Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Cánh đồng kim cương


Hafiz là một người nông dân châu Phi, anh sống vui vẻ và bằng lòng với cuộc sống của mình. Một ngày kia, có người đàn ông lịch duyệt ghé qua nhà anh và kể chuyện về kim cương, về sự giàu sang và quyền lực mà nó mang lại. Người đàn ông nọ cho anh biết rằng: “Chỉ cần viên kim cương to bằng ngón tay cái thôi là anh đủ sức mua nguyên một thành phố. Còn nếu kim cương lớn như nắm tay, chắc chắn anh sẽ làm chủ cả một vương quốc”.  
Đêm đó, Hafiz không tài nào chợp mắt. Anh buồn rầu và bất mãn – buồn vì không có được thứ mình muốn và bất mãn vì biết mình không thể vui vẻ như trước.
Sáng hôm sau Hafiz thu xếp bán nông trại, nhờ người chăm lo gia đình rồi lên đường tìm kiếm kim cương. Anh đi khắp châu Phi nhưng tuyệt nhiên không thấy có. Sang châu Âu cũng vậy. Khi đến Tây Ban Nha, cả tâm hồn lẫn thể xác và tiền bạc của anh đều kiệt quệ. Anh nản lòng gieo mình xuống sông Barcelona tự vẫn.
 
Ở quê nhà, người mua lại trang trại của Hafiz thường dẫn lũ lạc đà ra tắm ở dòng suối chảy ngang trước nhà. Phía bờ đối diện, ánh mặt trời chiếu vào một viên đá sáng long lanh như cầu vồng bảy sắc. Anh nghĩ để viên đá ấy trang trí phòng khách cũng hay. Thế là anh đem về nhà và đặt bên bệ lò sưởi. Chiều đó, người đàn ông từng trải năm xưa lại ghé qua và thấy viên đá lấp lánh. Ông hỏi: “Hafiz về rồi à?”. Người chủ mới đáp: “Không, sao bác lại hỏi vậy?”. Ông đáp: “Vì đây là kim cương chứ sao nữa. Mới nhìn là ta nhận ra ngay”. Anh nông dân thật thà bảo: “Không phải, đó chỉ là hòn đá cháu nhặt ở bờ suối thôi mà. Để cháu chỉ bác xem. Còn nhiều lắm”. Họ cùng ra suối nhặt vài viên rồi gửi lại đi phân tích. Đương nhiên, chúng là kim cương. Cuối cùng họ phát hiện trang trại quả thật là một mỏ kim cương.
Ý nghĩa của câu chuyện:
  • Khi có thái độ đúng, ta sẽ thấy mình đang đi trên cánh đồng kim cương. Cơ hội luôn ngay đâu đó bên cạnh ta, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.
  • Người ta thường đứng núi này trông núi nọ. Khi ta ngắm nhìn ngọn núi bên cạnh, cũng có người thèm thuồng chỗ đứng của ta và sẵn sàng đổi chỗ.
  • Người không biết cách nhận ra cơ hội thường hay than phiền về tiếng ồn khi cơ hội gõ cửa.
  • Thường con người chỉ nhận thấy cơ hội khi chúng đã rời bỏ mình hơn khi chúng tìm đến.
  • Cơ hội chỉ gõ cửa một lần. Cơ hội tiếp theo có thể tốt hoặc xấu hơn, nhưng không có cơ hội nào như nhau cả. Vì vậy cần biết lựa chọn đúng lúc. Quyết định hợp lý tại thời điểm không thích hợp sẽ trở thành quyết định sai.
Trích Bí quyết của người chiến thắng – Shiv Khera

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét