Kinh tế khó khăn, để tiết kiệm chi phí, nhất là
tiền thuê văn phòng, nhiều công ty nhỏ đang có xu hướng chuyển văn phòng
về nhà. Nhà của sếp hay các thành viên chủ chốt DN luôn là lựa chọn đầu
tiên.
Có không ít công ty chọn giải pháp chuyển về nhà của giám đốc để gánh bớt chi phí.
Xu hướng thu hẹp diện
tích, chuyển văn phòng sang khu vực chi phí thấp đang được các DN triệt
để thực hiện. Và điều này đã khiến mặt bằng văn phòng trống tăng lên
khi các tòa nhà mới đi vào hoạt động, cạnh tranh với các tòa nhà đơn lẻ.
Trên đoạn phố Nguyễn Thị Định có hơn chục văn phòng công ty đóng cửa
chuyển địa điểm, biển báo mời cho thuê dán hàng loạt mà vẫn chưa có
khách thuê mới. Trong số đó, có không ít công ty chọn giải pháp chuyển
về nhà của giám đốc để gánh bớt chi phí.
Đang thuê trụ sở văn
phòng công ty tại một biệt thự ở đường Nguyễn Thị Định, Công ty Bất động
sản B.T đang chuẩn bị chuyển về nhà của giám đốc tại Mỹ Đình. Theo đó,
mỗi tháng công ty này sẽ giảm được gần 50 triệu đồng tiền thuê địa điểm
cũng như các loại chi phí khác như điện nước, bảo vệ...
Thời kỳ đang "phất",
ông chủ công ty này đã mạnh dạn thuê biệt thự tại khu vực trung tâm của
bất động sản là Trung Hòa Nhân Chính để làm địa điểm làm ăn cũng như
tăng phần uy tín cho doanh nghiệp. Cảnh hàng chục chiếc xe ô tô đỗ cửa,
khách vào nườm nượp đã trở thành dĩ vãng, sàn B.T cả năm nay vắng vẻ.
Sau khi cắt giảm nhân sự đến thời điểm này cắt giảm chi phí thuê mặt
bằng là giải pháp buộc phải làm.
Theo chia sẻ của vị
giám đốc, mặc dù về khu vực Mỹ Đình không thuận tiện cho khách hàng
nhưng sẽ giảm gánh nặng tài chính mỗi tháng. Nhà ông ở đó cũng rộng hơn
100m2, đủ để cho khoảng 10 nhân viên làm việc, đồng thời cắt giảm cả bảo
vệ cũng như ông không phải tốn tiền xăng xe đi lại.
Tốn kém nhất là một
công ty ở Yên Hòa, sử dụng văn phòng chưa đầy một năm đã phải chuyển văn
phòng. Năm ngoái, công ty bất động sản này đã phải đầu tư gần 1 tỷ đồng
để thiết kế lại ngôi biệt thự, mua sắm trang thiết bị nội thất, điện
nước cho 3 tầng. Nhưng gần đây, doanh thu mỗi tháng thấp hơn chi, ông
chủ méo mặt, lượng khách đến sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi tháng.
Cầm chừng được một thời gian, ông đã buộc phải thắt lưng buộc bụng,
chuyển văn phòng về nhà mình tại khu đô thị mới Đại Kim.
Theo kế hoạch, cuối
tháng này, công ty ông sẽ dọn toàn bộ về đại bản doanh nhà sếp, như vậy
nhiều trang thiết bị cũng như đồ nội ngoại thất không sử dụng được có
thể bán thanh lý cho nhân viên, hoặc bỏ lại. Hợp đồng thuê nhà 5 năm,
việc ngừng hợp đồng sớm, công ty này cũng phải mất một khoản không nhỏ
vì phạt hợp đồng.
Không chỉ chuyển nhà vì
khó khăn, mới đây, một công ty ở Ba Đình cũng chuyển về nhà sếp chỉ vì
hợp phong thủy. Chị Hiền, nhân viên hành chính cho hay, sếp chị là một
người khá chặt chẽ trong việc phong thủy. Ngay từ ngày thành lập, sếp đã
xem xét kỹ lưỡng vị trí địa thế để thuê văn phòng. Sau một thời gian
hoạt động không hiệu quả, sếp lo lắng đi xem khắp nơi. Không hiểu thầy
phán kiểu gì, ông liên tục thay đổi phòng làm việc. Một thầy cao tay vừa
phán, phải chuyển về nhà mới làm ăn được, ông đã vội vàng lên bắt công
ty chuyển văn phòng.
Chị Thu Hương, nhân
viên kinh doanh, một công ty truyền thông ở Đống Đa buồn rầu, văn phòng
chuyển về nhà sếp tận khu Mỹ Đình II, đồng nghĩa mỗi ngày chị phải đi
thêm hơn 5km nữa, chưa kể dưới đó hàng ăn thưa vắng và đắt đỏ. Bất tiện
hơn, mỗi lần đi gặp khách hàng chị phải mất nhiều thời gian. Việc đưa
đón con đi học hàng ngày chị cũng sẽ không thể đảm nhiệm.
Theo chị Hương, làm
việc ở nhà sếp cũng không thuận lợi bởi thiết kế là căn hộ để ở. Gần 20
nhân viên làm việc trong căn hộ chung cư diện tích không phù hợp, ảnh
hưởng nhiều tới công việc. Mặc dù vậy, chị Hương cũng chỉ biết ngậm
ngùi: "Trong lúc khó khăn này thì vẫn phải làm, vừa làm vừa tìm cơ hội
chỗ nào mới gần nhà hơn."
Ông Trần Đức Minh, giám
đốc công ty một công ty đầu tư chia sẻ, việc chuyển văn phòng về nhà
mình là việc bất đắc dĩ bởi việc đang thuê ở một vị trí trung tâm, vị
thế của công ty được tăng lên. Chuyển văn phòng dẫn tới nhiều phát sinh
mới như mất khách hàng, phải thêm tiền chi phí để in ấn card, tài liệu
và thư thông báo cho khách. Công ty của ông Minh cũng đang rục rịch
chuyển từ tòa nhà Hà Thành Plaza về Long Biên trong thời gian tới.
Báo cáo của Savills Việt Nam
cho thấy, tổng nguồn cung toàn thị trường đạt xấp xỉ 1 triệu m2, tăng
32% so với cùng kỳ năm trước. Tới năm 2014, xấp xỉ 1,1 triệu m2 diện
tích văn phòng mới từ 80 dự án sẽ gia nhập thị trường Hà Nội. Số doanh
nghiệp giải thể tăng, doanh nghiệp thành lập mới giảm về số lượng, điều
này sẽ tạo một áp lực lớn cho văn phòng cho thuê trong thời kỳ hiện nay.
CBRE nhận định năm 2012 sẽ là năm có diện tích thực thuê mới cao kỷ lục mặc dù tỷ lệ
trống và nguồn cung vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2012, câu chuyện
của hai khu vực lớn của thành phố - khu vực trung tâm và khu vực phía
Tây- sẽ tiếp diễn. Ở khu vực phía Tây, dự đoán giá thuê sẽ tiếp tục giảm
nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy, trong khi chủ đầu tư của các dự án có vị trí
đẹp trong trung tâm sẽ không cạnh tranh bằng giá thuê.
Tuy nhiên, dù thế nào
thì lĩnh vực văn phòng cho thuê sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn kéo
dài khi các DN triệt để cắt giảm chi phí. Trong đó, tiền thuê văn phòng
luôn là một chi phí lớn được ưu tiên giảm càng nhiều càng tốt. Hơn thế,
kinh doanh co hẹp, nhân lực sa thải thì thu hẹp văn phòng cũng là bước
tất yếu tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét