Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

"Túi Việt" phát hiện châu Mỹ

 http://dihoc.com.vn/hng-nghip/phan-tich-xu-hng-ngh-nghip/1689-qtui-vitq-phat-hin-chau-m.html

Từ một cử nhân ngoại ngữ "vỡ mộng", cô gái thảo nguyên đã trở thành một doanh nhân thành đạt với thương hiệu "Túi Việt" đi ra thế giới.
Nguyễn Thị Thủy, chủ thương hiệu Túi Việt, là một người con gái thảo nguyên Châu Mộc (Sơn La), sinh năm 1980. Những năm đại học, chị theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ. Nhưng sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chị không có điều kiện để biến ước mơ thành sự thật.
Tình cờ chị trở thành nhân viên một công ty xuất - nhập khẩu và đó chính là cơ duyên đưa chị đến với những làng nghề truyền thống. Ở đây, chị bất ngờ khi được tận mắt thấy sự miệt mài sáng tạo của những nghệ nhân và thực sự bị thuyết phục trước vẻ đẹp độc đáo, kỳ lạ của các mặt hàng cổ truyền dân tộc. Từ đường kim mũi chỉ nhỏ bé đến những nan tre, cói mềm mại đều được bàn tay tài hoa của người thợ thủ công "hóa phép" trở nên tinh tế, độc đáo đến kinh ngạc.
Hàng trăm mẫu thiết kế túi xách, giỏ xách mang dáng vẻ dân tộc ngày ấy đã đốt cháy lên lòng đam mê về cội nguồn trong người con gái thảo nguyên. Trong vòng hai năm trải nghiệm thực tế, không ngại khó ngại khổ, lăn lộn, bám sát nghề và thường xuyên trao đổi, gặp gỡ với các nghệ nhân của làng nghề truyền thống, Thủy nảy ra  ý tưởng về một cửa hàng trong tương lai. 
Nung nấu ý tưởng cộng với quyết tâm mãnh liệt, lại được chồng khích lệ, chị quyết định dứt khoát nghỉ việc để theo đuổi đam mê của mình. Những năm tháng đầu tiên là những năm tháng gian khổ học việc và mày mò tìm kiếm nguồn hàng. Chị "đeo bám" cả tháng trời ở các làng nghề để học "lén" các mẫu mã, cách làm… Về nhà lại đọc sách, “vật vã” tìm tòi để  tạo ra những thiết kế mới phù hợp với thị hiếu khách hàng quốc tế và người tiêu dùng của thời hiện đại.
Khi đã có sản phẩm tốt, chị “quăng mình” lên mạng, xông vào các hội chợ, lập trang web quảng cáo cho Túi Thủy, Túi Việt thủ công. Phần do nỗ lực quảng bá, phần do "hữu xạ tự nhiên hương", khách hàng tìm đến chị ngày càng nhiều.
Lúc đầu bán được vài ba cái, sau tăng dần lên đến từng lô hàng trăm. Hy vọng không phải nhen lên từ chân trời mà ở ngay miệng túi. Thế là thành công ty, là dấn thẳng vào công cuộc làm ăn.
Từ một cơ sở ban đầu ở Tân Mai, Thủy chuyển đến Trương Định, Tân Mỗ và mở rộng hơn ở địa điểm hiện tại là số 20, ngõ 441, phố Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội. Rồi thêm một công ty lớn ở Hà Nam với hàng trăm công nhân may và thêu.
Giờ đây, cô chủ Túi Việt nhớ lại: "Hai năm đầu chính là thời gian vất vả và đáng nhớ nhất. Và nó còn được nhớ mãi trong suốt con đường kinh doanh của mình. Nó đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu, là động lực, là nguồn năng lượng không bao giờ cạn để khát vọng không ngừng cháy sáng".
Từ tình yêu văn hóa dân tộc, đam mê nghề thủ công truyền thống, muốn đưa những hình ảnh và tài nghệ của người Việt đến khắp năm châu, bạn hàng đầu tiên mà chị hướng đến là các doanh nghiệp nước ngoài. Bạn bè quốc tế đã biết đến cái tên HTvnCrafts - mang đậm chất Việt Nam của Túi Việt. Tám năm thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Úc, Nhật... dần dần Túi Việt được đông đảo khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, chị xuất 3-4 container túi xách các loại sang Mỹ. Gần như tháng nào cũng có hàng xuất khẩu.
Với thị trường trong nước, Túi Việt làm tay (handmade) từ nguyên liệu truyền thống như lụa tơ tằm, đũi, vải thô, mây tre, cói, bèo, đay, trai sừng, vỏ sò, ốc càng ngày càng được ưa chuộng. Một hôm, nhìn cô bạn có anh chồng giàu, vốn xài sang, đeo một túi xách ra dáng hàng hiệu, tôi hỏi: “Của nước nào ? Tàu cao cấp à?”. Cô ta bảo: “Mình mà dùng đồ Tàu? Việt đấy”! 
Đấy là Túi Thủy, Túi Việt. Những chiếc túi này là cả một sự kì công, khéo léo với bao tâm huyết của người thợ thủ công. Để hoàn thành một chiếc túi thêu tay, phải cần đến hai người thợ may và cắt, trung bình mất 3 - 4 giờ. Hàng mây tre đan phải trải qua các công đoạn sấy, nhuộm, cắt, ghép mới thành một chiếc túi, với thời gian từ 25 - 30 ngày sẽ cho ra khoảng 50 sản phẩm.
Giá cả của hàng handmade cũng rất "dễ chịu". Một chiếc túi thêu tay đắt nhất là 400 nghìn đồng còn thêu máy chỉ 55-80 nghìn đồng/sản phẩm. Hàng mây tre cũng có giá từ 80 đến 350 nghìn đồng/chiếc túi.
Chị Thủy coi mặt hàng truyền thống này là mũi nhọn chủ lực trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Khoảng một năm trở lại đây, chị có sản xuất thêm hàng dạ hội với các loại túi, ví, bóp dự tiệc cao cấp, các loại túi cho nhân viên văn phòng, cho học sinh, sinh viên để đáp ứng tốt hơn theo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ đơn thuần là sự đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, chứ riêng túi xách truyền thống vẫn là ưu thế hàng đầu của công ty.
Mười năm từ ngày đầu khởi nghiệp, chị luôn tâm niệm một phương châm kinh doanh: "Phục vụ tốt nhất theo yêu cầu của khách hàng. Ưu tiên chất lượng sản phẩm lên hàng đầu".
Do vậy, khi đã là chủ một doanh nghiệp với hơn một trăm công nhân, chị Nguyễn Thị Thủy vẫn luôn tìm tòi, đổi mới mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng túi xách của mình. Quan niệm của chị là, làm bất cứ công việc gì cũng được, miễn là lao động chân chính, miễn sao có đam mê, quyết tâm và trung thực thì sẽ thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét