Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Đối phó với huyết áp thấp


Em 20 tuổi, em thường hay bị huyết áp thấp, mùa hè cũng sợ đồ lạnh, hay bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí có lần còn bị ngất giữa đường. Xin bác sĩ giúp em cách chữa trị căn bệnh này, em cám ơn!
Câu trả lời: 
Ngoan thân mến! Huyết áp thấp không phải là một bệnh, đó chỉ là một trạng thái hay một triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Gọi là huyết áp thấp khi huyết áp tối đa <100mmHg.
Chính vì huyết áp thấp chỉ là một trạng thái hay triệu chứng nên mức độ ảnh hưởng của nó tùy thuộc vào bệnh lý gây nên huyết áp thấp (ví dụ bị trụy tim mạch do mất nước, mất máu, suy tim... hay tụt huyết áp do dùng quá liều các thuốc hạ huyết áp; các bệnh nội tiết như suy tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận...).
Trước hết, bạn nên đi khám để bác sĩ xác định xem có bệnh lý đi kèm không, nếu có sẽ có đơn thuốc phù hợp cho bạn.
Tuy nhiên, trước tiên bạn hãy xem xét lại chế độ dinh dưỡng của mình. Bạn đã ăn uống đủ chất để đảm bảo năng lượng cho một ngày hay chưa. Đồng thời, khi bạn thường xuyên gặp tình trạng tụt huyết áp, bạn hãy tham khảo những lời khuyên sau đây:
- Những khi bạn có dấu hiệu tụt huyết áp như chóng mặt, bạn nên uống một cốc trà gừng pha với nước ấm, một cốc cà phê nóng cũng rất hữu hiệu giúp bạn kịp thời tăng huyết áp trở lại. Nên nhớ thường xuyên để trong túi vài viên kẹo hay đồ ăn ngọt, nó sẽ giúp bạn chống chọi với tình trạng tụt huyết áp bất chợt giữa đường.

Ngoài ra, sữa, mật ong, nước chanh pha đường và muối cũng đem lại những tác dụng đáng kể.
- Nên ăn mặn hơn người bình thường, ăn những đồ ăn được đun nóng, hạn chế ăn thức ăn mới lấy ra từ tủ lạnh.
- Bạn nên chọn những thực phẩm có chứa các thành phần như sắt, protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.
-  Không được bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, bữa sáng nên ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước ép trái cây, nó sẽ giúp cơ thể bạn lưu thông máu dễ dàng hơn.
-  Nên uống nhiều nước, nước sẽ làm tăng thể tích máu, uống nước khoáng cũng rất có lợi cho người bị huyết áp thấp, nhất là nước khoáng có chứa nhiều muối Natri.
-  Tránh những đồ uống có cồn vì nó sẽ làm dãn mạch, làm giảm huyết áp.
-  Mỗi ngày uống 2 cốc củ cải đường, đây cũng là liệu pháp rất tốt trị bệnh huyết áp thấp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến chế độ nghỉ ngơi và tập luyện:
- Bạn nên ngủ đẫy giấc, khoảng 9 - 11 tiếng/ngày. Khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày (gan, phổi, lá lách), xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, bạn không nên dậy đột ngột, có thể bị ngất đi (bất tỉnh nhân sự).

Khi thức dậy, cần phải nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc.
- Tránh đứng hoặc ngồi lâu một tư thế, khi đang ngồi mà muốn đứng lên, bạn nên đứng lên từ từ để tránh bị hoa mắt, chóng mặt.

- Hãy có một chế độ tập luyện hợp lý với những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu...Tập luyện thường xuyên và đều đặn sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, hạn chế tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
- Không nên tắm nước quá nóng vì nó sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao.
Đông y cũng có một số bài thuốc chữa bệnh huyết áp thấp, bạn có thể tham khảo:
- Thịt chó 1 kg, phụ tử chế, nhục quế, gừng khô mỗi thứ 10 g, cho ít rượu, hạt tiêu, gia vị khác, đun nhỏ lửa, hầm nhừ, ăn trong 3 đến 5 ngày, nghỉ một tuần rồi ăn tiếp. Điều trị từ 3 đến 4 liệu trình.
- Thịt chó đen 250 g, hồng sâm 25 g, chích hoàng kỳ 25 g, liên nhục 70 hạt, phụ tử chế 6 g, nhục quế 3 g, thục địa 20 g, nước củ sả 2 thìa canh. Gia vị vừa đủ. Thịt chó rửa sạch bằng nước chanh hòa với ít nước sôi để nguội; ướp gia vị và nước củ sả, bỏ liên nhục lên trên. Tất cả các vị thuốc khác cho vào ấm sắc, lọc kỹ, đổ vào thịt đã ướp. Cho các thứ đã tẩm ướp vào nồi, đun cách thủy sôi độ 4 giờ là vừa.
Tuần ăn 1 lần, ăn liên tục trong 6 tuần.
- Sâm triều tiên 50 g, lộc nhung 50 g, ngâm với nửa lít rượu trắng. Mỗi ngày uống một chén con vào bữa ăn.
- Chè lâu năm (lá chè già trên 3 năm) rang lên, cho cùng 10 g nhân sâm và ít gừng vào nước, đun sôi 10-15 phút (nên dùng ấm đất). Uống ngày 2 lần, chỉ dùng từng đợt từ 5 đến 7 ngày.
- Nhân sâm tán bột 25 g, tử hà sa (tán bột) 50 g. Trộn với mật ong, mỗi lần uống từ 3 đến 5 g, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trưa.
- Hoàng kỳ, kỷ tử, mạch môn, đương quy, sinh địa mỗi thứ 12 g, dâm dương hoắc 8 g, ngũ vị tử 6 g, đẳng sâm 16 g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét