Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Những phẩm chất giúp con người thành công (4)


Image
4. Sự nỗ lực
“May mắn ư? Tôi không biết may mắn là gì cả. Tôi chưa bao giờ trông chờ điều đó, thậm chí còn ngại tiếp xúc với những người gặp may. Với tôi chỉ có sự nỗ lực và nhận biết cái gì là cơ hội cho mình, cái gì là không.”
                                                                                          -Lucille Ball -
Ai cũng thích chiến thắng, nhưng không phải ai cũng nỗ lực và đầu tư thời gian chuẩn bị giành thắng lợi.

Điều đó đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật tự giác. Không có gì thay thế được sự nỗ lực. Henry Ford từng nói: “Càng nỗ lực làm việc, càng may mắn hơn nhiều”. 
Trong cuộc sống, rất nhiều người có tinh thần lao động cao. Và với những người này, nhà tuyển dụng sẵn sàng mở rộng cửa chào đón họ. 
Ta không thể học đánh vần nếu cứ ngồi lên quyển từ điển, cũng không thể phát huy khả năng nào đó nếu không nỗ lực. Người chuyên nghiệp làm việc trôi chảy bởi họ nắm vững quy tắc của bất kỳ công việc nào cần làm. 
Người trung bình dành 25% năng lượng và khả năng cho công việc. Thật đáng trân trọng với những ai biết đầu tư hơn 50 % năng lực của mình, và thật sửng sốt trước những người đôi khi đầu tư 100% nỗ lực và khả năng của bản thân.
- Andrew Carnegie -
Người thành công hỏi về mức độ công việc nhiều chứ không phải ít như thế nào. Họ quan tâm làm việc nhiều giờ chứ không giảm bớt. Nhạc công giỏi thường luyện đàn nhiều tiếng liền hàng ngày. Người thành công không cần phải giải thích cho thành tích đạt được vì họ đã vất vả, nỗ lực trong một thời gian dài. 
Mọi thứ chúng ta tận hưởng đều là thành quả nỗ lực của người khác. Có khi ta nhìn thấy, cũng có khi không, nhưng hết thảy đều quan trọng. Vì vậy, hãy tự hào với công sức của mình và mỗi khi có dịp, hãy cảm kích sự khó nhọc của người khác qua cách đối xử tôn trọng, chu đáo. Nỗ lực và làm tốt, bạn sẽ được nếm trải cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy thành quả của mình. Đôi khi người khác cũng cảm kích thành quả ấy, nhưng phần lớn nhất vẫn là sự mãn nguyện của bản thân. 
Có người ngừng làm ngay khi tìm được công việc. Họ không hiểu ăn không ngồi rồi và rảnh rỗi khác nhau như thế nào. Thừa thời gian mà không làm gì tức là lãng phí hoặc ảnh hưởng thời gian người khác. Sự lười nhác sẽ rút dần sinh khí và nhiệt tình của con người. Trái lại, khi làm việc hết mình và phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi tăng thêm sinh lực, người ta sẽ cảm thấy sảng khoái và mãn nguyện hơn. 
Sự vượt trội không phải do may mắn mà là thành quả của rất nhiều nỗ lực và luyện tập. Nỗ lực và luyện tập khiến cho con người ngày càng thạo hơn trong bất kỳ việc gì mình làm. 
Bản thân sự nỗ lực vừa là khởi đầu vừa là kết thúc của hành trình. Càng chăm chỉ làm việc, người ta càng cảm thấy thoải mái hơn; càng thoải mái hơn họ càng chăm chỉ hơn. Ý tưởng hay nhất cũng vô dụng nếu nó không được ứng dụng vào thực tiễn. Có tài mà thiếu ý chí sẽ chẳng làm nên điều gì. 
Có lần Fritz Kreisler- một nghệ sỹ violin lỗi lạc vừa chơi xong bản nhạc, một khán giả lên sân khấu và ngưỡng mộ bảo: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả đời mình để có thể chơi nhạc như ngài”. Nghệ sỹ đáp: “ Thì tôi đã làm như vậy đấy!”. 
Thực tế, thành công chỉ đến với người hành động chứ không phải người đứng nhìn. Ngựa bận kéo hàng sẽ không thể nào vung chân đá; ngựa đá lại không biết kéo hàng. Hãy nỗ lực vì cuộc sống thay vì sao nhãng mục đích cần đạt được. Không có nỗ lực, sẽ không có thành công. 
Thiên nhiên ban cho loài chim thức ăn nhưng không để sẵn trong tổ. Chúng phải bay đi tìm mồi. Chẳng có gì đến một cách đễ dàng cả. Hàng ngày nhà văn Milton phải dậy từ lúc 4h sáng để hoàn thành kiệt tác Paradise Lost (Thiên đường đánh mất). Noah Webster phải mất ròng rã 36 năm mới soạn xong bộ từ điển Webster. 
Thậm chí thành quả nhỏ nhặt nhất cũng cần chúng ta phải nỗ lực. Và dù thành tích nhỏ bé đến đâu chăng nữa vẫn tốt hơn lời lẽ đao to búa lớn. 
 Trích Bí quyết của người chiến thắng – Shiv Khera

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét