“Stephen Hawking Hàn Quốc” là cách gọi trân trọng mà truyền thông dành cho giáo sư - xe lăn Lee Sang Mook.
Giáo sư Lee Sang Mook - Stephen Hawking của Hàn Quốc
...Chiếc xe của giáo sư Lee và 12 sinh viên đang chạy bon bon trên một con đường ở sa mạc Nam California (Mỹ) hướng về phía Thung Lũng Chết thì bất ngờ lật ngược. Cơ thể ông gần như bị nghiền nát. Ông hôn mê ba ngày liền trong bệnh viện. Khi tỉnh dậy, các bác sĩ cho biết ông bị liệt từ cổ trở xuống và phần đời còn lại sẽ phải gắn chặt với chiếc xe lăn!
Đối với nhiều người, việc bị liệt toàn thân như một dấu chấm hết cho một cuộc đời. Nhưng với giáo sư Lee, đây chỉ mới là mở đầu cho một hành trình đầy gian khổ đòi hỏi những nỗ lực phi thường.
Tại các cuộc hội thảo về hải dương ở Trường đại học Quốc gia Seoul sau này, người ta thường bắt gặp hình ảnh một người đàn ông ngồi xe lăn dùng miệng điều khiển con chuột vi tính kết nối laptop có hình dạng hệt một chiếc lọ. Ngậm chuột vào để nhấp trái, nhả chuột ra để nhấp phải, ngậm chuột kết hợp với gật đầu để di chuyển. Bằng cách này, trong sáu năm ròng rã, giáo sư địa vật lý Lee Sang Mook vẫn kiên trì theo con đường nghiên cứu khoa học của mình và đưa khoa học đến với những người khuyết tật.
Nghị lực của ông đã được nhiều người ví với nhà bác học vĩ đại trên chiếc xe lăn: Stephen Hawking.
Giáo sư Lee Sang Mook điều khiển chuột có hình dáng giống chiếc lọ
Mặc cho nhiều người nhìn ông với cặp mắt thương hại, giáo sư Lee cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy bi quan. “Bạn tin không, tôi chưa bao giờ khóc cho số phận của mình dù chỉ một lần”. Ông luôn nói với mọi người một cách hóm hỉnh rằng sợi dây thần kinh đau buồn của ông đã vô tình bị đứt trong tai nạn.
Lee cho biết ông chỉ thật sự thấy thế giới của mình chao đảo khi hay tin một nữ sinh viên trong chuyến đi định mệnh ấy đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. “Tôi phát hiện điều đó bốn tháng sau tai nạn. Các bác sĩ cho rằng tin dữ này sẽ khiến tôi trở nên tuyệt vọng - giáo sư Lee xúc động nói - Tôi cảm thấy thế giới của mình sụp đổ. Sinh viên tôi đang dẫn dắt gặp nạn. Tôi không muốn trở lại trường bởi cảm thấy mình không xứng đáng làm một người thầy”.
Nhưng thay vì chìm đắm trong sự hối tiếc và mặc cảm tự ti, hai tháng sau đó giáo sư Lee trở lại Trường đại học Quốc gia Seoul và tiếp tục công việc bị gián đoạn. Ông bắt đầu học cách dùng miệng để thực hiện các thao tác máy tính và làm các công việc nghiên cứu với lòng nhiệt tâm phi thường. Trong một xã hội mà người bị liệt luôn bị gắn mác tàn tật và chịu nhiều định kiến, sự trở lại của ông là một kỳ tích.
“Là một giáo sư, vào thời điểm biết mình sắp chết, tôi đã tự chấm điểm cho cuộc đời mình. Tôi chợt nghĩ bản thân xứng đáng đạt được điểm nào nhất trong thang điểm cuộc đời. Tôi tự chấm B+. Tôi nhận ra rằng nếu bản thân tôi có cơ hội để sống một lần nữa, tôi sẽ phấn đấu đạt điểm A+. Điều đó có nghĩa là tôi không những phải làm tốt công việc của mình mà còn làm tốt các lĩnh vực khác nữa. Tôi không chắc mình sẽ đạt điểm A+ vào cuối đời, nhưng tôi sẽ cố gắng để đạt được điều đó” - giáo sư Lee cho biết.
Đem khoa học đến với người khuyết tật
Nể phục trước sự can đảm và ý chí vượt lên số phận của “Stephen Hawking Hàn Quốc”, giáo sư Lee Kun Woo - một đồng nghiệp tại Trường đại học Quốc gia Seoul - đã quyết định dành tặng giáo sư Lee khoản tiền 100 triệu won (khoảng 89.500 USD). Ông Lee đã dành một nửa số tiền để xây dựng học bổng Lee Hye Jung (được đặt theo tên nữ sinh viên thiệt mạng trong tai nạn năm 2006). Học bổng này mở đầu cho hàng loạt chương trình mang khoa học đến với người khuyết tật trong nhiền năm sau đó.
Vào thời điểm biết mình sắp chết, tôi đã tự chấm điểm cho cuộc đời mình. Tôi chợt nghĩ bản thân xứng đáng đạt được điểm nào nhất trong thang điểm cuộc đời. Tôi tự chấm B+. Tôi nhận ra rằng nếu bản thân tôi có cơ hội để sống một lần nữa, tôi sẽ phấn đấu đạt điểm A+
“Tôi xuất hiện trên truyền hình để giới thiệu chính trường hợp của mình và các dụng cụ (hỗ trợ dành cho người khuyết tật). Tôi không gửi các thông điệp hi vọng (suông) đến với mọi người - giáo sư Lee nói - Tôi không dùng những từ ngữ đại loại như hi vọng, lạc quan, can đảm. Bởi tôi không có quyền đó. Thật vô nghĩa khi khuyên những người có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi hãy can đảm và luôn hi vọng”.
Năm 2008, ông nhận lời viết bài cho một chuyên mục trên một tờ báo địa phương và bắt đầu gây được sự chú ý từ phía dư luận. Ba tuần sau bài báo đầu tiên, Lee nhận được lời đề nghị cộng tác vào dự án QoLT của chính phủ nhằm giúp đỡ những người khuyết tật. Dự án này giúp đỡ nhiều số phận kém may mắn đến với khoa học với số tiền tài trợ lên đến 10 tỉ won/năm (gần 9 triệu USD) trong vòng 10 năm.
“Có rất nhiều người cống hiến cho người khuyết tật một cách thầm lặng. Nhưng khi một người nổi tiếng thực hiện các công việc này, hiệu quả sẽ đến nhanh hơn” - giáo sư Lee cho biết ông dùng truyền thông để giúp nhiều người khuyết tật thấy được họ có thể sống năng động và có ý nghĩa hơn họ nghĩ.
Có lẽ ông Lee Sang Mook không thể ngờ rằng sự nghiệp giáo dục khoa học đầy ý nghĩa của ông bắt đầu từ sau tai nạn định mệnh năm 2006.
Giáo sư Lee Sang Mook sinh năm 1962 tại Seoul (Hàn Quốc). Năm 12 tuổi gia đình ông chuyển đến sống tại Indonesia. Ông say mê địa lý và luôn ước ao chu du khắp mọi nơi trên thế giới. Lee tốt nghiệp ngành hải dương học Đại học Quốc gia Seoul và sau đó hoàn thành luận án tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts và Học viện Hải dương học Woods Hole.
Ông hiện là giảng viên địa vật lý tại Đại học Quốc gia Seoul.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét