Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Khởi nghiệp trên Internet: Thất bại & tỉnh ngộ


Câu chuyện khởi nghiệp Marofin.com thất bại của Lê Trần Hồng Phúc “dũng cảm” chia sẻ đã làm “nóng” diễn đàn Open Consultant… Đây là bài học quý dành cho những ai đang và sẽ khởi nghiệp.

khoi nghiep tren interner that bai va tinh ngoÝ tưởng đột phá, traffic tăng ào ào

Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện thần kỳ của các doanh nghiệp (DN) Internet thành công đỉnh cao như: Amazon, Ebay, Google, Facebook... nhiều bạn trẻ 8X, 9X hăm hở khởi nghiệp kinh doanh trên Internet. Hồng Phúc cũng vậy, anh sáng lập nên Marofin.com, mô hình thương mại điện tử B2C, tương tự vatgia.com. Phúc huy động được 10 cổ đông góp vốn 4 tỷ đồng.
Ý tưởng kinh doanh có sản phẩm đi trước thị trường làm anh háo hức tự hào về marofin.com. Anh đã xây dựng đội ngũ bài bản với 30 người để phát triển website. Thời gian khởi nghiệp, Phúc tận hưởng được niềm hạnh phúc, hàng ngày lên Alexa để thấy lượng traffic vào marofin.com tăng ào ào, pageview cũng vậy. Anh cho rằng “thị trường thông tin” (marofin là viết tắt của “market of information”) có tầm nhìn tuyệt vời!

Sau này Phúc mới nhận ra, cái sự “sướng hàng ngày” khi đó của anh và đồng nghiệp thật vô nghĩa! Anh cay đắng “ngộ” ra, vấn đề không phải là “đi nhanh đến đâu” mà là “có thể tồn tại trong bao lâu”? Ý tưởng đột phá chẳng có ý nghĩa gì khi điều bạn đang làm không đem lại doanh thu, đồng nghĩa với bạn không có tiền để tồn tại! Chưa đầy hai năm rưỡi, từ tháng 8/2006 đến 12/2008, marofin.com “đốt sạch” số tiền 4 tỷ đồng vốn đầu tư và lâm vào cảnh phá sản!

Hết tiền, tỉnh ngộ

Câu chuyện “ý tưởng” đi trước thị trường còn diễn ra ở rất nhiều website khác… Khai trương rầm rộ, thu hút được nhiều thành viên, traffic rất cao, nhưng sau một vài năm hoạt động các website này đều… phá sản! Có website đã tiêu tốn hơn 20 tỷ đồng sau bốn năm vận hành, dù thu hút được tới 30.000 thành viên trong và ngoài nước. Với nhiều website, tăng hạng Alexa cho website không khó, nhưng kiếm tiền từ website lại là điều cực khó. Trên thực tế, ngay cả trang web hàng đầu với hàng trăm ngàn thành viên cũng chỉ kiếm được tiền từ các hoạt động quảng bá của các nhãn hàng, sau ròng rã năm, bảy năm trời.

Marofin.com lẽ ra đã nhận được tiền đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng giờ tay trắng. Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 ập đến, các quỹ đầu tư cạn tiền, nhiều DN Internet phải tiêu đến đồng vốn cuối cùng mà vẫn không nhận được đầu tư như kỳ vọng. Giấc mơ triệu phú, tỷ phú công nghệ của các DN trẻ tuổi tan vỡ như bong bóng! Nhiều founder (nhà sáng lập) “tỉnh ngộ” và nhận thấy mình quá lạc quan về các nguồn vốn đầu tư, cũng như tiềm năng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng người sử dụng Internet cao trong những năm gần đây. Theo các số liệu chính thức, hiện nay đã có tới hơn 30% dân số Việt Nam sử dụng Internet. Nhưng, thời điểm “bùng nổ” TMĐT của Việt Nam thật khó mà xác định! Gần đây, những người lạc quan thì cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các website groupon (mua hàng theo nhóm) sẽ giúp người tiêu dùng quen với mua hàng trực tuyến, giúp TMĐT phát triển nhanh hơn. Nhưng người bi quan lại thấy trở ngại “kinh niên” của TMĐT vẫn chưa thể tháo gỡ được như: hành vi mua hàng và thanh toán trên mạng, thiếu niềm tin, cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng (thanh toán, pháp luật, phân phối, logistic...).

Chậm mà chắc

Công ty mới MaroMedia DMS của Hồng Phúc kinh doanh ngày một khấm khá hơn. MaroMedia cung cấp dịch vụ tiếp thị trên Internet (Internet Marketing) cho nhiều nhãn hàng lớn, quốc tế lẫn nội địa. Phúc đã tiếp tục khởi nghiệp lại sau thất bại. Anh rút ra được nhiều “bài học xương máu” để tránh lặp lại. Lần này, anh thà đi “chậm mà chắc”, tập trung vào thực hiện (execution) chứ không chăm chăm vào... tầm nhìn (vision) như trước.

Anh xây dựng công ty đi từng bước, tự phát triển bằng thực lực của mình, không chờ quỹ đầu tư. Bài học thứ hai là “phải thành công nhỏ trước, để tạo nền tảng cho thành công lớn”. Bài học này rút ra được sau thất bại của việc vội vã đầu tư thêm 700 triệu đồng vào mảng sản xuất ấn phẩm, trong khi website marofin.com còn chưa thành công. Bài học thứ ba, phải chú trọng đến “kiếm tiền” - một việc cực kỳ quan trọng phải làm, dù chỉ là “năng nhặt chặt bị”. Cuối cùng, phải duy trì hoài bão khởi nghiệp, không bỏ cuộc trong mọi tình huống!

Lắng nghe phản hồi của nhà Đầu tư
“DN khởi nghiệp ngành công nghệ hay thất bại là do sự kỳ vọng quá mức, tin tưởng sản phẩm được chấp nhận mà không lường trước các khó khăn khi tung nó ra. Có khi do phát triển nhanh quá, không đủ khả năng quản lý hoặc có khi do ý tưởng kinh doanh “phức tạp” khó hiện thực, do ôm đồm nhiều mục tiêu.

Thất bại còn do quá tham vọng, muốn cạnh tranh trực tiếp với những “ông lớn” trên thị trường. Khi thất bại hoặc chưa nhận được đầu tư từ các quỹ, nhà sáng lập nên lắng nghe những phản hồi của các quỹ để có thể cải tiến việc kinh doanh. Thực tế đã có DN phía Bắc sản xuất chương trình truyền thông trên website thất bại vì không hợp thị hiếu, khi chuyển vào Nam (theo tư vấn của DFJ VinaCapital) đã thành công”, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ VinaCapital.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét