăm dò thị trường gạo tại Mỹ. Sau chuyến thăm dò này, ông thấy gạo ở Mỹ không chỉ có gạo hạt, mà bột gạo rất nhiều và rất thông dụng. Ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo một chiếc máy sản xuất bánh phở từ bột gạo. Sáu tháng sau khi thử nghiệm, chiếc máy sản xuất bánh phở tươi từ bột gạo đã ra đời. Chỉ một phút sau khi cho bột vào, những sợi phở tươi, dẻo, đúng chất lượng đã ra lò.
Vừa ăn phở, vừa xem cách làm phở
Không như những chiếc máy sản xuất bánh tráng, bánh tráng rế mà TS Sơn đã nghiên cứu, máy sản xuất bánh phở tươi không phải là sản phẩm dùng cho sản xuất hàng loạt, đặt trong các nhà máy. Chiếc máy này rất nhỏ, gọn, được gọi là “máy sản xuất bánh phở mini”, và đặt ngay trong tiệm... phở. Một giờ máy sản xuất được từ 10-15 kg phở tươi. Điều đặc biệt là bất cứ ai, dù người nước ngoài cũng có thể... tham gia sản xuất mà không cần sự chỉ dẫn nào từ thợ, chỉ cần cho bột vào, bánh phở sẽ tự động tuôn ra.
Diện tích mà máy này chiếm rất hạn chế (khoảng 2 m2), nên đại diện Công ty Imperial (Mỹ), nơi đã sử dụng máy trong 4 tháng qua, cho biết: “Thú vị nhất là thực khách của chúng tôi được chứng kiến cả công đoạn làm phở khi dùng món ăn. Vì thế, món phở sẽ gây ấn tượng hơn và dễ gần hơn với người Mỹ”. Còn người làm ra công nghệ này, PGS-TS Trần Doãn Sơn vui nhất vì “ngoài an toàn vệ sinh thực phẩm, máy còn giúp chúng ta đưa công nghệ sản xuất phở ra thế giới”.
Công nghệ độc quyền
Nhiều đơn đặt hàng
PGS-TS Trần Doãn Sơn cho biết hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh ở nước ngoài đặt hàng về máy chế biến lương thực, thực phẩm. Ông đang nghiên cứu sản xuất máy làm bánh tráng rế quy mô nhỏ để xuất sang Mỹ theo đơn đặt hàng. Một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê, hạt điều tại Indonesia cũng vừa muốn mua một số máy rang tẩm cà phê, máy bóc tách hạt điều...
“Máy sản xuất bánh phở tươi mini” với công dụng đơn giản hóa công nghệ làm bánh phở này theo công nhận của các nhà sản xuất, kinh doanh ở Mỹ là lần đầu tiên có mặt tại Mỹ và cũng là lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Đầu tháng 1-2007, PGS-TS Sơn đã xuất 7 chiếc sang Mỹ và hiện đang có những hợp đồng mới về xuất khẩu loại máy này.
Ngoài việc bán máy, công nghệ sử dụng máy cũng được PGS-TS Sơn chuyển giao. 100% công nghệ máy là của Việt Nam. Ông đã đăng ký sản phẩm sáng chế độc quyền. TS Sơn cho biết thêm, máy được sản xuất tại Việt Nam nhưng nơi đầu tiên sử dụng lại là Mỹ.
“Các tiệm phở ở Việt Nam cũng có thể dùng loại máy này để sản xuất bánh phở tươi ngay tại tiệm”. Và ông cũng đang hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm này tại Việt Nam trong thời gian tới. “Tôi phải làm cho giá thành ở trong nước rẻ hơn so với giá xuất khẩu, như vậy các tiệm phở Việt trên đất Việt mới dám đầu tư”, TS Sơn thổ lộ. Hiện nay, giá xuất khẩu loại máy này sang Mỹ ở mức 6.500 USD/chiếc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét