Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Hoàng Anh Gia Lai - Thành công từ chất 'núi'


Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mà ngay cả việc mở rộng kinh doanh trong nước cũng được hạn chế tối đa, những khoản đầu tư khổng lồ của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào thực sự là một bước đi đầy táo bạo
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mà ngay cả việc mở rộng kinh doanh trong nước cũng được hạn chế tối đa, những khoản đầu tư khổng lồ của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào thực sự là một bước đi đầy táo bạo
Theo kết quả điều tra của Vietnam Report từ 500 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lớn nhất Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong năm 2010 của khối này đã tăng tới 42% so với năm 2009. Số DNTN có mặt trong bảng xếp hạng VNR500 DN lớn nhất Việt Nam năm nay cũng đã tăng nhẹ từ 35% lên 38%. Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của khối DNTN, mặc dù điều kiện kinh tế cả trong và ngoài nước trong thời gian qua còn có nhiều bất lợi. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thành công đó.
Vào ngày 22/11/2011 vừa qua, báo chí trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức khởi công xây dựng nhà máy mía đường trị giá tới hơn 100 triệu USD tại tỉnh Attapeu, Lào. Đây là dự án mía đường có quy mô lớn nhất tại khu vực Nam Lào từ trước đến nay, và cũng là bước tiến mạnh mẽ cho thấy cam kết đầu tư hơn một tỷ đô la vào Lào của chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức không phải là chuyện nói chơi.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, khi mà ngay cả việc mở rộng kinh doanh trong nước cũng được hạn chế tối đa, những khoản đầu tư khổng lồ ở Lào thực sự là một bước đi đầy táo bạo. Nó đã đánh dấu bước chuyển mình của HAGL thành một công ty "Đông Nam Á", với đầu não ở Pleiku còn "chân rết" trải dài từ Myanmar, Thái Lan cho đến những vùng núi non hoang sơ ở Campuchia và Lào.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng các đây chừng non 20 năm, Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một xưởng gỗ nhỏ nằm ở ngoại ô thi xã Pleiku, chuyên đóng bàn ghế cho các trường học. Bây giờ, họ đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, với tổng tài sản lên tới 18,772 tỉ VND trong năm 2010 và 45 công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau (theo Gafin).
Một biệt thự của Hoàng Anh Gia Lai.
Có thể cho rằng những thành công mà tập đoàn này có được đến bây giờ phần lớn là nhờ chất "núi rừng" trong chiến lược phát triển: chịu khó tìm tòi sáng tạo, và dám đi những con đường mới chưa ai nghĩ tới. Hiện HAGL là một trong số rất ít các công ty tư nhân ở Việt Nam dám "liều mình" đầu tư vào thủy điện, một ngành đòi hỏi chi phí đầu tư cơ bản rất cao trong khi tỷ suất lợi nhuận thu lại thì còn hạn chế.
Nhưng cái "liều" của HAGL đều được tính toán rất kĩ càng. Những con đường DN này đã lựa chọn để dấn thân đều phải cực kì chắc chắn. Họ đã kiên nhẫn "ẩn mình" 10 năm với nghề chế biến gỗ ở Gia Lai, và chỉ bắt đầu mở rộng ngành nghề kinh doanh sang chế biến đá granite sau khi có được chỗ dựa thật vững từ gỗ.
Đầu tư bóng đá - câu chuyện thương hiệu thành công
Năm 2002 cũng là dấu mốc để HAGL khuếch trương thương hiệu của mình từ "rừng núi" xuống "đồng bằng" bằng một cách làm khá "độc" vào lúc bấy giờ: đầu tư vào bóng đá. Khi "bầu" Đức một tay đưa đội bóng vô danh của Tây Nguyên trở thành một Hoàng Anh Gia Lai vô địch giải chuyên nghiệp V-League hai lần liên tiếp, rồi đưa về phố Núi những tên tuổi lẫy lừng của bóng đá Đông Nam Á như Kiatisak, Dusit, Sakda, nhiều người chỉ biết tấm tắc khen ông Đức biết cách "chơi trội".
Nhưng với một doanh nhân từng trải qua tuổi thơ nghèo khó, mua một đội bóng chỉ để giải trí không nằm trong kế hoạch của "bầu" Đức. Ông cũng đã từng phát biểu rằng, những ai cảm thấy làm bóng đá bị lỗ quá thì nên nghỉ. Còn với ông, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã mang lại những khoản lợi nhuận vô hình mà nhiều khi có tiền ông cũng không mua được.
Đó là việc thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai, gắn liền với tên đội bóng, không chỉ được biết đến trong hàng chục triệu người hâm mộ bóng đá của Việt Nam, mà còn nổi đình nổi đám trong cả khu vực Đông Nam Á nhờ những bản hợp đồng đắt giá với các tuyển thủ quốc gia Thái Lan.
Và có lẽ đáng chú ý nhất là việc HAGL liên kết với CLB lừng danh Arsenal, để mở học viện đào tạo bóng đá trẻ HAGL-Arsenal JMC đầu tiên ở Việt Nam. Đến nay, chuyện hàng tuần bảng điện tử trên sân Emirates của Arsenal chạy dòng chữ Hoang Anh Gia Lai Vietnam vẫn còn là một điều gì đó rất kì diệu với nhiều người.
Vua phố Núi "hạ sơn"
Khi tên tuổi Hoàng Anh Gia Lai-bóng đá đã nổi tiếng trên toàn quốc cũng là lúc Hoàng Anh Gia Lai- "mẹ" bắt đầu hướng tới một lĩnh vực mà sau này sẽ mang lại thành công rất lớn cho tập đoàn - kinh doanh bất động sản.
Năm 2004, khu nghỉ dưỡng cao cấp Hoàng Anh Gia Lai Resort Quy Nhơn được đưa vào hoạt động, trở thành tiếng súng khai màn cho sự tham gia của tập đoàn này vào thị trường địa ốc. Trong những năm sau đó, bằng sự nhạy bén kinh doanh, tập đoàn này đã tham gia vào hàng loạt các dự án bất động sản lớn, như khu căn hộ New Saigon (TP.HCM-2007), khu căn hộ Golden House (TP.HCM-2009) , khu căn hộ Hồ Thạc Gián (Đà Nẵng-2009). Theo Reuters, HAGL đã chuẩn bị đủ đất cho các dự án bất động sản của mình trong giai đoạn 2012-2016.
Đáng chú ý, DN này có lợi thế rất lớn về chi phí do mua được đất với giá rẻ từ trước đó rất lâu. Thêm vào đó, tập đoàn còn có các công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ, đá granite khép kín để phục vụ cho hoạt động xây dựng, nên các dự án của họ đều có "khả năng sinh lãi cao và rất cạnh tranh", theo hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings.
Nhờ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng như vậy, HAGL đã thu được rất nhiều lợi nhuận khi thị trường bất động sản lên đến đỉnh trong giai đoạn 2007-2009, còn khi thị trường lao dốc ở giai đoạn sau này thì thiệt hại cho DN là không đáng kể so với các công ty khác. Bloomberg đánh giá HAGL là công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam trong năm 2010.
Thành công trong lĩnh vực bất động sản cũng minh chứng cho sự khôn ngoan trong mô hình tổ chức của tập đoàn này: những công ty con hoạt động trong từng lĩnh vực khác nhau hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả, điều này không chỉ giúp tập đoàn giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, mà còn đảm bảo được tính đồng bộ và chất lượng cho các sản phẩm họ đưa ra trên thị trường.
Vươn ra biển lớn
Với những bước phát triển vượt bậc trong vòng một thập niên qua, HAGL đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này luôn có có mặt trong bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) từ năm 2008 đến nay. Đáng chú ý là chỉ trong 3 năm, HAGL đã nhảy lên vị trí 129 trong năm 2011 từ vị trí số 235 năm 2008. Còn nếu chỉ tính riêng trong số các doanh nghiệp tư nhân, hiện HAGL đang giữ vị trí 29 so với 47 trong năm 2008.
Nhưng thành công không có nghĩa là chặng đường phía trước của HAGL đều trải đầy hoa hồng. Một điều có thể gây rủi ro cho hệ thống hiện tại là họ đang đầu tư dàn trải, và dự án nào cũng cần rất nhiều vốn. Hơn nữa, những dự án như trồng cây cao su và phát triển năng lượng có tỉ suất lợi nhuận không cao và thời gian hoàn vốn lâu hơn nhiều so với các ngành khác. Trên thực tế ở Việt Nam, chưa có DN nào "phất" lên nhờ hai ngành kể trên.
Doanh thu phân theo ngành của HAGL giai đoạn 2008-2010 (nguồn: Báo cáo thường niên HAGL 2010).
Trong điều kiện thị trường tín dụng đang bị siết chặt như hiện nay, kiếm được một nguồn vốn vay ổn định với chi phí chấp nhận được để "nuôi" các dự án trên là một điều không hề đơn giản, dù cho HAGL có các đối tác chiến lược là các ngân hàng lớn như BIDV và Sacombank.
Đó chính là lý do vì sao DN này hoạt động rất tích cực trên thị trường vốn quốc tế, với việc niêm yết 24.3 triệu chứng chỉ lưu kí toàn cầu (GDR) tại sở giao dịch chứng khoán London (LSE) vào tháng 3 năm nay. Họ sau đó cũng đã huy động được 90 triệu USD trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán Singapore, và hợp tác thành công với các "ông kẹ" trên thị trường tài chính thế giới như Deutsche Bank và Temasek để tăng thêm vốn đầu tư.
Sự thiếu đa dạng trong cơ cấu doanh thu là một rủi ro khác của tập đoàn này. Hiện nay ngành bất động sản vẫn là nguồn sống chính của HAGL, chiếm tới 77.29% tổng doanh thu năm 2009 và 62.6% năm 2010. Khi triển vọng của ngành bất động sản trong tương lai gần không mấy sáng sủa, rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch phát triển của tập đoàn.
Nhận ra được điều này, HAGL đã lên kế hoạch"tái cấu trúc" lại tập đoàn với trọng tâm hoạt động trải rộng ở 5 ngành khác nhau (bất động sản, cao su, thủy điện, khoáng sản, và gỗ-đá) vào năm 2010. Tuy vậy, sẽ phải mất nhiều thời gian để kế hoạch này thực sự được hoàn chỉnh.
Nhưng với những gì họ đã làm được, ít ai tin rằng những thách thức kể trên có thể trì hoãn được đà vươn lên mạnh mẽ của DN này. Chất "rừng núi" dám nói, dám làm, dám dấn thân của HAGL và vị thuyền trưởng Đoàn Nguyên Đức sẽ là sức mạnh lớn nhất giúp cho họ đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trong trung và dài hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét