“Chào mừng đến chợ Nga” (Welcome to Russian market) – câu chào được viết bằng chữ đỏ trên tấm vải và viết lên cả cánh cửa kính như đập vào mắt tôi mỗi lần bước vào trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Square (Quảng trường Saigon, đường Hai Bà Trưng – góc Lê Duẩn, Nguyễn Du, Q.1).
Tôi không phải người Nga - đối tượng khách hàng chính của khu chợ này – nhưng hễ có dịp ra Q.1 là lại thích đến đây “lục lọi”. Đúng với từ “lục lọi”, bởi nếu hấp tấp, thiếu thời gian, bạn sẽ không tìm thấy cái gì có thể mua được ở đây. Còn ngược lại, khu chợ này sẽ làm bạn bị “viêm màng túi”! Khu chợ Nga – bao gồm những cửa hàng máy lạnh và những quầy hàng được dựng lên tạm bợ giữa các lối đi, có tất cả gần 100 quầy. Khoảng hai phần ba số hộ chuyên buôn bán quần áo, túi xách và giày dép; còn lại bán hàng lưu niệm. So với các cửa hiệu mặt tiền và siêu thị Citimart bên trong, nơi đây đúng là “chợ” - cả về hình thức lẫn nội dung. Hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ Nga đều có thâm niên bán hàng ở Tax, khi Tax sửa chữa (năm 2002), phần đông họ dạt về đây. Số ít tụ lại ở TTTM Saigon Centre (tầng một và tầng hai), mặt bằng ổn định hơn, tiền thuê mặt bằng nhiều hơn nên giá cũng cao hơn: hàng cùng loại thường có giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với hàng bán ở đây. Một phụ nữ bán túi xách so sánh: ở Tax cũ, giá thuê mặt bằng trên dưới 2 triệu đồng/tháng, còn ở Tax mới trên 10 triệu đồng/tháng, ở đây trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Chi phí càng nặng thì giá bán càng cao là lẽ đương nhiên. Nhưng giá thuê ở đây thấp cũng có lý do của nó: bởi siagon Square chỉ là dự án tạm thời. Đặc trưng của “chợ” thể hiện rất rõ trên các bảng hiệu, hầu hết đều có thêm tiếng Nga bên cạnh tên tiếng Việt như Tanhia, Katia, Natasa… Hầu hết chủ nhân của các cửa hàng ở chợ Nga đều có thời gian sống ở Nga, giao dịch tiếng Nga rành rẽ. Tuy nhiên, khác với thời còn ở Tax cũ - chỉ có người Nga (hoặc dân Đông Âu) mới đến đặt hàng mang về nước – nay thì khách hàng có đủ mọi… quốc tịch, người đi buôn chiếm số đông, còn lại là khách du lịch… nên người bán cũng phải học thêm tiếng Anh (hoặc tiếng Nhật, tiếng Hàn). Thời gian gần đây, khách người Việt ngày càng nhiều hơn, nhiều nhất là chủ các… shop thời trang, chuyên đi lùng hàng hiệu giá rẻ. Do chủ yếu bán sỉ (từ 60% - 70% lượng hàng), từ 11 giờ trưa – 4 giờ chiều là thơi gian chợ nhộn nhịp nhất. Trước 10 giờ sáng, nhiều quầy chưa mở cửa và sau 6 giờ chiều, nhiều quầy đã đóng cửa. Và cũng vì là chợ sỉ, ít có cửa hàng đầu tư vào việc trưng bày. Hàng hóa trong mỗi cửa hàng… cái treo, cái gấp, cái ném vào thùng carton… trông thật lộn xộn. Một đặc trưng nữa của “chợ” là mối liên hệ giữa các chủ cửa hàng ở đây khá gắn bó, họ sẵn sàng chia sẻ nguồn hàng với nhau. Mặt hàng chính ở chợ Nga là đủ các kiểu quần áo (dày, nặng) dành cho dân xứ lạnh. Bên cạnh đó, có đủ loại quần, áo (mỏng) với chất liệu 100% cotton dành cho trẻ em và người lớn, mang nhiều nhãn hàng hiệu, với nhiều kiểu quần áo cỡ big size. Ngoài ra, còn có túi xách, vai-li tay kéo, ba-lô, cặp… hàng hiệu Samsonite (Sammies cho trẻ em), Kipling, Adidas, Bree… Tất cả đều là hàng gia công tại Việt Nam, sau khi xuất khẩu còn dư lại và được lùng mua tận xí nghiệp. Vì thế, mỗi kiểu thường không đủ size (và màu), hoặc có đề-phô (lỗi), hoặc đã đề-mốt, người mua phải thật kiên nhẫn và có thời gian chọn lựa. Các cửa hàng ở chợ Nga không niêm yết giá, có chỗ nói thách, có chỗ nói một giá nhưng đa phần nói giá dễ mua: trên dưới 30.000đ/áo quần trẻ em; trên dưới 50.000đ/áo ngắn hoặc quần; trên dưới 100.000đ/c áo đầm, áo khoác hoặc vest. Túi xách, ba-lô… trên dưới 200.000/c; va-li tay kéo trên dưới 400.000đ/c. Với hàng hiệu (thật), đó là giá rất hấp dẫn. Nhược điểm lớn nhất của khu chợ Nga là có không ít hàng nhái… hiệu. Do khan hiếm hàng xuất khẩu còn dư (số lượng dư nếu có cũng không đáp ứng nổi đơn hàng sỉ) nên họ phải đặt may thêm (cả quần áo lẫn túi xách) với loại vải (và kiểu) gần giống mẫu hàng thật, gắn nhãn mác hàng hiệu, “trình độ sao chép” rất đáng nể. Ngoài ra, cũng có những mẫu hàng “hiệu” là sản phẩm “sáng tác”, không có bản gốc. Với khách mua sỉ, hầu như họ đều nói thật, nhưng với khách hàng mua lẻ thì… nói thật tùy người. Cho đến nay, trong nhóm ở Tax cũ, chỉ mới có shop Zina - tầng một TTTM Saigon Centre - tự hình thành cho mình một nhãn hiệu riêng (D&T) để gắn lên quần áo và túi xách do họ sản xuất. Nếu dân kinh doanh ở chợ Nga cũng hình thành những nhãn hiệu riêng của mình như D&T (không “ăn theo” các nhãn hàng hiệu nước ngoài) thì mô hình “xuất khẩu tại chỗ” của ngôi chợ đặc biệt này thật đáng học tập.
Thanh Thủy (Phụ Nữ Chủ Nhật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét