Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Đàn bà có tiền sẽ có tự do?


tự nuôi được tôi, không phải phụ thuộc thằng nào', nhiều phụ nữ vẫn nói
vậy. Nhưng có thật vậy không?
Chúng ta vẫn hay nói “giải phóng phụ nữ”, cần giải phóng nghĩa là đang bị cầm  tù, giam hãm, dĩ nhiên là bởi đàn ông và hệ thống quyền lực xung quanh anh ta. Bà của chúng ta, cụ cố bà của chúng ta, các cụ cao tằng tổ tỷ của chúng ta vốn chẳng có cái gì của họ: Họ bước ra từ mái nhà bố mẹ mà họ từng ở tạm với tư cách nữ nhân ngoại tộc, để bước vào nhà chồng nơi họ chẳng có chút quyền sở hữu nào, và nếu chẳng may bước ra đó thì chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng, đến con họ đẻ ra cũng chẳng thuộc về họ nốt. Nhưng đó là chuyện của lịch sử rồi. Chị em bây giờ có đủ mọi quyền, chẳng ai dám “cầm tù” họ. Ấy vậy mà vẫn luôn có những người phụ nữ ước được làm đàn ông, rồi tự cảm thán “thương thay thân phận đàn bà”. Sao thế nhỉ?

Tạm không nói đến các chị sống ở những vùng quê nơi tàn dư của  tư tưởng gia trưởng, phong kiến vẫn còn đậm nét. Ta hãy nói đến những chị em sống ở thành thị, thấm nhuần tư tưởng tự do, bình đẳng, được học hành, giao tiếp chẳng kém gì ai. Nhiều chị thấy cuộc sống vợ chồng sao chán quá, mệt mỏi quá, tình cảm mỗi ngày bị mài đi một chút, qua ít năm đã mòn vẹt hết cả. Đó là chưa kể những trận đòn, hay những vụ ngoại tình – của chồng hoặc của chính họ. Họ thấy mình bất hạnh, họ ước: “Giá mình đừng lấy anh ta”. Thế nhưng họ chẳng dám bỏ chồng. “Thôi cố chịu đựng vì đứa con”, họ bảo thế. Nhưng nếu hiểu mình rõ hơn, nhiều chị sẽ phải nhận rằng, họ sợ nếu rời chồng ra thì không sống được, nói đúng hơn là không được sống đủ đầy như trước.  Với mức lương tầm tầm, làm sao đủ nuôi con, làm sao có tiền dự trữ lúc ốm đau hay thất nghiệp, chẳng lẽ từ giờ đến cuối đời không bao giờ còn biết đến xênh xang váy áo phấn son, nhà hàng và du lịch?  Tuy cũng đi làm nhưng họ không thực sự là người phụ nữ độc lập, họ vẫn phụ thuộc đàn ông về vấn đề tiền.

“Tôi là một phụ nữ độc lập. Tôi tự nuôi được tôi, chẳng cần nhờ vả, lệ thuộc vào thằng nào sất”, rất nhiều người đàn bà kiêu hãnh nói vậy. Ngày càng nhiều phụ nữ đủ tư cách nói vậy. Cứ nhìn trong công ty bạn thì biết, số phụ nữ có vị trí và thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn đàn ông chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Họ chẳng sợ phải sống thiếu thốn khi không có người đàn ông bên cạnh. Thế nhưng có thật là tất cả những phụ nữ đó đã thực sự tự do, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đàn ông không?


Tôi biết một chị là phó tổng giám đốc một công ty lớn. Chị giỏi, chị tốt,  nhan sắc trên trung bình và  dĩ nhiên, chị giàu. Nhìn chị lên xe xuống ngựa với nụ cười mỉm sang trọng, phong thái kiêu sa nhẹ nhàng, ít người biết tâm chị không nhàn. Từ 7 năm nay, chồng chị có bồ, đến nay đã là cô bồ thứ ba. Anh nói đã hết tình cảm, rằng ở tuổi 51, anh cần sống cho  mình và sống thật với mình, rằng anh không muốn phá gia đình nhưng sẵn sang ly dị nếu chị muốn. Chị chẳng còn chút hy vọng nào về sự quay đầu của anh, nhưng ly dị ư? Không! Chị cần có anh cho các con, cho cái bình phong hạnh phúc để khỏi trở nên tội nghiệp trước mắt mọi người. Và hơn hết, người đàn bà đó nghĩ mình đã hết cơ hội có một mối tình khác.  Chồng chị là đàn ông nên cho dù chục năm nữa trôi qua, cho dù lớn hơn chị quá nửa con giáp, anh vẫn còn đầy gái theo nếu muốn. Còn chị là đàn bà, đã 44 tuổi rồi, liệu còn ai muốn đến với chị? Và nếu có,  nhiều phần là do muốn có người hầu hạ, hoặc muốn tiền của chị, chứ  yêu thương gì chị! Chị từ chối ly hôn và kể từ đó,  mọi kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn chị vạch ra đều chỉ cho công ty hoặc con cái, không còn kế hoạch nào dành cho cuộc đời mình nữa, vì chị không còn gì chờ đợi ở phía trước.  Sự độc lập về kinh tế không đủ mang đến cho chị sự tự tin vào giá trị của mình, tin rằng mình hoàn toàn xứng đáng được yêu thương, được hạnh phúc mà không nhất thiết phải lệ thuộc, níu kéo người đàn ông không còn thuộc về mình nữa.

Có thể bạn sẽ bảo, câu chuyện của chị ấy không phải câu chuyện về giới, mà là bi kịch tình yêu, thứ mà đàn ông đàn bà gì cũng có thể vướng phải. Thiếu gì ông dù bị cắm sừng, bị chà đạp vẫn không bỏ được vợ, chỉ vì không thể sống thiếu cô ta?

OK. Vậy tôi sẽ nói về những phụ nữ khác. Đó là các  cô gái sở hữu tất cả những gì mà thiên hạ vẫn cho rằng người phụ nữ cần có để được hạnh phúc: Trẻ, xinh đẹp, có học vấn, cũng kiếm được tiền, có một ông chồng giỏi giang, họ lấy nhau vì tình và vẫn yêu nhau trong thời điểm hiện tại. Tóm lại, người ngoài nhìn vào và bản thân họ đều nhận thấy là họ không có khó khăn hay bi kịch nào cả. Ấy vậy mà nhiều cô, nhiều chị vẫn kêu khổ, vẫn luôn luôn buồn bã, khổ sở, stress nặng, thậm chí còn phải đến chuyên gia tâm lý để chữa chứng trầm cảm.

Và đây là chuyện của một người trong số đó: Vân 29 tuổi, là biên tập viên của một nhà xuất bản, ái nữ của một giám đốc sở và ái thê của một giám đốc công ty, có một con trai 5 tuổi. Chồng Vân là người sôi nổi, ham vui, thích giao lưu nên có rất nhiều bạn bè. Ngoài thời gian làm việc và dự các cuộc gặp gỡ, liên hoan… khi với nhóm này, lúc với nhóm khác, anh còn mê câu cá và các buổi offroad cùng bạn bè ở câu lạc bộ xe hơi. Và để những cuộc vui đó không bớt xén thời gian dành cho gia đình, anh vận động vợ cùng tham gia. Nhưng Vân lại ngại giao tiếp nên không thích chỗ đông người. Cô chỉ muốn chồng về sớm với mình, hai vợ chồng thủ thỉ nói chuyện, hoặc rủ nhau đi uống cà phê, xem phim hay mua sắm. Mà cái nguyện vọng đó của cô, chỉ thỉnh thoảng anh mới đáp ứng được. Những lần chồng lỡ hẹn hoặc về quá khuya, thui thủi một mình với đứa con và osin, Vân bỏ ăn, vật mình khóc sưng cả mắt. Và suốt 6 năm qua có rất, rất nhiều lần như thế.

Vân thấy cuộc sống sao mà nhạt nhẽo, vô vị, chẳng còn chút gì sôi nổi, lãng mạn của tình yêu. Cô oán chồng ngày yêu nhau thì chiều chuộng, nâng niu cô là thế, giờ bỏ cô chạy theo những thú vui khác. Cô ghét cơ quan anh, ghét bạn bè, chiến hữu của anh, những người đã khiến chồng cô phải chia năm sẻ bảy, chỉ còn dành cho cô một mẩu nhỏ. Vân xem họ như những kẻ cướp chồng cô khỏi tay cô. Tại sao cô – người đã dành trọn, đã hy sinh mọi thứ vì chồng, vì gia đình -  không phải là tất cả thế giới của anh? Sao anh không yêu cô đủ để muốn ở bên cô thật nhiều thay vì chạy theo những thú vui kia? Đã nhiều lần cô nói chuyện với chồng, nhưng thay vì hứa từ giờ sẽ bớt ham vui để ở nhà với vợ, anh lại “xui” cô cũng “chơi bời” như mình, khiến Vân tuyệt vọng. Cô luôn bị stress nặng, thấy chán nản, mệt mỏi, đau đầu, cau có, mắt thâm quầng, tóc tai quần áo lôi thôi…
Giá như thay vì lỳ lợm đợi chồng bên mâm cơm ngon lành mà anh sẽ không về ăn, Vân cũng có những cuộc hẹn với bạn mình, hẳn cô sẽ không thấy nặng nề như thế nữa. Niềm vui cô có được sẽ khiến cô thông cảm với sự ham vui của chồng. Cô sẽ nhận ra cái việc chỉ ru rú ở nhà nấu cơm chờ chồng, được cô coi là sự hy sinh cho anh, lại thứ chất lên vai anh như gánh nặng.

Không nhiều phụ nữ tự hỏi rằng, tại sao hạnh phúc, niềm vui sống của mình lại phụ thuộc vào con người duy nhất đó, tại sao anh ấy vui thế, sung sướng thế, còn mình thì không? Đó là vì cuộc sống của bạn, tâm trí của bạn chỉ xoay quanh anh ấy. Bạn tự nguyện vứt bỏ hết các lạc thú khác để tập trung vào chăm sóc, yêu thương (thực chất là cầm tù) anh ấy, và đòi anh ấy cũng phải đáp lại như thế thì mới xứng đáng. Nhưng cuộc sống của người đàn ông không bao giờ chỉ xoay quanh người đàn bà. Anh ấy luôn chia sẻ thời gian và hứng thú của mình cho công việc, bạn bè, thể thao, nghệ thuật… và thế là bạn thấy khổ. Chừng nào chưa được sở hữu 100% người đàn ông của mình, nhét anh ấy vào túi để dùng riêng thì bạn còn thấy khổ. Và cái thân phận đàn bà đúng là đáng thương thật.

Hóa ra chính bạn, chứ không phải người đàn ông gia trưởng nào, đang cầm tù bạn. Sao bạn – người phụ nữ - không trả tự do cho mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét