Dù muốn hay không, dù là đàn ông hay phụ nữ, dù đi du lịch hay công tác, việc mua sắm ở nước ngoài là khó tránh khỏi. Tối thiểu, cần phải có món gì đó làm quà cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp khi về nước. Bên cạnh đó, cũng cần mua cho mình món hàng gọi là ghi dấu kỷ niệm một lần xuất ngoại.
Nhưng phổ biến nhất, xu hướng này rộ lên là do người Việt có thể sắm hàng ưng ý với giá hợp lý ở nước ngoài. Và ở đó thường có những mùa giảm giá rất mạnh tay đối với các thương hiệu thế giới và sản phẩm địa phương độc đáo.
Điểm đến người Việt ưa thích là Thái Lan, Singapore hay Hong Kong. Các khu phố mua sắm lớn ở đây đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Điều đó cũng đánh thức sở thích mua sắm, mặc cả và tài chọn lựa của các chị em.
Chọn thời điểm đi săn hàng
Các cửa hàng, trung tâm mua sắm ở những nước có ngành du lịch phát triển đều chú trọng lồng ghép bán hàng vào như một phần của du lịch. Họ đều đặn tổ chức các đợt khuyến mãi lớn hàng năm.
Chẳng hạn, Singapore đều có chương trình giảm giá hàng tuần nhưng hai mùa lớn và rầm rộ nhất trong năm (Mega sales) là vào tháng 6-7 hoặc Giáng sinh. Giá giảm tầm trên dưới 50% là chuyện thường thấy trong thời gian này.
Ở quốc gia láng giềng Thái Lan cũng vậy. Mùa siêu giảm giá Amazing Thái Lan hàng năm được tổ chức vào khoảng tháng 6-7 tại hơn 15.000 điểm bán hàng ở Bangkok, Chiang Mai, Pattaya, Hua Hin, Hadyai, đảo Samui và Phuket. Đây đều là điểm đến du lịch mà người Việt hay chọn trong thời gian gần đây. Vì lấy mục tiêu kích thích du lịch làm trọng, hàng hóa ở đây thậm chí còn giảm nhiều hơn cả Singapore, có nơi lên tới 70%.
Trong khi đó, hội chợ Malaysia Mega Sale Carnival được tổ chức tại khắp các thành phố du lịch từ tháng 6 đến hết tháng 8, cũng cung cấp danh mục dường như vô tận các chủng loại hàng từ thời trang, thiết kế nội thất, linh kiện máy tính đến các thiết bị điện... với giá giảm từ 30-70%.
Vào nơi sang trọng, chọn mua hàng hiệu
Hầu như người Việt nào ra nước ngoài cũng mang tâm lý muốn mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, hàng này ở Việt Nam không thiếu, chỉ thiếu hàng giá rẻ mà chất lượng phải cao, mẫu mã phải đẹp.
Những điều đó không thể tìm thấy ở các chợ lẻ tẻ, các khu mua bán bình dân, cửa hàng vỉa hè, vốn có rất nhiều ở các nước láng giềng. Đến đó, hàng hóa cũng như hàng ở chợ Đồng Xuân, phố đi bộ ven Bờ Hồ (Hà Nội) hoặc chợ Bến Thành, Saigon Square hay Chợ Lớn (TP.HCM). Giá cả chắc chắn là cao hơn ở Việt Nam. Chất lượng có thể tương tự, thậm chí thua kém.
Do khác biệt về chính sách thuế, nhất là với hàng xa xỉ, nên giá cả ở Việt Nam thường cao hơn hàng cùng loại ở các nước láng giềng. Vì vậy khi ra nước ngoài, bạn có cơ hội mua được món hàng mơ ước vì giá ở Việt Nam quá đắt, lại ít khi giảm mạnh tới 50-70%. Nói cách khác, ra nước ngoài thì phải mua hàng hiệu mới là hợp lý.
Đã mua hàng hiệu, cứ mạnh dạn bước vào các trung tâm tráng lệ, hoành tráng ở Singapore (ION, Nghee An, Takashimaya...), Hong Kong (Pedder Building, Landmark, Harbour City...) hay Bangkok (Siam Paragon, MBK, Platinum...). Ở đây, có bạt ngàn cửa hàng hàng hiệu và hầu như ngày nào cũng có giảm giá, kể cả khi chưa vào mùa mua sắm. Người bán xếp riêng ra một khu vực và thẳng tay đề biển hạ giá, ít thì 10-20%, nhiều thì trên dưới 50%.
“Nói là lỗi mốt, không hot ở nước họ, nhưng do gu thời trang có chút khác nhau, chứ người Việt như tôi thấy vẫn phù hợp, đẹp. Đặc biệt, chất lượng thì vẫn đảm bảo như mọi món khác cùng hiệu. Nhiều thứ ở Việt Nam còn chưa thấy bán ở Vincom hay Parkson, sao lại không mua?”, chị Minh Tuệ, chuyên viên tư vấn Masso Group tại TP.HCM, người vừa có chuyến đi Singapore giữa tháng 3.2013, cho biết.
Quả vậy, bạn có thể mua chiếc túi rất thời trang của Bonia với giá khoảng 3 triệu đồng ở Singapore, rẻ hơn nhiều một chiếc túi cùng loại giá có thể lên đến 7-10 triệu đồng tại Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của những người từng đi mua sắm nước ngoài, mặt hàng đáng chọn nhất là túi xách, ví, phụ kiện và thời trang hàng hiệu. Hàng công nghệ cao như iPhone, iPad hay máy tính, giá không khác so với ở Việt Nam.
Bỏ túi điều gì?
Sang nước ngoài, thường người Việt đi theo đoàn, theo tour. Người hướng dẫn và cả nhà tổ chức nghĩ rằng người Việt không có nhiều tiền, nên dẫn tới các chợ lẻ tẻ, khu mua bán bình dân hay cửa hàng vỉa hè. Tới đó chơi thì được, chứ mua thì thường thất vọng. Bạn sẽ thấy toàn hàng mà ở Việt Nam mua dễ dàng, với giá rẻ hơn.
Nhiều người chán nản tách đoàn, bắt taxi đi tìm nơi mua sắm riêng vẫn không thoát. Những người lái xe tốt bụng khi biết bạn là người Việt cũng tỏ ra “thông cảm”, nên lại đưa đến những nơi vừa tầm túi tiền.
Tốt nhất, hãy nói với họ tên một số thương hiệu bạn thích, như Gucci, Armani, LV, Lancôme hay Charles & Keith... bảo họ chở thẳng tới đó. Mua hàng hiệu giá hợp lý lại kinh tế hơn vào chợ hàng rẻ, mua toàn hàng ở Việt Nam dư dật.
Nếu có kế hoạch du lịch bằng tiền túi kết hợp mua sắm, bạn nên đặt sớm vé máy bay của các hãng hàng không như Tigerairways, Airasia, Vietnam Airlines để có giá mềm hơn. Nếu mua đúng đợt có chương trình khuyến mãi, giá sẽ rất rẻ. Ra các nước giao thông phát triển, chẳng hạn Singapore, bạn có thể sử dụng tàu điện ngầm để đến mọi khu mua sắm hoặc đi theo nhóm đông người thì sử dụng taxi cũng rất tiện lợi và rẻ. Ít khi có hiện tượng chạy lòng vòng câu kéo tiền của khách, bạn có thể an tâm.
Hãy nhận những bản đồ, tờ rơi giới thiệu trung tâm mua sắm, chương trình khuyến mãi... luôn sẵn có tại sân bay hay các trung tâm thông tin trong thành phố.
Tại các trung tâm mua sắm lớn hay cửa hàng của nhà phân phối chính thức, hình thức kích cầu của họ rất hấp dẫn. Ngoài giảm giá riêng cho mỗi mặt hàng, khách hàng mua càng nhiều càng được giảm nhiều hơn.
Nếu vẫn muốn mua ở các khu Bugis, Jurong East, khu chợ, cửa hàng nhỏ ven đường, bạn cứ thoải mái trả giá.
Một số nơi có chính sách hoàn thuế cho người mua, từ 100 đô-la Sing (khoảng 1,7 triệu đồng) trở lên, giá trị hoàn thuế hiện tại khoảng 6%. Thuế có thể hoàn lại ngay bằng tiền mặt tại sân bay, thủ tục nhanh và đơn giản, dù bạn không biết tiếng Anh. Khi mua sắm, chỉ cần đưa hộ chiếu cho người bán, họ sẽ giúp bạn làm trước thủ tục để dễ hoàn thuế khi ra sân bay.
Muốn đổi tiền, hãy đến nơi có trưng bảng hiệu “Licensed Money Changer”, đó là những quầy đổi tiền hợp pháp. Tốt nhất, nên đổi tiền ở ngân hàng trong nước trước khi đi hoặc làm thẻ tín dụng để thanh toán dịch vụ, mua sắm bằng thẻ. Việc này cực kỳ đơn giản.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét