Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Thành triệu phú nhờ dám... bỏ việc


Không phải tất cả những người bỏ việc đều thành triệu phú, song với những người trong bài báo này thì quyết định bỏ việc mang lại cho họ những phần thưởng vô cùng xứng đáng.
Hãy xem câu chuyện dưới đây của 10 nhà triệu phú - những người từng bỏ việc để rồi làm nên cơ ngơi khiến bao người ngưỡng mộ do CNBC giới thiệu.
1. Shep and Ian Murray, thương hiệu thời trang Vineyard Vines
Anh em nhà Murray là Shep và Ian đã từng là nhân viên công sở quèn làm việc trong một công ty ở thành phố Manhattan (Mỹ). Năm 1998, Shep Murray - một nhân viên quảng cáo và Ian Murray - nhân viên một hãng quan hệ khách hàng không mấy tên tuổi đã rủ nhau bỏ việc. Bất chấp người đời cười chê, họ rút hết số tiền mặt ứng trước trong thẻ tín dụng để lập nên thương hiệu Vineyard Vines chuyên bán cà vạt.
Ban đầu, anh em họ bán cà vạt rong ở bất cứ nơi nào có thể, từ bãi biển, trên thuyền cho đến các quán ba. 800 chiếc cà vạt đã hết veo sau tuần đầu tiên khởi nghiệp. Với doanh số bán ra ngày càng tăng, dần dần họ trả hết số nợ cũ và chuyển đến văn phòng làm việc mới. Hơn 10 năm sau, từ chỗ bán rong, anh em nhà Murray đã làm nên cả một hệ thống bán các sản phẩm quần áo. Với 18 cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ, hệ thống Vineyard Vines còn phủ khắp 500 cửa hàng lớn nhỏ khác. Doanh thu trong năm 2011 của thương hiệu này ước tính vào khoảng 100 triệu USD.
2. Rick Wetzel và Bill Phelps, thương hiệu bánh quy Wetzel’s Pretzels
Ý tưởng về thương hiệu Wetzel’s Pretzels manh nha kể từ khi Rick Wetzel và Bill Phelps còn đang làm việc cho hãng Nestle. Trong một chuyến công tác, tình cờ Wetzel kể cho Phelps nghe về ý tưởng làm loại bánh quy xốp của vợ anh để bán tại các trung tâm mua sắm. Vậy là ngay đêm đó, cả hai đã ngồi lại và vạch ra kế hoạch kinh doanh chỉ trên một tờ giấy ăn.
Để có vốn kinh doanh ban đầu, Wetzel đã phải bán cả chiếc xe Harley Davidson. Sau đó, họ tìm kiếm một cộng sự nữa để tạo nên công thức bánh quy từ chính nhà bếp của Phelps. Khi đã có sản phẩm, hai người lại thuyết phục ông chủ của một siêu thị tới nếm thử loại bánh quy mới ra lò. Thích thú với hương vị mới này, ông đã quyết định cho mở cửa hàng đầu tiên mang tên Wetzel’s Pretzels tại siêu thị của mình. Đó là thời điểm năm 1994.
Một năm sau, Wetzel và Phelps nhận được khoản tiền trợ cấp và quyết định thôi việc từ Nestle. Từ số tiền có được, họ lại mở thêm một số cửa hàng nữa trước khi cấp quyền kinh doanh thương hiệu này vào năm 1996. Hiện nay, Wetzel’s Pretzels có tới 250 cửa hàng trên toàn thế giới. Trong năm nay, thương hiệu này sẽ có mặt tại Nhật Bản và Ấn Độ. Hệ thống bán hàng phủ khắp toàn cầu đã mang về doanh thu hơn 100 triệu USD trong năm 2011 cho hãng này.
3. Terry Finley, thương hiệu West Point Thoroughbreds
Năm 1990, Terry Finley vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Cùng lúc đó, vợ anh Debbie mua một con ngựa với giá 5.000 USD. Terry Finley đã vô cùng thích thú con ngựa có tên Sunbelt này khi nó về nhất trong một cuộc đua. Và thế là anh từ bỏ công việc ở hãng bảo hiểm để theo đuổi niềm đam mê của mình. Cùng với vợ, Finley lập ra công ty dịch vụ ngựa nòi với số tiền có được từ thẻ tín dụng và khoản tiết kiệm. Anh tâm sự “Hãy làm những gì bạn thích và biến nó thành một nghề hái ra tiền còn hơn là kiếm sống bằng những công việc tẻ nhạt”.
Từ năm 2007, ngựa của West Point Thoroughbreds đã giành chiến thắng trong hơn 20% các cuộc đua, mang về doanh thu gần 7 triệu USD cho ông chủ Terry Finley.
4. Dana Sinkler and Alex Dzieduszycki, thương hiệu đồ ăn nhanh Terra Chips
Trước khi nảy ra ý tưởng kinh doanh, Dana Sinkler and Alex Dzieduszycki từng làm việc cho bếp trưởng Jean-Georges Vongerichten tại nhà hàng bốn sao Lafayette của ông ở New York. Họ muốn tạo ra những món khai vị đặc biệt để phục vụ ở quầy bar ngoài những đĩa salad từng rất phổ biến thời đó. Năm 1990, từ căn hộ chật hẹp của Sinkler, họ thử nghiệm một món mới chưa từng có là rau củ chiên và bước đầu gặt hái thành công.
Món rau củ chiên được mọi người rất ưa chuộng và đưa đến sự ra đời của những cửa hàng Terra Chips đầu tiên. Năm 1995, một công ty môi giới chứng khoán đã mua lại 51% cổ phần của hãng này. 3 năm sau đó, tập đoàn Hain Celestial mua lại thương hiệu này như là một phần trong thương phụ trị giá 80 triệu USD gồm 3 công ty khác nữa. Doanh thu hàng năm tại thời điểm đó của Terra Chips vào khoảng 23 triệu USD.
Các ông chủ của Terra Chips cũng không chịu ngồi không. Hiện Sinkler and Dzieduszycki đang thử sức ở những lĩnh vực mới. Sinkler đã cho mở một nhà hàng mới có tên Hubee D’s, còn Dzieduszycki lại đang thử nghiệm sản phẩm bánh quế mới mang tên Julian’s Recipe.
5. Adam Lowry and Eric Ryan, thương hiệu xà phòng & nước rửa chén Method
Trước khi bỏ việc để lập nên công ty kinh doanh sản phẩm xà phòng và nước rửa chén thân thiện với môi trường Method, Adam Lowry từng là một nhà khoa học về môi trường còn Eric Ryan hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Họ đã nghĩ đến việc sản xuất các sản phẩm tẩy rửa chứa ít chất hóa học độc hại. Hai người bạn từ thủa “cởi trần tắm mưa” này đã dày công nghiên cứu, thậm chí còn pha chế các chất hóa học trong bồn rửa mặt nhà Lowry. Số tiền 200.000 USD có được từ thẻ tín dụng, vay mượn gia đình và bạn bè đã giúp họ thành lập nên thương hiệu Method vào năm 2000. Method dần trở thành một trong những công ty tư nhân phát triển nhanh nhất ở Mỹ với hơn 100 sản phẩm, từ xà phòng rửa tay, nước rửa chén cho đến nước tẩy rửa bồn cầu, đem lại doanh thu hàng năm lên tớ 100 triệu USD.
6. Rod Johnstone, thuyền buồm J/Boats
Năm Rod Johnstone 38 tuổi, ông đang là nhân viên bán hàng cho một tạp chí thuyền buồm. Một ngày nọ, ông quyết định thiết kế mẫu thuyền buồm trong mơ của mình vừa để gia đình 5 người của ông có thể đi du lịch vừa có thể đạt tới vận tốc đua thuyền. Từ vài trăm USD của bố mẹ, Johnstone đã bắt tay vào xây dựng mẫu thuyền buồm từ chính gara ô tô của mình. Một năm rưỡi sau, con thuyền trong mơ đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Vui sướng trước thành công ban đầu, Johnstone quyết định bỏ việc để biến giấc mơ thuyền buồm thành sự nghiệp kinh doanh.
Từ năm 1997, công ty J/Boat của ông đã đóng hơn 13.000 chiếc thuyền từ các loại tàu nhỏ đến các du thuyền, mang về doanh thu hàng triệu USD cho ông chủ Johnstone.
7. Andy Schamisso, thương hiệu trà Inko’s White Tea
Năm 2002 là thời điểm Andy Schamisso đang làm việc cho một hãng quan hệ công chúng song ông không lấy gì làm hài lòng với công việc này. Một ngày nọ, khi người vợ của Schamisso không tài nào tìm được túi bạch trà bà vẫn hay dùng để pha chế trà đá, ông đã tìm kiếm trên Internet công dụng của loại trà này và quyết định mang công thức pha trà của vợ mình tới đông đảo người tiêu dùng.
Schamisso đã bỏ công việc ông từng gắn bó 13 năm để mở công ty kinh doanh trà Inko’s White Tea. Khi đã có đủ tiền để sản xuất 6.000 túi trà, Schamisso đã phải bươn bả trên các đường phố ở New York để bán hàng, nhưng chỉ khoảng 1 năm sau đó, đơn hàng từ khắp các nơi đổ về, mang lại tiếng tăm cho thương hiệu này. Hiện tại công ty đã đưa ra thị trường 14 loại trà mang thương hiệu Inko’s White Tea, mang về doanh thu 3 triệu USD mỗi năm.
8. Kim and Beaver Raymond, Công ty Marshmallow Fun
Khi sản phẩm đồ chơi tự chế của Kim và Beaver Raymond được người tiêu dùng đón nhận thì cũng là lúc họ quyết định từ bỏ công việc hiện tại trong ngành thời trang năm vào 2002. Từ những khẩu súng bắn kẹo bằng ống nhựa PVC làm quà sinh nhật cho con trai, họ đã quyết định thành lập công ty Marshmallow Fun. Năm 2010, công ty này đã thu về hơn 7 triệu USD từ các sản phẩm của hãng.
9. Rocky Patel, thương hiệu Rocky Patel Cigars
Rocky Patel từng là một luật sư làm việc ở Hollywood. Từ niềm say mê lớn đối với xì gà, Rocky Patel đã nắm bắt cơ hội để sản xuất thương hiệu xì gà riêng mang tên ông. Mặc cho bạn bè và đồng nghiệp khuyên ngăn không nên từ bỏ công việc luật sư hái ra tiền để bước chân vào ngành kinh doanh lạ nước lạ cái, song Patel đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh sản phẩm mà thị trường đang thiếu hụt. Sau cùng, Patel quyết định thôi nghề luật sư để thành lập công ty sản xuất xì gà vào năm 1996.
Sau khoảng thời gian khởi nghiệp gian nan, Patel chuyển công ty từ California sang Florida nơi có mặt hầu hết các công ty sản xuất xì gà ở Mỹ. Năm 2003, Patel gặt hái thành công với loại xì gà “The Rocky Patel Vintage Series”, sản phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía người tiêu dùng.
Hiện Rocky Patel Cigars sản xuất 20.000.000 điếu xì gà mỗi năm. Năm ngoái, công ty thu về 40 tỉ USD từ doanh số bán hàng.
10. Paul English, trang web tìm kiếm du lịch Kayak
Paul English từng có thời gian làm việc tại hãng đầu tư Greylock. Năm 2004, ông gặp Hafner, người sáng lập website du lịch Orbitz. Hafner đã bàn bạc với English về ý tưởng lập nên một công ty kinh doanh du lịch hoàn toàn khác biệt. Sau cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng đồng hồ, hai người đã thống nhất thành lập công cụ tìm kiếm du lịch trực tuyến Kayak. English đã từ bỏ công việc ở Greylock để đảm nhiệm vị trí Giám đốc phụ trách công nghệ của trang web mới ra đời này.
Kayak cho phép tìm kiếm hàng trăm địa chỉ du lịch để tìm các thông tin về giá vé máy bay, khách sạn, địa điểm thuê xe. Hiện Kayak đang nằm trong số những trang web tìm kiếm du lịch hàng đầu với 670 triệu lượt người truy cập và 5 triệu lượt tải về các ứng dụng trên điện thoại. Năm ngoái, Kayak thu về 170.6 triệu USD chỉ trong 9 tháng đầu năm tính đến thời điểm 30/9/2011.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét