Tôi cũng là giảng viên một trường Đại học ở TPHCM. Tôi làm cả ngày lẫn đêm, chủ nhật và thứ 7 (giảng dạy thêm) lương tôi mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Vợ tôi cũng là giảng viên mỗi tháng trên 7 triệu đồng (nói như vậy là vợ chồng chúng tôi cũng là dạng thu nhập khá cao). Hai vợ chồng chúng tôi nộp thuế gần 1.200.000VNĐ, số tiền còn lại là khoảng 20.000.000 đồng mỗi tháng, vợ tôi đang có thai tháng thứ 4, gia đình tôi chi phí như sau:
1. Tiền thuê nhà, điện nước, truyền hình cáp, tiền gửi xe máy 2 chiếc mỗi tháng 3.700.000VNĐ
2. Tiền sữa cho con mỗi tháng, và chi phí mua đồ cho mẹ,bé (để sau này sinh ra) ... trung bình (đang trong bụng mẹ) 2.000.000VNĐ
3. Chi phí ăn uống mỗi tháng 2 vợ chồng cũng phải 5.000.000VNĐ
4. Bố Vợ tôi không có lương cũng phải chi mỗi tháng 2.500.000VNĐ
5. Bố mẹ tôi đều là thương binh (không thuộc đối tượng giảm trừ gia cảnh) hay đau ốm thường xuyên, chúng tôi phải chi thêm mỗi tháng 3.000.000Đ.
6. Chưa tính đến tiên ăn cưới, đi lại xăng xe,... mời bạn bè...
Tính ra chi của vợ chồng chúng tôi mỗi tháng khoảng 16.200.000VNĐ
Tính cả chi phí vặt vảnh nữa thì mỗi tháng vợ chồng chúng tôi dư khoảng 1.000.000Đ
Vậy thì tôi hỏi khi nào chúng tôi mới có được miếng đất (xa xa..) ở TP. HCM đây, ốm đau bệnh tật thì biết dựa vào đâu.
Thu nhập của tôi là khá cao mà tôi củng phải chi li.
Đề nghị Bộ tài chính có cái nhìn thấy đáo hợn. Đừng "chặt chém" những người lao động quá.
Theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh theo tốc độ của lạm phát. Trong ảnh: chọn mua thức ăn tại chợ Tân Định, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
TS LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương):
Lắng nghe sao không thấy hành động?
Tôi ghi nhận thiện chí lắng nghe của Bộ trưởng Bộ Tài chính (BTC) Vương Đình Huệ, tuy nhiên điều người dân trông đợi ở BTC sau lắng nghe là hành động, cụ thể là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thỏa đáng cho người nộp thuế. Về mức giảm trừ gia cảnh, cần dựa trên khảo sát thực tế đời sống đồng thời đối thoại thẳng thắn với người dân, chứ không thể áp đặt theo mong muốn của BTC rồi lý giải “giảm trừ gia cảnh không phải là mức để đảm bảo đời sống tối thiểu, mà phần còn lại sau khi đã đánh thuế mới là mức đảm bảo đời sống” rồi quy kết “bản thân giới chuyên môn, chứ chưa nói là người dân, cũng chưa hiểu thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh”.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tôi nghĩ thế này: không phải giới chuyên gia, người dân chưa hiểu thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh như bộ trưởng nói mà chỉ là không “hiểu đúng ý” của BTC mà thôi. Vì lẽ giới chuyên gia đang đứng trên quan điểm khoan sức dân, lấy dân làm gốc trong khi BTC lại đứng trên quan điểm hành thu, thậm chí tận thu.
Điều này thể hiện trong chính bản thống kê của BTC: 90% người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 1, trong khi số này chỉ góp khoảng 10% tổng thu ngân sách từ thuế TNCN. Như vậy, ngành thuế đã mất quá nhiều công sức chỉ để thu được số thuế quá nhỏ của số lượng người rất lớn, trong đó phần nhiều là những người có thu nhập thấp. Như vậy là hành thu không hiệu quả mà “dở” nhất là đụng chạm đến tầng lớp nghèo, những người không đủ sống đã phải lo nộp thuế. Còn rất nhiều nguồn thu lớn khác mà BTC chưa thu được, cớ sao phải đi thu thuế của người nghèo?
BTC lý giải thu thuế của người nghèo là để “tuyên truyền” về Luật thuế TNCN, tôi cho đó là giải thích thiếu sức thuyết phục. Để luật đi vào đời sống thì người bị điều chỉnh phải hiểu, đồng tình. Trong khi đó, lấy lý do giới chuyên gia, người nộp thuế không hiểu rồi phải thu thuế để tuyên truyền thì rất khó tạo được đồng thuận xã hội, để luật đi vào đời sống. Chưa kể một điều chỉnh nhỏ như vậy mà BTC cũng bắt người dân chờ đến hai năm thì liệu có còn ý nghĩa trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay?
Ông LÊ THANH HÀ (phó hiệu trưởng Trường đại học Lao động xã hội):
Cần bộ trưởng giải thích rõ
Việc Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng “bản thân giới chuyên môn bây giờ chứ chưa nói là người dân cũng chưa hiểu thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh”, tôi cho rằng đây không phải là cách trả lời hay. Vì người nộp thuế có quyền có ý kiến, phản biện lại. Về những đề xuất sửa Luật thuế TNCN, nếu bộ trưởng nói bản thân giới chuyên môn chưa hiểu chứ nói gì đến người dân thì ông cần giải thích rõ cho họ hiểu. Chỉ khi có sự chia sẻ, hiểu nhau giữa nhà làm chính sách với đối tượng thực thi chính sách đó thì xã hội mới phát triển. Còn thực chất, theo tôi hiểu, thuế TNCN hiện nay là lấy của người nghèo ít chia cho người nghèo nhiều.
Để người nộp thuế không bức xúc, cho rằng các tính toán của BTC là thấu tình đạt lý thì mức giảm trừ gia cảnh phải điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát. Lý do có đề xuất này là khi so sánh giá trị của 10 triệu đồng bây giờ không thể bằng 10 triệu đồng của ba năm trước vì số hàng hóa dịch vụ mua được ngày càng giảm do lạm phát. Thực tế những năm gần đây, lạm phát của VN luôn ở mức cao, như năm 2011 lạm phát là 18,3%. Do đó, điều quan trọng, sau khi trừ các khoản phải nộp trong đó có khoản thuế TNCN thì số tiền còn lại phải đảm bảo mua được hàng hóa, dịch vụ để người ta tái tạo được sức lao động.
Bà PHẠM CHI LAN (chuyên gia kinh tế):
Tôi đang chờ...
Tôi cũng chờ xem BTC tiếp thu những phản biện, góp ý của người dân như thế nào. Tới đây, dự luật này trình ra Quốc hội thì những người đại diện cho cử tri sẽ xem xét. Hi vọng Luật thuế TNCN sửa đổi sẽ không xa rời cuộc sống như phương án mà BTC đưa ra.
ÁNH HỒNG - LÊ THANH ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét