Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Chuyện “Hai lúa” trở thành tỷ phú nhờ cây kiểng và …website

Tay trắng lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhờ cách quảng bá qua website, một nông dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã thành tỷ phú từ nghề trồng cây kiểng.

Tuổi 50 đi dựng cơ nghiệp!

Đến nay, khi đã có trong tay gia sản trị giá hàng tỷ đồng, ông
Võ Văn Tấn Tài (Ba Tài) vẫn không quên những ngày cơ cực. Năm 1991, khi còn là một nông dân nghèo, quanh năm cần mẫn với ruộng đồng cũng chỉ đủ ăn, ông Ba bán hết ruộng vườn ở quê tích cóp được hơn 15 triệu đồng làm vốn... lên TP.HCM với ước vọng đổi đời.

“Gần 50 tuổi, mới nghĩ tới chuyện đi làm ăn xa. Hỏi ý kiến ai cũng bàn ra, họ nói tôi mạo hiểm quá, nửa đường mà thua lỗ thì khốn. Còn vợ và mấy đưa con ai nuôi! Lúc đó, tôi lại nghĩ khác vì ở đâu cũng là quê hương, có đất sống và mình sống khỏe bằng nghề lương thiện là được!” ông Ba Tài tâm sự.

Quê ông ở vùng Cái Mơn (huyện Chợ Lách) nổi tiếng là nơi cung cấp giống, hoa kiểng cho cả vùng Nam Bộ. Gia đình lại có truyền thống làm cây kiểng (ông ngoại vợ là Phạm Văn Trí - kỹ sư canh nông thời Pháp là người làm chủ kỹ thuật cây ghép đầu tiên ở Việt Nam) nên ông Ba nói: “Có nghề thì phải giữ nghề”. Và thế rồi ông mang cái “nghề cũ” của mình lên thử sức ở một vùng đất mới.

Thành phố đất chật người đông, làm nghề cây kiểng cần có mặt bằng rộng. Khởi đầu, ông gặp may khi Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ TP (phường Long Bình, quận 9) đồng ý cho thuê 3.000 m2 trước mặt nghĩa trang làm mặt bằng kinh doanh. Từ một bãi đất hoang, trơ trụi..thế nhưng chỉ sau vài năm, ông Ba đã biến khu đất này thành một sân vườn rộng, đầy hoa và cây kiểng sặc sỡ sắc màu.

Nghề trồng hoa kiểng, phải có vốn kha khá mới làm nổi, ông Ba nghĩ phải “lấy ngắn nuôi dài” đi từ trồng hoa, cỏ kiểng để phát triển lên. Sau gần 3 tháng đầu tư từ số vốn ít ỏi, ông cho xuất 8.000 giỏ hoa kiểng và 1.000 m2 cỏ các loại, thu về cả vốn lẫn lãi gần 30 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên” (như cách nói của ông Ba Tài) ông tiếp tục quay vòng vốn, cuối năm số tiền tích lũy đã được hơn 50 triệu đồng. Đến lúc này, đã đủ vốn để sản xuất các loại hoa kiểng và cây giống chất lượng cao.

Bằng sự cần cù, sáng tạo trong lao động đến nay vườn ươm của gia đình ông đã có tới hơn 1.000 loại cây khác nhau. Trong đó có nhiều loại cây kiểng trang trí nhập từ nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…được ông Ba lai tạo, nhân giống, bán ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 nhập ngoại.

Ký hợp đồng “mỏi tay” nhờ có web!

Theo ông Ba Tài http://caimon-garden.com là trang web cá nhân đầu tiên, duy nhất trong giới cây hoa kiểng ở TP.HCM thuộc về gia đình ông. Ông nói “Nhờ nối mạng, doanh số bán hàng của Vườn ươm Cái Mơn tăng tới 50%. Kết quả thật khó tin, một cơ sở tư nhân nhỏ như chúng tôi lại nhận được những khách hàng từ Mỹ, Đài Loan biết tới”.

Cái duyên đến với web của ông Ba bắt đầu từ một bài báo giới thiệu tiện ích của quảng cáo trên mạng. Ông Ba “mê” liền và ngày hôm sau, ông lên Sài Gòn thuê một công ty tin học lập web để ông quảng cáo sản phẩm cây kiểng của gia đình. Ông nhớ lại “Thời điểm lập website, tôi là kẻ “mù tin học”, truy cập Internet càng là điều lạ lẫm; duy chỉ có một suy nghĩ là cần phải quảng bá rộng hơn cái nghề của quê hương đất tổ mình”.

Sau 4 năm lập website (từ năm 2001) ông không nhớ nỗi mình đã ký bao nhiêu hợp đồng cung cấp cây giống, cây kiểng cho các cơ quan đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Thế nhưng đã có những hợp đồng lớn trị giá hàng nghìn USD của các công ty trong các khu công nghiệp Amata, Tam Phước, Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai), Khu CN Lê Minh Xuân (TPHCM) và cả những hợp đồng lên tới vài chục nghìn USD như công trình khách sạn 5 sao MICASA CAMBODIAN HOTEL ở Phnompenh… chỉ sau khi ký kết hợp đồng, ông mới hay rằng họ biết tới vườn ươm Cái Mơn của gia đình ông thông qua web! Đó là chưa kể rất nhiều khách du lịch ngoại quốc đến TP.HCM cũng tìm cho ra địa chỉ vườn ươm của ông chỉ để ngắm và mua hàng lưu niệm; họ cũng là người biết vườn ươm Cái Mơn qua..web!

Từ một trang web đơn sơ, được tạo dựng bởi một chủ nhân không hề biết gì về Internet, đến nay trang web về Vườn ươm Cái Mơn đã đầy đặn hơn về thông tin và chiêu thức tiếp thị… bởi lẽ đến thời điểm này, người chủ đã thạo Internet hơn rất nhiều. Trang web luôn được cập nhật, “làm mới” thường xuyên. Ông Ba Tài cho biết mỗi ngày, ông bỏ thời gian (ít nhất là 3 lần) để “lướt web” trả lời thư và báo giá cho khách hàng.

Từ 3 triệu đồng ban đầu để lập web... chủ nhân của Vườn ươm Cái Mơn thừa nhận đã “lãi to” nhờ biết cách quảng bá thương hiệu của mình.

Ông kết luận: "Trồng hoa kiểng không khó vì vốn ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu ra lại dễ dàng, một vốn một lời là người nông dân có thể làm được rồi. Nhưng đừng quên quảng bá trên web đấy !"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét