Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Dạy học cho bé sơ sinh

Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, bé vẫn còn quá nhỏ để nhận thức mọi thứ xung quanh mình. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn bé bắt đầu nhận biết dần dần con người, cảnh vật, hiện tượng xung quanh. Ngay trong giai đoạn này, nên bắt đầu cho bé nhìn thấy mặt chữ để giúp bé hình thành những nhận thức học chữ, đọc sách và sự tìm tòi những cái mới.
Dạy học cho bé sơ sinh
Với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể bế bé để bé quan sát “thế giới chữ”: cho bé nhìn thấy các chữ có màu sặc sỡ, nhìn người lớn đọc báo, đọc sách.
Khi bé lớn hơn 6 tháng tuổi, mẹ cho bé chơi các đồ chơi có hình chữ, cầm sách báo… Kể cả bé có xé báo, xé sách, mẹ cũng vỗ tay hoan hô bé nhé. Như vậy là bé đã có sự quan tâm tới những gì liên quan tới “chữ” rồi.
Bố mẹ có thể khích lệ bé để bé thích học chữ, giống như bé thích xem đồ vật mới, thậm chí có thể yêu sách hơn đồ chơi, bánh kẹo. Sau này, bất cứ ở đâu, bé cũng chủ động tìm sách, đọc sách và học chữ.
Dạy bé học chữ qua cuộc sống

Từ khi sinh ra tới lúc 2 tuổi, bé chỉ nhớ mặt chữ một cách máy móc mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa biểu đạt cuả chữ.Vì vậy, bố mẹ nên dạy bé học chữ gắn liền với cuộc sống hàng ngày.
Hãy để bé nhận biết được từ thực liên quan đến những sự vật quen thuộc mà bé được tiếp xúc hàng ngày. Khi cha mẹ thấy bé chú ý tới sự vật nào, hãy nắm bắt cơ hội cho bé học từ đó. Ví dụ: trời mưa, mẹ hãy dạy bé từ “trời mưa”.
Cách để bé học nhanh nhất và ghi nhớ lâu nhất là học nói trong cuộc sống, qua những tình huống cụ thể.

 “Mưa dầm thấm lâu”

Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé, hướng dẫn bé quan sát và nêu câu hỏi.
Mẹ hãy tạo môi trường “toàn chữ”cho bé. Ví dụ cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, dạy bé hát vè và đồng dao, xem những câu đối ngày tết, kể chuyện cho bé nghe… Bé sẽ “bị” ảnh hưởng, từng bước liên tục xem chữ, đọc từ, đọc câu. Bé càng thích nghe kể chuyện, đọc chữ, bé càng nhanh biết chữ.
Điều này cũng đơn giản như bé bình thường học nói. Đến khoảng 2, 3 tuổi là bé đã có thể nói được.

Học-chơi-cười

Bố mẹ dạy bé chữ qua các trò chơi, có dụng ý. Nhưng đối với bé là dạy một cách vô thức. Học mà chơi, chơi mà học. Không nên định ra chỉ tiêu, mức độ mà hãy tạo cho bé sự vui vẻ, hoạt bát trong việc học.
Mỗi lần, bố mẹ có thể chỉ cần dạy cho bé trong vài phút, thậm chí là vài giây. Nên kết thúc “việc học” trước khi bé thấy chán. Làm như vậy, bé mới giữ được hứng thú học lâu dài, sẽ chủ độngyêu cầu bố mẹ dạy chữ, không cần người lớn ép học.
Người lớn trong gia đình thường xuyên đọc chữ, đọc sách trước mặt bé để kích thích sự tò mò của bé. Bố mẹ cũng luôn nhớ động viên, khích lệ bé, dù bé có học được nhiều hay không. Không nên so sánh giữa bé này và bé khác trong cùng gia đình. Nên để bé được tự do học hỏi, tìm hiểu, thậm chí là nghịch các đồ vật, sách vở của bố mẹ.
Mục đích giảng dạy quan trọng nhất của bố mẹ là xây dựng sự hứng thú và lòng ham học hỏi của bé. Không nên áp đặt bé học hay nóng lòng muốn bé phải biết chữ ngay. Bởi “quá nóng vội sẽ hỏng việc”.
Dù với bất kỳ hình thức dạy con, dạy bé làm quen với cuộc sống xung quanh hay nhận biết mặt chữ thì bạn cũng phải kiên nhẫn và tỷ mẫn.Đơn giản bé còn thơ và đang trong quá trình hoàn thiện dần dần. Không nên cáu gắt hay quát mắng bé, như thế sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của bé và vô hình trung gây cho bé ác cảm trong tiềm thức.
Mong chờ những chia sẻ về những hành động dễ thương của bé trong việc “học chữ” từ bạn. Bạn hãy chia sẻ nhé cho mọi người cùng biết với nhé!

1 nhận xét: