Bệnh nhân bại liệt, người say rượu không nên dùng chăn, đệm điện. Nếu phải dùng thì phải có người kiểm tra nhiệt độ, tránh bị bỏng.
Tránh nguy cơ giật điện
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học công nghệ nhiệt lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, chăn điện là loại chăn, có bố trí dây điện trở ở trong để sưởi ấm.
Cấu tạo của chăn điện (đệm điện, đệm sưởi) được bố trí dây điện trở phát nhiệt đều khắp diện tích chăn. Khi nối với nguồn điện, dây điện trở phát nhiệt và làm chăn ấm lên. Để có thể điều chỉnh được nhiệt độ của chăn phù hợp nhu cầu sử dụng, người ta bố trí bộ điều chỉnh công suất sưởi với khoảng 5-7 nấc.
Ngoài ra có loại chăn chỉ có công tắc bật, tắt. Để tránh truyền điện hoặc rò rỉ điện ra ngoài, dây điện trở được bọc một lớp cách điện và một lớp chống ẩm, chống đè nén, ép biến dạng gây hư hỏng.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng chăn, đệm điện, nguy cơ giật, cháy do nhiệt độ quá cao là có khả năng xảy ra. Vì thế, người tiêu dùng nên cẩn thận khi sử dụng mặt hàng này nhất là với trẻ em và người già.
Khi sử dụng, khách hàng nên trải chăn, đệm điện dưới bề mặt cứng rồi phủ một lớp ga mỏng bên trên cho đỡ bẩn. Không nên gập chăn, đệm điện thành nhiều nếp gấp vì có thể khiến chăn, đệm điện bị gãy, dây điện bên trong bị hở, gây chập cháy và gây giật cho người sử dụng. Ngoài ra, không nên sử dụng chăn, đệm điện cho trẻ em nếu trẻ ngủ riêng, tránh trường hợp trẻ nghịch điều chỉnh nhiệt độ cao gây bỏng.
Khi cắm điện, phải trải chăn, điệm điện phẳng, phần có may nhãn hiệu (mũi tên) nằm phía trên đầu. Không để trực tiếp vật khác (bóng đèn, sạc điện thoại...) đang cắm điện hoặc đồ nặng, sắc nhọn, thú nuôi để tránh bị cào xước. Không nên nhảy, đùa trên chăn, đệm điện khi đang cắm điện vì dễ làm dây phát nhiệt hư hỏng. Bộ điều khiển cần tránh bị va đập, cũng không dùng bộ điều khiển hãng này cho sản phẩm của hãng khác.
Thời tiết giá lạnh, không nên quấn quanh người.
Nếu nằm giường sắt thì không nên dùng chăn, đệm điện vì rất dễ gây tích điện. Khi đắp chăn cho trẻ, người già nên để ở nấc cao cho chăn ấm, rồi hạ xuống nấc thấp nhất.
Bệnh nhân bại liệt, người say rượu không nên dùng chăn, đệm điện (nếu phải dùng thì phải có người kiểm tra nhiệt độ, tránh bị bỏng). Khi không dùng chăn cần rút phích cắm (nhất là khi ra khỏi nhà). Sau khi giặt, chăn, đệm điện phải để khô hoàn toàn mới được sử dụng.
Cách vệ sinh và bảo quản chăn
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất và phân phối chăn đệm điện, đây là một sản phẩm đã được thiết kế rất an toàn cho người sử dụng. Nhưng cũng là một loại thiết bị điện, do đó không nên giặt bằng máy vì dễ bị vặn, đứt dây dẫn nhiệt bên trong. Cũng không nên ngâm nước, mà phải giữ khô ổ cắm và bộ điều khiển, tránh bị ẩm mà sinh chập, cháy, nhất là với hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Cần xem kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Chăn có thể giặt được bằng tay nhẹ, phơi nắng (không nên giặt máy tránh hỏng các cấu tạo của chăn, ko nên vò mạnh). Khi chăn điện bẩn, nên làm sạch bề mặt bằng cách dùng khăn ướt thấm với xà phòng lau sau đó chà sạch.
Khi gấp chăn không nên để bộ điều khiển nhiệt ra ngoài mà nên để trong lòng chăn để đảm bảo tuổi thọ cho bộ điều khiển. Khách hàng cần chú ý, không tự ý tháo bộ điều khiển nhiệt và để bộ điều khiển nhiệt ở nơi ẩm ướt. Khi phơi chăn cũng nên chú ý tránh những nơi ánh nắng to, nơi có có nhiệt độ cao.
Cũng theo các chuyên gia, tốt nhất khách hàng nên mua loại chăn điện có thời gian bảo hành dài để thường xuyên được kiểm tra. Như vậy, dù là loại sản phẩm còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam và vẫn còn có những băn khoăn về tính năng cũng như độ an toàn, nhưng chăn điện vẫn là sự lựa chọn của khá nhiều gia đình cho mùa đông này.
==============================
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét