Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Khởi đầu nan, đừng vội nản!

Nếu có một khởi đầu khá vất vả và đớn đau, hãy xem đó là hành trang không thể thiếu trên con đường sự nghiệp

“Em vừa mới nghỉ việc ở công ty sau bốn tháng làm việc, bởi vì ở đây công việc và môi trường không được tốt đẹp cho lắm. Mọi người phải đi làm mỗi sáng thứ Bảy, công việc không phải giao dịch trực tiếp với khách hàng như bưu điện, ngân hàng mà là tiếp thị và hành chính; nên thông thường thứ Bảy mọi người đều miễn cưỡng đến và chờ đến 12 giờ 30 trưa để được đi về, không có việc gì làm cả. Tỷ lệ nghỉ việc ở công ty này rất cao, nên nhân lực thường hay thiếu hụt, có những lúc em phải ra siêu thị và chợ ướt đứng làm nhân viên tiếp thị (promoter), có lúc phải đi theo xe tải, đẩy trolley đi giao hàng...

Theo quy định trong hợp đồng lao động, bốn tuần trước Tết Âm lịch công ty bắt buộc phải đi làm cả ngày Chủ nhật, nếu không đi sẽ không được tiền thưởng. Phép năm chỉ có bảy ngày, nên khó lên kế hoạch đi nghỉ phép. Ông chủ năm nay 67 tuổi, rất khó chịu và bảo thủ, mọi công sức nhân viên bỏ ra đều không được trân trọng. Ông luôn luôn tìm để bắt lỗi, sau đó phê bình trước mặt tất cả mọi người trong công ty, làm cho nhiều người cảm thấy rất mất mặt. Hơn nữa, ông ấy thường hay gài người này theo dõi người kia, sau đó báo cáo lại, tạo nên không khí nghi hoặc và thù địch trong công ty.

Em cảm thấy công sức và tiền bạc bốn năm bỏ ra để học đại học, sau đó lại được công việc như thế này thì thật sự không thỏa đáng, và em cũng sẽ không học hỏi được gì nhiều từ công việc này, nên em quyết định đi tìm việc khác...”.

Đó là chia sẻ của T., một nam sinh viên Việt Nam với người viết về kinh nghiệm mà em cho là “khủng khiếp” sau khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập có uy tín của Singapore. Tôi không biết em đã tìm hiểu kỹ nhà tuyển dụng trước khi xin việc và đọc kỹ hợp đồng lao động trước khi ký không. Nhưng với riêng bản thân tôi, những điều em chia sẻ cũng không khác những kinh nghiệm đau thương mà tôi đã từng trải qua sau khi lấy bằng thạc sĩ cách đây chín năm. Khi đó, mang tiếng là “Giám đốc bán hàng” của một tập đoàn lớn nhưng tôi được “giao phó” đủ thứ công việc không nằm trong hợp đồng lao động. Thời gian làm việc là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng không có hôm nào tôi có thể về trước 6 giờ. Còn chuyện ông chủ lớn tiếng, bươi móc nhân viên rồi họp hành đến tận khuya cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có ít nhiều tự ái dân tộc, tôi đã nghỉ việc sau hơn một năm. Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy hơi tiếc vì lẽ ra tôi nên chịu khổ nhục thêm một vài năm nữa để có thể học hỏi những điều mà trong trường lớp chẳng ai dạy.

Có lẽ tuổi thơ vất vả và nhận thức về giá trị giúp tôi xem bản thân mình, một tân thạc sĩ NUS và cũng từng làm trưởng đại diện của một ngân hàng lớn, coi việc đứng bán hàng trong siêu thị là một kinh nghiệm quý báu vì đó là cơ hội tiếp cận khách hàng một cách sinh động và cụ thể nhất.

Bạn có thể cười và bảo: vậy anh học cử nhân hay thạc sĩ, thông thạo nhiều ngoại ngữ để làm gì, không lẽ để ra bán hàng ngoài siêu thị và làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo? Tôi không rõ thái độ của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở trong và ngoài nước hiện nay như thế nào, nhưng với riêng tôi, vào thời điểm đó, có việc làm, lương đủ nuôi sống bản thân và gia đình và tích lũy được đôi chút đã là một diễm phúc. Tôi tâm đắc với câu châm ngôn của đại văn hào Victor Hugo: “Quand on n’a pas ce qu’on aime, on aime ce qu’on a” (Khi không có cái mà ta thích, hãy thích cái mà ta có).

T. cho tôi biết, sau khi nghỉ việc, em đã nộp đơn cho khá nhiều vị trí ở các công ty khác trong đó có một vị trí mà em thích nhất vì nó hợp với sở thích và kinh nghiệm của bản thân em. Nhưng thời gian không phải là người bạn tốt của em vào lúc này vì tình trạng cư trú của em ở Singapore sau khi tốt nghiệp chỉ là Giấy phép làm việc (EP-Employment Pass) gắn với doanh nghiệp tuyển dụng. Khi em nghỉ việc, EP cũ của T. đương nhiên mất hiệu lực và quy định về di trú chỉ cho phép T. được ở lại Singapore thêm một tháng. Nói cách khác, nếu không tìm được việc làm mới trong vòng một tháng sau “kinh nghiệm khủng khiếp” nói trên thì T. phải khăn gói về nước...

Trong lúc ngồi viết bài này gửi cho độc giả ở nhà thì tôi cũng vừa nhận được e-mail của T. cho biết em đã đi phỏng vấn một nơi và đang chờ kết quả. Theo cách nói của người Việt Nam, nếu có duyên thì T. sẽ tiếp tục có mặt ở Singapore để làm việc. Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy không công bằng vì với mảnh bằng đại học uy tín trong tay sau bao nhiêu năm đèn sách mà giờ đây T. vất vả xin việc để có thể khẳng định mình nơi đất khách quê người.

Thật tình mà nói, đối với tôi, chuyện T. có kiếm được việc làm ở Singapore hay không không phải là điều quan trọng lắm. Bởi lẽ, nếu T. phải về nước thì âu đó cũng là một điều hay vì ở trong nước cơ hội dành cho một cử nhân tốt nghiệp đại học nước ngoài biết tiếng Anh và tiếng Hoa sẽ nhiều hơn. Có thể mức lương khởi điểm của em sẽ thấp hơn so với các nhà tuyển dụng tại Singapore nhưng chắc chắn về lâu về dài thu nhập và triển vọng thăng tiến nghề nghiệp của em tươi sáng hơn nhiều. Tôi chỉ hơi tiếc là em bỏ việc sớm quá vì kinh nghiệm bốn tháng không cho phép em có một cái nhìn bao quát và khách quan về công việc đã làm. Với góc độ của nhà tư vấn, đối với tôi, kinh nghiệm làm việc “khủng khiếp” là “hàng hiệu” cho một bản lý lịch đầy ấn tượng mà ứng viên xin việc làm nên có.

Người Anh Mỹ gọi lễ tốt nghiệp đại học là Commencement, tức là một khởi đầu mới. Anh bạn trẻ T. của tôi đã có một khởi đầu khá vất vả và đớn đau nhưng em hãy xem đó là hành trang không thể thiếu trên con đường sự nghiệp cho dù phải về Việt Nam hay tiếp tục “chiến đấu” nơi đất khách quê người.
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét