Có quá đủ lý do để dự báo về sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến đang trở thành hai công cụ hữu hiệu để các doanh nhân Internet Việt Nam tìm kiếm khách hàng.
Thảo Phương năm nay 28 tuổi, cô đang là nhân viên công ty bưu điện Hà Nội. Ngoài giờ làm, cô kinh doanh hoa quả, thế nhưng chẳng cần đến cửa hàng cửa hiệu nào, cô quảng cáo sản phẩm và giao hàng trực tiếp cho khách hàng.
Thu nhập từ việc bán hoa quả của Phương còn cao hơn nhiều so với lương tại công ty bưu điện. Cô bán rất nhiều loại quả, từ cam đến sầu riêng với lời cam kết hoa quả được chọn lựa tận vườn một cách cẩn thận. Cô rao bán hàng trên các diễn đàn và tự đi xe máy chuyển hàng cho khách.
Cô chia sẻ: “Công việc kinh doanh này rất thú vị. Nó mang đến nguồn thu nhập quan trọng cho tôi.” Cô cho biết mỗi tháng cô lãi đến 7 triệu đồng, gấp đôi lương công ty.
Hiện nay tại Việt Nam, không ít người như Thảo Phương đang cố gắng biến mạng Internet thành công cụ hiệu quả để kiếm tiền.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh không chính thức phát triển khá mạnh mẽ. Chủ yếu giới công chức văn phòng tham gia hoạt động này. Họ không đăng ký kinh doanh hay xin phép để tránh nhiều loại thủ tục và phí.
Ông Nguyễn Tam Khôi, CEO công ty Đa Phúc chuyên sản xuất cửa chống cháy, khẳng định: “Việt Nam là thị trường màu mỡ cho hoạt động kinh doanh trực tuyến. Việt Nam có dân số trẻ, tốc độ phát triển của mạng Internet thuộc nhóm cao nhất thế giới, quá đủ yếu tố để dự báo về sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử ở Việt Nam. ”
Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam có lẽ thực sự mệt mỏi với quá nhiều tin về các vụ thực phẩm nhiễm độc, từ vụ chất formaldehyde trong bánh phở cho đến táo Trung Quốc. Vì vậy cũng không mấy khó hiểu khi họ thực sự thận trọng và chỉ muốn mua hàng từ nguồn tin cậy.
Nắm bắt xu thế này, nhiều công ty nhỏ đang sử dụng các trang mạng xã hội Việt Nam và diễn đàn trực tuyến để tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Tất nhiên, người thân, bạn bè là khách hàng đầu tiên của họ.
Chia sẻ quan điểm với phóng viên AFP, Phương nói: “Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện phát triển chủ yếu dựa vào mối quan hệ thân tình giữa người bán và người mua. Khi khách mua hàng, chẳng có gì đảm bảo cho họ. Tất cả tùy thuộc vào lương tâm người bán.”
Hệ thống thanh toán trực tuyến tại Việt Nam dù còn chưa phát triển nhưng hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn tăng trưởng bùng nổ.
Trên các website mua hàng theo nhóm kiểu Groupon của Mỹ, hàng trăm nghìn giao dịch trực tuyến đã được thực hiện, tổng giá trị giao dịch đến nay lên tới 670 tỷ đồng.
Hiện chưa có số liệu chính thực về việc thương mại điện tử mang lại bao nhiêu doanh thu cho nền kinh tế. Công ty tư vấn McKinsey vào tháng 1/2012 ước tính ngành kinh doanh còn cực kỳ non trẻ này đóng góp khoảng 0,9% GDP.
Theo thống kê của McKinsey, mỗi người mua hàng trực tuyến của Việt Nam chi tiêu trung bình 13USD/tháng và cả năm, tổng mức chi tiêu khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhóm nước láng giếng như Malaysia và Đài Loan.
Báo cáo của McKinsey nhấn mạnh: “Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện có thể coi như thị trường chưa được khai phá với tiềm năng phát triển rất lớn.”
Đối với nhiều người Hà Nội như chị Nguyễn Thu Hương, nữ nhân viên văn phòng, mẹ của hai đứa trẻ, sự phát triển của hoạt động kinh doanh trực tuyến giúp cuộc sống của chị trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Chị nói: “Với chỉ một chiếc laptop có kết nối mạng Internet, tôi có thể mua được tất cả các mặt hàng thực phẩm cần thiết cho bữa tối của gia đình. Tôi mua gạo, thịt, hoa quả và cả nước mắm qua mạng.”
Khi ngày một nhiều người như chị Hương lên mạng mua hàng, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam hiện ở mức khoảng 34% nhưng đang tăng nhanh, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Tiêu dùng qua mạng được dự báo sẽ “cất cánh”.
Một quan chức thuộc Bộ Công thương khẳng định xu thế hiện tại sẽ mang đến những kết quả đáng ngạc nhiên, thế nhưng để thương mại trực tuyến thực sự mang lại tác động tốt cho nền kinh tế, nó cần phải chuyển từ phi chính thức sang nền kinh tế chính thức: “Còn cần phải thay đổi quá nhiều thứ bởi thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển rất thiếu chuyên nghiệp.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét