Khi kinh tế đi xuống cần phải nương theo nó và đừng bao giờ từ bỏ những gì đang làm
Đó
là bí quyết làm giàu của ông Henry Sy, người đứng đầu 40 gia đình giàu
nhất ở Philippines với khối tài sản ước tính 9,1 tỉ USD, theo tạp chí
Forbes. Dự báo ông sẽ còn đứng đầu danh sách này trong nhiều năm nữa,
bởi tài sản hiện có của ông nhiều gấp đôi so với người thứ hai là ông
Lucio Tan, cũng là một người Philippines gốc Phúc Kiến như ông.
Ông
Henry Sy, tên thật là Thi Chí Thành, được nhiều người Philippines biết
đến với nhiều biệt hiệu như ““Vua bán lẻ”, “Cha đẻ siêu thị giày” bởi
ông là người đầu tiên ở Philippines mở siêu thị giày và sở hữu một trung
tâm mua sắm lớn thứ hai thế giới về quy mô và đa dạng dịch vụ.
Từ tiệm đến trung tâm mua sắm
Ông
Sy sinh ra cách đây 88 năm, tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Hạ Môn,
tỉnh Phúc Kiến. Ông ở với ông bà cho đến năm 12 tuổi vì trước đó, cha
mẹ ông đã di cư đến khu phố Tàu Quiapo của Manila, thủ đô Philippines,
sinh sống bằng nghề bán tạp hóa.
Ông Henry Sy, người giàu nhất Philippines. Ảnh: INQUIRER
Năm 1936, ông Sy mới được đoàn tụ với
cha mẹ, vừa đi học vừa phụ giúp gia đình. Con nhà nghèo, ông quyết tâm
học thật giỏi để thoát nghèo. Thế chiến thứ hai bùng nổ, tàn phá Manila
và sự nghiệp mua bán của gia đình ông.
Năm
1945, chiến tranh chấm dứt, ông Sy đi bán dạo giày lính Mỹ. Ông nghiên
cứu thị trường và quyết định theo đuổi ngành kinh doanh giày. Ông thực
hiện một chuyến đi buôn dài đến bờ Đông nước Mỹ và trở về với những ý tưởng kinh doanh độc đáo...
Năm
1950, ông nhập quốc tịch Philippines, lấy tên là Henry Sy, đăng ký vào
Trường Đại học Viễn Đông, học Khoa Thương mại nhưng nghỉ nửa chừng, cưới
vợ. Muốn kinh doanh phải có vốn, ông được Ngân hàng China Bank cho vay 1
triệu peso để mở cửa hàng mua bán giày nhỏ đầu tiên trên đường Carriedo
năm 1958 với thương hiệu SM.
Tại
sao là SM? Ông Sy giải thích: “Tôi muốn có một cái tên thật dễ nhớ khi
tôi mở thêm cái mới. Chẳng hạn như SM Cubao, khi tôi mở tiệm ở Cubao
hoặc SM Makati khi mở ở Makati”.
Từ SM đầu tiên, ông mở thêm 3
cửa hàng không chỉ bán giày mà kết hợp bán thêm thiết bị điện tử. Năm
1975, trung tâm mua bán SM của ông trở thành cửa hàng bách hóa thực thụ
bao gồm các gian hàng đa dạng giống như siêu thị. Ông đã có bước đột phá
lớn vào năm 1985 khai trương siêu trung tâm mua sắm có máy lạnh đầu
tiên ở thành phố Quezon. Năm 1991, ông khai trương siêu trung tâm SM
Megamall có rạp chiếu bóng và sân trượt băng.
Ngày
21-5-2006, ông thực hiện ước mơ lớn nhất đời ông là xây dựng SM - Trung
tâm Mua sắm châu Á trên một khu đất rộng 19,5 ha. Tại đây, ngoài khu
bán hàng, có khu giải trí Pacifica (bowling, bi-da, rạp chiếu bóng IMAX
có màn hình rộng 22 x 33 m, sân trượt băng đạt chuẩn Olympic), nhà bảo
tàng khoa học, khu công nghệ thông tin, khu triển lãm thương mại, trung
tâm hội nghị, khu biểu diễn nghệ thuật và tổ chức sự kiện thể thao...
Tất cả do Công ty SM Prime Holdings điều hành. Ông Sy còn mở 3 trung tâm
mua sắm SM ở Hạ Môn - Trung Quốc và sắp mở thêm một trung tâm mua sắm ở
Thành Đô và ở đảo Guam - Mỹ.
Tính
đến nay, ông Sy xây hơn 30 trung tâm mua sắm khổng lồ ở Philippines,
trong đó có 4 trung tâm được xếp vào danh sách 10 trung tâm mua sắm lớn
nhất thế giới.
Tìm cơ hội trong thách thức
Ông
Henry Sy học tập ở cha tính cần cù, sống thanh đạm với đồng lương ông
tự phát, không tiêu xài lớn như các tỉ phú khác. Có bao nhiêu lợi nhuận,
ông đều đầu tư vào việc kinh doanh trong suốt 54 năm qua.
Đại trung tâm mua sắm châu Á SM Mall of Asia. Ảnh: WORDPRESS
Đối
với gia đình, ông giáo dục con cái (5 người) theo đạo Khổng, đề cao sự
kiên trì và lao động cật lực. 13 tuổi, tất cả đều phải đi làm phụ cha mẹ
đi giao hàng, sắp xếp hàng hóa trên kệ và tính tiền.
Sy-Coson,
con trai trưởng ông Sy, kể lại: “Ông luôn dạy rằng tài sản thật sự
không tính bằng số tiền kiếm được mà bằng số sinh mạng con người được
giúp đỡ. Ông ấy thành công là nhờ đánh giá đúng bản chất của người
Philippines. Họ làm việc và mua sắm vì gia đình. Họ dành nhiều thời giờ đi mua sắm, đi ăn ngoài tiệm, xem phim và vui chơi với con cái”.
Dù
tuổi cao sức yếu, hằng ngày, ông Sy vẫn ngồi trên xe lăn đến các SM xem
xét việc kinh doanh và tham dự cuộc họp hội đồng quản trị hằng tuần của
Tập đoàn SM. Sự có mặt của ông rất quan trọng vì đôi khi các giám đốc
không đạt được sự đồng thuận. Khi đó, ông góp ý và đưa ra giải pháp tốt
nhất.
Tài năng đặc biệt của ông Sy là luôn thành công trong những lúc khó khăn.
Phương châm của ông là: “Lúc bình yên, tôi lao động liên tục. Lúc khó
khăn, tôi làm việc cật lực hơn. Lạc quan là đức tính rất quan trọng”.
Ông Sy không chỉ kinh doanh bán lẻ, ông còn lấn sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ngân hàng, khai thác mỏ, nhà hàng - khách sạn, dịch vụ y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét