Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Giám thị: việc khó, thù lao tượng trưng!

TT - Mọi người đều biết trong kỳ tuyển sinh năm nay, có rất nhiều sự cố liên quan đến giám thị đã gây ra không ít thiệt thòi cho thí sinh. Nhưng ít ai biết về “hậu trường” đầy áp lực của người làm công tác coi thi.
Giám thị Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm thủ tục dự thi cho thí sinh - Ảnh: Trần Huỳnh
Trong đợt thi thứ nhất, chỉ riêng điểm thi 28 Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú, TP.HCM) của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã xảy ra nhiều sự cố do các giám thị gây ra. Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tại điểm thi trên có khá nhiều giám thị là giáo viên của trường tiểu học này.
“Phần lớn cán bộ coi thi là giáo viên tiểu học không quen trong việc coi thi tuyển sinh ĐH, họ cảm thấy áp lực hơn nhiều so với công việc hằng ngày nên rất dễ xảy ra sai sót nếu chủ quan” - ông Hoàn nói.
Thù lao: tùy trường
Có nhiều mức thù lao cho giám thị, chênh lệch khá cao. Tùy từng trường, thù lao thường ở mức 300.000-650.000 đồng/người/đợt thi. Một cán bộ phòng đào tạo cho biết sở dĩ có sự chênh lệch này là do nhiều trường quan niệm coi thi là nghĩa vụ của giảng viên, sinh viên nên thù lao chỉ là “tượng trưng”.
Với những trường thiếu người coi thi, họ sẵn sàng trả cao hơn cho lực lượng thuê bên ngoài.
Nhiều áp lực
Nhiều sự cố giám thị ký nhầm vị trí trên bài thi của thí sinh cũng đã xảy ra ở Khánh Hòa, Bình Định... Đến nỗi lần đầu tiên từ khi tổ chức thi “ba chung”, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cho thí sinh thi lại.
Tâm sự về những ngày làm nhiệm vụ, một giám thị coi thi tại Q.10 nói: “Sáng dậy từ 5g kém, tranh thủ ăn sáng để kịp có mặt ở trường thi lúc 6g, con cái phải giao cho ông bà chăm giúp. Tới sớm như vậy nhưng do có rất nhiều việc nên các giám thị phải làm tốc hành mới xong. Nhiều giám thị trẻ bị căng thẳng, run đến nỗi đọc sai tên thí sinh hoặc ghi sai số báo danh trên bàn. Chuyện giám thị ký sai ở 1-2 tờ giấy thi cũng không hiếm. Nhiều người đi coi thi chưa kịp ăn sáng, dậy sớm mà buổi thi lại dài nên đầu óc không tỉnh táo nổi”. Nhiều giáo viên nhà xa điểm thi phải di chuyển từ tờ mờ sáng.
Cô H., giám thị coi thi tại một điểm thi của Trường ĐH Hoa Sen, tâm tư: “Hiện giám thị phải chịu trách nhiệm về một khối lượng công việc khá lớn và rườm rà, từ khâu viết số báo danh, đọc tên thí sinh vào phòng, kiểm tra và bảo quản đề thi, giấy thi, danh sách gọi tên, danh sách nộp bài thi, lập biên bản báo cáo phòng thi, ghi thông tin lên túi đựng đề thi, bài thi... Nếu giám thị không cẩn trọng, rành rẽ về quy trình và có ý thức kiểm tra, nguy cơ sai sót rất cao, sẽ dẫn đến bị đình chỉ coi thi, kỷ luật...”.
Không muốn làm
Công việc nhiều áp lực, nặng nề, phải đi sớm, về trễ, bỏ bê gia đình, con cái. Thế nhưng, thù lao cho giám thị lại không cao. Nhiều giáo viên cho biết họ không còn mặn mà với chuyện đi coi thi. Thậm chí không ít sinh viên bị bắt buộc đi làm giám thị cho biết họ không tự tin khi làm việc do không rành rẽ quy trình và lo ngại gặp những sai sót trong phòng thi thì sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị đuổi học...
Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều quy định việc tham gia công tác tuyển sinh là nghĩa vụ và trách nhiệm của giảng viên đối với nhà trường. Riêng các sinh viên khi đã được phân công coi thi nếu có việc thật sự quan trọng, không thể tham gia cũng phải làm đơn sớm để nhà trường xem xét, bố trí người khác thay thế.
ThS Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhấn mạnh: “Việc coi thi là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên của trường. Tuyển sinh là công việc hết sức quan trọng của nhà trường, các cán bộ, giảng viên không tham gia thì ai lo việc này”. Trong khi đó, PGS.TS Lý Văn Xuân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Những cán bộ, giảng viên của trường nếu có công tác đột xuất đi nước ngoài trong dịp tuyển sinh cũng không được giải quyết. Muốn đi đâu, làm gì cũng phải làm xong nhiệm vụ của mình trước đã”.
Thực tế, việc chuẩn bị lực lượng làm công tác tuyển sinh của các trường năm nào cũng căng thẳng. Nhiều trường phải lo tìm người từ nửa năm trước. TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: “Nếu không có quy định bắt buộc cán bộ, giảng viên của trường tham gia công tác tuyển sinh thì sẽ có rất ít giảng viên tự nguyện”.
Trước ngày thi tuyển sinh năm nay, tại phòng đào tạo một trường ĐH ở TP.HCM chúng tôi thấy có cả xấp dày đơn xin không tham gia công tác tuyển sinh của giảng viên trường này nộp cho lãnh đạo nhà trường.
T.HUỲNH - L.TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét