Bà không muốn được mọi người nhớ đến với những kỷ lục về sự giàu có mà là người có công đưa sự nghiệp khoa học của Ấn Độ lên một tầm cao mới.

25 tuổi và khát vọng đi đầu

Hiện bà Mazumdar-Shaw sở hữu công ty Biocon ở Bangalore, trị giá 800 triệu USD - một trong những doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ với 6.000 lao động.

Mazumdar-Shaw được tạp chí Forbes ghi danh là 1 trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2012. Năm 2011, bà vinh dự có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân hàng đầu của thế giới trên Financial Times. Trước đó, năm 2010, tạp chí Times đưa bà vào vào danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới.

Thế nhưng câu chuyện lập nghiệp của bà sẽ khiến cho nhiều người sửng sốt. Năm 1978 khi mới 25 tuổi, Mazumdar-Shaw đã bắt đầu gây dựng Biocon với số vốn chưa đầy 200USD.

Bà thành lập công ty tại một garage và cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Ấn Độ. Với tuổi đời còn quá trẻ và không có kinh nghiệm kinh doanh nên việc xây dựng đội ngũ nhân viên cũng như huy động vốn đối với Mazumdar trở nên vô cùng khó khăn. Có thể hình dùng được những thử thách mà người nữ thanh niên 25 tuổi khi đó là vô vàn.

Trước đó, bà Mazumdar-Shaw có chuyên môn và cũng là người đầu tiên của Ấn Độ có được đào tạo bài bản về lĩnh vực sản xuất bia. Thế nhưng đường đời đã dẫn bà tới những hành trình của một doanh nhân sau khi không thể tìm được công việc với chuyên ngành của mình.

“Tôi cảm thấy rất khó khăn trong việc kiếm một công việc phù hợp với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành bia. Nhưng rất may là khi đó tôi có cơ hội gặp gỡ với một doanh nhân công nghệ sinh học đến từ Ai Len và người này đã giúp tôi bắt đầu sự nghiệp của mình ngay tại quê hương. Khi đó tôi cộng tác với công ty Ai Len này để thành lập ra công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Ấn Độ”.

“Tôi đã mất hơn 30 năm để chuyển một văn phòng tại garage thành một khu sản xuất rộng lớn như ngày nay. Và đó là một hành trình dài nhưng vô cùng thú vị”, bà nói.

Rạng danh phụ nữ Ấn 

Nhiều người cho rằng, giờ đây khi đã tự tay gây dựng được một công ty hàng đầu thì bà Mazumdar-Shaw sẽ danh toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh. Thế nhưng người nữ doanh nhân này còn ấp ủ một sức mệnh xã hội lớn lao là mở rộng phạm vi tiếp cận đến lĩnh vực y tế tại đất nước mình.

"Ấn Độ là một đất nước mà 80% cơ sở hạ tầng y tế thuộc về khu vực tư nhân. Hầu hết người dân đều không có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng”.

Năm 2009, bà thành lập một bệnh viện điều trị ung thư chi phí thấp với chủ trương đưa các liệu pháp điều trị ung thư vốn vô cùng đắt đỏ đến được với nhiều người bệnh hơn.

Mục tiêu giúp người dân Ấn Độ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế đã thúc đẩy bà nỗ lực tìm kiếm một mô hình phát triển các loại thuốc với chi phí rẻ hơn.

“Đơn giản là chúng tôi không thể phát triển những loại thuốc tốn đến 1-3 tỷ USD bởi thực tế chúng sẽ không thể đến được với những người cần nhất. Chỉ có rất ít người trên thế giới mới có thể đủ khả năng mua và sử dụng”.

Một thành quả khiến bà Mazumdar-Shaw vô cùng tự hào là bà đã góp phần ngăn chặn thực trạng chảy máu chất xám tại Ấn Độ trong đội ngũ các nhà khoa học. Doanh nghiệp của tuyển dụng khoảng 5.000 nhà khoa học với gần 40% là nữ. Rất nhiều người trong số đó đã trở về Ấn Độ sau khi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

"Một trong những mục tiêu của tôi khi thành lập Biocon là đảm bảo rằng tôi có thể tạo ra một doanh nghiệp giúp các nữ khoa học phát triển được sự nghiệp. Và tôi cũng mong muốn có thể tạo ra được một môi trường nghiên cứu cho các nhà khoa học nói chung, bởi tại thời điểm đó, chúng ta phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám vô cùng nghiêm trọng trong đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư của Ấn Độ. Khi đó số lượng các công ty còn quá hạn chế và không thể mang lại việc làm cho họ”.

Thử thách trước mắt của bà Mazumdar-Shaw là đưa giá trị của Biocon chạm mốc 1 tỷ USD đồng thời tiếp tục sự nghiệp đổi mới.

“Tôi muốn được nhớ đến là một người đưa Ấn Độ vào bản đồ khoa học của thế giới với tư cách là một đất nước không ngừng đổi mới. Tôi muốn được mọi người nhớ đến với những đóng góp tạo nên sự khác biệt đối với ngành y tế của thế giới hay là một người tạo nên sự khác biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Ấn Độ”.

Viên mãn trong cả sự nghiệp và tiền bạc, nhiều người nghĩ về bà với hình ảnh của một nữ doanh nhân thành đạt và giàu có. Thế nhưng bà nói: "Tôi ghét bị gọi là người phụ nữ giàu nhất Ấn Độ! Tôi muốn được nhớ đến với những giá trị mà mình đã tạo ra với cương vị là một nữ doanh nhân và tôi tự hào về điều đó”, bà nói.

Theo Thái Anh 
Vietnamnet/CNN