Là một 8x đời cuối với hành trang dắt túi 2 lần khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường, anh chàng Nguyễn Văn Hiệp - cựu sinh viên đại học Ngoại Thương Hà nội, đã khiến nhiều bạn trẻ nể phục bởi tinh thần và sức trẻ “dám nghĩ dám làm” của mình.
Hiện nay anh đang sở hữu một khối lượng sách tiếng Anh đồ sộ với hơn 100.000 đầu sách và là ông chủ sở hữu một trung tâm dạy tiếng Anh hoành tráng tại chùa Láng, Hà Nội. Hãy cùng chúng tôi khám phá quá trình khởi nghiệp gian nan, không ít lần vấp ngã và đứng lên của ông chủ trẻ 23 tuổi điển trai này nhé!
Từ ý tưởng khởi nghiệp thời sinh viên
Hiệp có thể kể về lần khởi nghiệp đầu tiên khi anh còn là sinh viên?
Mình kinh doanh kiểu “buôn thúng bán mẹt” mục đích chỉ kiếm tiền là chính. Mình thực sự kinh doanh có tổ chức là từ giữa năm 3 đại học khi làm cùng1 nhóm gia sư có tên là Olympia với ý tưởng là gia sư trọn gói khi nào đỗ đại học thì mới lấy tiền.
Ý tưởng kinh doanh này xuất phát từ đâu?
Bản thân mình là dân khối A và rất rành về việc học thi để đạt điểm cao. Mình nghĩ rằng các phương pháp mình tổ chức ra sẽ giúp được các em học sinh đạt điểm cao hơn nhiều. Thời gian đó mình cũng thấy rằng các em học sinh được nhận các loại hình đào tạo ôn thi đại học tương tự nhưng không được đảm bảo về kết quả, các phụ huynh cũng rất mong có được 1 tổ chức có thể dạy con họ tốt mà cam kết về kết quả đầu ra.
Vì  sao lần khởi nghiệp này thất bại?
Lần đó thất bại vì quá nhiều lí do. Lí do lớn nhất là do khả năng của mình chưa tới. Từ trước đó chỉ mình ra quyết định là chủ yếu, khi làm theo nhóm thì khả năng hoạch định và thực thi của mình không tốt nên vụ đó không đi tới đâu cả. Thật ra, nhu cầu về loại hình đào tạo này rất lớn.
Thầy giáo Hiệp bên các học viên của mình
Thất bại – Không sao, đứng lên làm lại!
Cảm giác không thành công ngay từ khi khởi nghiệp lần đầu có làm bạn nản chí?
Kết thúc vụ kinh doanh đó đúng là rất buồn khi mọi thứ chẳng đi tới đâu. Buồn về khả năng bản thân , buồn vì cũng có thất hứa với 1 số gia đình học sinh làm họ mất thời gian, buồn vì cách làm có phần hơi hời hợt qua loa của mình. Tuy nhiên, Bản thân mình không hề thấy nản. Mình chỉ nghĩ cần tìm ra giải pháp để khắc phục và làm tốt hơn trong lần sau.
Hiệp rút ra bài học gì từ lần vấp ngã đầu tiên?
Sau vụ đó mình rút ra rất nhiều bài học cho bản than. Bài học đầu tiên về sự quyết tâm khi theo đuổi một ý tưởng. Đúng là không có ý tưởng kinh doanh nào có thể thành công nếu được thực hiện một cách hời hợt. Bản than mỗi doanh nhân khởi nghiệp khi làm đều phải rất cháy bỏng về ý tưởng của mình, phải đam mê nó và nghĩ về nó cả ngày cả đêm, hi sinh thời gian và dốc cả 200% công sức mới may ra thành công được.
Bài học tiếp theo của mình là về việc hoạch định và thực thi, trước đó trong đầu mình chẳng có chữ nào liên quan tới quản trị và tiếp thị cả (mình học Kinh tế đối ngoại- tức là xuất nhập khẩu). Từ thời gian đó mình mới tìm đọc rất nhiều sách nước ngoài về 2 lĩnh vực trên. Đồng thời mình cũng từng xin gặp vài doanh nhân để mình học hỏi. Có đi nhiều mới thấy rằng các doanh nhân học rất hăng. Mình được anh Điệp TGĐ Vật Giá nói rằng có thời anh đọc sách đều đặn 2 ngày 1 quyển. Từ đó trở đi mình đọc và nghe sách về kinh doanh cực kì nhiều, chắc cũng tới vài trăm quyển cả sách và audiobook. Mình nghe audiobook bất cứ khi nào có thể, chạy thể dục, trước khi đi ngủ, tắm giặt, dọn nhà :D
Sau bài học đầu tiên bạn đã làm gì để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của mình?
Sau đó không lâu mình vẫn quay lại tiếp tục làm mấy vụ kinh doanh kiểu sinh viên của mình để tiếp tục kiếm tiền tìm cách làm vụ khác. Mình cũng tìm cho mình 1 sư phụ để xin ý kiến khi cần thiết.
Tiếp tục theo đuổi ước mơ không bỏ cuộc
Khởi nghiệp lần nữa và thu nhập 3000 USD
Ý tưởng lần này là gì và xuất phát từ đâu?
Khi sắp ra trường mình có rất nhiều dự định nghề nghiệp, làm là làm quản trị viên tập sự cho mấy tập đoàn lớn hoặc thi vào làm tư vấn như Mc Kinsey hay BCG, hoặc là đi theo mấy doanh nhân làm trợ lý. Mình đặc biệt sợ làm 1 ngày đều đều 8 tiếng, ghét phải đi uống rượu bia tiếp khách. Mình cũng có đi hỏi vài doanh nhân về dự định của mình và sau đó mình quyết định khởi nghiệp ngay khi ra trường luôn. Khi mình mới ra trường thì tiền không có nhiều, chỉ đủ sống trong nửa năm mà không đi làm ở đâu. Trong tất cả những gì mình muốn làm thì mình thấy tự học tiếng Anh là thứ mình rất rành. Mình nghĩ là mình có thể giúp các bạn sinh viên biết cách học tiếng Anh nhanh mà hiệu quả hơn nên mình bắt đầu làm ý tưởng này.
Sự thất bại ở lần 1 có làm Hiệp sợ hãi cho lần khởi nghiệp này không?
Bản thân mình ít khi biết sợ. Khi đọc sách nhiều có 1 lợi thế là sẽ biết được rất nhiều mô hình khởi nghiệp của nhiều người. Mình làm kiểu boot-strapping dịch nôm na là tự túm tóc lôi lên, như lấy ngắn nuôi dài. Mình không có gì nhiều để mất ngoài thời gian và công sức, không phải giống như mấy bạn có vài trăm triệu đầu tư làm nhà hàng.
Hiệp có thể kể về quá trình khởi nghiệp lần 2 của mình?
Cũng may là có sự chuẩn bị về tinh thần nên mình bắt đầu làm mọi thứ với cách tiết kiệm hết sức có thể. Bắt đầu với việc thuê phòng học theo buổi, chỉ 60k/buổi để không phải lo gánh nặng chi phí. Hồi đó mình không dám thuê theo tháng vì thường là người ta sẽ bắt mình trả 3 tháng liền và cả 1 tháng đặt cọc nữa. Sau đó mình tìm được 1 giáo viên cũng rất tốt, nhưng cũng không dám đi quảng cáo với danh nghĩa trung tâm mà phải đi quảng cáo dưới uy tín của giáo viên. Mọi thứ bắt đầu khá là khó khăn và đòi hỏi phải xoay sở rất nhiều. Mình phải làm đủ mọi thứ từ web (wordpress miễn phí), tờ rơi. Cũng may là thời gian đó mình tìm được 1 cộng sự rất giỏi giúp mình lo việc sắp xếp chăm sóc lớp và hậu cần nên việc cũng đỡ đi phần nào.
Làm start up không tránh khỏi những lúc cảm thấy bế tắc hoặc thậm chí muốn bỏ cuộc. Mình đã rơi vào cảm xúc đó mấy lần, nhưng rồi có bạn bè đồng nghiệp tốt nên quay lại trạng thái hưng phấn rất nhanh. Đúng là khi làm kinh doanh nhất định phải có thật nhiều bạn cũng đã khởi nghiệp để cổ vũ cho nhau khi cần.
Qua thời gian thì Step Up cũng bắt đầu có danh tiếng hơn và thu hút được nhiều học viên hơn nên cũng chuyển địa điểm vài lần. Sau khi thuê phòng theo buổi, mình đã có thể thuê hẳn 1 phòng học trong ngõ, sau đó là lên chung cư và bây giờ là 1 trụ sở khá to ở Chùa Láng.
Tình cảm của học trò dành cho thầy giáo trẻ điển trai
Việc kinh doanh hiện nay có tiến triển tốt không?
Tiền là máu của doanh nghiệp và làm kinh doanh không thể làm kiểu anh hùng làm từ thiện. Những doanh nhân thực thụ mình gặp họ đều không lấy tiền làm thước đo của sự thành đạt, họ không xài sang và không khoe mẽ. Mình thấy trong đầu họ chỉ có duy nhất mối quan tâm là thực hiện đam mê của họ. Mình cũng chỉ là “doanh nhân nghèo vượt khó” khi so với bạn bè làm kinh doanh của mình hoặc các anh chị đi trước, những gì mình làm không có gì đáng khoe lắm. Mình làm kinh doanh sẽ tính sao cho doanh nghiệp mình đủ tiền để sống khoẻ, nhưng mối quan tâm lớn hơn là luôn luôn làm tốt hơn những cái mình đang làm để nó có thể trở thành 1 sản phẩm xuất sắc có thể thay đổi được nhiều người.
Bạn hãy chia sẻ một câu chuyện mà bạn tâm đắc nhất trong quá trình khởi nghiệp?
Có 1 câu nói “chuẩn không cần chỉnh” về khởi nghiệp mà mình được nghe từ 1 chị: “Nghĩ lớn, làm nhỏ và không từ bỏ”. Ý tưởng và “muốn” kinh doanh thì gần như ai cũng có nhưng không nhiều người dám bắt đầu. Có nhiều bạn trẻ tập tành kinh doanh, dành dụm nhiều tiền làm 1 vụ sau đó phá sản và rồi “ngã đòn” không dám làm tiếp. Làm kinh doanh thì các bạn trẻ cần biết rằng có chân lý là nghèo thì lâu giàu thì nhanh. Để tới được điểm bùng phát thì phải rất gan lỳ chịu được khó khăn, không bao giờ từ bỏ.
Một sản phẩm của học viên tặng thầy
Bạncó gì muốn nói gì với trẻ đang nung nấu những khát khao khởi nghiệp?
Nếu thực sự có dòng máu khởi nghiệp chảy trong người thì thời điểm hoàn hảo nhất để làm khởi nghiệp là lúc này, bây giờ. Có thể bạn không làm thứ mà bạn đam mê, hãy cứ làm kinh doanh bất cứ một thứ gì đó để bạn có thể tôi luyện thêm khả năng và ý chí rồi tới một ngày bạn bắt tay vào làm cái mình đam mê thì sẽ làm được nó rất nhanh và sẽ đảm bảo thành công hơn.
Cám ơn Hiệp và chúc bạn luôn thành công trên con đường sự nghiệp!