Đang lưu lại Mỹ hoàn tất thủ tục pháp lý sau khi mua được Buford, tối qua, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã có bài viết chia sẻ hành trình đấu giá và kế hoạch khi trở thành thị trưởng mới của thị trấn.
Phạm Đình Nguyên, ông chủ mới và là tân thị trưởng thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ. Ảnh: Phạm Đình Nguyên.
Cho đến giờ (hơn một tuần) tôi vẫn còn lâng lâng cảm giác khó tả khi đã thắng trong cuộc đấu giá thị trấn Buford, được xem là có một không hai trong lịch sử nước Mỹ. Và đây là cuộc hành trình với đầy may mắn…
10 ngày quyết định
Tình cờ tôi đọc được bản tin rao đấu giá thị trấn “nhỏ nhất nước Mỹ” Buford trênVnExpress.net với giá khởi điểm là 100.000 USD, thế là tôi bắt đầu quan tâm. Tôi tìm lại cái tin bằng tiếng Anh, và bắt đầu tìm hiểu thêm những bài báo khác.
Trading Post, trung tâm kinh doanh của cả thị trấn, cũng là điểm dừng chân duy nhất
dành cho khách qua đường.
Thú thật lúc đó tôi cũng chưa có suy nghĩ nhiều kế hoạch mua để cụ thể làm gì. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, công ty IDS của mình làm phân phối, nếu có những “bàn đạp tinh thần” như thế này ở Mỹ thì cũng sẽ dễ vào hơn. Hoặc ngược lại, nếu chúng tôi tung ra sản phẩm mới ở Mỹ chắc cũng tạo được tiếng vang hơn.
Và cũng thú thật là tôi cũng không có tiền để mua. Tôi cũng chỉ là người đi làm công ăn lương bình thường. Dành dụm được ít tiền thì cũng tạm đủ làm vốn để mở công ty, nói gì nói đến mua bất động sản ở Mỹ. Lại là mua một thị trấn ở Mỹ!
Tôi tìm cách liên lạc với những người thân quen. Sau gần 2 ngày thuyết phục, mọi người hứa là sẽ cho mượn. Và tôi quyết định sẽ không bỏ lỡ cơ hội này, mặc dù tôi biết rằng còn có rất nhiều khó khăn phía trước.
Đầu tiên tôi phải xin visa vào Mỹ. Sau khi điền mẫu đơn trên mạng, tôi xin hẹn phỏng vấn. Lịch hẹn chỉ có thể từ ngày 15/4, trong khi ngày đấu giá là 5/4. Coi như thua, tôi định là sẽ đấu giá trên mạng, thay vì phải đi đến đó. Tuy nhiên, tôi cũng viết email xin phỏng vấn gấp mà chẳng có hy vọng gì. Chỉ 4 tiếng sau, đại sứ quán Mỹ trả lời là tôi có thể được phỏng vấn bất cứ lúc nào vào tuần sau.
Lần đầu tiên đến Mỹ
Wyoming là một bang rộng thứ 10 nước Mỹ nhưng lại chỉ có hơn nửa triệu người sống. Cheyenne là thủ phủ bang, nơi tôi bay đến cũng chỉ có hơn 70.000 người. Khi làm thủ tục ở quầy vé, nhân viên hãng hàng không còn hỏi đi hỏi lại: “Anh có chắc là đi đến Cheyenne? Chỗ này ở đâu mà em chưa thấy ai đi?”
Đón tôi ở sân bay Cheyenne là người đại diện của tôi, cô Rosie Weston. Phải nói là tôi may mắn được làm việc với Rosie, một người không chỉ chuyên nghiệp, có trách nhiệm mà còn rất là hiếu khách.
Còn công ty tổ chức đấu giá là Williams & Williams, có trụ sở ở bang Oklahoma. Theo quy định, hãng đấu giá này sẽ tính thêm 3% chi phí môi giới đối với người mua. Họ sẽ trích một nửa (1,5%) cho công ty đại diện cho người mua (cô Rosie).
Sáng hôm sau, Rosie đến đón chúng tôi cùng đi Buford, cách Cheyenne khoảng 60 km. Ngày hôm đó, thời tiết rất xấu. Đã sang tháng tư rồi mà tuyết vẫn còn bay lả tả. Từng cơn gió lạnh như cắt da thổi vào mặt. Thế nhưng ước ao sở hữu thị trấn này đã không làm tôi suy chuyển một chút nào.
Hôm đó cũng là ngày mà khách đấu giá được vào xem. Một người bảo vệ được hãng đấu giá thuê đã có mặt ở đó, để mở cửa cho chúng tôi vào vì ông Don Sammons (chủ thị trấn) đã không còn ở đây từ tháng Giêng năm nay. Nghe nói, ông đã dọn nhà sang bang Colorado, giáp với Wyoming.
Trong cửa hàng tiện lợi bán rất nhiều những mặt hàng, chủ yếu là nhắm đến những khách vãng lai lái xe xuyên bang hoặc một cư dân sống ở những thị trấn gần bên. Họ đến đổ xăng, uống một cốc cà phê nóng, mua một ít thức ăn cũng như đồ lặt vặt. Tại đây còn bán những chiếc áo thun hoặc chiếc cốc lưu niệm “Buford: thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”. Nhân viên bảo vệ cho biết, trong những ngày này có rất nhiều người muốn vào mua những chiếc áo thun in hình Don Sammons với giá 15 USD trước khi thị trấn có thị trưởng mới.
“Xin chúc mừng!”
Ngay buổi sáng hôm đấu giá, các đài truyền hình lớn như CNN, CBS đã đưa tin về cuộc đấu giá báo hiệu một ngày bận rộn của báo chí. Điều này quả không sai.
Từ 10h sáng, trong khi chỉ có lác đác một số người đến làm thủ tục đấu giá thì các phóng viên, đài truyền hình lớn, thậm chí có cả đài CCTV (Trung Quốc) cũng đã “dàn binh bố trận” sẵn. Họ tranh thủ ghi hình từ pa-nô chỉ đường, trạm xăng, bên trong ngôi nhà cho đến các hôp thư bưu điện, các xe kéo, xe dọn tuyết…
Lúc đi đấu giá, tôi chọn chiếc áo màu đỏ chót. Không hẹn mà gặp, hôm đó Rosie cũng đã mặc chiếc áo màu đỏ rực. Và tôi cảm thấy rất là tự tin.
Vì buổi đấu giá tổ chức ngoài trời bên ngoài cửa hàng tiện lợi, nên hãng còn thuê thêm 4 chuyên viên đấu giá khác đứng 4 góc để không rời mắt khỏi 20 người tham gia đấu giá đứng lố nhố cùng với những người đi theo.
Theo quy định, nếu đấu giá online thì người đấu giá sẽ phải đóng tiền đặt cọc 50.000 USD trước buổi đấu giá. Còn đấu giá tại chỗ, thì người đấu giá thắng cuộc buộc phải đặt cọc 10% ngay sau được thông báo thắng cuộc. Họ sẽ viết liền cái cheque và trao ngay cho hãng đấu giá. Trong 30 ngày kể từ đấu giá, người thắng cuộc (tại chỗ hay online) mà không hoàn tất được các thủ tục đấu giá, cụ thể là không thanh toán phần còn lại của số tiền thì coi như mất trắng số tiền đặt cọc. Vì vậy, sẽ không có chuyện đấu giá “chơi cho vui” hoặc lấy tiếng như ở Việt Nam, xong rồi “bỏ của chạy lấy người”.
Cuộc đấu giá diễn ra quá nhanh, chỉ khoảng 11 phút. Người chủ trì liên tục đưa ra giá, và nếu ai đồng ý tham gia thì đưa thẻ màu vàng lên. Mới vào thì mức giá mỗi lần nâng lên là 50.000 USD, sau đó càng về sau giảm xuống, thấp nhất là 10.000 USD. Người xướng giá luôn miệng đọc làm cho cuộc đấu giá sôi động. Đó cũng là lý do mà hầu hết những cuộc đấu giá chỉ gói gọn trong 3 phút.
Khi giá được nâng lên 750.000 USD, chỉ còn có tôi và người đấu giá trên mạng. Và khi lên đến 900.000 USD thì tôi là người chiến thắng. Lúc đó, người chủ trì đấu giá đã bước về phía tôi và hét lớn “chúc mừng”. Tất cả như vỡ òa. Chúng tôi ôm nhau, không có gì vui hơn thế nữa. Cho đến nay, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng của “người Việt mua thị trấn Mỹ”.
Nhiều người cho rằng với cái giá 900.000 USD quả là hớ khi giá khởi điểm chỉ có 100.000 USD. Thực ra giá chung kết bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thường các hãng đấu giá thường đưa ra giá khởi điểm thấp nhằm thu hút người tham gia.
Và vì đây là đấu giá, nên khó có thể nói đắt hay rẻ. Mỗi người tự đặt cho mình một cái giá mà mình nghĩ là hợp lý. Tôi nghĩ, mỗi người nhìn ở một góc độ khác nhau nên chuyện bình luận đắt rẻ là điều dễ hiểu.
"Cuộc trốn chạy"
Sau khi thắng cuộc, tôi được Ban tổ chức nhanh chóng đưa vào trong cửa hàng. Trong khi đó, các phóng viên vẫn kiên nhẫn đứng bên ngoài, trực chờ khi tôi bước ra. Ban tổ chức đã phải đánh lạc hướng báo chí, bằng cách để ông Don Sammons, đại diện Williams & Williams, cô Rosie Weston (đại diện cho tôi) ra trả lời báo chí. Trong lúc đó thì tôi đã được 4 bảo vệ “áp tải” bí mật dẫn ra cửa sau của cửa hàng, leo qua hàng rào thấp và nhanh chóng lên xe để biến khỏi cuộc “truy sát” của báo giới.
Mọi câu hỏi của báo giới tập trung vào ông Don Sammons và người thắng cuộc. Ông Don Sammons đã nghẹn lời khóc, làm cho cuộc phỏng vấn dường như chậm lại so với tốc độ tên lửa của buổi đấu giá. Có người nói, ông “khóc vì bán được giá”. Cũng có thể như vậy. Nhưng những ai từng tiếp xúc với Don Sammons đều biết ông là người “chất phác theo kiểu người nhà quê’, ở bang “cao bồi” chỉ có hơn 500.0000 dân này. Sự thật là Buford đã chiếm hầu hết thời gian của ông. Buford là ông và ông là Buford. Vì vậy, cái cảm giác của ông là vui buồn lẫn lộn.
Trong khi đó, cô Rosie Weston từ chối nhiều câu hỏi liên quan đến danh tính của tôi. Không khai thác được nhiều từ người đại diện, báo chí tìm cách hỏi Don Sammons. Ông cho biết là: “Tôi đã gặp và nói chuyện với anh ta. Tôi nhìn thấy ở anh ta sự đam mê của những người trẻ đầy nhiệt huyết, cũng hệt như tôi lúc còn trai trẻ quyết định gắn đời mình với thị trấn này cách đây hơn 30 năm. Và tôi sẽ quay lại đây đổ xăng, mua sắm lặt vặt trở thành một người khách trong số hàng nghìn người mỗi ngày ghé đến đây".
Thị trấn Buford và người chủ mới
Thị trấn Buford chỉ có một ngôi nhà. |
... Và một trạm xăng, nên Buford là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. |
Người chủ mới của thị trấn, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Công ty dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) tại TP HCM. |
Ông Nguyên cùng bà Rosie (người đại diện) và người chủ tiền nhiệm của thị trấn, DonSammons. |
Người chủ trước của thị trấn có lợi tức hàng năm nhờ trạm xăng, cửa hàng và kinh doanh đồ lưu niệm mang tên thị trấn Buford. |
Những lợi tức ấy từ nay được chuyển sang cho người chủ mới, sau cái bắt tay chuyển giao giữa Phạm Đình Nguyên và DonSammons. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét