Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Làm giàu từ mạng xã hội

Hiện nay, các doanh nghiệp đã nhận thấy chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo và hiệu quả tài chính là mạng xã hội

Mạng xã hội ngày càng được nhiều doanh nghiệp khai thác như một công cụ kiếm tiền hiệu quả
Mạng xã hội (MXH)ngày càng được doanh nghiệp khai thác như một công cụ marketing hiệu quả và tiết kiệm nhưng đây cũng là con dao 2 lưỡi mà “người chơi” nên lường trước hậu quả.
Cầu nối doanh nghiệp với khách hàng
Bà Lê Thị Tú, Trưởng bộ phận Marketing Công ty CP Thế Giới Di Động, cho biết công ty mới thử nghiệm trên MXH Facebook. Bước đầu, công ty chỉ đăng thông tin về các chương trình bán hàng nhưng càng làm càng thấy đây là kênh thu thập ý kiến trực tiếp, nhanh và duy trì mối quan hệ, chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Trong khi đó, Trung tâm Aprotrain Aptech thuộc hệ thống đào tạo Aptech đã lập tới 3 fanpage (trang của những người yêu thích) trên Facebook (phieotrainutrongtech, aprotrainaptech, aptechaprotrain). Mỗi fanpage có một chức năng riêng nhưng bổ trợ nhau. Theo bà Phạm Thủy, đại diện Aprotrain Aptech, chỉ gần một năm, 3 fanpage đã thu hút sự chú ý của hơn 20.000 bạn trẻ. Qua các nội dung được chia sẻ tại đây, các bạn trẻ đã có một cái nhìn toàn diện hơn về ngành công nghệ thông tin Việt Nam cũng như tương lai công việc của họ.
Một nghiên cứu mới đây của IBM với hơn 1.700 giám đốc điều hành (CEO) từ 64 quốc gia và 18 ngành kinh tế cho thấy các CEO đang thay đổi cách làm việc bằng văn hóa mệnh lệnh, điều khiển sang phương thức hoạt động cởi mở, minh bạch và phân quyền rõ ràng. “Hiện nay, các CEO đã nhận thấy chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo và hiệu quả tài chính là MXH. Đặc biệt, các CEO khu vực Đông Nam Á rất sẵn sàng sử dụng MXH và tập trung cộng tác cả phương diện nội bộ lẫn đối ngoại với khách hàng, đối tác” - ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, cho biết.
Theo kết quả nghiên cứu CEO toàn cầu năm 2012 của IBM, những công ty được xem là vượt trội, đánh giá tính cởi mở cao hơn 30% so với các đối thủ cạnh tranh, thể hiện ở mức độ sử dụng MXH. Họ đang ứng dụng những mô hình làm việc mới nhằm khai thác trí tuệ tập thể của tổ chức cũng như các mạng lưới của mình để đưa ra ý tưởng và giải pháp mới giúp nâng cao lợi nhuận. Để khuyến khích mối liên kết chặt chẽ hơn với khách hàng, đối tác và nhân viên, các CEO sẽ chuyển sang sử dụng MXH như là một phương pháp tương tác trực tiếp thay vì sử dụng email và điện thoại.
Cuộc chơi không “áo giáp”
Dùng MXH để hỗ trợ hoạt động kinh doanh là xu thế không thể cưỡng lại đối với DN. Tuy nhiên, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, DN tham gia cuộc chơi trên MXH có 2 vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, kiểm soát nội dung thông tin. Với đặc điểm tương tác linh hoạt nhanh trên cơ chế lan truyền kiểu virus, thông tin tốt lan truyền nhanh bao nhiêu thì thông tin xấu cũng có hiệu ứng tương tự. Điều này đòi hỏi DN cần có các biện pháp xử lý kiểm soát thích ứng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến chính trị, chính sách Nhà nước, đạo đức... Thứ hai, xử lý khủng hoảng. Xử lý khủng hoảng trong truyền thông truyền thống đòi hỏi cần có phương án tốt thì trên MXH càng phải đặt ra một cách nghiêm túc và chuẩn bị kỹ càng. Hiện nay, chưa có nhiều chuyên gia xử lý khủng hoảng trên không gian ảo thì DN cũng cần có những tham vấn từ nội bộ cũng như từ một số quản trị các trang MXH trước khi sử dụng khai thác cho mục đích kinh doanh. “Khi một DN dùng đến MXH thì cả hệ thống, từ tổng giám đốc đến nhân viên, phải ý thức rằng mình đang ở trong cuộc chơi nguy hiểm nhưng không có “áo giáp” bảo vệ. Việc duy nhất có thể làm là trở nên chuyên nghiệp, cởi mở, xây dựng uy tín và danh tiếng của mình một cách đúng đắn, bền bỉ” - bà Lê Thị Tú nhận định.
Theo bà Phạm Thủy, trên MXH, DN dễ gặp phải những comment (phản hồi) trái chiều (có thể từ những cá nhân thiếu hiểu biết, từ đối thủ nói xấu…) bởi đây là nơi mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể lên tiếng. Song, nếu những thông tin DN đưa trên MXH là đúng đắn, đáp ứng nhu cầu khách hàng thì chắc chắn cộng đồng mạng sẽ bảo vệ, thậm chí “ném đá” lại những comment đó.
Ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Công ty Time Universal Communications:
3 sai lầm hạn chế hiệu quả truyền thông xã hội
Thứ nhất, xem MXH như là truyền thông truyền thống. Tức là thay vì giao tiếp hai chiều với cộng đồng MXH thì DN lại áp đặt thông tin một chiều. Những thương hiệu chưa biết cách ứng xử trên môi trường này thường phản ứng bằng cách lờ đi hoặc “chiến đấu” với các ý kiến trái chiều. Cả hai cách đó đều dễ dàng gặp thất bại, thậm chí có thể thành khủng hoảng truyền thông.
Thứ hai, lạm dụng quá mức. Nếu tần suất quảng cáo xuất hiện quá nhiều mà không mang lại ích lợi cho cộng đồng thì chương trình sẽ bị đánh dấu spam. Kinh nghiệm ở đây là cho để nhận, phải chia sẻ với họ thì mới có cơ hội nhận được sự ủng hộ.
Thứ ba, suy nghĩ truyền thông trên MXH là miễn phí. Các công cụ như Facebook, Zing... là miễn phí nhưng DN phải đầu tư công sức nghiên cứu chiến lược tiếp cận và chăm sóc cho thương hiệu trên đó hằng ngày.
Bà Trần Thị Bích Phụng, Phó Giám đốc Vinabook:
Tăng doanh thu
Từ năm 2010, Vinabook.com đã lập một fanpage trên Facebook. Để tăng sự tương tác và mức độ thân thiện, Vinabook.com tổ chức các cuộc thi bình luận sách, chọn sách hay theo từng thể loại hoặc các cuộc thi vui theo từng thời điểm (Noel, lễ, Tết…).
Để tăng doanh số, Vinabook.com tổ chức các chương trình khuyến mãi như tặng phiếu mua hàng giảm giá trên fanpage và liên kết với một số fanpage khác tổ chức cuộc thi vui về sách thể loại du ký, phiêu lưu thám hiểm hoặc giới thiệu sách tình yêu - hôn nhân gia đình… Bên cạnh thông tin trên fanpage và các diễn đàn, Vinabook.com còn đặt các banner để tăng tần suất quảng cáo và sự chú ý.
Xác định khách hàng là tầng lớp trí thức, đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và mức độ chăm sóc của nhà cung cấp dịch vụ, Vinabook.com chú trọng phản hồi thông tin và tương tác kịp thời trên MXH.
Sau hơn một năm thực hiện linh hoạt các hình thức tương tác trên MXH, Vinabook.com đã tạo fanpage đạt tới 100.000 người với độ tương tác cao.
Ngày càng được sử dụng rộng rãi
IBM cho biết hiện nay, chỉ có 16% CEO sử dụng các nền tảng kinh doanh dựa trên MXH để kết nối với khách hàng nhưng con số đó được dự báo sẽ tăng lên 57% từ 3 - 5 năm tới. Thậm chí, xu thế này còn được sử dụng rộng rãi hơn tại khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tăng lên tới 68% so với 25% hiện nay.
Tại Việt Nam, theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối tháng 7-2012, đã có 265 MXH được cấp phép. Trong đó, mạng Zing.me.vn có 8,2 triệu người dùng, Facebook 7,7 triệu, Yume 2,4 triệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét