Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Nồi Niêu Xoong Chảo

1. Nồi Áp Suất (Pressure Cooker): đây là loại nồi có phần nắp được thiết kế đặc biệt với các lỗ xả hơi và gioăng cao su để phần nắp được đậy chặt khít với thân nồi, tạo áp suất trong nồi khi nấu làm cho thức ăn được chín mềm với thời gian rất ngắn, do đó tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu rất nhiều. Trên thị trường có nhiều loại nồi khác nhau với giá cả cũng khác nhau, từ vài chục đến vài trăm USD, có loại làm bằng nhôm, có loại làm bằng stainless steel, có loại phải đặt lên bếp nấu, có loại bằng điện có thêm phần dây và nút cắm. Tuy nhiên nồi có nhược điểm là khi nấu tạo áp suất và phần hơi sẽ xì ra bên ngoài có khi rất mạnh, do đó tạo cảm giác bất an cho người sử dụng, loại nồi này khi nấu phải đặc biệt đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng cho đúng, nhất là cách đậy nắp nồi sao cho khít, kiểm tra các van xả, gioăng cao su và phải có sự giám sát canh chừng của người nấu, tránh xa sự có mặt của trẻ em trong nhà để đảm bảo sự an toàn. 

Photobucket
2. Nồi Ủ (Thermal Cooker): đây là một loại nồi rất đặc biệt, lý do là trong suốt quá trình hầm và nấu không cần phải đặt lên bếp hay cắm điện gì cả, phần vỏ ngoài với kết cấu giống như vỏ ngoài của bình thủy sẽ giữ nhiệt cho nồi nhỏ bên trong để nấu chín thức ăn, do đó việc sử dụng tương đối dễ dàng và rất an toàn, tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu. Bạn hoàn toàn có thể cho nồi nhỏ đựng thức ăn vào ủ rồi đóng cửa đi chợ hay đi công việc bên ngoài cả ngày mà không phải lo lỡ ở nhà nồi có bị chập điện hay bị khê khét gì không. Đây chính là một ưu điểm nổi bật của nồi nếu so sánh với nồi áp suất ở trên. 

Kết cấu của nồi gồm có 2 phần giống như nồi cơm điện (nhưng khác là không có nút hay dây cắm điện gì cả), phần nồi nhỏ bên trong bạn lấy ra và đặt lên bếp nấu để cung cấp nhiệt cho thức ăn, khi thức ăn trong nồi sôi bạn tắt bếp và cho nồi nhỏ vào trong nồi vỏ bên ngoài để ủ, phần vỏ cách nhiệt này sẽ giữ nhiệt của nồi nhỏ bên trong làm cho thức ăn tiếp tục chín mà không cần phải đun nấu gì cả.

Nếu so với nồi áp suất thì mình hay sử dụng nồi ủ thường xuyên hơn vì tính chất tiện dụng và đơn giản, nồi lại nhẹ nên việc rửa cũng nhanh. Loại nồi này thường dùng để nấu các món nước, đặc biệt là nấu cháo rất ngon, tuy nhiên các món khô và ít nước như các món xào hay kho thì không phù hợp.
Thêm một ưu điểm nữa của nồi là tính chất giữ nhiệt khi mang đi xa (party hay picnic), bạn có thể giữ cho món nước khi đến nơi vẫn còn nóng, có thể sử dụng được ngay mà không cần phải hâm lại, hoặc có thể dùng nồi nhỏ để đựng các món lạnh như chè, khi mang đi xa vẫn giữ được độ lạnh cần thiết như một cooler. Nồi có quai xách nên khá là tiện để mang vác.

Ngoài các ưu điểm trên thì nồi cũng có nhược điểm là thời gian ủ để cho thực phẩm chín mềm cần thiết tương đối lâu hơn rất nhiều so với nồi áp suất nên không phù hợp cho những yêu cầu cấp tốc.

Trên thị trường thì mình thấy có hai loại nồi ủ phổ biến là nồi của Nhật và Trung Quốc sản xuất. Nồi của TQ thì thường giá cả rẻ hơn, khoảng vài chục USD, còn nồi của Nhật thì đắt hơn nhiều, giá vài trăm USD, tuy nhiên do chất lượng thì nồi của Nhật sẽ giữ được nhiệt lâu hơn, tốt hơn. Nhà mình thì dùng nồi của TQ thôi, cho vừa túi tiền, nhưng mình thấy cũng OK lắm.

Photobucket
3. Nồi Hầm (Slow Cooker): đây là loại nồi rất phổ biến ở Mỹ, hầu như tất cả các tiệm bán đồ bếp đều có bán loại nồi này, như tên gọi thì nồi thường được dùng để nấu các món hầm, yêu cầu thời gian nấu dài. Nồi cũng có hai lớp, lớp vỏ bên ngoài bằng kim loại có kết cấu giống như nồi cơm điện và bên trong là lớp nồi bằng sứ. Đây là loại nồi điện nên có phần dây và nút cắm, tuy nhiên vì mang tính chất hầm (nấu chậm) nên công suất điện yêu cầu sử dụng rất thấp. Thời gian nấu của một món trung bình từ 3-8 tiếng. Loại nồi này trong các bữa tiệc bạn có thể sử dụng để serve các món nóng như các món hầm, cháo, súp cũng rất tiện.

Photobucket
4. Chảo Chiên Điện (Deep Fryer): khác với các loại nồi vừa kể trên thường là có 2 lớp, loại chảo chiên đặc biệt này có 3 lớp tất cả. Lớp vỏ ngoài cùng với phần dây, nút cắm và các nút điều chỉnh để cung cấp nhiệt cho suốt quá trình chiên. Lớp thứ 2 bên trong thường là một cái nồi chống dính, tùy theo hình dạng có thể tròn hay hình chữ nhật, để đựng dầu chiên. Và lớp cuối cùng là phần rá inox có tay cầm có thể điều khiển nâng hạ để đựng thực phẩm cần chiên.
Ưu điểm của loại chảo này là đảm bảo cho thực phẩm khi chiên được chín vàng đều vì phần rá đựng thực phẩm được thiết kế không chạm với đáy nồi nên thực phẩm được ngập toàn bộ trong dầu rất đều mà không bị sát đáy gây cháy một mặt hay chín không đều. Có một số loại nồi có phần nút Timer để hẹn giờ, do đó thực phẩm ở các mẻ chiên khác nhau đều được chiên chín đều.

Nhược điểm của chảo chiên này là yêu cầu sử dụng một lượng dầu khá nhiều, do đó nếu khi cần chiên một lượng thức ăn ít thì không phù hợp lắm và cũng bất tiện trong việc dọn rửa.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét