(baodautu.vn) Với quan điểm chia sẻ sở hữu để lấy đà tăng trưởng cùng một linh cảm đặc biệt, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) đã góp phần mang về cho VTC Online số vốn lớn gấp 100 lần vốn điều lệ.
Linh cảm đặc biệt
Ông Nam bắt đầu câu chuyện về hành trình tìm vốn cho VTC Online bằng cách ví von, ở giai đoạn mới thành lập, VTC Online giống như một sinh viên nghèo học giỏi, cố gắng tự vận động bằng nội lực. Nhưng ở giai đoạn tiếp theo này, nếu chỉ học giỏi mà không đủ tiền để phát triển thì có thể sẽ đi chậm và mất cơ hội. Do đó, phải chấp nhận chia sẻ sở hữu một chút để có đà tăng trưởng và phát triển trong 3-5 năm tiếp theo.
Xác định như vậy, VTC Online đã gặp gỡ một số nhà đầu tư. Và việc “chung kết” được với Quỹ đầu tư DWS Việt Nam như là một duyên số, bởi ngay từ đầu, vị Chủ tịch HĐQT Công ty đã có một linh cảm đặc biệt. “Cuối năm 2011, khi nhận được thông tin về Quỹ đầu tư DWS Việt Nam, tôi đã chuyển tiếp cho Phó giám đốc thường trực của Công ty chỉ với lời nhắn: “có thể mình sẽ chơi với đội này”, ông Nam kể lại.
Sau lời nhắn tưởng như vu vơ đó là những cuộc gặp gỡ, đàm phán và thương thảo. Hơn 6 tháng sau, tài khoản của VTC Online “nổi” 10 triệu USD với tên người chuyển tiền là Quỹ đầu tư DWS Việt Nam. Vậy mà, cảm xúc của ông Nam sau thành công này chỉ là: “Xong rồi thì xong, chứ có gì đâu”. Thanh minh cho cái cảm xúc có phần “tưng tửng” này, ông Nam bảo: “Giống như một cuộc hôn nhân, quá trình đi tới đích có nhiều diễn biến cảm xúc hơn là lúc đến đích”.
Sau khi VTC Online chính thức phát đi thông báo về việc tiếp nhận khoản đầu tư 10 triệu USD từ Quỹ đầu tư DWS Việt Nam, dư luận đặt câu hỏi: “Cái giá” mà VTC Online phải trả cho khoản tiền này là gì? Liệu Công ty có bị thâu tóm bởi nhà đầu tư nước ngoài hay không, khi số tiền đầu tư này gấp tới 100 lần vốn điều lệ của Công ty (20 tỷ đồng)?
“Đương nhiên, Công ty phải có những cam kết về doanh thu, lợi nhuận, quy mô của Công ty trên thị trường… với nhà đầu tư. Nhưng chuyện thâu tóm thì hoàn toàn không có, mà nhà đầu tư sẽ ‘ngồi chung xuồng’ với VTC Online”, ông Nam trả lời những băn khoăn trên và diễn giải, HĐQT của VTC Online có 5 người, trong đó, DWS chỉ có 1 ghế và vai trò của nhà đầu tư là giám sát, bổ trợ nhiều hơn là vai trò điều hành Công ty. Bên cạnh đó, VTC Online sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng để vốn điều lệ tương ứng với quy mô phát triển.
Những điều không thể đong đếm bằng tiền
Theo ông Nam, 10 triệu USD không phải là số tiền đầu tư quá lớn, nhưng trong lĩnh vực nội dung số, đây là khoản đầu tư “không đứng thứ nhất thì cũng đứng thứ nhì”. Với số tiền này, VTC Online sẽ giải quyết được câu chuyện về nhu cầu vốn trong 1-2 năm tới.
Công ty đã có một chiến lược phát triển rõ ràng là tập trung vào phát triển 3 lĩnh vực cốt lõi giáo dục, giải trí và giao tiếp. Cụ thể, VTC Online sẽ dùng số tiền đầu tư trên để tiếp tục phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ chiến lược gồm phát triển mạng Việt Nam (go.vn); sản xuất game trên mọi nền tảng; phát hành game trong nước và quốc tế; phát triển dịch vụ truyền thông, truyền hình và phát triển giáo dục online, offline. Điều này cũng đồng nghĩa với việc VTC Online sẽ tái cấu trúc nguồn doanh thu của mình, hay nói theo cách của vị Chủ tịch HĐQT 33 tuổi của VTC Online là “sẽ bớt liều khi quyết định”.
Năm 2008, khi lĩnh vực Internet ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, VTC Online ra đời và chủ yếu phát triển theo bề rộng để tìm kiếm cơ hội. Nhưng trong giai đoạn 2011-2012, khi lĩnh vực Internet Việt Nam đã có những định hướng rõ rệt, với kinh nghiệm được “tôi luyện” trong khó khăn chung của nền kinh tế, vị Chủ tịch VTC Online buộc phải thay đổi cách nghĩ.
“Trước đây, tôi thường có những quyết định theo cảm tính, có lúc sai, mà thường là sai nhiều. Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, những quyết định được đưa ra đã ‘tinh tế’ hơn, hay nói là ‘bớt liều’ thì cũng đúng”, ông Nam chia sẻ.
Sự tinh tế hơn trong các quyết định của lãnh đạo VTC Online được thể hiện ở mục tiêu giảm 50% doanh thu trong năm 2012, nhưng lại tăng trưởng về lợi nhuận gấp 4 lần so với năm 2011 và đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2014 theo như cam kết với nhà đầu tư.
Cuối năm 2009, tức là hơn 1 năm thành lập, ông Nam đã từng liều lĩnh đưa ra quyết định mở văn phòng đại diện và công ty con tại 10 thị trường trên thế giới. Nhưng đến cuối năm 2011, con số này đã bị rút xuống chỉ còn 4 thị trường. Công ty đã mất một số tiền không nhỏ cho quyết định liều lĩnh trên, nhưng ông Nam cho rằng, bù lại, Công ty có được một đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm làm việc quốc tế và tìm được thị trường tốt để tập trung đầu tư. “Điều này không thể đong đếm được bằng tiền”, ông Nam quả quyết.
Ngoài chuyện có tiền, có định hướng phát triển rõ ràng, theo ông Nam, ở giai đoạn này, VTC Online còn có một yếu tố thuận lợi nữa để tăng tốc, đó là yếu tố “thiên thời”.
Giai đoạn 2012-2015 được coi là thời điểm vàng của lĩnh vực Internet, khi con số người dùng được dự báo sẽ tăng từ trên 30 triệu hiện nay lên 50 triệu và sau đó có phần chững lại vì chạm ngưỡng bão hòa số lượng người dùng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, số lượng người dùng Internet đã tăng khoảng 20 triệu người, bằng 2 lần tổng số lượng người dùng Internet của Việt Nam phát triển trong giai đoạn 1997-2007.
Theo ông Nam, nếu biết chớp đúng cơ hội này thì ắt sẽ thành công. “Không thể bóc tách xem 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà ảnh hưởng thế nào đến các quyết định kinh doanh, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta lại sắp xếp ba yếu tố đó theo một trình tự như vậy”, ông Nam nói.
Vài nét về ông Phan Sào Nam
Sinh năm: 1979.
Tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sỹ quản trị kinh doanh công nghệ của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc.
Thông thạo tiếng Anh và tiếng Hàn.
Các chức vụ đã qua:
- 1/2006 - 5/2008: Phó giám đốc Công ty VTC Intecom;
- 5/2008 - 9/2009: Giám đốc Công ty VTC Online;
- 9/2009 - 7/2011: Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty VTC Online;
- 8/2011 đến nay: Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty VTC HCM.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét