Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

3 bệnh hiểm nghèo khiến DN "tử vong" nhanh


Không thuộc bài, cảm hứng lãng mạn mà không suy xét, gom trứng bỏ vào một rọ... là 3 trong những căn bệnh hiểm nghèo khiến doanh nghiệp dễ tử vong nhất, đặc biệt là trong thời kinh tế khó khăn, suy thoái.


Tính đến thời điểm này, ước tính cả nước có khoảng 200.000 DN ngừng hoạt động. Có DN sau những khó khăn kéo dài, làm thủ tục phá sản theo luật định, có DN làm đơn xin ngừng hoạt động vô thời hạn, có DN nợ nần chồng chất, giám đốc DN lặn không sủi tăm. Thị trường xấu đã đành, nhưng đó chưa phải là tất cả của các nguyên nhân. Mỗi cái chết đều có một căn nguyên khác nhau.
Thứ nhất, chết do các DN không thuộc bài
Cách đây mấy năm, một nhà báo kỳ cựu, sau khi đã đạt được đỉnh cao trên con đường nghề nghiệp, quyết định gom vốn, thành lập công ty truyền thông.  Ban đầu, khi nền kinh tế thăng hoa, thị trường hưng phấn, doanh nghiệp ăn ra làm nên, mở rộng quy mô, thị trường, đa dạng hóa sản phẩm... Đó cũng là lúc mà người ta thi nhau khoe khoang, thi nhau quảng bá, nhận diện thương hiệu; chưa kể những việc khai trương, động thổ, tổ chức sự kiện, ra mắt sản phẩm mới... tạo vô số việc cho truyền thông. Bạn tôi, lúc nào cũng tất bật, mải miết. Mỗi hợp đồng, trừ các khoản chi phí, khấu hao, lãi trước thuế trên dưới ba chục phần trăm.
Thế rồi, khi thị trường xấu đi, việc thưa dần. Ít việc, nguồn thu không bù đắp nổi chi phí nhưng vẫn phải nín thở cố giữ bộ máy, kiên nhẫn chờ đợi sự ấm lên của thị trường. Nhưng rồi, sự nín thở kéo dài, các khoản chi phí thâm thủng. Lại thêm nhiều hợp đồng đã thanh lý nhưng không đòi được tiền, cứ thế, nợ khó đòi dày thêm.
Khi những khoản nợ tăng cao, không còn cách nào khác phải bán xe, bán thiết bị, trả văn phòng để trở thành kẻ trắng tay như thuở mới lập nghiệp.
Có đi sâu vào thương trường mới thấy, ở đó có vô số bài học mà mình chưa thuộc. Chẳng hạn, cách thức quản trị rủi ro, phân loại rủi ro thế nào, đâu là rủi ro tài chính, đâu là rủi ro vận hành, đâu là rủi ro kinh doanh, đâu là rủi ro sự kiện. Khi đã trở thành kẻ trắng tay, có thời gian, tham gia một khóa học thêm về kinh doanh, mới thấy sự nông cạn của mình. Với thế giới, nền kinh tế thị trường đã có hơn hai trăm năm, với Việt Nam, cũng đã ngót ba chục năm. Ở đó, có bao nhiêu bài học đã được tổng kết mà mình chưa suy ngẫm thấu đáo...
Khi sự kiện nhiều, các công ty truyền thông một thời "ăn nên làm ra" (ảnh minh họa)
Trường hợp của anh bạn tôi, chết chủ yếu là do thiếu hiểu biết. Khi đã từng là một phóng viên, đi khắp mọi nẻo đường của đất nước, đọc thiên kinh vạn quyển, tưởng như thấu hết sự đời, nhưng, sự đời ở một đất nước mà nền kinh tế thị trường mới có hơn hai chục năm. Lại thêm hệ thống doanh nghiệp cổ điển, như những đoàn thuyền thúng chỉ loanh quanh ao làng. Khi bước vào cơn lốc toàn cầu hóa, bất cứ một cơn sóng nào, dẫu ở bên kia bờ đại dương đều có thể ập đến gây nên những thảm họa mà anh không thể xem thường.
Khi đọc cuộc "Thế giới phẳng" (The world is flat) của Thomas Friedman tôi rất tâm đắc thuật ngữ: "Home office". Theo đó, với các DN vừa và nhỏ, họ có sự năng động cần thiết. Khi thị trường thuận lợi, thuê văn phòng hạng A, hạng B ở các building hoành tráng, khi thị trường khó khăn, chuyển văn phòng về nhà, vừa làm việc nhà vừa giao dịch, tiết giảm mọi khoản chi tiêu để sống qua thời kỳ giông bão.
Cũng chính vì sự linh hoạt này, khi sóng gió nổi lên, cái chết thường đến với những công ty, tập đoàn lớn mà không nhất thiết phải là các DN vừa và nhỏ. Khủng long không phải là loài sống lâu, còn tắc kè thì bất chấp mọi biến động của thời tiết. Đó chính là những bài học với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không thuộc bài, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào.
Thứ hai, chết vì những cảm hứng lãng mạn
Không thuộc bài chết đã đành, đằng này, một ông bạn khác không ít phen bầm dập ở chốn thương trường, kinh nghiệm đầy mình, lại là người mới phất lên trong khủng hoảng, thế mà vẫn chết. Công ty của anh chết chỉ tại vì những cảm hứng lãng mạn nhất thời của người đứng đầu.
Thương trường là chiến trường, nơi đó đầy rẫy những rủi ro nguy hiểm, khi người ta không kiểm soát được cảm xúc, ngẫu hứng, vung tay quá trán cũng có thể dẫn đến tử vong.
Khúc dạo đầu của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến anh "knock out" chỉ vì những đối tác xấu chơi. Nhưng rồi, nhờ trí thông minh, trời không phụ lòng, vận may lại đến với anh, anh thắng lớn trong việc huy động vốn, mua lại một dự án bất động sản sinh thái của một doanh nghiệp vỡ nợ. Với những khoản tiền ứng trước của khách hàng, anh trở thành triệu phú tiền đô. Trong niềm vui bất tận đó, anh tuyên bố sẽ biến khu đất thành một đô thị sinh thái giữa lòng Hà Nội.
Xây Viện NC thuỷ sản Bình An: Cảm hứng lãng mạng góp phần... "giết chết" công ty của đại gia Diệu Hiền?
Với ý tưởng đó, sẵn có tiền bạc, anh dốc hầu bao mua cây. Cơ man nào là cây được chở từ các tỉnh miền núi về. Cây lớn, cây bé, cây to cây nhỏ, anh cho chở về tuốt tuột. Nhưng rồi, cây không giống như xi măng sắt thép, chúng cần phải có những điều kiện nhất định về khí hậu, thổ nhưỡng mới có thể sống và tỏa bóng mát. Xuân qua, hè tới, khi thì nóng như đổ lửa, lúc thì mưa như trút nước. Một số cây bị nắng thiêu đốt, một số khác bị ngập úng, nghẹt rễ cũng đi đến tử vong. Vậy là, hàng tỷ đồng tiền mua cây mà kết quả thu được chỉ là một đống củi khô bán không ai mua, cho không ai lấy.
Túi tiền vợi đi, vợi đi rồi thâm thủng anh trở thành một con nợ, đành phải đóng cửa văn phòng để tránh sự truy sát gắt gao của đám giang hồ.
Trường hợp của anh bạn tôi, chỉ là một doanh nghiệp hạng... ruồi, không mấy tên tuổi. Một đại gia khác nổi đình nổi đám trong và ngoài nước cũng đang chết lâm sàng chỉ vì những cảm hứng lãng mạn của người đứng đầu, đó là công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Phạm Thị Diệu Hiền. Tiền bạc rủng rỉnh, sự tâng bốc quá nồng độ cần thiết khiến chị tưởng mình là ngôi sao.
Thực ra, nguồn gốc tiền bạc của Diệu Hiền không hoàn toàn do tài năng như một số lời tâng bốc. Bước ngọăt quan trọng của nữ doanh nhân này là dự án khu dân cư tại Nam sông Cần Thơ ở quận Cái Răng, được khởi động từ năm 2003. Dẫu chỉ với quy mô 19 ha nhưng ở cái thời mà người dân vùng miền Tây chưa có thói quen đầu cơ đất đai và chưa ý thức được tầm quan trọng của địa ốc, dự án lấy đất của dân với giá đền bù rẻ như bèo. Đầu tư một ít cơ sở hạ tầng, rồi phân lô bán nền, lãi gấp hàng mấy chục lần đã đem lại cho Diệu Hiền khoản lợi nhuận kếch sù.
Trên tiền đề đó, Diệu Hiền đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh. Ở ngay trung tâm vùng nguyên liệu, lại có nhà máy hiện đại nên sản phẩm của Bình An đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu Âu rồi sang Mỹ mà không gặp trở ngại nào đáng kể.
Với tổng diện tích gần 90.000 m2, công suất chế biến lên đến 500 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, nhà máy xuất khẩu thủy sản Bình An đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Chính vì nguồn cảm hứng đầy lãng mạn mà bà Diệu Hiền đã cho xây dựng Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An quy mô lớn nhất ĐBSCL, rộng gần 1 ha, vốn đầu tư xấp xỉ 200 tỉ đồng được huy động chủ yếu từ... vốn vay ngân hàng.
Chưa hết, trong khi công ty đang còn mang nặng nhiều khoản nợ vay lại gặp khó khăn về thị trường thì ngày 30/06/2011, Diệu Hiền tiếp tục cho khánh thành nhà máy nước uống collagen  với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng cũng bằng cách... vay vốn. Để thỏa chí lãng mạn của mình, Diệu Hiền còn mời nhiều ca sĩ, diễn viên, MC làm đại sứ thương hiệu.
Hầu hết các hạng mục đầu tư mới của doanh nhân này đều bằng cách vay ngân hàng với lãi suất xấp xỉ 20%/năm. Trong bối cảnh thăng hoa của nền kinh tế, mỗi năm kiếm đủ lợi nhuận để trang trải đủ lãi vay đã là khó, huống chi, nền kinh tế đang xấu chưa từng có. Với tổng các khoản nợ xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, mỗi năm, khoản lãi phát sinh của Diệu Hiền Group khoảng 300 tỷ đồng.
Chuyện nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con cứ thế không ngừng tăng. Ngập ngụa trong đống nợ, vật lộn đối phó với các chủ nợ, tam thập lục kế, chuồn là thượng sách. Trong trường hợp này, cái tên "Bình An" đã trở thành "bất an", bởi cái chết đang âm thầm viếng thăm từng ngày chỉ vì những cảm hứng đầy lãng mạn của doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền.
Thứ ba, chết vì bỏ trứng vào một rọ
Khác với những trường hợp đã nói đến trong các kỳ trước, một doanh nhân trong ngành chế biến gỗ, chuyên sản xuất đồ nội thất lại chết theo một cách khác. Nói theo cách dân gian, chết vì "bỏ trứng vào một rọ".
Có bao nhiêu vốn liếng, năm 2005, anh dốc hết vào một dự án vàng, âm thầm nuôi tham vọng làm ăn lớn. Anh đầu tư nhà máy chế biến gỗ với dây chuyền hiện đại, công nghệ châu Âu. Theo sự dẫn dắt mai mối, tên công ty anh được phép sử dụng thương hiệu của một tập đoàn từng rất nổi tiếng: Vinashin Phú Thịnh. Theo đó, Vinashin góp vốn 30%, bằng giá trị thương hiệu. Bù lại, tập đoàn này sẽ bao tiêu sản phẩm đồ gỗ của công ty, trong đó có trang trí nội thất trên các con tàu viễn dương do các đơn vị thành viên của Vinashin đóng.
Ăn theo thương hiệu nổi tiếng: Khi thương hiệu nổi tiếng chìm nghỉm, DN ăn theo cũng "tử vong"
Bao nhiêu vốn liếng, huy động cho việc xây cất nhà xưởng, nhập trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo công nhân. Đùng một phát, Vinashin lâm nạn, và Vinashin Phú Thịnh cũng lặng lẽ chìm theo. Những cái tên gắn Vinashin cũng bị tránh xa, đặc biệt với các ngân hàng thương mại.
Nhà máy đã xây xong với một số khoản nợ chưa thanh toán, công nhân không có việc, lãi phải trả hàng tháng, chi tiêu phải dựa vào vốn vay cho đến khi khoản nợ tăng cao và trở nên quá hạn. Khi các chủ nợ đến siết nợ, máy móc thiết bị chỉ là đống sắt vụn còn nhà xưởng được định với giá bèo. Bán tháo tài sản chỉ đủ trang trải những khoản nợ và lãi phát sinh, anh trở thành kẻ trắng tay.
Những sai lầm kiểu "bỏ trứng vào một rọ", không chỉ có anh mà ngay cả những nền kinh tế lớn với hàng ngàn chuyên gia sừng sỏ như Trung Quốc cũng đã từng mắc phải sai lầm tương tự. Chỉ có điều, với doanh nhân, khi sai lầm sẽ trở thành kẻ trắng tay.
Trung Quốc, khi cải cách mở cửa, đã để dành được một khoản lớn cho dự trữ quốc gia. Đồng Euro lúc đó còn non yếu chưa đủ độ tin cậy, Trung Quốc đặt trọn niềm tin vào đồng USD. Đến thời điểm đạt đỉnh vào tháng 10/2008, dự trữ ngoại tệ của nước này đã lên đến 1.800 tỷ USD, và phần lớn được đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các tổ chức bán chính phủ của Mỹ.
Sẽ không có gì đáng nói nếu Mỹ tiếp tục là cường quốc kinh tế số một thế giới, Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu hàng sang Mỹ và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ rơi vào khủng hoảng và phải đưa ra các chương trình giải cứu và kích cầu trị giá hàng ngàn tỷ USD. Kinh tế trì trệ, chính phủ bơm thêm tiền vào lưu thông, đồng USD mất giá là chuyện đương nhiên và các tài sản bằng đồng tiền này cũng bốc hơi.
Ngậm bồ hòn làm ngọt, Trung Quốc không thể thanh lý số tài sản đó vì nó quá lớn nên bất kỳ một động thái nhỏ nào chứng tỏ nước này định bán sẽ lập tức sẽ xuất hiện một làn sóng tháo chạy khỏi đồng USD và sự mất giá càng trở nên trầm trọng hơn.
Lúc đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không thể can thiệp để giữ đồng Nhân dân tệ (RMB) không lên giá so với USD được nữa, và Trung Quốc sẽ vừa bị mất một phần dự trữ ngoại tệ vừa mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu do tỷ giá thấp. Vì chính quyền lợi của mình, họ buộc phải đóng băng số tài sản bằng USD ở Mỹ, chấp nhận rủi ro sẽ bị mất một phần số tài sản đó trong khi chờ đợi kinh tế Mỹ hồi phục. Rõ ràng thiệt đơn thiệt kép.
Giờ đây, khi cả thế giới đang vật lộn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng thì các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc đang ngồi cãi nhau xem cơ cấu dự trữ quốc gia được phân bổ với tỷ lệ thế nào cho các các đồng tiền như Euro, Yen, Franc Thụy sĩ, và không loại trừ, cả đô-la Australia...
Bài học về phân tán rủi ro đã được các cụ ngày xưa tổng kết bằng câu: "Không bỏ trứng vào một rọ". Lý thuyết này cũng đã đề cập đến trong cuốn "Lý luận về đầu tư" của James Tobin, một giáo sư kinh tế nổi tiếng của Mỹ, ông này là chủ nhân của giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1981. Trong đó James Tobin đưa ra lý thuyết về phân tán rủi ro bằng hệ số Q của Tobin (Tobin"s Q) là tỷ số giữa giá trị thị trường và giá trị thay thế của một tài sản hữu hình.
Theo đó, doanh nghiệp nên đầu tư thêm nếu hệ số Q lớn hơn 1 để phòng ngừa những bất trắc xảy ra. Lý thuyết là vậy, nhưng vận dụng lý thuyết đó thế nào vào đời sống kinh doanh lại là chuyện khác. Dẫu sao, khi ngẫm về những điều này một cách thấu đáo sẽ có nhiều cơ hội hơn để né tránh những giông bão bất ngờ của đời sống thương trường.
Bạn nghĩ sao về những căn bệnh này? Các DN Việt Nam giải thể, phá sản nhiều thời gian qua còn do những nguyên nhân nào khác? Đâu là bài học kinh nghiệm cho các DN đang vật lộn trên thương trường? Mời độc giả cùng tham gia tranh luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét