Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Đo lường sự thông minh tài chính


Có năm chỉ số IQ tài chính cơ bản là:
IQ tài chính #1: Kiếm tiền nhiều hơn
IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn
IQ tài chính #3: Lên kế hoạch cho tiền
IQ tài chính #4: Tạo đòn bẩy cho tiền
IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính.
SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH VÀ CHỈ SỐ IQ TÀI CHÍNH
Hầu hết chúng ta đều biết rằng một người với chỉ số năng lực trí tuệ 130 điểm được xem là thông minh hơn người đạt 95 điểm. Điều này tương tự đối với chỉ số IQ tài chính. Bạn có thể là một thiên tài khi bàn về thông minh học thuật nhưng có thể chỉ là một đứa trẻ khi nói đến sự thông minh tài chính.
Tôi thường được hỏi, “Sự khác nhau giữa thông minh tài chính và chi số IQ tài chính là gì?”. Câu trả lời của tôi như sau: “Sự thông minh tài chính là một bộ phận của năng lực trí tuệ mà chúng ta sử dụng để giải quyết những vấn đề tài chính. Chỉ số IQ tài chính dùng để đo lường sự thông minh đó. Nó là cách chúng ta lượng hóa sự thông minh tài chính. Ví dụ, nếu tôi kiếm được 100.000 đôla và trả 20% thuế, tôi sẽ thông minh hơn so với người cũng kiếm được 100.000 đôla nhưng phải trả tới 50% thuế.”
Trong ví dụ này, người kiếm được 80.000 đôla ròng sau thuế có chỉ số IQ tài chính cao hơn người kiếm được 50.000 đôla ròng sau thuế. Cả hai đều có sự thông minh tài chính nhưng người mà giữ lại được nhiều tiền hơn có chỉ số IQ tài chính cao hơn.

IQ tài chính #1: Kiếm nhiều tiền hơn. Đa số chúng ta đều có đủ sự thông minh tài chính để kiếm ra tiền. Càng kiếm được nhiều tiền, chỉ số IQ tài chính #1 của bạn càng cao. Nói cách khác, một người kiếm được một triệu đôla một năm sẽ có IQ tài chính #1 cao hơn, một cách đo lường được, so với người kiếm được ba mươi ngàn đôla một năm. Và nếu hai người đều kiếm được một triệu đôla một năm, người trả thuế ít hơn sẽ có chỉ số IQ tài chính cao hơn bởi vì anh ta gần đạt đến sự hoàn thiện về tài chính bằng cách sử dụng IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn. 

Tất cả chúng ta đều biết rằng một người mặc dù có chỉ số năng lực trí tuệ cao và là một thiên tài trong lớp nhưng có thể sẽ không kiếm được nhiều tiền trong đời sống thực. Tôi thừa nhận rằng, người cha nghèo của tôi, một giáo viên giỏi và một người làm việc chăm chỉ, có chỉ số năng lực trí tuệ cao nhưng chỉ số IQ tài chính thấp. Ông xuất sắc trong môi trường học thuật nhưng lại kém cỏi trong môi trường kinh doanh.
IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn. Sự thật là thế giới này có rất nhiều cái để lấy đi tiền của bạn. Nhưng những người lấy cắp tiền của bạn không chỉ có kẻ cướp hay tội phạm. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tiền của chúng ta là thuế. Chính phủ có thể lấy tiền của chúng ta một cách hợp pháp.
Nếu một người có IQ tài chính #2 thấp, anh ta sẽ phải trả nhiều thuế hơn. Ví dụ cho điều này là một người trả 20 phần trăm thuế và một người trả 35 phần trăm thuế. Người trả thuế ít hơn có chỉ số IQ tài chính cao hơn một cách có thể đo lường được.
IQ tài chính #3: Lập ngân sách cho tiền. Lập ngân sách cho tiền đòi hỏi rất nhiều sự thông minh tài chính. Nhiều người lập ngân sách cho tiền của mình giống như một người nghèo chứ không phải một người giàu. Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng không thể giữ lại được nhiều tiền đơn giản chỉ vì họ lập ngân sách kém. Ví dụ, một người kiếm được 70.000 đôla một năm và xài hết số đó sẽ có IQ tài chính #3 thấp hơn một người chỉ kiếm được 30.000 đôla một năm nhưng vẫn có thể sống tốt với 25.000 đôla và đem đi đầu tư 5.000 đôla. Vẫn có thể sống tốt và vẫn có tiền để đầu tư bất chấp việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền đòi hỏi rất nhiều sự thông minh tài chính.
Bạn cần phải chủ động lập ngân sách để có được thặng dư. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về điều này ở phần sau cuốn sách.
IQ tài chính #4: Tạo đòn bẩy cho tiền. Sau khi có được thặng dư, thử thách tiếp theo là tạo đòn bẩy cho số tiền đó. Đa số mọi người gửi chúng trong các nhà băng. Đây là một việc làm đúng trước năm 1971 - trước khi tiền trở thành một đơn vị thanh toán. Hơn thế nữa, sau năm 1974, những người làm thuê phải tiết kiệm cho khi về hưu. Hàng triệu người làm thuê không biết nên đầu tư tiền của mình vào đâu, cho nên họ đầu tư số thặng dư đó vào những quỹ hỗ tương được đa dạng hóa và hy vọng rằng chúng sẽ tạo đòn bẩy cho số tiền của mình.
Mặc dù tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương là một hình thức tạo đòn bẩy cho tiền, có nhiều cách tốt hơn để làm điều này. Nếu thành thật với bản thân, bạn phải thừa nhận rằng không cần phải có quá nhiều sự thông minh tài chính để tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương. Bạn có thể dạy một con khỉ gửi tiết kiệm và đầu tư vào quỹ hỗ tương. Đó là lý do tại sao từ trước đến giờ, lợi nhuận từ những khoản đầu tư này thấp.
IQ tài chính #4 được đo lường bằng lợi nhuận từ những khoản đầu tư. Lấy ví dụ, một người đầu tư có lợi nhuận 50 phần trăm trên số tiền bỏ ra có IQ tài chính #4 cao hơn một người chỉ có lợi nhuận 5 phần trăm. Và một người lợi nhuận 50 phần trăm nhưng được miễn thuế dĩ nhiên có chỉ số IQ tài chính cao hơn một người lợi nhuận chỉ có 5 phần trăm mà vẫn phải trả 35 phần trăm thuế trên số lợi nhuận đó.
Thêm một điểm nữa, nhiều người nghĩ rằng lợi nhuận đầu tư cao đi kèm rủi ro cao. Điều này không đúng. Trong phần sau của cuốn sách này, tôi sẽ lý giải tại sao tôi có được những suất lợi nhuận cực cao, trả rất ít thuế - gần như là không - mà vẫn ít rủi ro. Đối với tôi, gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đầu tư vào những quỹ hỗ tương được đa dạng hóa còn rủi ro hơn những điều tôi làm. Vấn đề nằm ở sự thông minh tài chính.
IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính. Có một câu châm ngôn nói rằng: “Phải học đi trước khi học chạy.” Điều này đúng khi nói về sự thông minh tài chính. Trước khi biết cách kiếm được những suất sinh lời cao (IQ tài chính #4: tạo đòn bẩy cho tiền), bạn cần phải “học đi”, nghĩa là, học những điều cơ bản về sự thông minh tài chính.
Một trong những lý do nhiều người gặp khó khăn với IQ tài chính #4 là bởi vì họ được dạy nên giao tiền cho các “chuyên gia” như ngân hàng, quỹ hỗ tương... Kết quả là bạn sẽ chẳng học được gì cho mình, không nâng cao được sự thông minh tài chính và không tự mình trở thành chuyên gia tài chính cho mình. Nếu một người khác quản lý và giải quyết những rắc rối tài chính cho bạn, bạn không thể nào nâng cao được sự thông minh tài chính cho mình. Thực tế là bạn đang trả tiền cho những người thay bạn quản lý tiền.
Nếu bạn có thông tin tài chính tốt, việc nâng cao trí thông minh tài chính sẽ trở nên dễ dàng. Nhưng nếu IQ

tài chính của bạn thấp thì những thông tin tài chính mới có thể trông rất rối rắm và chẳng có giá trị gì. Hãy nhớ ví dụ của tôi nói rằng những thiên tài toán học cũng cần phải bắt đầu với phép cộng 2+2. Một trong những ích lợi của việc đầu tư cho giáo dục tài chính là qua thời gian, bạn có thể nắm bắt được thông tin tài chính phức tạp hơn, giống như việc các nhà toán học có thể giải được những phương trình phức tạp sau nhiều năm luyện tập. Nhưng, một lần nữa, bạn cần phải học đi trước khi học chạy.
Hầu hết chúng ta đã từng đến lớp, nghe các buổi thuyết giảng hoặc tham gia những cuộc thảo luận mà những thông tin thì cứ tai này sang tai kia. Hoặc là những thông tin trong lớp quá phức tạp đến nỗi càng cố hiểu những gì đang nói làm bạn càng nhức đầu. Có thể là do ông thầy quá khó ưa mà cũng có thể là do bạn cần thêm tí nữa những thông tin cơ bản.
Cá nhân mà nói, bây giờ tôi cảm thấy khá thoải mái đối với những thông tin tài chính. Sau nhiều năm học hỏi, tôi có thể ngồi nghe và hiểu hầu hết những khái niệm tài chính. Nhưng tôi lại là một người mù về công nghệ. Tôi gần như không thể sử dụng điện thoại di động hoặc bật máy tính lên. Tôi không thể nạp đa số những kiến thức về công nghệ vô đầu. Nếu có chỉ số IQ về công nghệ thì của tôi có lẽ là thấp nhất. Mấu chốt của vấn đề là chúng ta cần phải bắt đầu từ một xuất phát điểm nào đó. Nếu tôi tham gia một lớp học về thiết kế trang web, tôi sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn. Bạn cần phải biết cách bật máy vi tính trước khi thử học thiết kế trang web. Những kiến thức căn bản để thành công trong lớp học đó vượt quá khả năng của tôi.
Chủ đích của tôi khi viết cuốn sách này là làm cho thông tin tài chính trở nên càng đơn giản càng tốt. Tôi chủ trương ủng hộ sự thấu hiểu những chiến lược tài chính phức tạp. Trong cuốn sách này, tôi cam đoan rằng những gì tôi viết là những cái tôi đã từng làm hoặc đang làm. Như bạn cũng biết, có nhiều giáo viên và tác giả khuyên bạn nên làm những gì nhưng họ lại không làm như vậy. Họ thực sự không biết rằng liệu những gì họ đề cập đến thực sự có tác dụng hay không. Nói cách khác là họ nói không đi đôi với làm....
(trích cuốn " Dạy con làm giàu tập 13") 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét