(CTG) Cảm giác thất bại là một trải nghiệm thật tồi tệ, bạn sẽ không bao giờ muốn nếm cái thứ trải nghiệm đó. Nhưng tôi sẽ kể với các bạn về những thất bại của tôi. Có thể chuyện chẳng có gì lạ lùng, nhưng là chuyện thật. Bước chân vào đời, tôi đã vấp ngã một cú khi trượt kỳ thi Đại học. Lẽ ra tôi nên đi theo thiên hướng nghệ thuật, nhưng vì nhiều lý do, rốt cuộc tôi để mặc cho cha mẹ định hướng. Tôi cá rằng đến chín mươi chín phần trăm các cô cậu học sinh đều để mặc cha mẹ lựa chọn cho mình, giống như tôi. Vậy tôi muốn trở thành người như thế nào? Tất nhiên tôi không muốn là một kẻ thất bại rồi. Khi còn bé tôi mơ trở thành anh hùng, phi công, những người luôn chiến thắng. Học hành là nỗi kinh hoàng. Tôi học lớp chuyên toán, lọt thỏm trong đám bạn học giỏi. Điều đó dẫn đến tâm lý an phận. Giống như lý thuyết trò chơi, khi bạn đã không dám chơi thì chẳng bao giờ có cơ hội chiến thắng cả. Môn học khá nhất của tôi là môn Văn. Và cuối năm, vì thành tích môn Văn, thầy giáo chủ nhiệm đã tặng tôi phần thưởng là một cuốn truyện của Andersen với những lời đề tặng rất buồn cười: "Thầy rất buồn khi tặng cho học sinh chuyên toán một phần thưởng như thế này, hy vọng em sẽ học Toán tốt hơn…" Theo tôi, bi kịch chủ yếu của mọi người là việc họ bị đặt sai chỗ, làm những thứ không phù hợp với khả năng của mình, không hề thích thú say mê gì, thậm chí họ ghét cay ghét đắng là đằng khác. Trong khi đó để có được thành công, chỉ say mê thôi thì cũng còn chưa đủ. Trong khi hầu hết bạn bè cùng lứa đã là sinh viên những trường Đại học danh giá, tôi và vài cậu bạn khác chung tình cảnh đành lủi thủi luyện thi trong những lò luyện “lớp 13”. Lúc này tôi đã xác định sẽ thi vào trường kiến trúc, một ngành kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, nghe qua thì có vẻ phù hợp với tôi, tha hồ phát huy trí tưởng tượng. Nhưng tôi vẫn mơ hồ cảm thấy mình không đủ say mê với nó. Với năng khiếu vẽ, biết cách học hiệu quả hơn, thu hẹp môn học, năm sau tôi đỗ Đại học. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên, tôi trở thành một sinh viên kiến trúc. Thế rồi một ngày kia, tôi viết truyện đăng báo, phát hiện ra đây mới là trò chơi ưa thích của mình. Dần dần tôi mê viết, thậm chí viết cả truyện dài kỳ đăng báo. Tôi trở thành một cây bút khá nổi tiếng trong giới học sinh và sinh viên. Cuộc sống có bao nhiêu mối ràng buộc con người ta, những nghĩa vụ, trách nhiệm. Bạn sẽ luẩn quẩn trong cái mớ bùng nhùng ấy, chừng nào bạn vẫn chưa nhận ra vấn đề của mình và sẵn dàng để đối diện với nó. Tôi không thể bỏ dở học hành, ít ra là tôi nghĩ thế. Tôi tiếp tục học ngành kiến trúc, trong khi vẫn ham mê viết văn, tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay nhan đề Hoen gỉ để tham dự cuộc thi Văn học tuổi hai mươi do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Cuốn tiểu thuyết của tôi đã không đoạt một giải thưởng gì (đó lại là một thất bại nữa!). Tôi có niềm tin vào sức mạnh của ngôn từ, vào thế giới của văn chương. Nhưng lẽ đời là thế, nếu bạn quá kỳ vọng hay tin tưởng vào điều gì, thì khi ảo tưởng tan vỡ, nỗi thất vọng sẽ là rất lớn. Thậm chí mãi sau này tôi vẫn không chịu thừa nhận cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình là một thất bại, tôi tìm ra nhiều lý do để biện minh, rằng ban giám khảo đã không vô tư, thiếu công bằng, hoặc quan niệm về văn chương của họ tầm thường, thẩm mỹ của họ tầm thường… Cũng cần kể thêm, hơi riêng tư một chút, là tôi cũng có một vài mối tình đơn phương, có lẽ đó chính là lý do sâu xa thôi thúc tôi viết. Thất bại trong tình yêu luôn là bi kịch muôn thuở của con người. Hai năm sau, cuốn tiểu thuyết Hoen gỉ được xuất bản, tạo được chút ít dư luận và chiếm được cảm tình của một số nhà văn, nhà phê bình, rồi sau đó rơi vào quên lãng. Tôi bị cuốn vào việc đi làm thêm, và chuẩn bị đồ án tốt nghiệp. Đồ án tốt nghiệp của tôi được điểm 9, nghe thì oách, nhưng có vẻ như đến 99% sinh viên khóa tôi đều đạt điểm 9 cả. Đồ án tốt nghiệp cũng là một thất bại nữa trong bộ sưu tập của tôi. Tôi ra trường với tấm bằng kiến trúc sư hạng trung, không vẽ được công trình nào ra hồn, toàn “hàng chợ”, chẳng đâu vào đâu. Tôi vẫn viết, những dòng đầu tiên cuốn tiểu thuyết Chờ tuyết rơi đã được viết từ khi đó. Tôi bỏ nghề, mở quán cà phê qua ngày đoạn tháng. Ba năm trời trôi qua vô ích, trong nỗi chán chường, tôi viết nốt Chờ tuyết rơi, nhượng lại quán, rồi bỏ đi chơi lang thang. Lúc đó, cảm giác thật cay đắng, chuyện tình cảm dang dở, ba năm bán hàng chỉ đủ nuôi miệng. Gần lễ Noel, trong lúc lang thang câu cá, tôi nảy ra ý tưởng mua cây thông tươi ở Sapa về bán. Tôi lập tức lên lâm trường Sapa mua hơn 100 cây thông tươi. Chỉ cần bán bằng giá cây thông nhựa thôi cũng đã một vốn bốn lời. Tôi nghĩ là có thể tạo ra một thói quen tiêu dùng mới. Tôi nghĩ đến việc nếu thành công sẽ thành lập hẳn công ty chuyên đáp ứng trọn gói những cây thông trang hoàng đẹp đẽ Tôi bán được duy nhất một cây thông. Họ thuê tôi trang trí dạ hội đêm Noel. Tôi rủ thêm một anh bạn họa sĩ đến, lấy giấy xi măng làm giả một cái hang đá, lắp đèn cực tím, sơn phản quang, dán giấy màu vào chao đèn, biến phòng họp thành một vũ trường thu nhỏ. Cho đến khoảng 9h tối, nhạc nổi lên, đèn nhấp nháy, chúng tôi thả những hạt xốp bay khắp nơi, xịt tuyết giả lên cây cối… Bỗng dưng tôi cảm thấy xúc động lạ kỳ! Trước đó vài tiếng, tôi ở trong một tâm trạng kinh khủng. Rõ ràng vụ làm ăn của tôi thất bại nặng nề. Nhưng vào lúc kiệt sức ấy, khi đã thất bại hoàn toàn, tôi bỗng thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng. Tôi nghĩ tôi đã vui mừng, đã khóc. Vì điều gì không rõ. Số thông còn lại, tôi trồng nhờ ở một mảnh vườn, năm sau quay lại thì người ta đã giải tỏa mặt bằng. Cho dù không bị giải tỏa đi nữa thì rồi chúng cũng sẽ bị héo hon rồi chết khô do không hợp khí hậu. Chúng đã bị đặt sai chỗ, giống như tôi vậy. Chắc tôi có máu kinh doanh nên đi tới đâu tôi cũng nhìn thấy những cơ hội làm ăn. Sau vụ thông Noel, tôi cùng vài người bạn đồng nghiệp mở một văn phòng tư vấn thiết kế. Tự trang bị kiến thức cho mình bằng dăm ba cuốn sách lý thuyết kinh tế, tôi bắt đầu lao vào một cuộc phiêu lưu mới. Rõ ràng tôi không có tư chất của một doanh nhân. Nhưng đã bao đêm tôi mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ về một mô hình kinh doanh mới, vùng dậy trong đêm để viết vội về vài ý tưởng. Như thể đó là một phát kiến vĩ đại, và tôi sẽ phải chứng minh sự đúng đắn của nó bằng những việc làm cụ thể. Tôi cần những người đồng hành chung sức để đi tới đó, hành trình thì thật là gian nan. Bầu nhiệt huyết của tôi truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người bạn đồng nghiệp, khiến chúng tôi cảm thấy mình có thể làm được mọi thứ to tát. Thế rồi sau đó chừng ba năm, tất cả sụp đổ. Lý do thì vô vàn, nhưng chủ yếu vẫn là cách dùng người không phù hợp. Hoạt động được ba năm thì chúng tôi dẹp tiệm. Sau thất bại này, tôi cộng tác với một người đồng nghiệp khác, một người tâm huyết đầy tài năng, nhưng cũng không đi đến đâu cả, khi có chỗ dựa dẫm là tôi bắt đầu ỉ lại và lười biếng. Tôi nhận ra rằng mình không có khả năng cộng tác hoặc làm việc nhóm, tôi chỉ phù hợp với công việc sáng tạo độc lập. Tôi lại đi câu cá, mở quán cà phê, cùng một số người thành lập câu lạc bộ câu cá, hy vọng nó trở thành một câu lạc bộ thể thao, chuyên nghiệp. Tôi viết về những chuyến đi, về nghệ thuật câu cá, viết đủ thứ. Trong những diễn đàn trên mạng về câu cá, cái tên tôi nhanh chóng nổi tiếng, và sau đó là đầy tai tiếng, tôi trở thành cái gai trong mắt một số người khác, do động chạm đến quyền lợi của họ trong ngành kinh doanh mới mẻ này. Bằng nhiều cách, dần dần họ đã gây mâu thuẫn, cô lập tôi khỏi các thành viên CLB. Sau một năm khó khăn, tôi nhượng lại cửa hàng. Tôi rời xa những chuyện bon chen rắc rối, chỉ còn làm những việc mà riêng bản thân mình chịu trách nhiệm, đó là công việc viết lách. Tôi tìm thấy chính mình trong công việc viết lách, quyết định đã đến lúc in cuốn Chờ tuyết rơi, tái bản Tôi và D'Artagnant, Hoen gỉ trong vòng vài tháng viết và in tiếp hai cuốn nữa là Đảo cát trắng và Bóng gia nhân – đánh dấu bước ngoặt trở thành một người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp. Tôi chỉ còn làm thiết kế theo những đơn đặt hàng riêng nhỏ. Thời gian còn lại dành tất cả cho văn chương. Tuy nhiên, tự do cũng có cái giá của nó. Các nhân vật tiểu thuyết của tôi khá cực đoan, luôn phải trả giá cho niềm tin của mình, đó là những kẻ nổi loạn, sa đọa, đôi khi gần như phi đạo đức, phi lý, họ không bao giờ ngoái đầu lại phía sau hay ân hận về những gì mà họ đã làm, họ đi đến tận cùng con đường của mình. Ngay giờ này, tôi vẫn tự hỏi nếu một ngày kia tôi có những thành công nhất định trong văn chương đi nữa, một cuốn sách để đời chẳng hạn, thì liệu có phải điều đó là tốt nhất? Câu hỏi ở đây là tốt nhất cho ai? Cho cuộc đời tôi hay cho văn học và các độc giả? Chấp nhận thất bại luôn luôn là một việc khó khăn, nhưng biết bỏ nó lại sau lưng bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn, tự do hơn, và rồi cơ hội khác sẽ đến với bạn. |
Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012
Câu chuyện thất bại của tôi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét