Zhan Weijian đã làm được điều dường như không tưởng đó là nuôi cấy ngọc trai với chất lượng gần như hoàn hảo mà giá cả lại phù hợp với tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Phát tài nhờ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt
Zhan có một công ty lớn tại trung tâm nuôi trồng ngọc trai nước ngọt mới nổi của thế giới, vùng trung đông Trung Quốc. Nơi này cách rất xa Tahiti và các trung tâm nuôi ngọc trai nước mặn truyền thống khác ở Thái Bình Dương. Giá bán buôn cho mỗi viên ngọc trai trắng đường kính nửa inch đã giảm khoảng 30% trong vài năm qua chỉ vì sự xuất hiện ồ ạt của ngọc trai nuôi cấy chất lượng cao ngay trên các cánh đồng tại Trung Quốc.
Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất ngọc trai lớn nhất thế giới và làm thị trường tràn ngập bằng những loại ngọc trai nhỏ, rẻ với chất lượng tốt. Các công ty như của anh Zhan đang áp dụng nhiều kĩ thuật mới để thâm nhập thị trường dành cho các loại ngọc trai kích cỡ 0,5 đến 1 inch.
Anh Robert Wan – giám đốc công ty Robert Wan Tahiti, công ty thống trị thị trường ngọc trai Tahiti, nổi tiếng với việc cấy ngọc trai trong động vật nhuyễn thể và thiết lập tiêu chuẩn cho ngọc trai thế giới – nhận xét: “Sự cạnh tranh từ Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn tới chúng tôi. Giá cả đang ở mức rất mềm rồi, và nếu trong một hay hai năm tới mà họ tăng sản lượng thì bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy”.
Ngành công nghiệp ngọc trai ở Trung Quốc là một mô hình thu nhỏ cho việc nước này đã dần thoát ra khỏi hình ảnh của một thị trường lao động giá rẻ và nhái sản phẩm của nước ngoài. Các trang trại ngọc trai, cũng như các ngành khác tại Trung Quốc, đang có sự đột phá khi mức lương cho nhân viên tăng lên, đặc biệt là cho các công nhân lao động.
Bruce Rockowitz – CEO của Li & Fung, công ty cung cấp hàng tiêu dùng Trung Quốc lớn nhất cho các chuỗi cửa hàng Mỹ nói: “Người Mỹ lúc nào cũng lo lắng về hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ thì họ nên lo thêm về việc Trung Quốc sản xuất đồ chất lượng cao hơn đi là vừa”.
Một viên ngọc trai đường kính 0,5 inch do Trung Quốc sản xuất hiện có giá bán buôn 4 – 8 USD, chỉ bằng một nửa giá bán lẻ. Trong khi đó, một viên ngọc trai Tahiti có kích cỡ tương tự được bán với giá 25 – 35 USD.
Chênh lệch giá này khá lớn trong khi sự khác nhau về màu sắc và độ sáng lại không đáng kể và do vậy, nó chẳng hề làm các hãng trang sức bận tâm khi đặt ngọc trai Trung Quốc bên cạnh ngọc trai nước mặn thông thường.
Joel Schechter – CEO của Honora – một trong số các nhà nhập khẩu ngọc trai Trung Quốc lớn nhất có trụ sở ở Manhattan chọn ra hai chuỗi ngọc trai đắt tiền và đẹp nhất trong hầm của mình: một chuỗi từ Tahiti có giá 14.000 USD ánh bạc và một chuỗi từ Trung Quốc lấp lánh không kém với độ cong hoàn hảo, không tì vết và còn hơi màu phấn nữa.
Với mức giá 1.800 USD, chuỗi ngọc của Trung Quốc rõ ràng là hấp dẫn hơn hẳn. Việc Trung Quốc gia nhập phân khúc này, theo ông Schechter, đã làm cho ngọc trai trở nên “vừa tầm hơn đối với phụ nữ thuộc tầng lớp lao động”.
Anh Zhan – người phất lên nhờ ngọc trai giá rẻ - đang là CEO của Grace Pearl, một trong số các công ty lớn nhất ở Zhuji, Triết Giang. Không chỉ có vậy, Grace còn mở rộng hoạt động của mình đến các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy và Hồ Nam.
Anh Zhan rất tự hào về một loại ngọc trai của mình và gọi nó là “ngọc trai Edison” – nó có màu tím, hồng và cả màu đồng nữa, đây là những màu sắc tươi sáng hiếm thấy nếu không được nhuộm, và có kích cỡ lên tới ¾ inch.
Grace đã làm việc tỉ mỉ với trường Đại học Triết Giang để nghiên cứu về trật tự gen của các loài trai sản sinh ra ngọc trai nước ngọt để có thể tạo ra những loại ngọc tốt hơn trong tương lai. Anh từ chối tiết lộ trang trại nào của mình đang nuôi cấy ngọc Edison và chỉ nói là nó không ở gần Zhuji mà thôi.
Tại một ao nuôi trai ở gần Zhuji, các công nhân của Grace dùng nhíp để đưa các mô rất nhỏ vào trong thân trai. Ngọc trai sẽ phát triển bao quanh mô đó và mất khoảng 4 năm để đạt đến kích cỡ chuẩn. Còn với ngọc Edison, đầu tiên, các con trai được lựa chọn thông qua một cuộc kiểm tra về gen, sau đó chúng sẽ được cấy hạt thay vì mô trai. Các hạt này được đưa vào nhờ phương pháp đặc biệt mà công ty không muốn tiết lộ.
Các công ty như Grace đang tiến dần đến tự động hóa vì chi phí lao động có thể tốn đến 1/3 tổng chi phí tạo ngọc. Lương của các công nhân ở Zhuji và một vài thành phố ven biển khác đã gần như gấp đôi trong vòng 3 năm trở lại đây, khi càng ngày càng có ít người trẻ tuổi Trung Quốc sẵn sàng làm việc trong nhà máy thay vì đi học đại học. Hơn nữa, các công nhân lớn tuổi thường để mất nhiều kĩ năng cần thiết và do vậy họ phải nhanh chóng nghỉ việc. Anh Qin Xian – giám đốc nghiên cứu tại Grace cho biết: “Họ làm việc cho đến tận năm 37 tuổi và mắt trở nên kém dần sau hàng năm trời nhìn ngọc trai dưới ánh đèn huỳnh quang“.
Vì vậy, anh đã thiết kế ra một chiếc máy phân loại ngọc trai. Mỗi máy sẽ thả rơi một viên ngọc sau mỗi vài giây và chụp ảnh nó từ nhiều góc độ khác nhau. Chiếc máy này sẽ ngay lập tức đánh giá các bức ảnh, sau đó nhặt các viên ngọc trai và đặt vào máng để nó lăn vào thùng ngọc trai thích hợp. Anh Qiu nói mỗi máy này có thể chạy 24 giờ một ngày và do vậy sẽ thay thế được 15 công nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét